Các Vùng Biển Và đáy Biển Quốc Tế Theo Luật Biển Quốc Tế Hiện đại
Có thể bạn quan tâm
Theo pháp luật quốc tế hiện đại, cụ thể là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, toàn bộ đại dương trên thế giới được chia thành 2 bộ phận. Bộ phận thứ nhất là các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước ven biển (phần cột nước chia thành nội thuỷ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Còn phần dưới cột nước gọi là thềm lục địa). Bộ phận thứ 2 là các vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế. Điểm chung của bộ phận thứ 2 này là không thuộc bất cứ nước nào. Nhưng lại có chỗ khác nhau ở chỗ: vùng biển quốc tế thì tự do khai thác, còn đáy biển quốc tế thì không được tự do khai thác.
Vùng biển quốc tế (hay còn gọi là biển cả) theo luật biển quốc tế trước đây thì vùng biển quốc tế rất rộng, tức là toàn bộ các khu vực biển nằm ngoài lãnh hải 3 hải lý của các nước ven biển. Với sự ra đời của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý thuộc quyền chủ quyền của các nước ven biển, phạm vi vùng biển quốc tế bị thu hẹp đáng kể.Theo Công ước Luật Biển năm 1982, vùng biển quốc tế là vùng biển nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước ven biển.
Ở vùng biển quốc tế, tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp và ống ngầm, tự do đánh bắt cá và tự do nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền tự do này, các nước phải tôn trọng lợi ích của các nước khác cũng như phải tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Luật Biển năm 1982 như bảo vệ môi trường biển, bảo tồn tài nguyên sinh vật biển, an toàn hàng hải, hợp tác trấn áp cướp biển… Công ước quy định vùng biển quốc tế được sử dụng vì mục đích hoà bình và không nước nào được phép đòi một khu vực nào đó của vùng biển quốc tế thuộc chủ quyền của mình.
Liên quan đến việc bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật ở vùng biển quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 đề ra 4 quy định rất quan trọng. Một là, khi để dân mình đánh cá ở vùng biển quốc tế, các nước phải tuân thủ các nghĩa vụ ghi trong Công ước. Các nước phải tôn trọng các quyền và lợi ích của các nước ven biển liên quan các đàn cá vừa sinh sống ở vùng đặc quyền kinh tế vừa sinh sống ở vùng biển quốc tế. Hai là, các nước có nghĩa vụ định ra những biện pháp cần thiết để áp dụng đối với công dân mình nhằm bảo tồn tài nguyên sinh vật ở vùng biển quốc tế hoặc hợp tác với các nước khác trong hoạt động này. Ba là, các nước phải hợp tác với nhau trong việc bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật ở biển.
Các nước có công dân khai thác các tài nguyên sinh vật khác nhau ở trong cùng một khu vực hoặc các tài nguyên sinh vật giống nhau phải thương lượng để có những biện pháp cần thiết trong việc bảo tồn các tài nguyên đó. Trong những trường hợp cần thiết các nước lập ra các tổ chức đánh bắt phân khu vực hoặc khu vực. Bốn là, các nước có thể quy định khối lượng đánh bắt và thi hành các biện pháp khác để bảo tồn các tài nguyên sinh vật ở vùng biển quốc tế. Khi làm việc này, các nước phải dựa vào những số liệu khoa học đáng tin cậy nhất, tính đến một loạt yếu tố như duy trì và khôi phục các loài đang được khai thác, các yếu tố sinh thái và kinh tế, nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển, phương pháp đánh bắt và chú ý đến những tác động của những biện pháp này.
Đáy biển quốc tế (hay còn gọi là đáy đại dương) là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài thềm lục địa của quốc gia ven biển. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định đáy biển quốc tế là di sản chung của nhân loại và không một quốc gia nào có quyền đòi hỏi chủ quyền hay các quyền chủ quyền ở đáy biển quốc tế, kể cả tài nguyên ở đó. Đây cũng là những quy định mới trong luật biển quốc tế hiện đại. Công ước Luật Biển năm 1982 quy định: khác với vùng biển quốc tế, ở đáy biển quốc tế các quốc gia không có quyền tự do khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Quy chế nói trên về đáy biển quốc tế là kết quả đấu tranh kiên trì của các nước đang phát triển. Theo luật biển quốc tế trước đây quy chế pháp lý của đáy biển cũng là quy chế tự do, tương tự như vùng biển quốc tế. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, các nước đang phát triển đã nỗ lực để cộng đồng quốc tế đi tới quy chế pháp lý này. Các nước công nghiệp phát triển hoàn toàn không ủng hộ việc có một quy chế pháp lý như vậy. Đơn giản vì họ có công nghệ để khai thác. Họ muốn duy trì tự do khai thác ở đáy đại dương. Cho nên trong thập kỷ 80 rất ít nước phát triển phê chuẩn Công ước. Công ước Luật Biển năm 1982 là văn kiện pháp lý quốc tế vô cùng quan trọng. Người ta thường gọi nó là Hiến chương của thế giới về biển và đại dương.
Một văn kiện như vậy mà chỉ có các nước đang phát triển tham gia thì ý nghĩa sẽ giảm đi nhiều. Trong bối cảnh đó, các nước thấy cần phải xem xét bàn bạc về quy chế khai thác đáy đại dương để các nước công nghiệp tham gia Công ước. Từ năm 1990 đến 1994 trong khuôn khổ tham khảo không chính thức dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (các ông J.P de Cúella và Boutros Boutros Ghali), các nước đã tiến hành 15 vòng thương lượng tại trụ sở của Liên hợp quốc về nội dung của phần XI. Kết quả thương lượng đó dẫn đến sự ra đời của Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước. Theo đó, một số điều khoản của Công ước Luật Biển năm 1982 liên quan quy chế pháp lý của đáy biển quốc tế đã có thay đổi để đáp ứng yêu cầu của các nước phát triển.
Để điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến đáy biển quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 đã quy định thành lập một tổ chức quốc tế mới là Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương. Cơ quan này có chức năng thay mặt toàn thể cộng đồng quốc tế quản lý đáy biển quốc tế như cấp phép thăm dò tài nguyên ở đó, định ra các chính sách thăm dò khai thác, phân chia thu nhập từ việc khai thác tài nguyên ở đáy biển quốc tế cho cộng đồng quốc tế v.v… Các quốc gia thành viên Công ước Luật Biển năm 1982 là thành viên đương nhiên của Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương. Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương đóng tại King-xtơn (Gia-mai-ca). Các cơ quan chính của Cơ quan Quyền lực bao gồm Đại hội đồng với đại diện tất cả các quốc gia thành viên (tương tự như Đại hội đồng Liên hợp quốc), Hội đồng với 36 thành viên (nhiệm kỳ 4 năm) và Ban Thư ký do Tổng Thư ký đứng đầu.
Hội đồng có vai trò đặc biệt quan trọng nên việc phân chia 36 ghế trong Hội đồng rất phức tạp. Nhóm A có 4 thành viên được bầu từ những nước tiêu thụ nhiều các loại hàng hoá được sản xuất từ các loại quặng sẽ được khai thác từ đáy đại dương. Trong số đó phải có 1 thành viên từ các nước Đông Âu. Nhóm B có 4 thành viên được bầu từ các nước đầu tư lớn nhất cho việc thăm dò khai thác đáy đại dương. Nhóm C có 4 thành viên được bầu từ những nước xuất khẩu lớn nhất các loại khoáng sản sẽ khai thác từ đáy đại dương, trong đó có 2 thành viên từ các nước đang phát triển. Nhóm D có 6 thành viên được bầu từ những nước đang phát triển có các quyền lợi đặc biệt (những nước không có biển hoặc bất lợi về mặt địa lý, các nước đảo nhỏ, các nước nhập khẩu chủ yếu các loại khoáng sản sẽ được khai thác từ đáy đại dương, các nước sản xuất tiềm tàng các khoáng sản đó và các nước kém phát triển nhất). 18 thành viên còn lại được bầu theo nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng giữa các khu vực địa lý với điều kiện là mỗi khu vực địa lý tối thiểu có 3 thành viên.
