7 Nguyên Do Khiến Con Cái Thù Ghét Cha Mẹ - Tâm Lý Học
Có thể bạn quan tâm
Có khá nhiều nguyên nhân khiến con cái hình thành tâm lý thù ghét cha mẹ. Tâm lý này sẽ khiến cho trẻ sống xa cách với gia đình, không biết cách yêu thương và chia sẻ. Để tránh những hệ lụy lâu dài, bố mẹ cần phát hiện sớm và có biện pháp xử lý khéo léo, đúng mực.
7 Nguyên nhân khiến con cái thù ghét gia đình, cha mẹ
Bố mẹ vốn dĩ là những người luôn yêu thương và dành cho con sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ khiến cho con cái và bậc sinh thành khó thấu hiểu, đồng cảm và ít khi chia sẻ với nhau những vấn đề trong cuộc sống. Một đặc điểm thường thấy ở các bậc cha mẹ Việt là thiếu sự thấu hiểu, lắng nghe và luôn giáo dục con bằng uy quyền.
Trên thực tế, hầu hết trẻ khi bước vào giai đoạn dậy thì và trưởng thành đều có xung đột với gia đình. Những mâu thuẫn này có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng gốc rễ thường là do sự thiếu thấu hiểu và đồng cảm.
Nếu bố mẹ không khéo léo trong cách ứng xử, những mâu thuẫn này có thể khiến con cái có những suy nghĩ tiêu cực về gia đình. Thậm chí, nhiều trẻ hình thành sự thù ghét và căm hận chính bố mẹ mình. Tâm lý này có thể xảy ra trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài dai dẳng khiến cho bố mẹ và con cái trở nên xa cách.
Trẻ thù ghét bố mẹ sẽ có nguy cơ phát triển nhân cách méo mó, bất thường, sống vô kỷ luật, thiếu trách nhiệm và không biết cách yêu thương. Thông thường, trẻ sẽ không bộc lộ sự thù ghét gia đình thông qua lời nói. Tuy nhiên nếu chú ý, bố mẹ sẽ nhận thấy con luôn chống đối một cách ngấm ngầm hoặc công khai thông qua hành vi và biểu cảm khuôn mặt.
Để có hướng xử lý khéo léo và đúng đắn, bố mẹ cần tìm hiểu những nguyên nhân khiến con thù ghét gia đình:
1. Quá khắt khe và áp đặt
Đặc điểm thường thấy của các bậc cha mẹ Việt đó là giáo dục con cái khắt khe và áp đặt. Trong quan niệm Á Đông, bố mẹ luôn có uy quyền và có thể can thiệp vào những quyết định của con cái. Tuy nhiên, việc tùy tiện quyết định thay con những vấn đề như lựa chọn trường học, đăng ký các lớp năng khiếu, kết bạn, thậm chí là lựa chọn trang phục và giày dép sẽ khiến cho con cảm thấy bị áp đặt quá mức.
Khi còn nhỏ, trẻ chưa hình thành cái tôi nên việc bố mẹ quyết định thay con hoàn toàn không gây khó chịu. Tuy nhiên, khi con đã lớn khôn và có ý thức về bản thân, trẻ sẽ không muốn bố mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống của mình. Thế nhưng, rất nhiều bố mẹ không hiểu được tâm lý của con và tiếp tục duy trì cách giáo dục khắt khe, áp đặt.
Những trẻ bị gia đình áp đặt và khắt khe sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, tù túng và ngột ngạt. Bố mẹ lựa chọn cách giáo dục này thường không lắng nghe và thấu hiểu con cái. Vì vậy, trẻ sẽ ít khi chia sẻ những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Về lâu dài, những ấm ức và bực dọc của con trẻ sẽ tích tụ khiến con hình thành tâm lý thù ghét chính cha mẹ mình.
2. Trừng phạt bằng đòn roi
Trừng phạt bằng đòn roi là một trong những nguyên nhân khiến con cái thù ghét cha mẹ. Thực tế, hầu hết các bậc phụ huynh châu Á đều trách phạt con bằng hình thức này. Đánh đòn khi trẻ phạm lỗi sẽ giúp con ghi nhớ lỗi lầm và không lặp lại sai phạm. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ nên trừng phạt bằng đòn roi khi thực sự cần và nên chú ý hành động của mình tránh để con bị tổn thương.
