7.1 | Cỏ Dại (1944) – Tô Hoài - Hàng Nước

SGK

  U tôi đã đi ngủ từ lâu. Nhưng tôi buông bút, nhìn ra bốn bên, chỗ nào cũng thấy bóng u. Cái bóng đen đủi, hoà lẫn với bóng tối, vẽ nên một khuôn mặt trăng trắng với đôi mắt nhỏ, lòng đen nhuộm một màu nâu đồng. Cái bóng mơ hồ yêu dấu ấy đứng bên cạnh lớp lớp những ngày tháng ngậm ngùi đói khổ, những năm này năm khác qua đi trong cơn thấp thỏm đợi chờ dài đặc mang ngấn nước mắt và tiếng thở dài. Người ta, nhiều lúc nhàn, quây quần bên cạnh người thân, nhưng không mấy khi lại tỉ mỉ vẩn vơ mà nhìn ngắm những người yêu mến của ta. Cho nên thỉnh thoảng tôi sực nhớ, tôi chợt nhìn u, bỗng giật mình, tôi ngờ ngợ như người ngồi trước mặt đây không phải là u tôi. Có đâu u tôi lại thế kia. Tóc đường ngôi của u tôi lốm đốm, rụng, chỉ còn lưa thưa. Lúc u tôi cười, nếp nhăn ở đuôi con mắt nheo lại, xếp lên nhau, đến khi hết cười cũng còn hằn những vết rạn khía quanh xuống hai bên gò má. Hàm răng trên của u tôi hểnh khuyết ba lỗ đã mấy năm nay. U tôi già đi từ bao giờ? U tôi đã già đi lúc nào? Tôi thực không hay.

(trích)

—————————————-

Chương 3

Thày tôi không phải là người vùng này. Thày tôi vốn người trong miền vào núi chùa Hương. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao thày tôi cũng võ vẽ biết chữ tây và viết quốc ngữ, lối chữ ngả đủ cả phảy móc, nét đều đặn, của mấy ông phán già. Bởi cứ bằng vào những mẩu chuyện mà tôi đã nghe được thì thày tôi chỉ học được mươi chữ nho của ông nội tôi Thày tôi học dốt, lại lười và bướng. Thường phải nhảy xuống ao trốn đòn suốt ngày. Rồi bỏ nhà đi lang thang. Có khi mò mẫm xuống Nam Định, ở nhà người bà con học chữa đồng hồ, hoặc vất vưởng ngoài Hà Nội. Lớn lên, ông bà tôi lấy một người con gái làng cho thày tôi. Tôi không được biết gì về “mẹ già” ấy của tôi. Sau này, mỗi khi nhắc tới, thày u tôi bảo tôi gọi người là mẹ già. Tôi chắc mẹ già cũng đẹp gái. Bởi mẹ già tôi chê thày tôi đen đủi như cục tam thất. Do đấy thày tôi thường tức mình và thường trốn nhà ra Kẻ Chợ.

Khi lấy u tôi thì thày tôi đương làm việc ngồi xe ngựa đi đưa bánh cho một lò bánh mì trong thành phố. Và người mẹ già tôi đã mất được mấy năm ở trong quê nhà. U tôi cũng không rõ được chuyện ấy. Có thể lấy nhau rồi mới biết. Có thể rằng thày tôi chỉ là người khách lạ. Có người cùng làm ở lò bánh tây mách rồi đánh tiếng, ông mối là ông xã Cánh, rồi xem mặt, rồi hỏi và cưới. Cho tới hôm thày tôi đi xem mặt, u tôi cũng không biết thày tôi là ai. Đến ngay cả ông bà tôi cũng mờ mịt. Vậy mà các cụ cứ gả. Cũng chẳng lạ, trong nhà nhông nhống sáu cô con gái chưa có chồng, ai rước được người nào là cái phúc.

Người ở Nghĩa Đô nghèo, sự sống loanh quanh buộc vào mấy cái khung cửi mọt. Trong làng, không mấy ai đi ra ngoài.

Một chiếc xe đạp bóp chuông kính coong qua trên đường cái trẻ con cũng chạy đuổi theo xem. Những ngày tết nhất rỗi rãi bố mang con lên bến xe điện mua vé đi tàu chạy “keng ầm” vào thành phố đã lý thú lắm.

