6 Dấu Hiệu Của Cận Thị Mà Bạn Có Thể Nhận Biết Sớm - Hello Bacsi

Cận thị làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và gây suy giảm thị lực. Dấu hiệu của cận thị phổ biến nhất mà bạn dễ nhận biết là nhìn rõ các vật ở gần nhưng sẽ gặp khó khăn khi nhìn xa. Bạn thường khó nhận ra các dấu hiệu của cận thị nhẹ bởi tầm nhìn có thể thay đổi chậm.

Dấu hiệu của cận thị thường xảy ra ở trẻ em trong khoảng từ 8-12 tuổi và phát triển nhanh chóng trong độ tuổi thiếu niên. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu triệu chứng cận thị để có thể nhận biết sớm và điều trị tật khúc xạ phổ biến này nhé!

6 dấu hiệu của cận thị phổ biến

Triệu chứng cận thị ở trẻ em rõ ràng nhất trong độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Cận thị thường được phát hiện trong những năm đầu đi học và dần nặng hơn cho tới khi trẻ 20 tuổi. Từ 20 – 40 tuổi, dấu hiệu của bệnh cận thị thường khá ổn định.

Một người bị cận thị có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:

1. Nhìn mờ khi nhìn các vật ở xa

dấu hiệu của cận thị là nhìn mờ các vật ở xa

Nhìn mờ khi nhìn các vật ở xa là dấu hiệu của cận thị đặc trưng và phổ biến nhất. Người bị cận thị có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng gặp khó khăn khi nhìn những vật ở xa. Ví dụ, một người trưởng thành bị cận thị có thể không nhận ra các biển báo trên đường cho đến khi biển báo đó chỉ còn cách họ vài bước chân.

Đối với trẻ em, bạn có thể nhận thấy trẻ cũng gặp khó khăn khi nhìn ở khoảng cách xa. Trẻ dường như không thể nhận biết được các vật thể ở xa, cần phải thường xuyên cầm đồ vật ở gần mắt. Trẻ trong độ tuổi đến trường thì cần ngồi gần tivi, cúi sát mặt xuống sách hoặc ngồi bàn đầu trong lớp học mới nhìn rõ được.

2. Cần phải nheo hoặc nhắm một bên mắt để nhìn rõ

Một dấu hiệu của cận thị nhẹ khác là nheo mắt hoặc nhắm một bên mắt để nhìn rõ hơn. Nguyên nhân là do độ cận của mỗi mắt thường sẽ không giống nhau. Trẻ buộc phải nheo mắt hay nhắm một bên mắt bị mờ để tập trung nhìn rõ hơn mọi vật xung quanh.

3. Mỏi mắt là dấu hiệu của cận thị

Dấu hiệu bị cận thị là trẻ phải liên tục điều chỉnh cơ mắt để nỗ lực nhìn những vật ở xa. Điều này khiến cơ mắt phải làm việc và hoạt động nhiều, dẫn đến mỏi mắt. Mỏi mắt khiến trẻ phải nháy mắt liên tục; cũng có thể dẫn đến đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mắt, ngứa hoặc khô mắt. 

4. Nhức đầu

dấu hiệu của cận thị là nhức đầu

Nhức đầu cũng là một dấu hiệu của cận thị mà rất nhiều người dễ bỏ qua. Nếu trẻ hay than phiền về những cơn nhức đầu thường xuyên thì bạn đừng nên xem thường. Bởi nhức đầu đôi khi lại là hậu quả của việc căng mắt lâu ngày mà nguyên nhân thường gặp là do cận thị. Tuy nhiên, nhức đầu cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác. Hãy theo dõi cơn đau đầu của trẻ, nếu nó vẫn kéo dài thì hãy thăm khám càng sớm càng tốt.

5. Dụi mắt thường xuyên

Nếu trẻ còn quá nhỏ và không thể nói cho bạn biết về cơn nhức đầu hoặc các triệu chứng khác thì dụi mắt lại là dấu hiệu của cận thị dễ nhận biết hơn cả. Dụi mắt có thể là do khó chịu hoặc bị mỏi mắt khi sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài. Hãy giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử để xem liệu triệu chứng này có được cải thiện hay không. Nếu bạn vẫn thấy trẻ dụi mắt, hãy hẹn khám để đánh giá thị lực.

