Vì Sao Con Cái Thù Ghét Cha Mẹ Và Hướng Giải Quyết

Thiên vị giữa các con, cách giáo dục hà khắc, áp đặt,… là những nguyên nhân khiến con cái thù ghét cha mẹ. Tâm lý này sẽ trở nên sâu sắc hơn và dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài nếu không có hướng giải quyết phù hợp.

con cái ghét cha mẹ
Con cái có thể thù ghét cha mẹ nếu gia đình có cách giáo dục không phù hợp và đúng đắn

Vì sao con cái thù ghét cha mẹ?

Giữa bố mẹ và con cái thường có khoảng cách do quan niệm khác biệt giữa hai thế hệ. Vì vậy trong quá trình chung sống, con cái và bố mẹ có thể xảy ra mâu thuẫn, bất đồng. Đây là vấn đề khá phổ biến ở mọi gia đình và thường có thể giải quyết khi cả hai phía có sự thấu hiểu, chia sẻ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mâu thuẫn trở nên sâu sắc khiến con cái hình thành tâm lý thù ghét cha mẹ mình.

Gia đình luôn có ý nghĩa thiêng liêng và vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người. Vì vậy, việc con cái thù ghét, thậm chí căm hận bố mẹ sẽ khiến không khí gia đình trở nên nặng nề. Nếu không có hướng giải quyết sớm, tình cảm gia đình sẽ bị sứt mẻ, dần dần trẻ sống vô cảm, thiếu tình yêu thương và thiếu trách nhiệm.

Trước tiên, bố mẹ cần tìm ra nguyên nhân khiến con trẻ hình thành tâm lý thù ghét gia đình. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến được các chuyên gia Tâm lý chỉ ra:

1. Cách giáo dục hà khắc

Cách giáo dục hà khắc là nguyên nhân hàng đầu khiến con cái thù ghét bố mẹ. Thực tế, việc giáo dục con cái đòi hỏi sự nghiêm khắc và quy tắc. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ quá hà khắc trong cách nuôi dạy khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt và tù túng trong chính gia đình của mình.

Con trẻ chưa có hiểu biết sâu sắc về mọi thứ xung quanh nên không thể hiểu được hành động của bố mẹ là muốn tốt cho bản thân. Trong quá trình trưởng thành, trẻ cần sự quan tâm và chia sẻ từ gia đình. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh cho rằng chỉ cần cung cấp đầy đủ những nhu cầu về vật chất và nghiêm khắc với con là đủ.

con cái ghét cha mẹ
Cách giáo dục quá nghiêm khắc là một trong những nguyên nhân khiến con cái ghét cha mẹ

Trong quan niệm của người Việt, bố mẹ luôn có uy quyền và có thể tham gia vào những quyết định quan trọng trong cuộc sống của con. Việc can thiệp quá sâu vào quá trình học tập, các mối quan hệ tình cảm, tài chính,… của con cái khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng và bị áp đặt quá mức. Nhiều gia đình còn kiểm soát giờ giấc con một cách chặt chẽ, cấm đoán con không được kết bạn với những trẻ có thành tích học tập không nổi bật,…

Về cơ bản, bố mẹ nào cũng luôn muốn con cái có cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, cách giáo dục quá hà khắc khiến trẻ bị áp lực, mệt mỏi, căng thẳng và mất đi sự vui vẻ, lạc quan vốn có. Thậm chí, một số trẻ còn hình thành tâm lý thù ghét, căm hận vì cho rằng những gì mình đang phải đối mặt là do bố mẹ gây ra.

