5 Tỉnh Có Sản Lượng Tôm Lớn Nhất - Tạp Chí Thủy Sản

Cà Mau

Là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước, với hơn 267.000 ha (tôm sú hơn 261.000 ha, tôm thẻ chân trắng (TTCT) hơn 6.500 ha). Sản lượng đạt hơn 116.000 ha (tôm sú hơn 86.000 tấn, TTCT hơn 29.000 tấn). Hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến chiếm diện tích lớn với hơn 259.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay ở vùng ngoài quy hoạch, diện tích nuôi tôm công nghiệp tiếp tục tăng, tập trung tại các huyện Cái Nước, Phú Tân, Đầm Dơi… gây khó cho việc quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh và nguồn tôm giống. Do đó, công tác chỉ đạo, quản lý của các ngành, địa phương, cử lực lượng cán bộ kỹ thuật cơ sở bám sát vùng nuôi để kịp thời nắm tình hình và xử lý tình huống phát sinh, phục vụ tốt nhất cho người dân yên tâm sản xuất cần được tăng cường.

Bạc Liêu

Nhiều năm liền, Bạc Liêu giữ vị trí thứ hai khu vực ĐBSCL về sản lượng và diện tích nuôi tôm nước lợ, với tổng sản lượng 95.700 tấn; trong đó, diện tích thả nuôi hơn 124.471 ha. Sản lượng tôm nuôi tại Bạc Liêu chiếm gần 1/4 sản lượng tôm chất lượng cao của cả nước. Nuôi tôm đã và đang thật sự là thế mạnh kinh tế của Bạc Liêu. Tuy nhiên, tình hình nuôi TTCT ngoài quy hoạch đang là “vấn nạn” của Bạc Liêu. Cho đến nay, đã có 31.000 ha diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch tại các huyện Hồng Dân, Đông Hải, TP Bạc Liêu. Trong khi TTCT hiện nay đầu ra vẫn hết sức bấp bênh, các doanh nghiệp mua không nhiều. Do đó, quy hoạch lại vùng nuôi tôm vẫn là nhiệm vụ chủ đạo của ngành thủy sản Bạc Liêu.

Sóc Trăng

Năm 2014, diện tích nuôi tôm tại Sóc Trăng 52.487 ha, sản lượng 67.312 tấn. Sản lượng tôm sú 10.727 tấn, TTCT 56.585 tấn; với diện tích nuôi lần lượt 21.342 ha và 31.145 ha, Sóc Trăng là tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi tôm lớn thứ ba trong nước. Khó khăn hiện nay của tỉnh này là tình trạng nuôi TTCT tự phát phát triển mạnh tại những huyện có điều kiện hạ tầng và những huyện chưa đủ điều kiện hạ tầng, với diện tích tới 56.585 ha. Nhiều hộ đã khoan giếng, đào ao nuôi tôm, gây áp lực môi trường một số vùng nuôi… Người nuôi cần điều chỉnh mật độ, áp dụng các biện pháp cải tạo môi trường từ ao nuôi đến vùng nuôi.

Bến Tre

Với sản lượng 52.000 tấn/năm 2014 và diện tích 35.953 ha, Bến Tre là tỉnh có sản lượng và diện tích lớn thứ tư trong nước. UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi TTCT đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Theo đó, diện tích nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh của tỉnh chỉ còn 4.072 ha, do 428 ha sẽ chuyển sang nuôi TTCT; chuyển 202 ha tôm sú quảng canh cải tiến sang nuôi TTCT (diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến còn lại 13.149 ha) và 1.280 ha nuôi tôm sú – lúa chuyển sang TTCT (diện tích mô hình này còn lại 7.620 ha). Dự kiến, năm 2015, tổng diện tích nuôi TTCT khoảng 4.390 ha, năm 2020 là 7.820 ha, năm 2030 là 8.300 ha.

Kiên Giang

Đứng thứ 5 về sản lượng tôm nước lợ trong cả nước, Kiên Giang thả nuôi tôm trên 90.389 ha; sản lượng 51.430 tấn. Nhiều năm liên tục, Kiên Giang vẫn phát triển hình thức tôm – lúa, quảng canh – quảng canh cải tiến và nuôi thâm canh, bán thâm canh. Tỉnh đang phấn đấu năm nay đạt sản lượng 52.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2013.

Từ khóa » đâu Là Vùng Nuôi Tôm Lớn Nhất Của Nước Ta Hiện Nay