[63] UNCLOS: Vùng đáy Biển Quốc Tế (the Area)

Phát biểu của Đại sứ Pardo năm 1967 – Phạm vi địa lý – Quy chế di sản chung của nhân loại – Thỏa thuận thực thi năm 1994

Vùng đáy biển quốc tế – tên gọi chính thức là Vùng (the Area) – là một trong ba vùng biển mới được xác lập theo Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), bên cạnh vùng nước quần đảo và vùng đặc quyền kinh tế.

Phát biểu của Đại sự Malta Arvid Pardo năm 1967

Năm 1967 trước Ủy ban Một của Đại hội đồng Liên hợp quốc Đại sứ Malta Arvid Pardo đã có bài phát biểu quan trọng về việc xây dựng một quy chế quốc tế cho vùng đáy biển quốc tế bên ngoài phạm vi thềm lục địa.[1] Phát biểu này có tầm quan trọng xa hơn khi sau đó không chỉ vấn đề về quy chế pháp lý của vùng đáy biển quốc tế được xem xét đến mà nó đánh dấu mở đầu tiến trình xem xét lại toàn bộ luật biển quốc tế do các Công ước Geneva năm 1958 xác lập.

Arvid_Pardo

Tượng của Đại sứ Arvid Pardo tại Đại học Malta. Nguồn: Wikipedia

Theo Đại sứ Pardo,[2] đáy biển và lòng đất dưới đáy biển chiếm gần ¾ diện tích đất liền trên trái đất với nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể phong phú hơn hẳn so với trên đất liền. Tuy nhiên luật pháp quốc tế tại thời điểm đó, do Công ước Geneva về Thềm lục địa năm 1958, quy định lại đang khuyến khích các quốc gia mở rộng quyền chủ quyền của mình ngày càng xa về phía đáy biển sâu với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Công ước Geneva cho phép các quốc gia mở rộng thềm lục địa của mình xa đến mức mà khả năng khai thác của quốc gia đó cho phép. Điều này sẽ dẫn đến cạnh tranh giữa các quốc gia trong chạy đua chiếm giữ vùng đáy biển. Hơn nữa, cạnh tranh này không công bằng cho các nước có trình độ khoa học công nghệ lạc hậu hơn. Viễn cảnh mà Đại sứ Pardo hình dung là: “… nguồn tài nguyên phong phú của thế giới sẽ chỉ làm lợi cho một nhóm nhỏ các quốc gia. Ai mạnh thì càng mạnh, ai giàu thì sẽ càng ngày càng giàu.”[3] Để tránh viễn cảnh đó, ông kêu gọi xây dựng một quy chế quốc tế hiệu quả cho vùng đáy biển và đáy đại dương bên ngoài phạm vi thẩm quyền quốc gia được xác định rõ ràng (“an effective international régime over the sea-bed and the ocean floor beyond a clearly defined national jurisdiciton”).[4]

Quy chế pháp lý của vùng đáy biển quốc tế đã được nghiên cứu, cụ thể hóa, đàm phán và cuối cùng được ghi nhận trong Phần XI của Công ước Luật Biển năm 1982.

Phạm vi địa lý

Điều 1(1) UNCLOS quy định vùng đáy biển quốc tế là “vùng đáy biển và đáy đại dương và lòng đất phía dưới bên ngoài phạm vi giới hạn thẩm quyền quốc gia”. Do thẩm quyền quốc gia của quốc gia ven biển chỉ mở rộng đến ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, do đó, vùng đáy biển quốc tế được hiểu đơn giản là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo định nghĩa trên, phạm vi của vùng đáy biển quốc tế sẽ chỉ được xác định sau khi ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định trước. Đối với vùng đặc quyền kinh tế, ranh giới được xác định khá đơn giản là 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

maritime zone vie

Vấn đề phức tạp hơn đối với thềm lục địa, Điều 76 quy định thềm lục địa có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý tính từ đường cơ sở còn thực tế ranh giới ngoài của thềm lục địa của từng quốc gia sẽ khác nhau tùy thuộc vào vị trí bờ ngoài của rìa lục địa (outer edge of the continental margin). Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa vượt quá 200 hải lý, việc xác định chính xác ranh giới ngoài của thềm lục địa yêu cầu thỏa mãn các quy định phức tạp đi kèm với một thủ tục tốn nhiều thời gian tại Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS). Xem chi tiết tại post này. Như vậy ở những khu vực đáy biển mà quốc gia ven biển chưa thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý, chúng ta cũng không thể xác định chính xác vùng đáy biển quốc tế sẽ bắt đầu từ đâu! Để tránh xâm phạm vào quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển trong những khu vực chưa xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa như thế, các hoạt động cho đến hiện nay trong vùng đấy biển quốc tế được tính toán cẩn trọng để bảo đảm chỉ tiến hành trong những khu vực chắc chắn không thể nằm trong phạm vi thềm lục địa của bất kỳ quốc gia nào. Ví dụ như khu vực nằm ngoài giới hạn tối đa của chiều rộng thềm lục địa theo Điều 76(5): 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét.