2. Thiên vị giữa các con

Một nguyên nhân khác khiến cho con cái thù ghét cha mẹ là do thiên vị giữa các con. Nhiều bậc phụ huynh đối xử với con cái không công bằng, thường tỏ ra yêu thương và chiều chuộng trẻ có ngoại hình và thành tích học tập tốt hơn. Hoặc tỏ ra coi trọng con trai do quan niệm trọng nam khinh nữ.

vì sao con cái ghét cha mẹ
Đối xử không công bằng và thiên vị giữa các con là lý do vì sao con cái ghét cha mẹ

Sự thiên vị của bố mẹ được biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau như tỏ ra chiều chuộng, phân xử không công bằng, nghiêm khắc quá mức với trẻ trong khi nuông chiều trẻ còn lại,… Cuộc sống vốn dĩ là không công bằng nhưng ít nhất trong gia đình, trẻ nên được đối xử công bằng với anh chị em của mình. Việc bố mẹ thiên vị giữa con cái sẽ khiến trẻ bị chèn ép hình thành tâm lý thù ghét, căm hận.

Trẻ sống với bố mẹ thiên vị sẽ có xu hướng giảm lòng tự trọng, luôn cảm thấy bản thân vô dụng, yếu kém – đặc biệt là khi gia đình luôn so sánh trẻ với anh chị em trong nhà. Ngoài tâm lý thù ghét cha mẹ, trẻ cũng có thể ganh ghét với anh chị em và luôn tỏ ra đố kỵ. Nếu bố mẹ không thay đổi, tâm lý này sẽ theo trẻ cho đến khi trưởng thành dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài.

3. Trách phạt con cái vô lý

Nhiều bố mẹ có thói quen trách phạt con trong tất cả các tình huống mà không tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. Chẳng hạn như khi trẻ gây gổ với bạn bè ở trường, việc đầu tiên bố mẹ làm là trách mắng, chì chiết và đánh đập trẻ mà không hề biết rằng, hành động của trẻ bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân như trẻ bị bắt nạt, bạo hành tinh thần, bạn bè có lời nói xúc phạm gia đình,…

Trong quá trình trưởng thành, trẻ sẽ phạm phải nhiều lỗi lầm do chưa đủ nhận thức và không ý thức sâu sắc về những hành vi, lời nói của mình. Gia đình cần giáo dục đúng cách để con cái hiểu được điều gì nên làm, không nên làm và biết cách điều chỉnh những thiếu sót của bản thân.

Tuy nhiên, chỉ nên phạt đòn roi trong những trường hợp cần thiết. Bởi hình thức trách phạt này gây một số ảnh hưởng về tâm lý như trẻ tự ti, sống cô lập và nhút nhát. Ngược lại, một số trẻ hình thành tính cách hung hăng, bạo lực vì nghĩ rằng, việc đánh người khác là hành động hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, trẻ cũng sẽ dần hình thành tâm lý thù ghét bố mẹ nếu tình trạng này lặp đi lặp lại thường xuyên.

4. Một số nguyên nhân khác

Ngoài những lý do trên, dưới đây là một số nguyên nhân khác khiến con cái thù ghét cha mẹ.

  • Sự khác biệt thế hệ: Sự khác biệt trong quan điểm và giá trị giữa các thế hệ có thể dẫn đến mâu thuẫn. Cha mẹ và con cái có thể có cách nhìn nhận khác nhau về cuộc sống, giáo dục, và các vấn đề xã hội, dẫn đến sự hiểu lầm và căng thẳng.
  • Sự kỳ vọng không hợp lý: Khi cha mẹ đặt ra những kỳ vọng quá cao hoặc không thực tế về con cái trong học tập, lao động…, điều này có thể tạo ra áp lực và khiến con có cảm giác không đủ khả năng thực hiện. Kết quả là, trẻ có thể cảm thấy bị áp bức và phát sinh sự thù ghét ngược lại cha mẹ mình.
  • Thiếu sự giao tiếp và thấu hiểu: Mối quan hệ cha mẹ-con cái có thể gặp trục trặc khi thiếu sự giao tiếp và không có sự thấu hiểu lẫn nhau. Khi cha mẹ không lắng nghe hoặc không hiểu được cảm xúc và nhu cầu của con cái, điều này có thể dẫn đến sự xa cách và sinh ra cảm giác ghét bỏ.
  • Có sự xung đột về quyền lực: Trong quá trình trưởng thành, trẻ em thường bắt đầu tìm kiếm sự độc lập và tự chủ. Những xung đột về quyền lực có thể xảy ra khi trẻ cố gắng khẳng định bản thân trong khi cha mẹ vẫn giữ quyền kiểm soát.
  • Ảnh hưởng của môi trường xã hội: Những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như ảnh hưởng từ bạn bè, truyền thông hoặc xã hội, có thể làm gia tăng sự bất đồng và căng thẳng trong mối quan hệ cha mẹ-con cái.
  • Hội chứng chán ghét bố mẹ: Là một hiện tượng trong đó con trẻ cảm thấy bị cha mẹ chối bỏ hoặc không được yêu thương đúng cách, dẫn đến hình thành cảm giác chán ghét hoặc xa lánh ngược lại bố mẹ.

