Hà Nội điều Chỉnh Lộ Trình Phát Triển Năm Huyện Lên Quận
Có thể bạn quan tâm
Với mục tiêu phát triển huyện Hoài Ðức thành quận vào năm 2020, phát triển các huyện Ðông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Ðan Phượng thành quận vào năm 2025, trong giai đoạn 2016-2020 thành phố Hà Nội đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng để đầu tư các dự án cấp thành phố trên địa bàn năm huyện.
Khó khăn về nguồn lực
Những ngày gần đây, các đoàn kiểm tra của Huyện ủy Ðông Anh liên tục làm việc với các xã về đề án xây dựng xã thành phường. Tại xã Tiên Dương, địa phương về đích nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, đến nay còn hai tiêu chí chưa đạt gồm tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật và cân đối thu-chi ngân sách. Ðể sớm hoàn thành hai tiêu chí này, bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư, Ủy ban nhân dân xã Tiên Dương vận động người dân, doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các hộ gia đình, doanh nghiệp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để tổ chức đấu giá các khu đất xen kẹt, tăng nguồn thu cho ngân sách. Xã Vân Hà đến nay cũng còn hai tiêu chí chưa đạt, gồm xử lý nước thải đô thị và cân đối thu-chi ngân sách.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân xã Vân Hà, nhờ có nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống cho nên thu nhập trung bình của người dân khá cao. Trên địa bàn xã có nhiều doanh nghiệp hoạt động, nhưng thu ngân sách của xã không đủ chi. Vì thế, xã đề xuất huyện phân bổ nguồn thu từ các doanh nghiệp thuê đất trên địa bàn để địa phương cân đối thu-chi. Còn tiêu chí xử lý nước thải đô thị, xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông gắn với hạ tầng xử lý nước thải.
Tại huyện Hoài Ðức, đối với 15 tiêu chí phường, đến nay mới có một xã đạt 15 tiêu chí, còn lại 18 xã, thị trấn đạt từ 10 đến 13 tiêu chí, có một xã chỉ đạt tám tiêu chí. Ðiều đáng nói là các tiêu chí chưa hoàn thành đều khó thực hiện, đòi hỏi nguồn ngân sách lớn, liên quan đến xử lý nước thải, làm đường giao thông, cơ sở y tế cấp đô thị, đất cây xanh công cộng và cân đối thu-chi ngân sách. Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thiện các tiêu chí xã thành phường, nhiều ý kiến đại diện các phòng, ban của Ủy ban nhân dân huyện Hoài Ðức và lãnh đạo ủy ban nhân dân các xã, thị trấn có chung nhận định, khó khăn lớn nhất dẫn đến việc triển khai các dự án chậm trễ là do thiếu kinh phí và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Còn tại huyện Thanh Trì, để hoàn thành ba tiêu chí cân đối thu-chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng, từ năm 2021 huyện đã ban hành năm kế hoạch thực hiện, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực. Trong đó, tiêu chí đất cây xanh công cộng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022 với việc tập trung đầu tư 18 dự án hạ tầng cây xanh công cộng, 21 dự án kè ao hồ, 13 dự án trung tâm văn hóa kết hợp cây xanh công cộng, 12 dự án hạ tầng kỹ thuật các khu đấu giá và tái định cư.
Ðối với tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị, huyện đề xuất thực hiện 46 dự án đường giao thông, gồm có 28 dự án thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của huyện, 18 dự án thuộc thẩm quyền quản lý và đầu tư của thành phố. Dự kiến đến năm 2025, nếu đủ nguồn vốn đầu tư hoàn thành toàn bộ 46 dự án đường giao thông, khi đó huyện Thanh Trì sẽ đạt tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị theo tiêu chuẩn quận.
Điều chỉnh lộ trình về đích
Theo tổng hợp của Huyện ủy Ðông Anh, đối với bộ tiêu chí xây dựng xã, thị trấn thành phường, trong sáu tháng đầu năm 2022, các xã đã đạt thêm 77 chỉ tiêu, nâng tổng số xã hoàn thành 15 tiêu chí lên 14 đơn vị trong tổng số 24 đơn vị của huyện. Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2022 có thêm từ sáu đến tám xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ðây là cơ sở thuận lợi để tháng 9/2022, huyện hoàn thành dự thảo Ðề án thành lập quận, thành lập các phường, tháng 11/2022 tổ chức họp hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện và tháng 12/2022 sẽ trình thành phố.
Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn. Theo đại diện Huyện ủy Ðông Anh, để có nguồn lực đầu tư các dự án, thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh thu thuế, phí, lệ phí và các khoản nợ đọng; đấu giá, đấu thầu các ô đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án, đồ án quy hoạch các điểm dân cư.
Ðể tăng cường nguồn lực đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, từ nay đến hết năm 2025, huyện tập trung xây dựng hạ tầng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng khoảng 63,2ha đất; thực hiện quy hoạch, xây dựng năm khu đô thị mới với diện tích khoảng 199ha... Huyện sẽ tích cực đôn đốc các chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất và rất cần sự hỗ trợ của thành phố để thực hiện các dự án.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển năm huyện thành quận của thành phố Hà Nội, đối với 27 tiêu chí quận, đến nay huyện Ðông Anh đạt 26 tiêu chí, huyện Gia Lâm đạt 25 tiêu chí, huyện Thanh Trì đạt 24 tiêu chí, huyện Hoài Ðức đạt 22 tiêu chí và huyện Ðan Phượng đạt 21 tiêu chí.
Ðể hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, các huyện kiến nghị thành phố cho phép được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn; được hưởng toàn bộ khoản thu thuế phát sinh… Tuy nhiên, theo tính toán của Sở Tài chính, nếu phân cấp cho năm huyện toàn bộ nguồn thu, thì chỉ có huyện Ðông Anh và huyện Gia Lâm bảo đảm cân đối thu chi, còn tỷ lệ thu chi của huyện Thanh Trì đạt 75%, huyện Hoài Ðức 47% và huyện Ðan Phượng đạt 27%. Ðối với tiêu chí về mật độ đường giao thông, trong điều kiện nguồn vốn thành phố khó khăn cần phải đẩy mạnh thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, cả năm huyện đều đã xây dựng lộ trình và dự kiến thời gian hoàn thành các tiêu chí quận từ năm 2022 đến năm 2025. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế và đánh giá của các sở chuyên ngành, Sở Kế hoạch và Ðầu tư dự kiến đến năm 2025 có hai huyện có khả năng hoàn thành đề án là Ðông Anh, Gia Lâm. Sở Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất Ban Chỉ đạo thành phố xem xét, điều chỉnh lộ trình thực hiện đề án của năm huyện theo lộ trình, huyện Ðông Anh và huyện Gia Lâm sẽ về đích quận trong giai đoạn 2022-2025; ba huyện còn lại rà soát, giãn tiến độ với lộ trình phù hợp.
Mới đây, phát biểu tại hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển năm huyện thành quận của thành phố Hà Nội Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, việc phát triển năm huyện thành quận không chỉ là nhiệm vụ của các huyện mà là trách nhiệm của thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thống nhất với ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo và đề nghị thành phố ban hành nghị quyết riêng dành cho năm huyện để có những cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, đất đai, quy hoạch, hạ tầng; chuẩn bị đội ngũ cán bộ.
Từ khóa » Thanh Trì Lên Quận 2020
-
5 Huyện Của Hà Nội Sắp Lên Quận Còn Thiếu Các Tiêu Chí Nào? - VOV
-
Thanh Trì Thiếu 3 Tiêu Chí để Lên Quận Vào 2025 - Xã Hội - Zing
-
Huyện Thanh Trì đang “thẳng Tiến” Lên Quận - Reatimes
-
Thông Tin Tổng Quan Về Huyện Thanh Trì (Hà Nội)
-
Phấn đấu đưa Huyện Thanh Trì Lên Quận Vào Năm 2023
-
Tận Dụng Nguồn Thu Từ đấu Giá đất, Sớm đưa Thanh Trì Lên Quận
-
5 Huyện Của Hà Nội Sắp Lên Quận: Gấp Rút Giải Quyết Các Cơ Chế ...
-
Thanh Trì Tích Cực Hoàn Thiện Các Tiêu Chí Lên Quận
-
Tiến độ 'cuộc đua' Lên Quận Của 5 Huyện: Hoài Đức, Đan Phượng ...
-
Thanh Trì Còn Ba Tiêu Chí Chưa đạt để Lên Quận Vào Năm 2023
-
Hà Nội Sẽ Có 8 Huyện Phát Triển Lên Quận - VnEconomy
-
Tiết Lộ Phương án Giải Quyết Nốt 3 Tiêu Chí để Huyện Thanh Trì Lên ...
-
Tháo Gỡ 'nút Thắt' để 5 Huyện Phát Triển Lên Quận