Rất nhiều gia đình dùng đòn roi để trừng phạt với mọi lỗi lầm của con trẻ. Cơn đau sau những trận đòn roi sẽ khiến cho trẻ bị tổn thương và thậm chí hình thành sự thù ghét, căm phẫn.
Trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên nhận thức và kinh nghiệm sống không thể hoàn chỉnh như người trưởng thành. Vì vậy, bố mẹ buộc phải chấp nhận con sẽ có những lỗi lầm trong cuộc sống. Để con thay đổi theo chiều hướng tích cực, nên trò chuyện và đưa ra lời khuyên sau mỗi sai lầm.
Ngoài ra, có thể áp dụng các hình phạt hợp lý hơn như cắt giảm chi tiêu, phạt làm việc nhà. Việc đánh đòn con không phải là giải pháp mà chỉ là hình thức “xả giận”. Sau mỗi trận đòn roi, con vừa đau đớn về mặt thể chất vừa cảm thấy tổn thương về mặt tinh thần.
Nhiều gia đình chỉ đánh đòn con trẻ mà không giải thích lỗi sai và giúp trẻ tìm ra giải pháp sửa chữa. Trong trường hợp này, trẻ hoàn toàn không ý thức được lỗi lầm của bản thân và sẽ tiếp tục tái phạm trong tương lai. Tình trạng lặp đi lặp lại khiến trẻ bị đánh tròn liên tục và khó có thể duy trì tình cảm đặc biệt đối với bố mẹ.
3. Thiếu tin tưởng vào con cái
Trong mắt bố mẹ, con cái chỉ là những đứa trẻ. Do đó, đa phần các bậc phụ huynh đều thiếu sự tin tưởng vào con – nhất là trong giai đoạn dậy thì. Khi có vấn đề xảy ra, bố mẹ thường nhìn nhận một cách phiến diện mà bỏ qua những lời giải thích của con cái.
Bố mẹ cũng rất ít khi tìm hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao con lại có những hành vi sai phạm và không đúng mực. Chẳng hạn như có rất nhiều trẻ đánh nhau vì bị bạn bè trêu chọc, xúc phạm. Trong trường hợp này, con không hẳn là có lỗi hoàn toàn. Tuy nhiên, thứ duy nhất con cái nhận được là sự chì chiết, trách móc và những trận đòn roi.
Ở những giai đoạn nhạy cảm như tuổi dậy thì, trẻ rất cần sự tin tưởng của bố mẹ. Nếu bố mẹ luôn tìm hiểu và hỏi rõ nguyên do sau mỗi sự việc, con cái sẽ mở lòng và sẵn sàng chia sẻ mọi suy nghĩ. Từ đó, gia đình có thể hiểu hơn về tâm lý, cảm xúc và hướng dẫn con những cách giải quyết thích hợp hơn.
4. Thiên vị, thiếu công bằng
Thiếu công bằng giữa các con cũng là nguyên nhân khiến con cái thù ghét cha mẹ. Hơn ai hết, trẻ luôn mong muốn nhận được sự quan tâm và tình yêu thương của cả ba lẫn mẹ. Việc bố mẹ dành sự quan tâm đặc biệt hơn cho anh/ chị hoặc em ruột sẽ khiến trẻ tủi thân, buồn bã và chán ghét chính mình.
Thiên vị cũng sẽ khiến bố mẹ trách phạt không công bằng. Về lâu dài, sự uất ức tích tụ khiến trẻ thù ghét chính gia đình của mình. Trong trường hợp này, trẻ sẽ có xu hướng sống xa cách với bố mẹ và anh chị em. Thậm chí, một số trẻ còn có các hành vi gây tổn thương những người anh, chị, em nhận được sự thiên vị của bố mẹ.
Trong một số trường hợp, bố mẹ hoàn toàn không thiên vị nhưng do thiếu khéo léo trong lời nói và cách ứng xử đã khiến cho trẻ nghĩ rằng bản thân không được yêu thương. Ngoài ra, việc yêu cầu trẻ lớn phải nhường nhịn và dỗ dành em cũng khiến trẻ cảm thấy không hài lòng. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, tâm lý thù ghét bố mẹ và anh chị em ruột có thể sâu sắc dần theo thời gian.