Tìm hiểu thêm: Thực trạng vô cảm trong giới trẻ: Bài toán khó của thời đại số

Cách cải thiện tình cảm khi con cái thù ghét cha mẹ

Con cái thù ghét cha mẹ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả hiện tại và tương lai. Nếu giữ tâm lý này, con cái sẽ dần xa cách với gia đình, sống tách biệt, cô lập, thiếu tự tin và nhút nhát. Một số trẻ có thể hình thành tính cách ngỗ ngược, hung hăng, chống đối và bạo lực. Với những tính cách này, trẻ sẽ gặp nhiều phiền toái trong môi trường học đường và khó khăn trong tìm kiếm công việc.

Bên cạnh đó, trẻ có tâm lý thù ghét ba mẹ thường thiếu trách nhiệm với gia đình vì không được nuôi dưỡng tình yêu thương, sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ. Khi có con cái, trẻ sẽ bị ảnh hưởng bởi phương pháp giáo dục của bố mẹ và tiếp tục lặp lại cách nuôi dạy hà khắc, thiếu công bằng.

Khi nhận thấy con cái thù ghét cha mẹ, gia đình cần có những biện pháp cải thiện sau:

1. Thay đổi cách giáo dục

Đa phần những trường hợp con cái thù ghét cha mẹ đều bắt nguồn từ việc giáo dục quá hà khắc. Chính vì vậy, gia đình nên thay đổi cách giáo dục phù hợp hơn. Đối với trẻ nhỏ, nên thưởng – phạt đúng cách để rèn cho trẻ tinh thần trách nhiệm và có ý thức hơn với hành vi của mình. Đồng thời khuyến khích trẻ phát huy những tính cách tốt và thói quen sống lành mạnh.

Tránh tuyệt đối tình trạng trách phạt và đánh đòn trẻ vô cớ. Khi xảy ra bất cứ sự việc nào, bố mẹ cũng cần trò chuyện với trẻ trong tâm thế bình tĩnh để biết nguyên nhân sâu xa và hiểu rõ cảm nhận, suy nghĩ của con. Có như vậy, con trẻ mới nhận thức đúng đắn hành vi của mình và có cái nhìn khác về bố mẹ.

tại sao con cái ghét cha mẹ
Bố mẹ nên thay đổi cách giáo dục để chấm dứt việc con cái thù ghét, căm hận gia đình

Ngoài ra, gia đình cần học cách kiểm soát cơn giận đối với con cái vì sự phẫn uất, tức giận sẽ khiến bố mẹ có những lời nói và hành vi làm tổn thương trẻ. Hơn nữa, việc bố mẹ quản lý tốt cảm xúc cũng sẽ giúp trẻ ý thức được việc cần chế ngự những cảm xúc tiêu cực và chú ý hơn đến lời nói, hành vi của mình.

Việc giáo dục con trẻ thực sự không dễ dàng và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Vì vậy, đôi khi bố mẹ sẽ có một số ứng xử không phù hợp khiến con cái bị tổn thương. Tuy nhiên, thay vì phớt lờ trẻ, hãy thẳng thắn nhận lỗi và điều chỉnh để con cái cảm thấy được tôn trọng. Ngoài ra, cách giáo dục này cũng sẽ giúp trẻ rèn tính trách nhiệm, biết nhận lỗi và suy nghĩ kỹ trước khi có bất cứ hành vi, lời nói nào.

