5 Yếu Tố Làm Mất Cân Bằng độ PH Trong âm đạo - VnExpress Sức Khỏe

Độ pH lành mạnh của âm đạo ở mức từ 3,8 đến 4,5. Trong độ tuổi từ 15-49, mức độ pH khỏe mạnh thường bằng hoặc thấp hơn 4,5. Theo các chuyên gia y tế, độ pH của âm đạo rất quan trọng vì nó hoạt động như một rào chắn chống lại vi khuẩn không tốt. Tuy nhiên, một số các thói quen hằng ngày lại có thể khiến độ pH trong âm đạo tăng cao hơn bình thường. Dưới đây là những yếu tố khiến độ pH tăng.

Quan hệ tình dục không an toàn

Tinh dịch có tính kiềm với độ pH từ 7,1 đến 8. Khi quan hệ tình dục không an toàn sẽ khiến tinh dịch xâm nhập quá nhiều vào vùng kín và làm mất cân bằng độ pH. Mặc dù sự gia tăng độ pH này hữu ích cho việc thụ thai nhưng nó lại dễ mang đến nguy cơ bị nhiễm trùng. Do đó, các bác sĩ thường khuyến khích chị em nên đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục. Bởi việc đi vệ sinh có thể giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi niệu đạo.

Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn gây hại mà cả những vi khuẩn tốt giúp duy trì độ pH âm đạo cũng bị loại trừ. Vì thế dùng thuốc không đúng cách theo chỉ định của bác sĩ có thể gây mất cân bằng pH.

Độ pH của âm đạo rất quan trọng vì nó hoạt động như một rào cản chống lại vi khuẩn gây hại. Ảnh: Freepik

Độ pH của âm đạo rất quan trọng vì nó hoạt động như một rào cản chống lại vi khuẩn gây hại. Ảnh: Freepik

Thụt rửa

Theo một nghiên cứu cho thấy có đến 20% phụ nữ thường xuyên rửa âm đạo bằng hỗn hợp nước và giấm, muối nở hoặc i-ốt. Các chuyên gia y tế cho biết, thụt rửa âm đạo không chỉ làm tăng nồng độ pH mà còn tạo điều khiện cho vi khuẩn có hại phát triển. Do đó, các chị em chỉ nên rửa sạch bên ngoài âm đạo bằng nước hoặc dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp.

Kỳ kinh nguyệt

Máu có độ pH là 7,4. Do đó, khi các chị em bước vào thời kỳ kinh nguyệt, độ pH của âm đạo có thể tăng lên. Tuy nhiên, sau khi kết thúc kỳ "đèn đỏ" thì môi trường âm đạo sẽ dần trở về trạng thái bình thường.

Viêm âm đạo do vi khuẩn

Viêm âm đạo do vi khuẩn là một tình trạng bệnh lý xảy ra khi có quá nhiều vi khuẩn trong âm đạo. Điều này có thể làm tăng nồng độ pH vùng kín và gây nên các triệu chứng như bị ngứa, rát hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu kèm dịch tiết màu trắng hoặc xám.

Ngoài ra, sự hiện diện của các bệnh nhiễm trùng khác cũng có thể làm tăng độ pH trong âm đạo.

Cách giữ âm đạo luôn được cân bằng

Giữ nồng độ pH trong âm đạo ở mức cân bằng có thể giúp giảm nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng. Khi thử đo nồng độ pH trong âm đạo ra kết quả cao kèm theo các triệu chứng như ngứa, nóng ran hoặc có dịch tiết ra mùi hôi, các chị nên đến gặp bác sĩ để thực các xét nghiệm và chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng. Nếu mức độ pH trong âm đạo thường xuyên cao mà không có bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào, các chị em có thể thực hiện một số cách giảm mức độ pH, bao gồm:

Tránh dùng xà phòng mạnh và thụt rửa: xà phòng thường có độ pH cao và việc sử dụng chúng để làm sạch vùng âm đạo có thể làm tăng độ pH trong âm đạo. Do đó, hãy sử dụng nước ấm và chất tẩy rửa nhẹ nhàng để làm sạch bên ngoài, tránh thụt rửa vào bên trong.

Bổ sung probiotic: probiotic giúp khôi phục mức vi khuẩn tự nhiên của cơ thể. Một số thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng này như sữa chua, súp miso và kombucha.

Thay băng vệ sinh thường xuyên: khi kỳ kinh đến, các chị em nên thay băng vệ sinh thường xuyên để giảm nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn và tránh làm tăng độ pH của âm đạo.

Dùng bao cao su khi quan hệ: sử dụng bao cao su không chỉ giúp tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục mà còn có thể ngăn tinh dịch, các chất lỏng khác ảnh hưởng đến nồng độ pH trong âm đạo.

Huyền My (Theo Medical News Today, Forbes, Healthline)

Từ khóa » độ Ph Của Phụ Nữ