5. Không lắng nghe con
Một lý do khác khiến con cái thù ghét cha mẹ là không bao giờ lắng nghe. Thực tế, hầu hết các bậc phụ huynh đều trách phạt con mà không lắng nghe con giãi bày. Phản ứng gạt phắt đi những lời giải thích khiến con trẻ tổn thương và hình thành tâm lý căm hận, chán ghét gia đình.
Trong giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ gặp phải không ít vấn đề và băn khoăn về nhiều khía cạnh của cuộc sống. Lúc này, con cái rất cần được bố mẹ lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu. Tuy nhiên, không ít bậc phụ huynh cho rằng những vấn đề của con là vặt vãnh. Thay vì lắng nghe, bố mẹ thường trách móc con cái quá nhạy cảm và nên tập trung vào việc học thay vì quan tâm những thứ linh tinh.
Không lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc của con sẽ khiến trẻ cảm thấy không được yêu thương. Nếu cuộc sống của con liên tục gặp phải các biến cố và những sự việc không mong muốn, con trẻ sẽ cho rằng mọi bất hạnh mình gặp phải là do bố mẹ.
Hơn nữa, những bậc phụ huynh không biết cách lắng nghe con cái cũng ít khi tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Phản ứng đầu tiên của họ là chì chiết, trách mắng và trừng phạt trẻ. Những tổn thương tâm lý này sẽ trở nên sâu sắc dần theo thời gian khiến con cái sống xa cách và thậm chí là thù ghét bố mẹ.
6. Không tôn trọng con cái
Tôn trọng là yếu tố tiên quyết cho một mối quan hệ lâu dài và bền vững, bao gồm cả quan hệ giữa con cái và bố mẹ. Từ nhỏ, con đã được giáo dục phải tôn trọng và lễ phép với người lớn. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng biết cách tôn trọng con cái của mình.
Không ít người có suy nghĩ, con cái là do mình sinh ra nên bản thân có quyền giáo dục, định hướng và trách phạt trẻ trong mọi hoàn cảnh. Ở giai đoạn dậy thì, con bắt đầu hình thành cái tôi, đồng thời muốn nhận được sự công nhận và tôn trọng từ mọi người. Việc bố mẹ không tôn trọng con cái sẽ khiến trẻ có xu hướng nổi loạn, phá phách và chống đối.
Những hành động thiếu tôn trọng như tự ý xem máy tính, điện thoại, kiểm tra cặp vở, đọc nhật ký và ép buộc con cái làm theo ý mình sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý thù ghét gia đình. Sự thù ghét có thể trở nên sâu sắc hơn nếu bố mẹ không tôn trọng quyết định của con, ép buộc con phải chấm dứt các mối quan hệ và sở thích mà bố mẹ xem là không chính đáng.
Không chỉ khiến con cái thù ghét cha mẹ, thiếu tôn trọng trong cách ứng xử sẽ khiến trẻ giảm lòng tự trọng, thiếu tự tin, không nhìn nhận đúng bản thân và những người xung quanh. Những trẻ này khi lớn lên sẽ khó thành công và thiếu tính quyết đoán.
7. Bạo hành tinh thần con trẻ
Bạo hành tinh thần là dạng bạo hành khó nhận biết vì không có tác động vật lý. Người bạo hành sẽ có những hành động và lời nói làm tổn thương tinh thần của nạn nhân. Dạng bạo hành này có thể xảy ra ở bất cứ mối quan hệ nào, bao gồm cả quan hệ giữa bố mẹ và con cái.
Bố mẹ bạo hành tinh thần luôn trách móc, chì chiết những lỗi lầm của con và đổ tất cả trách nhiệm lên con cái ở bất cứ hoàn toàn cảnh nào. Cố ý gieo rắc vào đầu con những suy nghĩ méo mó như con là kẻ vô dụng, thất bại hoặc việc sinh con khiến cho cuộc sống của bố/ mẹ bị hủy hoại. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh ép buộc con cái làm theo ý muốn bằng cách đe dọa sẽ tự làm hại chính bản thân.
