6 Biện Pháp Tự Nhiên Khắc Phục Chứng Thở Khò Khè - VnExpress
Thở khò khè là âm thanh rít ở cường độ cao do luồng không khí đi qua các đường thở bị hẹp. Đường thở có thể bị chèn ép do dị ứng, nhiễm trùng, bệnh hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, suy tim, viêm nắp thanh quản, viêm phổi, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)... hoặc bất cứ thứ gì gây sưng, viêm đường hô hấp.
Trong một số trường hợp, thở khò khè có thể do chất nhầy dư thừa trong đường thở. Ho mạnh 2-3 lần có thể loại bỏ chất nhầy và giảm tiếng thở khò khè.
Nếu không rõ nguyên nhân gây ra tình trạng thở khò khè, người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị ngay lập tức. Ngoài ra, có một số biện pháp đơn giản tại nhà giúp người bệnh giảm triệu chứng thở khò khè.
Uống nước ấm
Nếu các triệu chứng thở khò khè là do chất nhầy trong khí quản, nước ấm có thể hữu ích. Uống trà thảo mộc hoặc nước ấm có thể giúp đánh tan chất nhầy. Mất nước cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thở khò khè. Do đó, bạn nên giữ ẩm cho đường thở bằng cách uống nhiều nước ấm.
Hít không khí ẩm
Hít không khí ẩm hoặc hơi nước ẩm có thể giúp giảm chất nhầy và tắc nghẽn trong đường thở, khiến bạn thở dễ dàng hơn. Tắm nước ấm bằng vòi hoa sen, sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà, thư giãn trong phòng xông hơi (tránh không khí khô và nóng của phòng xông hơi) cũng có thể giúp giảm tình trạng thở khò khè.
Ăn nhiều trái cây và rau củ hơn
Một số tình trạng hô hấp mạn tính có thể dẫn đến triệu chứng thở khò khè. Các nhà nghiên cứu ngày càng tìm hiểu nhiều hơn về vai trò của dinh dưỡng trong việc kiểm soát các triệu chứng này. Một đánh giá nghiên cứu năm 2015 cho thấy, vitamin C có thể có tác dụng bảo vệ hệ hô hấp. Trong đó, tiêu thụ các thực phẩm giàu vitamin C có thể hiệu quả hơn so với việc bổ sung vitamin C. Một số thực phẩm chứa nhiều vitamin C gồm: rau chân vịt, bông cải xanh, cà chua, ớt chuông, cam, bưởi...
Bên cạnh đó, đánh giá cũng ghi nhận chế độ ăn giàu vitamin D và E cũng có thể cải thiện sức khỏe đường hô hấp. Các thực phẩm giàu vitamin D gồm: sản phẩm làm từ sữa, thịt đỏ, cá nhiều dầu (cá hồi, cá kiếm), lòng đỏ trứng... Nguồn dinh dưỡng giàu vitamin E gồm: hạt hướng dương, quả hạnh, rau chân vịt, bơ đậu phộng...
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 cũng cho thấy, gừng tươi có chứa các hợp chất có thể giúp chống lại một số loại virus tấn công hệ hô hấp. Bạn có thể pha trà gừng tươi để kết hợp lợi ích của các hợp chất này với lợi ích của việc uống nước ấm, giúp giảm tình trạng thở khò khè.
Bỏ hút thuốc
Ngoài việc kích ứng đường thở, hút thuốc có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng gây thở khò khè như các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khí phế thũng, viêm phế quản mạn tính.
Khói thuốc cũng có thể gây thở khò khè ở những người khác, đặc biệt là trẻ em. Theo CDC Mỹ, trẻ em tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ gặp các cơn hen suyễn nặng thường xuyên hơn và bị nhiễm trùng đường hô hấp nhiều hơn so với những trẻ không tiếp xúc với khói thuốc.
Ngoài ra, khói từ lò sưởi, lò nướng thịt và các nguồn không phải từ thuốc lá cũng có thể gây thở khò khè.
Tập thở mím môi
Thở mím môi là một kỹ thuật làm chậm nhịp thở và khiến mỗi nhịp thở hiệu quả hơn bằng cách giữ cho đường thở mở lâu hơn. Khi nhịp thở hiệu quả hơn, bạn sẽ không cần dùng quá sức để hít thở. Do đó, tình trạng khó thở sẽ được cải thiện, giúp giảm thở khò khè.
Để thực hành kỹ thuật này, bạn có thể bắt đầu bằng cách thư giãn cổ và vai. Hít vào từ từ bằng mũi trong hai nhịp đếm, sau đó chúm môi lại giống như thổi sáo, thở ra từ từ trong 4 nhịp đếm. Tình trạng thở khò khè có thể giảm bớt sau khi thực hiện cách tập thở này.
Không tập thể dục trong thời tiết lạnh và khô
Đối với một số người, tập thể dục trong thời tiết khô và lạnh có thể khiến đường thở bị thắt lại. Khi nhịp thở tăng lên, bạn có thể bắt đầu thở khò khè. Điều này được gọi là co thắt phế quản do tập thể dục và nó có thể ảnh hưởng đến những người mắc hoặc không mắc bệnh hen suyễn mạn tính. Nếu bạn chỉ thở khò khè khi tập thể dục trong thời tiết lạnh giá, hãy thử chuyển việc tập luyện vào trong nhà.
Nếu bạn thở khò khè đi kèm với các triệu chứng như: da hơi tái xanh, đau ngực, thở nhanh không thể kiểm soát, khó thở, đau đầu, chóng mặt... hãy thăm khám bác sĩ ngay lập tức. Ngoài ra, nếu bạn bắt đầu thở khò khè sau khi mắc nghẹn, gặp phải chất gây dị ứng hoặc bị ong đốt, cần cấp cứu càng sớm càng tốt.
Châu Vũ (Theo Healthline, Verywellhealth)
Từ khóa » Khè Khò
-
Tiếng Khò Khè - Rối Loạn Chức Năng Hô Hấp - Cẩm Nang MSD
-
Điểm Danh Những Nguyên Nhân Gây Thở Khò Khè ở Người Lớn
-
Hiện Tượng Thở Khò Khè Xuất Phát Từ Nguyên Nhân Nào? | Medlatec
-
7 Nguyên Nhân Gây Thở Khò Khè Thường Gặp
-
Ngực Nặng, Thở Khò Khè: 6 Triệu Chứng Bạn Không Nên Bỏ Qua
-
Làm Gì Với Cơn Khò Khè Của Trẻ? | Vinmec
-
Khò Khè ở Trẻ Em
-
Thở Khò Khè - Hello Bacsi
-
'khò Khè': NAVER Từ điển Hàn-Việt
-
Làm Sao Nhận Biết Tiếng Thở Khò Khè Của Trẻ? - Báo Tuổi Trẻ
-
Khò Khè Và Hen Phế Quản ở Trẻ Em - Vì Lá Phổi Khỏe
-
Khò Khè ở Trẻ Nhỏ - Phổi Việt
-
Ho Thở Khò Khè ở Người Lớn: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều ...