50 Năm Nối đôi Bờ Bến Hải: Nghe Hiền Lương Kể Chuyện

Xa nhau chỉ một mái chèo Mà như trăm núi, vạn đèo tới đây (Tám năm nay mới gặp - Thanh Hải)

Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, có lẽ hiếm có cây cầu nào đặc biệt như Hiền Lương. Cây cầu là chứng nhân của đoạn trường chia cắt đất nước trong suốt 7.000 ngày đằng đẵng. Và cũng chính Hiền Lương là biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông không thể nguôi trong suốt 20 năm trường.

Những người gắn bó với Hiền Lương ngày nào giờ người còn, người mất. Nhưng câu chuyện về họ sau 50 năm ngày Quảng Trị được giải phóng vẫn giống như một bản trường ca ngân mãi trong lòng người hiện tại. Bản trường ca tổng hòa trong mình sức mạnh của thế trận toàn dân; ý chí kiên trung, bền gan vững chí của đôi bờ Bến Hải và trên hết là khát vọng hòa bình bỏng cháy. Hãy cùng nghe Hiền Lương kể lại câu chuyện của chính mình.

Bài 1: Vĩ tuyến 17 có… Hiền Lương

Tháng 7/1954, khi hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia đôi ở vĩ tuyến 17 nơi dòng sông Bến Hải. Cầu Hiền Lương với vị trí bắc qua đôi bờ cũng trở thành “điểm nối” hai nửa non sông, chờ đến ngày tổng tuyển cử sẽ diễn ra sau đó chỉ 2 năm.

Thế nhưng, lời hẹn thề đoàn tụ bên “sông tuyến” ấy đã phải kéo dài đằng đẵng tới mấy mươi năm sau.

Trăm năm một cây cầu

Nhìn trên địa đồ Tổ quốc, sông Bến Hải như một dải lụa mảnh, bắt nguồn từ trên đỉnh núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn trước khi buông mình chảy dọc theo vĩ tuyến 17 và tìm ra biển lớn ở Cửa Tùng. Bến Hải cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh của tỉnh Quảng Trị với thôn Minh Lương (tên gọi cũ) ở phía bờ Bắc và Xuân Hòa ở bờ Nam.

50 Giải phóng Quảng Trị: Nghe Hiền Lương kể chuyện -0

Bom đạn Mỹ hủy diệt đôi bờ sông Bến Hải. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải).

Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, đến thời vua Minh Mạng, để tránh phạm húy, Minh Lương được đổi tên thành Hiền Lương. Vào thời điểm này, việc giao thương đi lại vẫn chỉ được thực hiện bằng các chuyến đò. Phải tới tận năm 1928, trong nỗ lực “nối đôi bờ”, từ phía Bắc, phủ Vĩnh Linh khi đó mới huy động hàng ngàn nhân công địa phương dựng cầu. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hiền Lương chính thức được “khai sinh” với chiều rộng 2m, đóng bằng cọc sắt và dành riêng cho người đi bộ.

15 năm sau, người Pháp tiếp tục cho nâng cấp cầu để xe cỡ nhỏ có thể đi qua. Tới năm 1950, để phục vụ cho nhu cầu giao thông và quân sự ngày càng lớn, người Pháp mới quyết định xây dựng chiếc cầu bằng bê tông cốt thép, chính thức biến Hiền Lương thành một phần quan trọng kết nối dặm đường thiên lý Bắc - Nam.

Vào thời điểm này, cầu dài 162m, rộng 3,6m với trọng tải 10 tấn. Cây cầu tồn tại được 2 năm trước khi bị du kích đặt bộc phá đánh sập để ngăn chặn sự tiến công của người Pháp. Tháng 5/1952, Hiền Lương tiếp tục được xây mới với 7 nhịp, dài 178m, trụ bằng bê-tông cốt thép, dầm thép, mặt lát bằng gỗ thông, rộng 4m. Hai bên cầu có thành chắn cao 1,2m. Trọng tải tối đa lúc này đã lên tới 18 tấn. Đây cũng là cây cầu “nguyên bản”, tồn tại cho trong suốt 15 năm tiếp theo trong vai trò “giới tuyến” lịch sử.

50 Giải phóng Quảng Trị: Nghe Hiền Lương kể chuyện -0

Toàn cảnh đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải năm 1964. (Ảnh:Tư liệu Bảo tàng đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải)

Về sau này, Hiền Lương được nhà văn Nguyễn Tuân “lượng hóa” chi li:“Cầu Hiền Lương bắc vào năm 1950. Có bảy nhịp kháp vào nhau. Sắt cầu của Anh “Made in England”, ván cầu Mỹ “US-Vigira”, nhân công cầu là đám công bình trong quân đội viễn chinh Pháp cộng với số nhân lực PMT… Cầu có bảy nhịp, cộng lại chỉ có 178 mét, và ván cầu tổng cộng chỉ có 894 miếng ván. Chiều dài cầu, miền Bắc miền Nam mỗi bên giữ 89 thước nhưng ván cầu thì 450 tấn thuộc về Bắc, và như thế ta hơn mấy tấm” (Cầu ma - Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập II, tr.183).