6. Khó nhìn khi lái xe, đặc biệt là vào ban đêm

Đối với người trưởng thành bị cận thị, việc lái xe có thể gặp khó khăn do tầm nhìn xa bị giới hạn. Ngoài ra, khi lái xe vào ban đêm, trong điều kiện thiếu ánh sáng, bạn có thể rất khó nhìn rõ, mọi thứ xung quanh bị mờ nhòe, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông.

dấu hiệu của cận thị là khó khăn khi lái xe

Các dấu hiệu của cận thị khác

Một số biểu hiện của cận thị khác nữa ở trẻ em mà bạn không nên bỏ qua, bao gồm:

  • Giảm hứng thú khi tham gia thể thao hoặc các hoạt động khác đòi hỏi tầm nhìn xa tốt
  • Thành tích học tập giảm sút
  • Giảm sự tập trung.

Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu trẻ gặp phải bất kỳ biểu hiện mắt cận thị nào kể trên, nghi ngờ do thị lực bị suy giảm thì hãy đến thăm khám với bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ có thể tiến hành khám mắt để xác định mức độ cận thị và tư vấn cách điều chỉnh thị lực phù hợp để giúp trẻ có thể nhìn rõ hơn.

Hãy thăm khám ngay lập tức nếu:

  • Sự xuất hiện đột ngột của những đốm nhỏ lướt qua hoặc trôi nổi trong tầm nhìn
  • Chớp sáng ở một hoặc cả hai mắt
  • Mất thị lực đột ngột ở một mắt

Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh bong võng mạc, một biến chứng hiếm gặp của bệnh cận thị và cần được điều trị kịp thời.

Phòng ngừa dấu hiệu của cận thị bằng cách kiểm tra mắt thường xuyên

Bước đầu tiên để ngăn ngừa những vấn đề thị lực nghiêm trọng là nhận biết sớm các dấu hiệu mắt bị cận thị để thăm khám và điều trị kịp thời. Vì không phải lúc nào bạn cũng có thể dễ dàng nhận biết các dấu hiệu cận thị và những vấn đề với thị lực ở trẻ nên Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyến nghị những khoảng thời gian thích hợp để kiểm tra mắt thường xuyên.

Cụ thể như sau:

Người lớn

Nếu bạn có nguy cơ cao mắc một số bệnh về mắt, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp, hãy đi khám mắt từ 1-2 năm một lần, bắt đầu từ 40 tuổi.

Nếu bạn có thị lực tốt, không xuất hiện dấu hiệu của cận thị và có ít nguy cơ mắc bệnh về mắt khác, hãy kiểm tra mắt từ 5-10 năm/lần trong độ tuổi từ 20-30, 2-4 năm/lần khi trong độ tuổi từ 40-54, 1-3 năm/lần ở tuổi từ 55-64 và 1-2 năm/lần khi trên 65 tuổi.

Nếu bạn đeo kính hoặc kính áp tròng và mắc các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến mắt, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bạn sẽ cần phải kiểm tra mắt thường xuyên hơn. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy bất kỳ vấn đề nào với thị lực, hãy thăm khám càng sớm càng tốt.

Trẻ em và thanh thiếu niên

Trẻ em cần được đo thị lực và tầm soát các bệnh về mắt với bác sĩ nhãn khoa vào các khoảng thời gian sau: trước 1 tuổi, năm 3 tuổi và trước khi bước vào lớp 1, sau đó là 2 năm/lần sau mỗi năm học.

Ngoài việc thăm khám mắt định kỳ, bạn có thể áp dụng một số cách đơn giản sau đây để ngăn ngừa tật cận thị:

  • Dành thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời và tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn.
  • Hạn chế học tập và làm việc trong không gian thiếu ánh sáng.
  • Hạn chế thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại,…
  • Nghỉ ngơi để thư giãn và kéo căng cơ mắt
  • Đeo kính râm khi ra bên ngoài trời nắng gắt.
  • Bỏ thuốc lá.
  • Ăn thực phẩm bổ sung các dưỡng chất tốt cho mắt cận thị như vitamin A, C và lutein. Chúng có nhiều trong rau xanh lá, trái cây tươi, các loại củ màu cam đỏ.

Cận thị có thể dẫn đến hiệu quả học tập, sinh hoạt và làm việc giảm sút; thậm chí gây ra các vấn đề thị lực nghiêm trọng hơn như bong võng mạc, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, tăng nhãn áp,… Vì vậy, đừng bao giờ chủ quan trước dấu hiệu của cận thị, hãy chủ động biết cách nhận biết bị cận và điều trị từ sớm, bạn nhé!

Từ khóa » Hay Nheo Mắt Là Bệnh Gì