Khi bước vào tuổi dậy thì, tâm lý của con sẽ trở nên phức tạp hơn và đôi khi con sẽ có hành vi ngỗ ngược, chống đối, phá phách,… Phản ứng quá khích từ gia đình có thể khiến trẻ hình thành tâm lý thù ghét và chống đối. Đối với trẻ ở lứa tuổi này, bố mẹ cần giáo dục một cách mềm mỏng để con trẻ tự ý thức và điều chỉnh thay vì quát nạt, đòn roi. Ngoài ra, gia đình cũng cần linh hoạt trong cách giáo dục tùy theo hoàn cảnh và thái độ của trẻ.

2. Công bằng với các con

Như đã đề cập, việc bố mẹ thiên vị giữa các con sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý thù ghét gia đình và tự ti, thiếu bản lĩnh trong cuộc sống. Thậm chí, sự thù ghét có thể trở nên sâu sắc khiến trẻ có hành vi trả thù bố mẹ và hãm hại anh chị em (thường là người được nuông chiều). Để tránh những tình huống đáng tiếc và giúp trẻ điều chỉnh lại suy nghĩ, bố mẹ cần công bằng với con cái, nên thưởng phạt đúng mực và quan tâm các con ngang bằng nhau.

con cái ghét cha mẹ
Đối xử công bằng là biện pháp hiệu quả giúp trẻ gạt bỏ tâm lý thù ghét cha mẹ và anh chị em ruột

Nhiều gia đình có xu hướng yêu thương con út hơn và yêu cầu trẻ lớn phải nhường nhịn em. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý bố mẹ không yêu thương bản thân. Vì vậy, gia đình cần phải khéo léo trong vấn đề này để tránh tình trạng trẻ có những quan điểm lệch lạc.

Ngoài ra, công bằng với các con cũng giúp trẻ hướng đến sự công bằng trong học tập, các mối quan hệ và những khía cạnh khác của cuộc sống. Dần dần trẻ sẽ hình thành tính cách chính trực và trở thành công dân tốt.

3. Bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ

Cha mẹ luôn dành tình cảm sâu sắc đối với con cái nhưng không phải ai cũng thể hiện ra. Nhiều bậc phụ huynh hoàn toàn không bày tỏ tình cảm, sự quan tâm vì nghĩ rằng con trẻ sẽ hình thành tính ỷ lại, muốn được nuông chiều và sẽ trở nên hư hỏng. Vì vậy, cha mẹ thường nghiêm khắc và ít chia sẻ, quan tâm đời sống tinh thần của con.

Khác với người lớn, trẻ nhỏ không có hiểu biết sâu sắc nên không thể hiểu được mục đích sâu xa trong hành động của bố mẹ. Hơn ai hết, bố mẹ là người mà con mong muốn được chia sẻ, dựa vào khi gặp phải những vấn đề khó khăn trong cuộc sống – nhất là trong giai đoạn dậy thì. Tuy nhiên trước những lời nói và hành vi nghiêm khắc, trẻ có thể nghĩ bố mẹ không quan tâm và cố che giấu những vấn đề mình đang gặp phải.

con cái ghét cha mẹ
Gia đình nên quan tâm, chia sẻ với con để hiểu hơn về tâm lý, cảm xúc và những vấn đề trẻ đang phải đối mặt

Để con cái ngừng thù ghét bố mẹ và cảm nhận được tình cảm từ gia đình, phụ huynh cần quan tâm đời sống tinh thần của con. Trong các cuộc trò chuyện, nên dùng sự mềm mỏng để tạo cho trẻ tâm lý thoải mái thay vì có những câu nói cứng nhắc khiến con trẻ có tâm lý sợ sệt. Bố mẹ có thể tạo cho con tâm lý thoải mái bằng cách chia sẻ những câu chuyện, vấn đề mình từng gặp phải ở lứa tuổi của con để bày tỏ sự thấu cảm. Khi bố mẹ quan tâm và chia sẻ thường xuyên, con cái sẽ cảm nhận được tình yêu thương và cũng dành cho gia đình tình cảm tương tự.