Thày tôi đến làng u tôi với phong dạng chàng Kim Trọng du xuân trong truyện Thuý Kiều. Người ăn vận chững như chưa bao giờ trai làng ở đây chững đến thế. Đầu đội nón dứa chóp bạc. Mắt đeo kính rợp, áo sa bóng nuột, nổi cái thắt lưng điều đỏ hoe, dài loè xoè thò chấm vạt áo trước. Cái quần là hộp, đôi giầy Chí Long bóng nhoáng. Tay dắt chiếc xe đạp nhẹ nhàng. Cùng với điệu bộ trang nhã, thêm cái danh làm việc Tây ngoài Kẻ Chợ, ôi thôi nhất làng rồi. Không bao giờ tôi được biết những thứ sang trọng ấy thày tôi đã đi mượn hay thuê của nhà cầm đồ Vạn Bảo.

Ông bà ngoại tôi được sáu người con, đều là gái. Cũng một lần bà tôi sinh trai, vào nấc con thứ năm, nhưng cậu Hoà tôi chỉ có được ba tuổi, rồi bỏ. Ông tôi uống rượu và mắc nghiện từ ngày cậu tôi ốm chết.

U tôi là con đầu lòng. Tôi biết nói những gì về u tôi trên những dòng chữ yếu đuối này. Những nét ẻo lả, làm sao mà chứa nổi hình ảnh vui thương chìm sâu trong những ngày cũ buồn bã. Ký ức tôi mờ mịt những kỷ niệm một màu trắng sương. Tôi không nhớ rõ ràng một điều gì nhưng thực tôi đã nhớ biết bao nhiêu. Đêm đã nghiêng về sáng, gà chuồng trong lối xóm vừa te te gáy trống canh đầu. U tôi đã đi ngủ từ lâu.

Nhưng tôi buông bút, nhìn ra bốn bên, chỗ nào cũng thấy bóng u. Cái bóng lầm lũi, hoà với bóng tối, vẽ nên một khuôn mặt trăng trắng với đôi mắt nhỏ lòng đen nhuộm một màu nâu đồng. Cái bóng mơ hồ bên cạnh lớp lớp những ngậm ngùi những thắc thỏm đợi chờ dài dặc trong ngấn nước mắt và tiếng thở dài. Người ta, nhiều lúc nhàn, quây quần bên người thân không mấy khi lại tỉ mỉ vẩn vơ nhìn ngắm những người trong nhà. Thỉnh thoảng, như sực nhớ tôi chợt nhìn u, tôi bỗng giật mình. Tôi ngờ ngợ như người ngồi trước mặt đây không phải là u tôi. Có đâu u tôi lại thế kia. Tóc đường ngôi của u tôi lốm đốm rụng, chỉ còn lưa thưa. Mới năm nào, u tôi thuê tôi nhổ, một chinh hai chiếc tóc sâu. U tôi cười, nếp nhăn ở đuôi con mắt nheo lại, xếp lên nhau, đến khi hết cười còn hằn những vết rạn khía quanh xuống hai bên gò má.

Hàm răng trên của u tôi khuyết hai chiếc đã mấy năm nay. U tôi già đi từ bao giờ? Từ lúc nào? Khi tôi ngậm ngùi như thế, tôi lại ngẩn ngơ tưởng tượng rằng có một hôm tốt trời nào đó tôi có tiền. Tôi sẽ đưa bà tôi, u tôi ra Kẻ Chợ. Rồi vào một hiệu cao lâu, ăn một bữa thực sang. Ăn xong, có khăn mặt ướp nước hoa lau tay. Lúc tính tiền, cho hẳn bồi bàn hai hào bạc. Không hiểu bà tôi, u tôi sẽ nghĩ ngợi thế nào? Chưa bao giờ tôi dám nghĩ rành rọt về cái đoạn kết ngạc nhiên lý thú đó. Mà tôi chỉ tưởng tượng như đấy là một cử chỉ rửa một cái gì hần hận. Cũng như chưa bao giờ tôi đã làm ngon lành được cái việc trẻ con ấy chỉ vì tôi không có tiền. Và cũng chưa có đâu thì giờ của mình. Trong đôi mắt dịu hiền của u tôi, tôi mới có thể là hy vọng của một tương lai mong đợi sáng sủa hơn. U ơi u, chị ơi! chị, cháu(1)hiểu, không bao giờ chị biết đến những hàng chữ tắt mắt cháu đương viết đây. Cái thế giới tân kỳ mà cháu sống, chẳng bao giờ chị tìm biết. Người mẹ kín đáo ngắm đứa con ngày một khác lạ, lạc mãi vào những cuộc sống xa xôi nào. Mẹ âm thầm sống. Mẹ là cái bóng đi bên cạnh tháng ngày của con. Chị ơi! Chưa bao giờ chị dám muốn có một ý đổi thay mong ước. Cái nghề có một của u tôi vẫn là nghề làm giấy phèn đem bán rong cho người ta gói hàng. Ngày hanh hao có những đêm đông lạnh lẽo, bên ánh một ngọn đèn hoa kỳ hiu hiu, u tôi ngồi xắm giấy. Tôi nằm trong lòng váy u tôi, mắt ngước lim him nhìn thoáng hai cánh tay u tôi đưa đi đưa lại nhịp nhàng, tai nghe tiếng những chiếc que dò chạy lạt xạt, lẹt quẹt dưới lòng những tờ giấy dài nháng keo. Rồi tôi ngủ khuấy lúc nào không biết.

Cho đến bây giờ, những đêm ngồi viết khuya, trông ra ngoài đầu hè, vẫn thấy u tôi lặng lẽ ngồi xắm giấy bóng đổ chập chờn trên vách. Đã bao nhiêu năm qua.

Thực vậy. Còn nhớ năm nọ, có một buổi chiều, không biết u tôi đi đâu về. Ngoài ngõ chó sủa inh ỏi. Tôi chạy ra, thấy u tôi đương rối rít xua con chó vện của nhà cứ lăn xả vào chân. Tôi quát thực to, doạ đánh, nó mới chịu lùi vào trong sân. Con chó vện hoảng mắt bị tôi cho một trận đòn kịch liệt. Nhưng đánh xong con chó, mới biết rằng chó bị đánh oan.

Hôm đó, u tôi mặc cái áo cánh trắng. Từ thuở chó vện lọt lòng mẹ ở trong gầm phản ra, chưa bao giờ được thấy u tôi mặc áo cánh trắng. Con chó trông mãi màu nâu đã thành quen mắt.

Đến đỗi thình lình ngó u tôi mặc áo trắng nó không nhận biết là ai, vội sủa um sùm. Chưa bao giờ u tôi dám có một cái áo trắng. Cái màu cố hữu trên lưng áo là màu nâu vỏ xó, màu nâu bùn đen sẫm.

Khi sinh tôi rồi u tôi ở hẳn bên ông bà ngoại tôi. Tôi chưa về ăn cái tết nào trong quê nội. U tôi sinh tôi tại nếp nhà của ông bà ngoại tôi. Rồi thì khai sinh, vào sổ làng, mua quan viên, đóng góp phần việc hàng giáp, nhất nhất mọi thứ nhiêu khê đều ở làng ngoại. Tôi nghiễm nhiên là một quan viên kẻ Bưởi. Ngày còn nhỏ trong những sách vở học trên chữ tên tôi tôi viết hai chữ Lại phú, Lại Nguyễn. Họ Lại là họ u tôi. Tôi chẳng vẫn vác rổ đi lấy phần việc họ, chững chạc lễ bốn lễ hai vái cẩn thận đó sao. Khi lớn khôn hơn, thấy việc trộn những chữ ấy là ngô nghê quá, tôi phải bỏ bớt chữ Lạiđi. Mặc dầu tôi vẫn nhớ, tiếc một mình rằng sao tên tôi chẳng được có chữ Lại kia đội ở trên. Tôi không thích về quê. Tôi tưởng tượng về làng nội như bị ném về một nơi rặt người xa lạ. Thày tôi đi vắng biền biệt hàng bao nhiêu năm, tôi yêu quê tôi sao được. Hơn nữa, khi nào ở làng ngoại về làng nội, thực ra u con tôi đã phải làm một công việc khó nhọc lắm.

Tôi chỉ về quê nội như đi chơi. Tôi thường về quê vào cuối xuân khi làng vào đám hoặc đầu mùa đông, dịp đồng áng gặt hái. Đầu tôi đội cái mũ bấc bọc vải nâu đỏ. Chân tôi đi giày tây có cổ Tấm áo lĩnh đen bóng trong lót vải hoa vàng. Cái áo tết ấy thực quý, bởi bà ngoại tôi hay nói pha rằng: “Áo này hàng sa tây lót màu vàng anh Thượng Hải dệt hoa đại đoá. Bây giờ hết, không đâu có bán thứ hàng ấy nữa”. Tôi sung sướng đỏ hai tai mỗi khi được gượng nhẹ xỏ hai bàn tay ếch vào cánh áo lụng thụng, tự hãnh diện với cái giá trị ghê gớm của nó. Không hề hay rằng cái danh giá mặt ngoài nó là cái danh giá của một mảnh lĩnh lẻ nhuộm thâm nhà dệt lấy và mặt trong thứ vải hoa vàng hạng mèng ba hào rưỡi một thước khổ lớn mua ở hiệu tây đen đội mũ lồng oản ngoài phố hàng Ngang.

