Suy Giãn Tĩnh Mạch Còn Có Thể Tập Thể Dục Không? - Suckhoe123

Nhiều người khi phát hiện mình bị suy giãn tĩnh mạch đã ngừng thói quen tập luyện hàng ngày vì lo sợ rằng nếu tiếp tục tập thì sẽ làm cho các tình trạng bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, đây là điều không cần thiết và cũng không nên. Thói quen vận động thể chất đều đặn mỗi ngày là điều không chỉ có lợi ích lớn đối với tĩnh mạch mà còn tốt cho cả sức khỏe của tim cũng như là tình trạng sức khỏe toàn bộ cơ thể.

Tập thể dục và suy giãn tĩnh mạch

Bạn có biết rằng một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng suy giãn tĩnh mạch là do ngồi hoặc đứng trong thời gian dài?

Ngồi hoặc đứng quá lâu sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch và rất có hại, đặc biệt là những người vốn đã có nguy cơ cao gặp phải các bệnh về tĩnh mạch.

Mặc khác, tập thể dục sẽ giúp cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ bị giãn tĩnh mạch và cũng giúp ích cho cả những người hiện đang bị vấn đề này.

Mặc dù đúng là sẽ cần điều chỉnh lại thói quen tập luyện một chút nhưng đừng để suy giãn tĩnh mạch gây gián đoạn việc tăng cường sức khỏe hàng ngày. Ngay cả những hình thức vận động đơn giản, nhẹ nhàng như đi bộ cũng đem lại lợi ích đáng kinh ngạc.

Dưới đây là một số bài tập phù hợp nhất dành cho những người bị suy giãn tĩnh mạch.

Các bài tập nên chọn

Bài tập số 1: Đi bộ

Đi bộ mang lại rất nhiều lợi ích lớn, ví dụ như:

  • Cải thiện giấc ngủ
  • Ổn định mức đường huyết (lượng đường trong máu)
  • Tăng cường trí nhớ
  • Giảm nguy cơ té ngã
  • Cải thiện tâm trạng
  • Tăng cường lưu thông máu
  • Củng cố sức khỏe xương khớp
  • Cải thiện chức năng của não bộ
  • Giảm đau do viêm xương khớp, đau cơ xơ hóa,...
  • Tăng khả năng miễn dịch

Ngoài ra đi bộ còn có rất nhiều lợi ích khác nữa mà không hề gây ra bất kỳ tác hại hay rủi ro nào.

Đi bộ đặc biệt tốt cho những người bị suy giãn tĩnh mạch vì đi bộ là một bài tập cường độ thấp. Vì không cần giậm chân mạnh nên sẽ giúp tăng cường cơ bắp chân mà không gây áp lực lên mạch máu.

Việc tăng cường cơ bắp chân sẽ hỗ trợ cho sự lưu thông máu mà đây là rất cần thiết khi bị giãn tĩnh mạch.

Cố gắng đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần. Ban đầu có thể chỉ cần đi chậm và khi đã quen thì có thể tăng tốc độ lên. Đi bộ nhanh làm tăng nhịp tim, từ đó giúp đốt cháy nhiều calo hơn mà không gây rủi ro.

Bài tập số 2: Đạp xe hoặc tập máy Elliptical

Đạp xe hoặc tập máy elliptical là một lựa chọn khác dành cho những người bị suy giãn tĩnh mạch. Các bài tập này cũng có cường độ thấp giống như đi bộ nhưng lại giúp củng cố cơ bắp chân hiệu quả hơn, giúp tăng cường tuần hoàn máu qua chân cũng như là phần còn lại của cơ thể.

Điều quan trọng là các bài tập này đều không gây áp lực lên tĩnh mạch.

Bài tập số 3: Các bài tập chân

Đây là những bài tập đơn giản mà bạn có thể tự thực hiện tại nhà mà không cần dùng đến bất kỳ thiết bị nào.

Bạn có thể bắt đầu từ từ với những động tác dưới đây, chỉ cần lặp lại một vài lần và sau đó tăng dần lên khi đã quen.

Động tác đạp xe trên không

Động tác này giống như đạp xe trong khi nằm ngửa. Cách thực hiện như sau:

  1. Nằm ngửa trên thảm hoặc sàn và giơ cao hai chân trên không, gập đầu gối xuống tạo thành một góc 90 độ
  2. Từ từ duỗi chân phải ra trong khi vẫn gập chân trái
  3. Đưa chân phải trở lại vị trí ban đầu và lặp lại tương tự với chân trái
  4. Tiếp tục như vậy một vài lần

Nếu muốn thử cấp độ khó hơn thì hãy kết hợp cả cánh tay và bụng trong khi thực hiện bài tập này. Hãy gập người lên rồi chạm khuỷu tay phải vào đầu gối trái và đổi bên. Thực hiện luân phiên như vậy vài lần. Động tác này còn giúp làm săn chắc cả cơ bụng.

