6 Lý Do Cơn Giận Là Yếu Tố Giúp Bạn Thành Công | Harper's Bazaar

Giận dữ vẫn thường được coi là biểu hiện của sự thiếu kiềm chế. Nhưng bạn có biết cơn giận cũng có những tác dụng tích cực? Hãy cùng Bazaar bóc tách sự thú vị tiềm ẩn của dạng thức cảm xúc mãnh liệt này. Từ đó, bạn có thể tận dụng được năng lượng của cơn giận để đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống đầy ắp áp lực hiện nay.

Nổi cáu là một phản ứng tự nhiên

Tức giận được định nghĩa là phản ứng khó chịu về cảm xúc hoặc hành vi do một nhu cầu, niềm tin hoặc kỳ vọng không được đáp ứng. Sự kích thích về sinh lý học do adrenaline tăng lên nuôi cơn cáu đến một mức độ sẽ huy động toàn bộ cơ thể nhằm thực hiện một hành động mạnh mẽ.

Điều có thể nhận thấy là những suy nghĩ, cảm xúc và hành động đó không phải là điều được mong muốn hay thường xuyên được đón nhận trong đời sống xã hội.

Oái oăm thay, việc kiềm chế các cơn thịnh nộ khi nó vừa tựu hình lại mang đến những hiệu quả tiêu cực cho sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ức chế cơn giận có thể làm trầm trọng hơn nỗi đau đớn và gia tăng sự căng thẳng cho hệ tuần hoàn. Đè nén cơn giận cũng thường gắn liền với tâm lý hoài nghi, căm thù và là nguyên nhân dẫn tới trầm cảm.

Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa luôn cần bày tỏ sự tức giận. Trong cuộc sống, mọi thứ luôn cần đạt đến sự điều độ.

Thành đạt vì cơn giận

Điều thú vị là nhiều người thành đạt trong xã hội lại nổi tiếng vì tính cách nóng nảy. Ông vua phim hài Hồng Kông Châu Tinh Trì là người có lối chỉ đạo diễn xuất đặc trưng với việc la lối, thay đổi kịch bản ngay tại phim trường. Nhưng chính cách làm việc có phần tùy hứng đó lại luôn làm nảy sinh những miếng hài độc đáo. Nữ minh tinh Angelina Jolie, người luôn được xem là biểu tượng sắc đã có một thời tuổi trẻ nổi loạn với nhiều lần cáu giận với người thân, đồng nghiệp.

Cáu giận là là một dạng thức cảm xúc không thể phủ nhận trong cuộc sống. Nó chính là yếu tố thứ hai trong 7 dạng cảm xúc phổ biến gồm: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Theo các nghiên cứu tâm lý: nổi cáu là một phản ứng tự nhiên.  Tức giận là năng lượng cảm xúc bạn tạo ra cho cuộc chiến chống lại mối đe dọa mà bạn nhận thức được. Những người đảm đương nhiều nhiệm vụ, đối mặt với áp lực thường dễ nảy sinh cơn nóng giận. Đó là cách lý trí phản ứng để tìm ra giải pháp hợp lý trong thời gian ngắn. Vậy khi nào thì tức giận có ý nghĩa tích cực như vậy?

BZ_TalkingPoints_Tamly_7_13

Tác động tích cực của cơn giận

Trong nhiều trường hợp, các cơn giận thường xuất phát từ mối quan tâm sâu xa và đầy tính công bằng của người chịu trách nhiệm. Nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng có 6 tác động của cơn giận mang ý nghĩa tích cực:

1. Tức giận là một động lực có thể thúc đẩy chúng ta hướng đến mục tiêu, vượt qua những trở ngại.

2. Người tức giận lạc quan hơn. Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đó chính là đặc điểm chung giữa những người cáu giận và người hạnh phúc. Một nghiên cứu về nỗi sợ khủng bố sau thảm họa 11–9 tại Mỹ năm 2001 đã chỉ ra, những người trải nghiệm sự tức giận, phẫn nộ thường kỳ vọng sẽ ít có những cuộc tấn công, khủng bố hơn trong tương lai.

3. Tức giận củng cố, thắt chặt các mối quan hệ. Điều này đúng khi bạn có phản ứng bột phát trước những đối xử bất công. Các nhà khoa học chỉ ra rằng trong các mối quan hệ thân mật như vợ–chồng, con–cái, cha–mẹ, nếu bạn che giấu sự giận dữ thì đối phương sẽ không nhận ra sai lầm và tiếp tục sai phạm.

4. Tức giận mang lại một cái nhìn sâu sắc hơn. Trong nghiên cứu năm 1997 của các nhà khoa học tại Nga và Mỹ, 55% người được hỏi nói rằng sự tức giận cho họ hiểu rõ hơn về bản thân và những lỗi lầm.

5. Bày tỏ giận làm giảm bạo lực vì đó là cơ hội thể hiện cảm xúc thật, tái thiết mối quan hệ cá nhân. Khi nhìn thấy dấu hiệu tức giận của đối phương, họ sẽ có động lực để xoa dịu cơn tức giận đó.

6. Tức giận là một chiến lược đàm phán. Nếu sự tức giận được giữ ở ngưỡng cho phép, nó sẽ tạo cho bạn một phong thái uy phong, khiến đối phương hành động nhượng bộ hơn .

Gặt hái ích lợi của sự tức giận

Chìa khóa để gặt hái lợi ích của sự tức giận là học cách làm sao để giữ nó ở mức độ chấp nhận được. Vì mỗi người trải nghiệm và thể hiện cơn giận theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính hay hoàn cảnh cụ thể.

Người ở vị trí lãnh đạo có thể thể hiện cơn giận theo phong cách “ra lệnh” khi muốn thay đổi nhanh, tạo hiệu quả ngay; “tra hỏi” khi cần tìm căn nguyên hay “đe dọa” nếu cấp dưới vẫn cứng đầu. Trong gia đình, cơn giận có khi thể hiện qua sự “đe dọa”, “tra hỏi” của bố mẹ với con cái để gìn giữ uy quyền hay kiểu “lạnh nhạt, xa cách” để đòi hỏi một cách đối thoại mới.

Nhưng dù ở môi trường nào, cơn giận chỉ có tác dụng khi xuất phát từ sự quan tâm, mong muốn cải thiện và tìm giải pháp cho vấn đề.

MÁCH BẠN:

Hãy áp dụng cách quản lý cảm xúc tiêu cực theo công thức STAR-R do các nhà tâm lý học Mỹ đề xuất. Đó là từ viết tắt của Stop – dừng lại, Think – nghĩ về hậu quả của việc mất kiểm soát, Ask – tự hỏi có đáng để giận không, Reduce – tìm cách làm “nguội” nó, Reward – hoan nghênh bản thân đã vượt qua cơn giận.

Bài: Mỹ Trang. Ảnh: Thái Kid. Người mẫu: Lan Khuê. Stylist: Lina Gonyz. Make Up: Thông Bảo

Harper’s Bazaar Việt Nam

Từ khóa » Cơn Giận Dữ Có Nghĩa Là Gì