U tôi mặc váy vải thâm thắt lưng nhiễu tam giang ra ngoài. Trên đầu kềnh càng chiếc nón Kẻ Chuông tròn vành. Bên nách, cắp cái thúng to trong đựng mấy cái quần áo, một cận chè mạn, đôi ba phong bánh khảo với một hộp dầu bạc hà, cái ve dài ngoẵng và một gói trầu cau. U con dắt nhau đi từ tờ mờ sáng ra Bờ Hồ đứng chờ tàu điện trên bến vào Hà Đông. Con tầu kéo những mấy chiếc toa rít u u trên đường sắt, lôi nhau ra khỏi thành phố. Vào đến tỉnh lỵ lại đón ô tô đường Vân Đình.

Chiếc ô tô hàng to như con lợn kếch sù vàng khè, hục hặc qua cái cầu xi măng chạy ra khỏi tỉnh lỵ. Tôi ngồi nép sát bên cạnh u, ngơ ngác ngó ra lỗ cửa sổ, cái lỗ che mảnh vải nâu gió đánh bay tốc lên phật phật. Hai mắt tôi nheo lại, nhưng vẫn ngoẹo cổ nhìn sang bên đường cái. Chẳng bao lâu, đã quên những tiếng chuyển động xình xình của xương cốt cái xe cùng những người ngồi chung quanh. Tôi mê man nhìn cảnh đường sá, ruộng nương, cây cối cứ thay đổi tiếp nhau ngoài cửa sổ. Đến Bông Đỏ, nhà cửa đã thưa thớt. Giữa Ba La, đường cái chia hai, một về chùa Trầm, một sang ngả chùa Hương.

Tôi ngoái cổ lại, xa xa rặng núi Trầm đen sì đầy vẻ huyền bí lởm chởm nhô lên. Rồi thì qua Xốm với hai rặng tre tối um rủ bóng rợp kín lối. Đường cái đã xẻ qua cánh đồng chỗ xanh chỗ trắng. Làng Thạch Bích có cái nhà thờ chót vót hai tháp mốc trắng. Những quán cơm cầu Khâu, cái đùi chó đen nhẫy treo lủng lẳng trong chiếc tủ vuông. Luỹ tre bọc đằng xa. Vạt cỏ viền hai bên lề. Con trâu gò vai kéo cầy. Có chỗ túm tụm ba bốn người quẹo cổ kéo bừa thay con trâu. Kìa đến cống Lỗi  hai thành cầu sắt quét vôi trắng tinh. Cột dây thép liên tiếp, chạy đuổi nhau dạt theo đuôi con mắt tôi lé ngang. Một… hai… ba… bốn… chín… mười một… tôi đếm không xuể. Những cái núm trắng trên mỏm cột bay vun vútToe… toe… toe… sắp tới phố huyện Thanh Oai. Đằng chân trời, lờ mờ màu xanh rặng núi chùa Hương cuối đồng chiêm, gần Hoà Bình. Đến huyện rồi. Đường cái, lác đác mấy chiếc xe sắt chổng đuôi lên đỗ nối nhau. Hai bên, hiện ra những căn nhà gạch so le, khấp khểnh. Poste rurale… Ecole de Tha... Mấy quán nước chè tươi… Hai hiệu khách bán thuốc bắc và tạp hoá, ngoài cửa, tòn ten đôi câu đối gỗ màu vàng đất thó. Bụi đường bốc lên, cuốn ào sang hai bên. Lại ruộng. Lại cột dây thép. Một đàn cò nhịp nhàng bay ngang cánh đồng chiêm trắng nước. Con chim cà cưỡng đậu trên cành gạo hót ríu ran. Đôi chốc, xe vụt qua những bụi tre nhỏ lả lướt có một quán hàng nước tiều tuỵ. Toe… toe… toe… Cầu Nẩy Cầu Nẩy! ông ơi, ông cho tôi xuống Cầu Nẩy. Xe đỗ. U tôi bê cái thúng và bế tôi xuống đường. Chiếc xe chồm lên, lại gầm gừ chạy. Con đường hút lòm, xa thẳm khuất vào bóng tre với những cột dây thép nhấp nhô.