Kiễng gót

Như đã nói ở trên, việc củng cố cơ bắp chân sẽ giúp cải thiện sự lưu thông máu trong cơ thể và kiễng gót là một động tác củng cố cơ bắp chân vô cùng hiệu quả. Cách thực hiện như sau:

  1. Đứng thẳng, hai chân song song
  2. Kiễng gót chân lên
  3. Từ từ hạ thấp thân trên xuống, tạo thành tư thế gần giống như squat
  4. Thực hiện động tác này nhiều lần cho đến khi cảm thấy mỏi.

Động tác giơ chân

Cách thực hiện:

  1. Nằm nghiêng ở bên phải, chân trái đặt lên chân phải
  2. Từ từ giơ chân trái lên trên không, giữ một lúc rồi hạ xuống.
  3. Thực hiện một vài lần rồi sau đó đổi bên
  4. Nằm nghiêng sang bên trái và đặt chân phải lên chân trái
  5. Từ từ giơ chân phải lên, giữ một lúc rồi hạ xuống
  6. Lặp lại như vậy một vài lần

Bài tập này không chỉ giúp tăng cường cơ chân mà còn giúp củng cổ cơ bụng chéo.

Kiễng chân nâng cao

Động tác này cũng tương tự như động tác kiễng chân ở trên nhưng có thêm một bước và giúp tăng khả năng giữ thăng bằng lên gấp đôi. Cách thực hiện:

  1. Đứng thẳng, hai gót chân chạm nhau, mũi chân hướng ra ngoài tạo thành hình chữ V
  2. Kiễng gót chân lên
  3. Từ từ hạ thân trên xuống
  4. Hạ gót chân xuống và nâng mũi chân lên khỏi mặt sàn
  5. Quay lại tư thế ban đầu và lặp lại một vài lần

Các bài tập cần cẩn thận

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng suy giãn tĩnh mạch mà cần phải cẩn thận khi thực hiện hoặc tránh hoàn toàn các bài tập dưới đây:

Chạy bộ

Mặc dù chạy bộ mang lại một số lợi ích lớn cho sức khỏe tim mạch và giúp tăng cường đáng kể hiệu suất bơm, tuần hoàn máu nhưng đây lại không phải là bải tập phù hợp cho những người bị suy giãn tĩnh mạch.

Khi chạy bộ, đôi chân phải chịu lực tác động rất lớn do phải liên tục giậm mạnh xuống mặt đất hoặc máy chạy và điều này sẽ gây áp lực lên các mạch máu bên trong.

Tuy nhiên, nếu vấn đề về tĩnh mạch không quá nghiêm trọng và đã quen chạy bộ thì có thể chạy bộ chậm trên bãi cỏ hoặc trên các bề mặt mềm khác để giảm thiểu tác động tiêu cực lên đôi chân.

Nâng tạ

Gần đây, nâng tạ là một hình thức tập luyện được nhiều người lựa chọn nhờ hiệu quả giảm mỡ thừa cùng với nhiều lợi ích tuyệt vời khác, ví dụ như:

  • Tăng cường tốc độ trao đổi chất
  • Ngăn ngừa chấn thương
  • Tăng sức mạnh xương khớp
  • Cải thiện vóc dáng
  • Mang lại hiệu quả nhanh hơn các bài tập khác
  • Tăng hiệu suất vận động

Tuy nhiên, khi đang bị các vấn đề về tĩnh mạch như suy giãn tĩnh mạch thì tập tạ sẽ không còn phù hợp nữa.

Tập tạ được coi một hình thức tập luyện nặng, khiến cho các nhóm cơ phải căng lên tối đa và gây nhiều áp lực lên tĩnh mạch, do đó mà sẽ khiến cho các vấn đề về tĩnh mạch trở nên trầm trọng hơn.

Nếu vẫn muốn tập tạ thì nên chọn những mức tạ vừa phải, dùng dụng cụ hỗ trợ ví dụ như đai quấn và theo dõi tình trạng tĩnh mạch liên tục để điều chỉnh việc tập luyện cho phù hợp.

Dưới đây là 3 lưu ý quan trọng nếu tập tạ khi bị giãn tĩnh mạch:

  • Thở ra mỗi khi nâng tạ lên
  • Ngay sau khi hoàn thành thì nên đi bộ hoặc đạp xe để máu lưu thông và tuần hoàn trở lại bình thường
  • Mang tất nén trong và sau khi nâng tạ

Nói tóm lại, khi bị giãn tĩnh mạch thì hoàn toàn có thể tiếp tục tập thể dục, miễn là cẩn thận điều chỉnh chế độ tập luyện và không tập quá nặng. Điều này sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể nói chung và các tĩnh mạch nói riêng. Sau một thời gian ngắn, bạn sẽ nhận thấy những lợi ích đáng kinh ngạc.

Từ khóa » Giãn Tĩnh Mạch Chân Có đi Bộ được Không