Quy chế pháp lý quốc tế của Vùng đáy biển quốc tế

Điều 136 UNCLOS quy định “Vùng và tài nguyên của Vùng là di sản chung của nhân loại.” Theo đó, không một quốc gia nào được phép yêu sách hay thực thi chủ quyền hay quyền chủ quyền đối với bất kỳ phần nào của Vùng và tài nguyên của Vùng. Tất cả các yêu sách hay việc thực thi đó đều không có giá trị pháp lý.[5] Tất cả các quyền đối với tài nguyên của Vùng thuộc về toàn thể nhân loại, mà trên danh nghĩa đó, Cơ quan Quyền lực Đáy biển Quốc tế (International Seabed Authority – ISA) sẽ đại diện quản lý.[6] Tất cả các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của Vùng phải được tiến hành vì lợi ích của toàn thể nhân loại và ISA sẽ tiến hành chi sẽ các lợi ích tài chính và kinh tế có được từ hoạt động thăm dò, khai thác ở Vùng.[7] Mọi hoại động hay sử dụng Vùng phải vì mục đích hòa bình trên cơ sở bình đẳng giữa tất cả các quốc gia theo đúng quy định của Công ước.[8]

Quy chế di sản chung của nhân loại (common heritage of mankind) được ghi nhận lần đầu tiên trong Hiệp định về Mặt trăng năm 1979, theo đó Điều 11(1) của Hiệp định này quy định “Mặt trăng và tài nguyên thiên nhiên của Mặt trang là di sản chung của nhân loại.” Quy chế này cũng áp dụng cho tất cả các thiên thể nằm trong hệ mặt trời, trừ Trái đất.[9] Như vậy, cùng với vùng đáy biển quốc tế, mặt trăng và các thiên thể trong hệ mặt trời cấu thành một không gian lãnh thổ đặc biệt theo quy chế quốc tế. Điểm khác nhau là vùng đáy biển quốc tế được ISA quản lý, trong khi đó không chưa có tổ chức quốc tế nào được thành lập để quản lý mặt trăng và các thiên thể. Do đó, có thể tổng kết rằng quy chế di sản chung của nhân loại được ghi nhận lần đầu tiên trong luật quốc tế về không gian vũ trụ nhưng được phát triển hoàn thiện hơn trong luật biển quốc tế.

Quy chế pháp lý của vùng đáy biển quốc tế có điểm giống nhau và khác nhau với quy chế pháp lý của biển cả. Về điểm giống nhau, cả hai vùng biển đều là vùng biển quốc tế bên ngoài phạm vi thẩm quyền quốc gia. Không một quốc gia nào được yêu sách chủ quyền, quyền chủ quyền hay bất kỳ quyền độc quyền nào đối với bất kỳ phần nào của biển cả và vùng đáy biển quốc tế. Mọi yêu sách như thế đều không có giá trị pháp lý và sẽ không được công nhận. Về điểm khác nhau, hai vùng biển quốc tế này có quy chế sử dụng hoàn toàn trái ngược nhau. Trong khi biển cả mở cho mọi quốc gia với các quyền tự do biển cả, trong đó có tự do đánh bắt cá, thì vùng đáy biển quốc tế không cho phép bất kỳ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên đơn phương nào được phép thực hiện. Mọi hoạt động trên ở vùng đáy biển quốc tế phải thông qua ISA. Một bên là vùng biển chung mà mọi quốc gia đều có quyền đơn phương thực thi các quyền tự do biển cả, một bên là vùng đáy biển chung của nhân loại mà chỉ có ISA mới có quyền cấp phép hoạt động.

Thỏa thuận Thực thi Phần XI của Công ước Luật Biển năm 1994

Năm 1994 các quốc gia đã ký kết một thỏa thuận nhằm thực thi quy chế pháp lý của vùng đáy biển quốc tế theo quy định của Phần XI UNCLOS – gọi tắt là “Thỏa thuận thực thi năm 1994“. Mặc dù mang tên là thỏa thuận thực thi nhưng thực chất thỏa thuận này đã sửa đổi một số quy định của Phần XI Công ước.[10] Năm 1996 Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực và từ đó, quy chế pháp lý của vùng đáy biển quốc tế sẽ được điều chỉnh bởi hai điều ước quốc tế là UNCLOS 1982 và Thỏa thuận thực thi năm 1994. Đến nay Thỏa thuận có 150 quốc gia thành viên; Việt Nam gia nhập vào Thỏa thuận vào năm 2006.[11]

Thỏa thuận thực thi tập trung vào bốn vấn đề quan trọng: (1) nhấn mạnh hiệu quả về chi phí, (2) ghi nhận cách tiếp cận định hướng thị trường, (3) điều chỉnh lại cơ chế ra quyết định của ISA, và (4) điều chỉnh cơ chế hội nghị xem xét lại tình hình thực thi.[12]

Trần H. D. Minh

(*) Xem thêm quy chế pháp lý của các vùng biển khác theo quy định của UNCLOS:

1. Nội thủy (Internal Waters) 

2. Lãnh hải (Territorial Sea) 

3. Vùng tiếp giáp lãnh hải  (Contiguous Zone)

4. Vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ)

5. Thềm lục địa (Continental Shelf)

6. Biển cả (High Seas)

————————————————————————

[1] 22nd Session UNGA Official Records, the 1515th Meeting of the First Committee 01 November 1967, xem tại http://www.un.org/depts/los/convention_agreements/texts/pardo_ga1967.pdf

[2] Như trên, đoạn 89 – 91.   [3] Như trên, đoạn 91.    [4] Như trên, đoạn 3.

[5] UNCLOS, Điều 137(1).   [6] Như trên, Điều 137(2).   [7] Như trên, Điều 140.   [8] Như trên, Điều 141.

[9] Thỏa thuận điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trên mặt trăng và các thiên thể khác năm 1979, Điều 1.

[10] Tanaka Yoshifumi, The International Law of the Sea (CUP 2012) 179.

[11] Xem tại http://www.un.org/depts/los/reference_files/chronological_lists_of_ratifications.htm#Agreement relating to the implementation of Part XI of the Convention

[12] Tanaka Yoshifumi, tr. 179 – 181.

Chia sẻ:

  • Tweet
Thích Đang tải...

Từ khóa » Khái Niệm đáy đại Dương