Cỏ Dại… Nhớ Tô Hoài - Báo Phụ Nữ - Phunuonline

 Co dai… nho To Hoai

Hơn 70 năm đã trôi qua, kể từ ngày nhà văn Tô Hoài viết tập hồi ký đầu tay Cỏ dại (in năm 1944). Đến bây giờ, trở lại trong hình hài mới, cuốn sách vẫn khiến người đọc như được trở về trong không gian cũ. Đó là năm tháng của cậu bé mang tên Cu Bưởi sống trong ngôi nhà gạch ở vùng Nghĩa Đô gần Kẻ Chợ (ngoại ô Hà Nội).

Nhà văn Tô Hoài luôn được nhắc nhớ với những tác phẩm: Dế Mèn phiêu lưu ký, Vợ chồng A Phủ, Truyện Tây Bắc; các tiểu thuyết Mười năm, Quê nhà, Quê người, Ba người khác… Ông cũng đã có các tác phẩm viết dạng hồi ký: Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Chuyện cũ Hà Nội… Nhưng Cỏ dại mới là cuốn sách miêu tả rõ nét nhất một đoạn đời tuổi thơ của nhà văn: nghịch phá nhưng lạc lõng và u buồn.

Nhà văn Tô Hoài viết tập hồi ký này khi ông chỉ mới ngoài 20 tuổi. Những gì còn lại của thời thơ ấu thấm đẫm nỗi buồn được ông kể lại rõ nét, chậm rãi mà sống động. Từng mẩu chuyện của tình thân trong ngôi nhà gạch cũ, chuyện của ngày bỡ ngỡ ra phố, rồi tâm tư lúc đi ăn nhờ, ở đậu… Cuốn sách không chỉ có chuyện của Cu Bưởi mà còn có rất nhiều số phận khác, tính cách khác trong “cuộc đời xưa cũ” bây giờ đã thuộc về ngăn kín của thời gian. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đánh giá: “Cuốn sách như một cuốn phim chiếu chậm, ghi lại chuỗi ngày tầm thường nhạt nhẽo của một đứa bé tinh quái, lêu lổng. Phải là một ngòi bút tự tin lắm mới dám đưa những chuyện ấy lên mặt giấy. Nhất là đưa sao khiến khi đọc, người ta có thể cảm động đến ứa nước mắt thì chỉ Tô Hoài mới làm nổi”.

 Co dai… nho To Hoai

Cuốn hồi ký rất mỏng, chỉ vỏn vẹn 138 trang. Trong phần đời “cỏ dại” ấy có ông bà ngoại, thầy u, em Hồ, dì Niêm, chú Tưởng, bà Thấp, ông Phán, cô Chi, chú Tịnh… Nhà văn kể chuyện như cách một đứa trẻ vừa đi qua tuổi thơ của nó rồi quay trở lại nhìn ngắm một lần nữa với vai trò “người ngoài cuộc”. Cứ kể bằng sự mộc mạc, đi qua cả buồn bã và thương yêu. Với nhiều người, tuổi thơ vẫn thường là ký ức trong trẻo, hồn nhiên. Nhưng Cu Bưởi của Cỏ dại sao mà man mác buồn. Bởi cậu bé ấy không có ai bầu bạn nên chỉ tha thẩn trong nhà, ngoài vườn, chơi vơi ếch nhái, cây cỏ…

 Co dai… nho To Hoai

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, có lẽ độc giả vẫn nhớ Kẻ cướp bến bỏi, Ký ức Đông Dương, Ký ức phiêu lãng, Giấc mộng ông thợ dìu, Khách nợ, Những ngõ phố, Chuyện để quên… của nhà văn Tô Hoài. Nhưng không phải ai cũng được đọc Cỏ dại, để được trở về tuổi thơ của một cuộc đời đã mất. Và để được nhớ cây đại thụ của nền văn học Việt Nam. “Tôi đúc dế, tôi chơi nặn nồi “lương mô” đất thó. Lội qua sông Tô Lịch trước cửa Định, tôi sang bãi Đồng Văn bẻ ăn cắp bắp ngô, nhổ trộm ớt đem về trồng ở bờ ao. Có mấy quyển sách cũ tôi xé từng tờ phất diều hết. Tôi thề không bao giờ đi học nữa. Vài năm nữa tôi sẽ làm thợ cửi” - Cỏ dại mở ra bằng câu “Ông bà ngoại tôi có nếp nhà gạch rất cũ”, và kết thúc bằng… “giấc mơ thợ cửi” của nhà văn Tô Hoài. Toàn bộ tác phẩm như một bức tranh thấm đẫm nhữ ng gam màu buồn. Mà nói theo GS Trần Hữu Tá thì Cỏ dại giúp ta hiểu một cách sinh động về những gì đã tạo nên tâm hồn cũng như nét đặc sắc trong phong cách suốt cuộc đời của nhà văn Tô Hoài.

Dịp tưởng nhớ cố nhà văn, hai cuốn sách Những gương mặt (viết về chân dung các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính…) và Sổ tay viết văn cũng được tái bản.

Song Giang

Từ khóa » Cỏ Dại Tô Hoài