Ông Trần Văn Minh - Phó Ban quản lý Cụm di tích Đôi Bờ Hiền Lương - Bến Hải kể lại: Năm 1954, sau khi để thua trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Pháp đồng ý trao trả độc lập cho Việt Nam theo Hiệp định Genève. Cầu Hiền Lương nằm trên vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời. Theo Hiệp định được ký kết, khu phi quân sự V-DMZ được lập ra dưới sự giám sát quốc tế, hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào 2 năm sau đó.

Hiền Lương… khuyết đôi bờ

“Giới tuyến quân sự không được coi là biên giới quốc gia và chỉ tồn tại cho đến khi hoàn thành Tổng tuyển cử để thành lập chính phủ liên hiệp”.

50 Giải phóng Quảng Trị: Nghe Hiền Lương kể chuyện -0

Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam có chữ ký của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu và Thiếu tướng Delteil, quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải).

Thi hành Hiệp định Genève, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Nam bộ đã tập kết ra miền Bắc với niềm tin và hy vọng 2 năm sau sẽ trở về bằng cuộc tổng tuyển cử như quy định.

Thế nhưng, ở phía bờ Nam, với ý đồ chia cắt Việt Nam lâu dài và tránh né việc “thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi” (Trích cuốn Chiến thắng bằng mọi giá - Cecil B. Currey), chính quyền Ngô Đình Diệm dưới sự hậu thuẫn của Mỹ đã kiên quyết từ chối tổng tuyển cử. Năm 1956, lãnh đạo của Việt Nam Cộng hòa tuyên bố “khóa tuyến”, phản bội lại Hiệp định Genève và biến vĩ tuyến 17 thành “biên giới quốc gia” đồng thời khiến Hiền Lương trở thành cây cầu khuyết đôi bờ suốt 15 năm tiếp theo.

50 Giải phóng Quảng Trị: Nghe Hiền Lương kể chuyện -0

Ông Trần Văn Minh - Phó Ban quản lý Cụm di tích Đôi Bờ Hiền Lương - Bến Hải chia sẻ cùng phóng viên Báo Nhân Dân. (Ảnh: THÀNH ĐẠT).

Ông Trần Văn Minh cho biết: Vào thời điểm đó, chính quyền Ngô Đình Diệm thậm chí còn cho đóng cọc để chia đôi dòng Bến Hải. Phía trên cầu, chính quyền miền nam cũ cũng giăng dây thép gai như “một nhát chém” chia đôi Hiền Lương để ngăn chặn việc đi lại, giao thương.

Trong bút ký “Cầu ma”, nhà văn Nguyễn Tuân đã từng quặn thắt gọi Hiền Lương là “cầu giả vờ” trên dòng “sông tuyến” bởi “tuyệt không có bóng bộ hành qua lại”. Ngay cả màu sơn của cầu cũng bị… chia đôi đầy chua xót.

Bà Nguyễn Thị Hương (Vĩnh Linh, Quảng Trị) - một nhân chứng hiếm hoi của giai đoạn “xẻ nửa dòng sông” nhớ lại: Cuối năm 1956, khi đang công tác tại Hà Tĩnh thì bà nhận được lệnh điều động vào vĩ tuyến 17 để… sơn cầu.

50 Giải phóng Quảng Trị: Nghe Hiền Lương kể chuyện -0

Bà Nguyễn Thị Hương (Vĩnh Linh, Quảng Trị) - một nhân chứng hiếm hoi của giai đoạn “xẻ nửa dòng sông” với nhiệm vụ sơn cầu Hiền Lương. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

“Lúc nớ, ở bên kia giới tuyến, chính quyền miền Nam đã cho sơn cầu thành màu xanh còn phía Bắc là màu gỉ sắt. Với ý chí: Cầu Hiền Lương chỉ có một và bắc-nam liền dải non sông, phân đội của chúng tôi nhận nhiệm vụ sơn lại thành một màu thống nhất”, bà Hương kể.

Thế nhưng, cuộc đấu tranh đòi hòa bình bằng… màu sắc cũng vô cùng cam go. Nửa Bắc cứ sơn lên màu nào thì phía đối diện, chính quyền Ngô Đình Diệm lại đổi sang màu khác. Cuộc chiến màu sơn ấy cứ thế kéo dài 5-6 năm trời và chỉ kết thúc vào khoảng năm 1962-1963 khi chính quyền miền nam cũ chấp nhận “thua cuộc” để cây cầu chung một màu xanh thống nhất.