Trên thực tế, bạo hành tinh thần ít được quan tâm hơn so với bạo hành thể chất. Hơn nữa, vì không có dấu vết trên cơ thể nên những người xung quanh không thể phát hiện và giúp đỡ trẻ. Con trẻ chưa thể chủ động về tài chính và thiếu kinh nghiệm sống nên buộc phải chịu đựng bạo hành tinh thần trong thời gian dài. Tình trạng này sẽ khiến cho con có tâm lý thù ghét, căm hận cha mẹ.
Nhiều bố mẹ đang bạo hành tinh thần con cái nhưng hoàn toàn không hề nhận ra. Bởi rất có thể bố mẹ cũng từng bị ông bà giáo dục theo phương pháp không đúng đắn. Nếu không có hướng giải quyết kịp thời, tình trạng này sẽ tiếp tục lặp lại tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Hậu quả của việc con cái thù ghét cha mẹ
Gia đình có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con cái. Những người thân chính là chỗ dựa tinh thần khi con gặp phải khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Có gia đình đồng hành sẽ giúp con tự tin hơn và có động lực vượt qua những trở ngại. Ngược lại, việc con cái thù ghét cha mẹ sẽ gây ra một loạt các hệ lụy nặng nề.
Ban đầu, tâm lý thù ghét sẽ khiến con sống xa cách với gia đình, thiếu sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ. Khi gặp phải các vấn đề trong cuộc sống, con sẽ tự giải quyết thay vì chia sẻ và hỏi ý kiến. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm sống nên trẻ rất dễ mắc sai lầm và không tránh khỏi các biến cố. Những sự kiện này sẽ để lại tổn thương tâm lý cho con trẻ. Nếu gia đình không nhìn nhận lại và có cách giải quyết hợp lý, sự thù ghét sẽ trở nên sâu sắc hơn theo thời gian.
Khi lớn lên, con sẽ trở thành người thiếu trách nhiệm, không nhận ra ý nghĩa và vai trò của gia đình. Vì không cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ nên khi có con, trẻ cũng sẽ giáo dục con cái một cách hà khắc, áp đặt và thiếu sự thấu hiểu, đồng cảm.
Hiện nay, không khó để tìm thấy các bài báo với nội dung con cái làm hại bố mẹ vì mâu thuẫn và xung đột. Đôi khi, nguyên nhân gốc rễ của những sự việc này chỉ vì trẻ không được yêu thương và quan tâm đúng cách. Do đó, nếu nhận thấy con cái thù ghét cha mẹ, gia đình cần có biện pháp khắc phục đúng đắn và kịp thời.
Con cái thù ghét cha mẹ – Làm sao để khắc phục?
Mức độ thù ghét của con cái đối với cha mẹ sẽ có sự khác biệt ở từng trường hợp. Nếu phát hiện sớm, gia đình có thể xóa bỏ sự thù hằn và giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương.
Vì tâm lý của trẻ đang bị tổn thương nên bố mẹ và những người thân trong gia đình cần khéo léo trong cách ứng xử. Trong trường hợp cần thiết, nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý để có thể hóa giải mâu thuẫn và xóa bỏ tâm lý thù ghét.
Các biện pháp bố mẹ nên thực hiện khi nhận thấy con cái thù ghét gia đình:
1. Thay đổi phương pháp giáo dục
Giáo dục hà khắc, áp đặt là phương pháp được nhiều bậc cha mẹ châu Á áp dụng. Tuy nhiên, cách giáo dục này sẽ đẩy con cái ra xa và đôi khi khiến con hình thành tâm lý chán ghét, thù địch với gia đình.
Cách giáo dục hà khắc hoặc nuông chiều con cái quá mức đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Bố mẹ nên lựa chọn cách giáo dục đúng đắn hơn để đảm bảo con phát triển theo chiều hướng tích cực và được nuôi dưỡng tình yêu thương, học cách quan tâm, chia sẻ và đồng cảm với mọi người.
Nếu đang nuôi dạy con quá khắt khe, bố mẹ nên thay đổi việc áp đặt và tự ý đưa ra các quyết định thay con. Tốt nhất, nên hỏi ý kiến con trước những quyết định quan trọng. Lúc này, bố mẹ có thể cho lời khuyên và giải thích để con hiểu hơn về vấn đề. Hãy để con tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình.