Bao giờ cũng vậy, vừa dặt chân xuống mặt đường và khi cái xe ô tô đã xình xịch đi khỏi, tôi chợt có một cảm giác lo lắng lạ thường. Tôi vừa qua Hà Nội náo nhiệt, tôi vừa ngồi tầu điện ầm ĩ, tôi vừa đj ô tô ồn ào. Bây giờ xuống đây, sao mà hoang vắng. Không một tiếng châu chấu động cánh. Con đường lạnh lùng câm nín một vẻ ghê rợn. Gió dưới đồng sâu đưa lên, những cột dây thép cứ rên rỉ ầm ù hầm hừ. Sự lo sợ lẻ loi với nỗi buồn sắp phải đi đâu xa.

Chúng tôi rẽ vào trong cánh đồng. Làng tôi ở cuối xa, bên cạnh bờ tre là một vệt đê dài. Trên con đường gập ghềnh băng qua cánh đồng mùa xuân, u tôi kể cho tôi biết tên những gò đống, làng xóm xung quanh. Ngay lối gần nhất là cầu Chim. Lối kia rẽ về Nga Mi, làng Nga Mi có cái chợ Mai họp ven sông. Cứ thẳng lối này thì tới nhà. Con đường mù trắng hoa cỏ may. Về nhà tha hồ được bữa nhổ mỏi, hoa may tua tủa bám vào ống quần. Cái gò gì mà đất cát lở tở nằm dài bên lề đường? À, gò ông Đống. Hàng ngày mỗi người qua lại ném vào lưng ông Đống một hòn đất, ông Đống phù hộ cho đi đường được dẻo chân, chóng đến nơi. Ngang trước mặt, luỹ tre chạy tiếp ra đường cái tây, là làng Kim Bài. Con đường đi nghiêng dần vào trong cánh đồng. Đến cầu Ngồ, rồi Ba Cây rồi đến Một Cây. Những gốc muỗm thực lão, cành lá xum xuê. Tới Một Cây đã ngó được những mặt ao lấp lánh sáng. Cái tường đất xù xì dưới luỹ tre hiện ra. Tôi đã ngửi được mùi đất quen thuộc. Quen thuộc lắm, chỉ thoáng qua là biết sắp về tới quê. Ờ, mà lạ. Không bao giờ tôi biết phân biệt được rõ ràng cái hương vị phảng phất kỳ dị ấy. Nó thoang thoảng trong cánh đồng hoặc vẩn vơ trong rặng ô rô xanh rì. Tưởng như đấy là mùi cỏ khô, mùi đất ải, mùi khói rơm bếp. Không phải. Đích nó là mùi lá muỗm nấu lẫn với lá vối, mùi rau nhảy mùi lá trang, mùi lá cải, mùi có bồ mùng, mùi mái rạ chuồng bò. Cơ chừng chẳng rõ ràng mùi gì. Nó là tất cả, từ mùi tóc hôi trên đầu đứa trẻ cho tới mùi nõn cỏ gấu đắng mới nở hương đồng cỏ nội hoà vào nhau, bốc trên một miền quê. Cái mùi quê đặc biệt, mỗi khi về gần đến làng, là thoảng biết.

Cũng như, đứng ngoài đường cái tây, trông mờ mờ thấy mảng tường đất, tôi đã biết đấy là luỹ tre bên cạnh nhà bà Ba tôi. Quê nội tôi cũng thật là nghèo. Từ khi ông nội tôi mất nhà sút dần.