50 Giải phóng Quảng Trị: Nghe Hiền Lương kể chuyện -0

Cầu Hiền Lương hiện tại được phục dựng lại với màu sơn xanh của bờ Nam và sơn vàng của bờ Bắc. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Bên cạnh “màu sơn”, một trận chiến khác không kém phần… kỳ lạ giữa đôi bờ chính là cuộc chiến âm thanh.

Dẫn chúng tôi đi xem cụm loa còn lưu giữ lại tại bảo tàng Khu di tích Đôi bờ, ông Trần Văn Minh giải thích: Những năm 1954-1964 là giai đoạn không còn tiếng súng ở đôi bờ giới tuyến, song cuộc chiến bằng tiếng nói đã diễn ra ở đây rất căng thẳng và quyết liệt giữa hai phe đối lập.

“Tại bờ Bắc, ban đầu, chúng ta cho xây dựng hệ thống loa phóng thanh được phân bố thành 5 cụm trong chiều dài 1.500m, mỗi cụm gồm 24 loa có công suất 25W. Thế nhưng, hệ thống này không thể át được các loa phía bờ Nam. Do đó, chúng ta đã quyết định tăng thêm 8 loa công suất 50W và 1 loa công suất 250W được viện trợ từ Liên Xô”, ông Minh kể.

Hai bên liên tục “đua” nâng công suất loa để “đấu qua lại” đôi bờ. Phía ta phát các chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, đài truyền thanh Vĩnh Linh, các chương trình ca nhạc, kịch nói, dân ca… cổ động tình yêu nước và khát vọng non sông. Một số bài thơ, ca cổ do các nghệ sĩ nổi tiếng của miền Bắc thể hiện được nhiều binh sĩ địch "thuộc lòng". Trong khi đó, bên kia “vĩ tuyến lửa”, địch không ngừng xuyên tạc lịch sử, tung hô chính quyền miền nam cũ. Cuộc “đấu loa” dai dẳng mãi cho tới tận năm 1965 khi Mỹ ném bom miền bắc mới chính thức dừng lại.

50 Giải phóng Quảng Trị: Nghe Hiền Lương kể chuyện -0

Một trong những giàn loa phát thanh ở bờ Bắc Bến Hải trong cuộc chiến đấu “đấu loa” giữa 2 bờ. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải)

Những tưởng, cây cầu “giả vờ” cứ thế sẽ tồn tại mãi trên dòng vĩ tuyến lửa đang chảy xuôi ra biển Đông. Thế nhưng, tới năm 1967, nhằm chặn dòng chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam, chính quyền miền nam cũ đã ném bom đánh sập cây cầu thiên lý. Kể từ đó cho tới khi Quảng Trị được giải phóng, không còn bất cứ một cây cầu nào bắc qua dòng Bến Hải nữa.

Mãi tới năm 1974, chúng ta đã cho xây dựng lại một cây cầu bằng bê-tông cốt thép với chiều dài 186m, rộng 9m, có hành lang dành cho người đi bộ. Sau ngày hòa bình lập lại, cầu ngày càng xuống cấp. Năm 1996, Bộ Giao thông vận tải đã cho xây chiếc cầu mới dài 230m, rộng 11,5m, nằm về phía tây cầu cũ. Cầu mới được thi công bằng công nghệ đúc đẩy - một phương pháp hiện đại nhất lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Đến năm 2001, cầu Hiền Lương được phục chế lại nguyên bản theo thiết kế của chiếc cầu cũ, dài 182,97m, gồm 7 nhịp, mặt lát gỗ lim có đánh số thứ tự từng tấm ván. Ngày 17/9/2003, khu di tích lịch sử cầu Hiền Lương được chính thức khởi công phục hồi, tôn tạo. Di tích cầu Hiền Lương được phục chế với cổng chào, nhà liên hiệp, đồn công an giới tuyến, tháp canh... Tháng 3/2014, cầu Hiền Lương được phục chế nguyên trạng 2 màu sơn xanh và vàng, như từng tồn tại trong lịch sử.

50 Giải phóng Quảng Trị: Nghe Hiền Lương kể chuyện -0

Di tích cầu Hiền Lương được phục chế với cổng chào, nhà liên hiệp, đồn công an giới tuyến, tháp canh thời điểm hiện tại. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đã gần 70 năm đã qua đi từ ngày bị phân ly và tròn 50 năm ngày con sông vỗ nhịp vui mừng khi đôi bờ bắc-nam quy về một dải, thế nhưng, những nỗi đau chia ly và cả khát vọng hòa bình dường như vẫn đang luôn thao thức cùng dòng Bến Hải và cây cầu có “thân phận đặc biệt” bậc nhất lịch sử Việt Nam.

(Còn tiếp)

Từ khóa » Di Tích Cầu Hiền Lương Sông Bến Hải