60 Năm Nhìn Lại Khối Warsaw

Phiên khai mạc Hội nghị thành lập Tổ chức Hiệp ước Warsaw.

Nối tiếp sự ra đời các liên minh

Từ năm 1949, tình hình thế giới ngày càng trở nên căng thẳng với việc Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ đẩy mạnh chính sách “chiến tranh lạnh”, ráo riết chạy đua vũ trang và thành lập các liên minh quân sự nhằm chuẩn bị một cuộc chiến tranh chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Tháng 4/1949, NATO ra đời với sự tham gia của 12 nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) phương Tây. Đây là liên minh quân sự lớn nhất, quan trọng nhất của Mỹ và các đồng minh. Sau đó liên tiếp ra đời các liên minh quân sự khác như khối ANZUS (9/1951), khối SEATO Đông Nam Á (9/1954), khối CENTO ở Trung Cận Đông (1959). Tình hình châu Âu trở nên căng thẳng, nền hòa bình và an ninh khu vực bị đe dọa nghiêm trọng.

Tiếp đó, Hiệp ước Paris được ký trong một cuộc họp từ 20-23/10/1954 với một loạt văn kiện là kết quả gặp gỡ tại London của chín nước (gồm sáu nước đã tham gia Hiệp ước Brussels và Mỹ, Anh, Canada). Hiệp ước này thay thế cho Hiệp ước Bonn – Paris trước đó và trở thành cơ sở để Quân đội quốc gia Đức được thành lập, có các bộ tham mưu, quân, binh chủng, sư đoàn độc lập, Tây Đức trở thành thành viên NATO. Liên Xô đã ngay lập tức gửi công hàm cho các nước có quan hệ ngoại giao nói rõ Hiệp ước Paris và đường lối của phương Tây đối với Tây Đức không phù hợp với nhiệm vụ củng cố hòa bình ở châu Âu và khôi phục thống nhất nước Đức.

Trước đó, Mỹ, Anh, Pháp và các nước phương Tây đã từ chối đề nghị của Liên Xô triệu tập Hội nghị tất cả các nước châu Âu cùng hai Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ và Trung Quốc để bàn về việc thành lập Hệ thống an ninh tập thể châu Âu ở Paris hoặc Moscow vào ngày 29/11/1954.

Sở dĩ Liên Xô đề nghị họp vào thời điểm trước khi các nước châu Âu xem xét phê chuẩn Hiệp định Paris là nhằm khuyến khích dư luận phương Tây phản đối việc này. Bất chấp phản ứng mạnh mẽ của Liên Xô, các nước XHCN và dư luận, Hiệp ước Paris vẫn được các nước thành viên lần lượt phê chuẩn.

Trước tình hình đó, các nước Albania, Bulgaria, Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Romania, Liên Xô, Tiệp Khắc đã tổ chức hội nghị ở Warsaw từ ngày 14/5/1955 đã thỏa thuận cùng nhau ký kết hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ. Bản hiệp ước có hiệu lực từ ngày 5/6/1955 với thời hạn 20 năm (sau này có thể tiếp tục gia hạn) nhằm duy trì hòa bình, an ninh châu Âu, củng cố tình hữu nghị, sự hợp tác và sức mạnh của các nước XHCN anh em. Liên minh quân sự này do Liên Xô thành lập và chỉ huy nhằm đối trọng lại khối quân sự NATO, do Mỹ đứng đầu, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Trụ sở của khối đặt tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan với các bộ phận chuyên trách, điều hành hoạt động.

Cân bằng quyền lực kiểu mới

Khối Warsaw đã có những hoạt động và ảnh hưởng to lớn đối với tình hình phát triển châu Âu và thế giới. Sự lớn mạnh của Liên Xô và các nước thành viên đã đưa tới sự hình thành thế chiến lược cân bằng về sức mạnh quân sự giữa các nước XHCN và TBCN đầu những năm 1970.

Cần nhắc lại rằng trong suốt 36 năm khối Warsaw tồn tại, chưa bao giờ có một cuộc chiến tranh trực tiếp nào với NATO xảy ra. Đây là đặc điểm cơ bản của Chiến tranh Lạnh, vốn chỉ có những cuộc chiến tranh, xung đột cục bộ, cho thấy những cuộc thử nghiệm, thử lòng nhau này thiên về yếu tố tâm lý nhiều hơn. Hành động chung duy nhất của Lực lượng vũ trang hỗn hợp thuộc Hiệp ước Warsaw là việc đưa quân vào Czechoslovakia tháng 8/1968 (có sự tham gia của tất cả các thành viên, trừ Cộng hòa XHCN Romania).

Cả hai bên đều thực hiện chính sách ngăn chặn sự bá quyền của đối phương, nhưng kết quả rất khác với các kiểu cân bằng quyền lực trước đó (đều sụp đổ và dẫn tới chiến tranh thế giới, như Hiệp ước Utretch và Đại hội Vienna). Không giống như câu chuyện cân bằng quyền lực thế kỷ XIX, trong đó năm cường quốc chuyển hóa Liên minh qua lại với nhau, cân bằng quyền lực giữa khối Warsaw và NATO trong Chiến tranh Lạnh được điều chỉnh rất rõ ràng giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô, trong đó mỗi siêu cường đều có khả năng đánh bại bên còn lại trong chớp nhoáng.