Ngoài ra, bố mẹ cũng không nên can thiệp quá sâu vào đời tư của con. Thay vào đó, nên giáo dục để con biết cách bảo vệ bản thân và lựa chọn những người bạn phù hợp. Nâng cao nhận thức là biện pháp hiệu quả nhất giúp trẻ tránh xa những cám dỗ trong cuộc sống thay vì kiểm soát và áp đặt con cái quá mức.
Bên cạnh đó, gia đình cũng không nên trừng phạt con bằng đòn roi. Nên có hình phạt phù hợp với lứa tuổi, đồng thời phải giải thích kỹ càng để con hiểu rõ lỗi sai của bản thân và tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Có như vậy, trẻ mới có thể giải quyết đúng đắn khi gặp phải những sự việc tương tự trong tương lai.
2. Học cách lắng nghe và thấu hiểu
Ngoài việc thay đổi cách giáo dục, bố mẹ cũng cần học cách lắng nghe để thấu hiểu con cái. Giữa con và bố mẹ luôn có khoảng cách do khác biệt về thế hệ, suy nghĩ, định hướng và quan niệm sống. Vì vậy, bố mẹ nên lắng nghe để hiểu rõ hơn về tâm lý của con và tìm cách dung hòa thay vì áp đặt một cách thô bạo.
Thực tế, học cách lắng nghe không phải điều dễ dàng – nhất là trong mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Bố mẹ thường sẽ có phản ứng la mắng, thậm chí là tức giận khi con có những suy nghĩ không phù hợp.
Tuy nhiên, bố mẹ nên hiểu rằng, con đang trong giai đoạn phát triển nên việc có những suy nghĩ lệch lạc là điều khó tránh khỏi. Quan trọng nhất là con luôn chia sẻ với gia đình và sẽ lắng nghe những ý kiến, lời khuyên của bố mẹ.
Trẻ từ giai đoạn dậy thì trở đi sẽ có tâm lý nhạy cảm do ảnh hưởng của hormone. Chính vì vậy, bố mẹ không nên la mắng hay trách móc. Thay vào đó, nên đưa ra lời khuyên cứng rắn để con trẻ nhận thức được điều gì nên và không nên làm. Bố và mẹ nên giữ vai trò khác nhau, chẳng hạn như bố nghiêm khắc, uy quyền thì mẹ phải là người mềm mỏng hơn. Tuy nhiên, cả bố và mẹ cần phải thống nhất về quan điểm, ý kiến để con nghe theo lời khuyên của gia đình.
3. Đối xử công bằng giữa các con
Nếu con cái thù ghét cha mẹ do bị đối xử bất công, cần học cách công bằng với các con. Thông thường, bố mẹ sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đối với con út hoặc đứa con có ngoại hình, năng lực ưu tú. Một số gia đình châu Á xem trọng con trai hơn con gái do quan niệm “trọng nam khinh nữ”.
Bị đối xử bất công sẽ khiến cho con bị tổn thương và thù ghét cha mẹ lẫn anh chị em ruột. Trong khi đó, trẻ được thiên vị sẽ hình thành tính ích kỷ, thiếu trách nhiệm, ngông cuồng và không có nỗ lực trong cuộc sống. Vì vậy, bố mẹ cần công bằng với các con để trẻ luôn cảm nhận được tình yêu thương của gia đình. Đồng thời sẽ giúp các con yêu thương lẫn nhau, học cách quan tâm và chia sẻ thay vì ganh ghét, đố kỵ.
Khi có em nhỏ, bố mẹ nên khéo léo trong cách ứng xử để tránh tình trạng trẻ có suy nghĩ bản thân bị ghét bỏ và không được yêu thương. Ngoài ra, cần phải giáo dục đúng đắn để con học cách nhường nhịn, bảo vệ em.
4. Thể hiện tình yêu thương
Để xóa bỏ sự thù ghét của con cái, cha mẹ cần thể hiện tình yêu thương qua lời nói và hành động. Bố mẹ có thể bày tỏ tình cảm với con cái bằng việc lắng nghe mong muốn của con, động viên, khích lệ con vượt qua khó khăn và thử thách trong cuộc sống.
Sự quan tâm của bố mẹ còn được thể hiện qua những hành động nhỏ như chuẩn bị món ăn mà con yêu thích, tổ chức tiệc sinh nhật và tặng cho con những món quà vào dịp đặc biệt. Những hành động này sẽ giúp con cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ và cảm thấy thoải mái, hạnh phúc khi trở về nhà.