Về nguyên tắc, các quyết định của Đại hội đồng, Hội đồng được thông qua bằng nhất trí hoàn toàn. Nếu không thể đạt được nhất trí thì sẽ bỏ phiếu. Đối với các vấn đề thủ tục, Đại hội đồng thông qua quyết định bằng đa số thường. Đối với các vấn đề thực chất, Đại hội đồng thông qua bằng đa số 2/3. Phương thức bỏ phiếu trong Hội đồng cũng tương tự . Tuy nhiên đi kèm với điều kiện đa số 2/3 là ở trong mỗi nhóm phải có đa số thành viên ủng hộ.
Ngoài ra còn có Uỷ ban Tài chính với 15 thành viên do Đại hội đồng bầu. Công thức phân bổ ghế của Uỷ ban này cũng phải bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa các khu vực địa lý, trong đó mỗi nhóm khu vực tối thiểu có 1 đại diện. Hội đồng thông qua các quyết định về các vấn đề thủ tục bằng đa số, còn các vấn đề nội dung bằng nhất trí. Công ước Luật Biển cũng dự trù lập Xí nghiệp của cơ quan Quyền lực. Do hiện nay chưa tiến hành các hoạt động khai thác, nên Hiệp định năm 1994 đã quyết định chưa lập, Chức năng của Xí nghiệp tạm thời giao cho Ban Thư ký của Cơ quan Quyền lực.
Hiện nay, Cơ quan Quyền lực quốc tế về Đáy Đại dương về cơ bản đã hoàn thành công tác tổ chức và đang xây dựng các luật lệ liên quan hoạt động ở đáy đại dương, cấp giấp phép cho các nước thăm dò và chuẩn bị cho việc khai thác. Các tài nguyên khoáng sản trên đất liền còn dồi dào, nên thế giới đang tập trung khai thác tài nguyên trên đất liền. Ở đáy đại dương, một số nước có tiềm lực (như Nhật Bản, Anh, Pháp, Nga, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc) đã đầu tư và tiến hành thăm dò ở một số lô. Theo quy định thì các nhà đầu tư phải thăm dò và đệ trình lên Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương 2 lô với diện tích khoảng 150.000km2. Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương giữ lại một lô, còn một lô cho phép nhà đầu tư thăm dò và khai thác. Theo dự đoán cũng phải khoảng 15-20 năm nữa việc khai thác đáy đại dương mới được triển khai/.
Trí Tâm ( Biendong.net) Nguồn:vietnam.vn
Từ khóa » Khái Niệm đáy đại Dương
-
Đáy đại Dương – Wikipedia Tiếng Việt
-
Biển Cả Và Vùng đáy đại Dương - Tạp Chí Quốc Phòng Toàn Dân
-
Đại Dương – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đáy Biển Là Gì ? Khái Niệm đáy Biển được Hiểu Như Thế Nào ?
-
Đại Dương Là Gì Và Sự Hình Thành Phát Triển đại Dương? - VietAds
-
Làm Thế Nào Cũ Là đáy đại Dương? - Also See
-
Nghiên Cứu Biển Và đại Dương Từ Kinh Nghiệm Quốc Tế
-
[63] UNCLOS: Vùng đáy Biển Quốc Tế (the Area)
-
Cuộc Chinh Phục Và Tàn Phá đáy Biển Của Con Người - BBC
-
Đại Dương - .vn
-
[DOC] Tên Học Phần: Địa Chất Và địa Mạo Biển
-
[PDF] Lời Giới Thiệu Biển Và đại Dương Bao Phủ 71% Bề Mặt Trái đất, Chứa ...
-
Rãnh đại Dương - Wikimedia Tiếng Việt
-
Cơ Sở Pháp Lý Phân định Vùng Biển