6 Bài Tập Cho Người Suy Giãn Tĩnh Mạch Chi Dưới - VnExpress

Giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng hoặc to ra chạy ngay dưới bề mặt da, thường là ở chân và bàn chân. Chúng hình thành khi các van trên tĩnh mạch trở nên yếu hoặc bị hư hỏng. Bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh cần có một phương pháp tập luyện thích hợp để thuyên giảm các triệu chứng do bệnh gây ra. Dưới đây là các bài tập hỗ trợ rất tốt cho bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới theo Web MD.

Đi bộ

Đi bộ là bài tập đơn giản và phù hợp với mọi lứa tuổi. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy đi bộ giúp người bệnh suy tĩnh mạch cải thiện các triệu chứng sau 20-30 phút đi bộ ngắn. Bạn tránh đi quá lâu vì có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch chân gây phản tác dụng. Trong lúc đi bộ, người bệnh có thể dùng vớ giãn tĩnh mạch để tăng thêm hiệu quả.

Bơi lội

Bơi lội là bộ môn được các bác sĩ khuyến khích người bệnh suy giãn tĩnh mạch nên tập luyện. Bởi các chuyển động trong quá trình bơi sẽ giúp hai chân không phải chịu nhiều áp lực như các môn thể thao trên cạn, từ đó giảm áp lực lên tĩnh mạch chân, tăng cường tuần hoàn máu. Ngoài lợi thế trên, bơi lội còn giúp giảm cân, phát triển các cơ bắp và tăng cường khả năng chống đỡ.

Đạp xe

Giống như bơi lội, đạp xe cũng giảm áp lực cho đôi chân. Đạp xe chậm cho phép vận động nhiều ở các vùng khớp chân. Đặc biệt, các hoạt động của chân cũng như nhịp hô hấp trong lúc đạp xe đạp tạo điều kiện cho máu về tim nhiều hơn, cải thiện các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chân. Ngoài đạp xe, người bệnh cũng có thể thực hiện bài tập đạp xe ngay tại nhà.

Với bài tập này, người bệnh chỉ cần nằm thoải mái trên sàn, sau đó, nâng từng chân lên trên không và di chuyển theo chuyển động tròn như động tác đạp xe.

Đạp xe tuy đơn giản nhưng có thể giúp người bệnh suy giãn tĩnh mạch lưu thông máu. Ảnh: Freepik.

Đạp xe tuy giúp người bệnh suy giãn tĩnh mạch lưu thông máu. Ảnh: Freepik.

Bài tập ngồi và đứng

Nếu không có thời gian tập luyện, người bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể thực hiện động tác đứng lên và ngồi xuống vào những khoảng nghỉ ngắn trong ngày. Khi tập, người bệnh chỉ cần ngồi xuống và đứng lên từ từ, chú ý giữ lưng thẳng, nhìn về phía trước, cố gắng thực hiện 10-15 lần mỗi hiệp.

Bài tập khuỵu gối

Khuỵu gối là bài tập được xây dựng dựa trên cơ chế kiểm soát nhịp nhàng lưu lượng máu đến phần dưới cơ thể. Với bài tập này, người bệnh cần đứng thẳng trên sàn nhà. Sau đó, bước chân trái tới trước rồi từ từ hạ thấp đầu gối chân trái vuông góc với mặt phẳng. Chân phải duỗi cong nhẹ và lưng thẳng. Bạn giữ nguyên tư thế trong 15 giây và hạ chân để về tư thế cũ, thực hiện mỗi bên chân 15 lần mỗi ngày.

Yoga

Tập yoga cũng là một trong những cách cải thiện các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Theo WebMD, tư thế giãn chân trên tường (Viparita Karani) có thể làm tăng lượng máu tuần hoàn lên tim, từ đó giúp các tĩnh mạch không bị tắc nghẽn. Đầu tiên, người bệnh cần nằm trên sàn. Sau đó, bạn đưa chân lên tường cho đến khi cơ thể tạo thành một góc vuông với mặt đất. Nếu không thoải mái, người bệnh có thể kê gối hoặc khăn ở phần lưng.

Huyền My (Theo WebMD)

Từ khóa » Giãn Tĩnh Mạch Chân Có đi Bộ được Không