Khi cảm nhận được tình yêu thương, trẻ sẽ ý thức được sự nghiêm khắc của bố mẹ là muốn tốt cho bản thân. Dần dần, trẻ sẽ gạt bỏ tâm lý thù ghét, chán ghét và thay vào đó sự yêu thương và chia sẻ.
Rất nhiều gia đình cố ý nghiêm khắc và ít thể hiện tình cảm để con mạnh mẽ và tự lập hơn. Tuy nhiên, trẻ chưa thực sự trưởng thành để có thể hiểu được những suy nghĩ sâu sắc của bố mẹ. Ở giai đoạn phát triển, trẻ rất cần sự quan tâm và tình yêu thương của gia đình. Có như vậy, con mới cảm nhận được chỗ dựa vững chắc và tự tin hơn trong cuộc sống.
5. Tìm sự giúp đỡ của chuyên gia
Trong trường hợp con cái liên tục thể hiện sự thù hằn qua lời nói và hành vi chống đối, cha mẹ nên tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp các bậc phụ huynh nhìn nhận lại cách giáo dục và tìm ra hướng giải quyết để xóa bỏ sự thù ghét ở con cái.
Thực tế, khoảng cách giữa hai thế hệ khiến cho cha mẹ và con trẻ có những quan điểm, lối sống khác nhau và dễ gây ra mâu thuẫn, hiểu lầm lẫn nhau. Khi trị liệu tâm lý, các chuyên gia với kiến thức và chuyên môn của mình sẽ giúp cha mẹ học cách thấu hiểu và đồng cảm với con. Đồng thời bố mẹ cũng được hướng dẫn cách dung hòa và giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong gia đình.
Nên tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý nếu con cái thù ghét cha mẹ sâu sắc, khó tháo gỡNếu cần thiết, các bậc phụ huynh cũng có thể cho trẻ cùng đến gặp chuyên gia tâm lý và tham gia vào quá trình trị liệu tâm lý. Như vậy sẽ giúp con cái hiểu được nỗi lòng cha mẹ và hình thành nhận thức sâu sắc hơn. Trong trường hợp trẻ bị khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì, can thiệp tâm lý sẽ giúp trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc và hành vi phù hợp.
Vấn đề con cái thù ghét cha mẹ có thể được hóa giải nếu phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp xử lý đúng đắn.
Tham khảo thêm:
- Dấu Hiệu Nhận Biết Trẻ Có Suy Nghĩ Tự Sát Và Cách Ngăn Chặn
- Trầm cảm vì áp lực gia đình: Thực trạng cần báo động
- 10 Nguyên nhân gây ra áp lực gia đình và cách nhận diện chúng
Từ khóa » Con Ghét Cha
-
Vì Sao Con Cái Thù Ghét Cha Mẹ Và Hướng Giải Quyết
-
Lesson #50.1: Tại Sao Con Cái "ghét Cha Mẹ" | Nguyễn Hữu Trí
-
Sốc: Group Con Cái "ghét Cha Mẹ" Hút Hàng Nghìn Thành Viên, Từ Xúc ...
-
Sốc Với 'Hội Những Người Ghét Cha Mẹ' Thu Hút Hàng Ngàn Thành ...
-
Từ Hiện Tượng “Hội Những Người Ghét Cha Mẹ”: Phụ Huynh Cũng Cần ...
-
Sốc Với Nhóm "ghét Cha Mẹ" Hơn 7.000 Thành Viên: Chuyên Gia Nói Gì?
-
Con Cái Căm Thù Cha Mẹ: Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục
-
'Vừa Yêu Vừa Ghét' Cha Mẹ Liệu Có Phải Là Một điều Khó Chấp Nhận?
-
ỨNG XỬ THẾ NÀO KHI TRẺ NÓI CON GHÉT BỐ MẸ?
-
Từ Hiện Tượng “Hội Những Người Ghét Cha Mẹ” Nghĩ Về Trách Nhiệm ...
-
Sốc Với "Hội Những Người Ghét Cha Mẹ"
-
5 Câu Nói Của Cha Mẹ Khiến Trẻ Không Thích - AFamily
-
Dậy Sóng Hội "con Cái" Hơn 5k Người Tham Gia Group "ghét Cha Mẹ ...