Bà Ba tôi là bà sinh ra mẹ già tôi. Người vợ trước của thày tôi – mẹ già tôi – tuy mất đã lâu, nhưng bà Ba vẫn quý mến thày tôi và yêu chúng tôi lắm. Về quê, bao giờ u tôi cũng mang tôi ra nhà bà. Trong những ngày về quê thuở ấy, tôi chỉ có thể tìm được một chút vui vui dịu dàng, mỗi lần ra ngoài nhà bà Ba. Ông Ba mất từ lâu. Thấy bảo ông đi rừng Hoà Bình về rồi chết bởi con ma gà làm. Rồi đến mẹ già tôi, hình như cũng chết vì con ma gà. Bà Ba chỉ có mỗi mình mẹ già tôi. Từ khi mẹ già tôi chết đi, bà ở quạnh quẽ một mình. Một mình một nếp nhà nho nhỏ, đằng trước có căn vườn xinh xinh. Lối ngõ vào, lưa thưa một hàng dâu xanh. Vào nhà cái gì cũng bé bỏng, cái gì cũng xinh xắn. Từ chiếc niêu đất thổi cơm cũng bé tí nheo. Chỉ riêng có con lợn trong chuồng là to kềnh, bụng như bụng chum bốn cái chân ngắn củn, cả ngày nằm ủn ỉn. Tôi còn nhớ hễ cái đầu trọc to thô lố của tôi thò vào ngõ thì tôi phải cầm gậy gõ cạch cạch trên tấm phên nứa. Con chó vàng xích tận đằng cuối cối xay. Bà Ba tôi chạy vội ngay ra. Bà cầm lấy tay tôi, dắt vào. Và đến lúc bà ngồi xuống bậc cửa, thì tôi đã nằm gọn lỏn trong lòng váy bà. Tấm váy nâu già, tuy chưa rách, nhưng đã bạc ra màu đất. Mảnh yếm lụa nâu nhờ, hai giải buộc quặt ra đằng sau lưng. Tôi luồn một tay ra nẻo lưng để trần của bà tôi, làn da dịu lạnh mắt ngước nhìn đôi khuyên bạc đánh lắc lư trong hai lỗ tai chảy thõng. Thuở trẻ, hẳn bà tôi vạm vỡ, mặt vuông vắn. Bây giờ mà nước da bánh mật còn đỏ lồng màu hạt vải già. Ở hai bên cánh tay, thịt teo lại, chảy rạt xuôi xuống một phía, mát rượi. Tôi ngoan ngoãn, him hai con mắt, nghe bà tôi nói. Bà nói rằng bà nhớ tôi. Buổi chiều đi chợ về, bà hay đứng ngóng tôi ngoài đầu vườn. Có cái oản lộc chùa hôm thượng nguyên bà cất dưới gậm mâm bồng. Lại có bát chè kho tuần rằm bà vẫn dành cho tôi trong hòm phản. Ấy, bà cứ để dành đợi hóng. Bao giờ oản và chè kho lên mốc xanh thì bà tôi lại khuân ra ăn dần. Những bữa cơm ăn với bà Ba ngon trong đời tôi, lắm khi chỉ có rau khoai. Rau khoai tím ngắt, chấm vào bát dấm mẻ cà chua ta dỏ ngòn lấm tấm mấy lá hành xanh rờn. Vậy mà ngon miệng lạ. Cơm nước xong, buổi tối, u tôi và tôi thường ngủ lại ngoài bà. Những buổi tối mùa dông giá lạnh cửa liếp buông xuống kín bưng. Trên cái giát nứa cật trải mấy lượt lá chuối khô. Tôi nằm giữa giường, mặt chiếu bồng bềnh sóng như mặt đệm bông. Buổi sáng, tôi còn nằm to vo lé mắt nhòm ánh sáng, chốc chốc lại thử thò một tý chân ra ngoài mép chăn xem có còn rét không. Tôi cứ nấn ná oằn oẹo như thế cho tới lúc u tôi bưng mâm lên và bà tôi gọi tôi dậy ăn cơm sáng. Cơm xong, bà tôi quẩy gánh hàng đi chợ. Hai bồ thuốc lào và mẹt cau khô lồng vào đôi dây quang mây, bên cạnh gài chiếc ghế cao chân. Bà Ba tôi bán cau khô và thuốc lào ở chợ làng. Nhưng có tôi về chơi, ít khi bà tôi đi chợ.

Cái thuở xa xôi ấy không còn nữa. Bà Ba tôi mất đã năm sáu năm nay rồi. Khi bà tôi nhắm mắt, tôi không được ở gần.

Mấy năm liền tôi không về quê. Tôi đã xa nhà luôn, khởi đầu những ngày long đong của một cuộc sống vất vưởng. Mùa đông năm ấy bà Ba tôi mất, tôi đang rối ren về sinh kế ở một tỉnh miền xuôi.

Từ ngày đó, tôi càng thưa về quê nội. Con đường càng ngại. Con đường càng xa. Sao con đường trở về quê lại xa quá thế! Trong đời, tôi đã qua những đoạn đường dài gấp trăm ngàn nó mà không hề nghĩ ngợi đến nỗi xa xôi như khi tôi bước trên đường về làng nội. Con đường ấy xa hơn hết và xa mãi mãi. Như vẫn dài thăm thẳm từ thuở tôi còn nhỏ, mỗi lần theo u về quê.

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Cỏ Dại Tô Hoài