Một số người theo thuyết hiện thực mới như Kenneth Waltz định nghĩa thế hai cực là tình trạng trong đó hai siêu cường có gần như toàn bộ sức mạnh, nhưng thế hai cực đơn thuần như thế rất hiếm khi tồn tại. Thế hai cực thường xuất hiện trong lịch sử là dạng liên minh cố kết quá chặt đến mức mất đi tính linh hoạt, như đã từng xảy ra trong chiến tranh Peloponnesian giữa Athens và Sparta thế kỷ thứ V TCN. Mặc dù đều là các quốc gia độc lập, nhưng liên minh của Athens và Sparta đều cố kết chặt chẽ vào thế hai cực. Tương tự như thế, vào đêm trước của Thế chiến I, hệ thống các liên minh cũng bám chặt vào thế hai cực.

Sự ra đời của khối Hiệp ước Warsaw đánh dấu chính thức sự xuất hiện của thế hai cực trong Chiến tranh Lạnh, trong đó Mỹ và Liên Xô là trung tâm. Kenneth Waltz lập luận rằng thế hai cực là một dạng khá ổn định của hệ thống chính trị quốc tế bởi lẽ nó hạn chế thông tin và tính toán. Tuy nhiên, hệ thống hai cực lại thiếu tính linh hoạt đồng thời làm nghiêm trọng hơn hệ quả của những xung đột ngoại vi (như Chiến tranh Việt Nam trong Chiến tranh Lạnh).

Cũng có quan điểm cho rằng việc thành lập khối Warsaw (đồng nghĩa với việc xuất hiện thế hai cực ở châu Âu) không mang lại cho các nước Đông Âu an ninh (theo như lập luận ở Liên Xô cho rằng có thể thoát khỏi thế lưỡng nan về an ninh thông qua việc liên minh lại với nhau để có an ninh chung). Theo quan điểm này, đối đầu trực tiếp giữa hai khối không diễn ra ở châu Âu xuất phát từ nỗi lo sợ vũ khí hạt nhân chứ không phải cân bằng quyền lực mà khối Warsaw mang lại.

Không chiến tranh vì cùng mạnh

Cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962 là một ví dụ cho thấy khi hai cực đứng trước nguy cơ xảy ra chiến tranh và hai khối quân sự ở trong trạng thái căng thẳng, sẵn sàng tiếp sức cho hai cực khi cần thiết, chính tiềm lực quân sự quá lớn của hai khối đã ngăn không cho chiến tranh xảy ra. Sau khi khủng hoảng chấm dứt, chủ tịch Viện đánh giá chiến lược Liên Xô Aleksandr Konovalov nói: “Ta nhận thức được đang sở hữu một tiềm năng quân sự như thế nào và cần phải thận trọng ra sao. Nói chung, có hai khái niệm trong vấn đề ổn định chiến lược. Thứ nhất là dụng cụ chiến tranh, tức vũ khí mà chúng ta sở hữu và có thể sử dụng. Thứ hai là quan niệm của đối phương về việc chúng ta sắp làm gì với vũ khí đó. Đôi khi điều thứ hai này lại đóng vai trò quan trọng hơn”.

Như một tất yếu của quá trình khủng hoảng khối XHCN, ngày 1/7/1991, tại Praha, Tổng thống Czechoslovakia Vaclav Havel chính thức tuyên bố chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ 1955, giải tán khối Warsaw sau 36 năm liên minh quân sự với Liên Xô. Năm tháng sau, vào tháng 12/1991, Liên Xô tự giải thể.

Khối Warsaw đã kết thúc vai trò lịch sử. NATO vẫn tồn tại với những hoạt động quân sự liên tiếp ở khắp các khu vực trên thế giới. Hòa bình chưa bao giờ là tuyệt đối khi đâu đó, vẫn xuất hiện những liên quân sẵn sàng đập đổ một chính quyền hợp pháp, nuôi dưỡng phiến quân để phục vụ cho lợi ích của một vài thế lực nhiều hơn là cho hòa bình, dân chủ.

Đúng 60 năm đã trôi qua từ ngày khối Warsaw được thành lập. Việc đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa lịch sử của tổ chức này giúp chúng ta có thêm bài học về tập hợp lực lượng (không chỉ về quân sự), cách ứng xử trước nguy cơ chiến tranh, xung đột và tham vọng bá quyền.

Cũng có quan điểm cho rằng việc thành lập khối Warsaw (đồng nghĩa với việc xuất hiện thế hai cực ở châu Âu) không mang lại cho các nước Đông Âu an ninh. đối đầu trực tiếp giữa hai khối không diễn ra ở châu Âu xuất phát từ nỗi lo sợ vũ khí hạt nhân chứ không phải cân bằng quyền lực mà khối Warsaw mang lại.

Tường Nguyên (tổng hợp)

Từ khóa » Khối Warsaw