4. Lắng nghe mong muốn của con

Sự khác biệt giữa hai thế hệ sẽ khiến cho mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái trở nên sâu sắc. Để con gạt bỏ sự thù ghét đối với gia đình, bố mẹ nên lắng nghe mong muốn thực sự của con. Thực tế, bố mẹ đưa ra những quyết định đều muốn tốt cho con, mong muốn con được học tập trong môi trường lành mạnh và có tương lai xán lạn.

Tuy nhiên, điều mà ba mẹ nghĩ là tốt đôi khi không phải là điều mà con trẻ mong muốn. Đây cũng là nguyên nhân khiến xung đột trong gia đình leo thang và hậu quả là con cái thù ghét bố mẹ vì bị áp đặt, không cho con theo đuổi ước mơ, sự nghiệp,…

Bố mẹ nên hiểu rằng, cuộc sống của con nên để con tự quyết định – nhất là vấn đề ngành nghề và định hướng tương lai. Nếu có thể, bố mẹ nên đưa ra lời khuyên để trẻ ý thức được những khó khăn mà trẻ phải đối mặt nếu lựa chọn con đường riêng. Đồng thời nên chỉ ra cho trẻ những lợi ích trẻ có được nếu thực hiện theo định hướng, kế hoạch của bố mẹ. Từ đó, con trẻ sẽ có đánh giá và đưa ra quyết định theo ý muốn của mình.

Trong mắt bố mẹ, con cái luôn là một đứa trẻ nên tâm lý chung là bảo bọc và thay con quyết định. Tuy nhiên, việc gò bó con trong những định hướng của gia đình sẽ khiến trẻ cảm thấy ngột ngạt và mệt mỏi. Trong trường hợp đi theo định hướng của gia đình nhưng không mang lại kết quả tốt, trẻ sẽ thù hằn và cho rằng bố mẹ đã phá hoại cuộc đời của mình. Vì vậy, bố mẹ chỉ nên cho lời khuyên và để con trẻ tự đưa ra những quyết định quan trọng.

5. Tìm gặp chuyên gia tâm lý khi cần thiết

Thực tế, khi phát hiện con cái thù ghét mình, rất nhiều bậc phụ huynh rơi vào trạng thái hoang mang và không thể hiểu được nguyên do. Con cái thù ghét bố mẹ là dấu hiệu cho thấy sự sai lệch trong cách giáo dục, yêu thương của gia đình. 

Ngay khi nhận thấy tình trạng này, các bậc phụ huynh cần đánh giá lại bản thân và điều chỉnh cách giáo dục phù hợp hơn. Cha mẹ tránh giữ quan điểm cứng nhắc, áp đặt khiến trẻ bị tổn thương tâm lý và lệch lạc trong lối sống, quan điểm và cách suy nghĩ. Không chỉ ba mẹ chịu áp lực mà những đứa trẻ cũng sẽ phải chịu đựng nếu như người lớn áp dụng sai cách dạy bảo. 

Hiện nay, mâu thuẫn trong gia đình ngày càng trở nên sâu sắc do sự khác biệt giữa các thế hệ. Các chuyên gia tâm lý sẽ giúp cha mẹ tìm ra nguyên nhân và tư vấn các giải pháp xử lý phù hợp. Việc trị liệu về tâm lý sẽ có thể cải thiện được tinh thần, các vấn đề về cảm xúc, hành vi cá nhân, giúp họ thay đổi theo hướng tích cực và phù hợp với các mối quan hệ, cuộc sống mà họ đang phải đối mặt.

Con cái thù ghét bố mẹ là dấu hiệu cho thấy sự sai lệch trong cách giáo dục của gia đình. Ngay khi nhận thấy tình trạng này, bố mẹ cần đánh giá lại bản thân và điều chỉnh cách giáo dục phù hợp hơn. Tránh giữ quan điểm cứng nhắc, áp đặt khiến trẻ bị tổn thương tâm lý và lệch lạc trong lối sống, cách suy nghĩ.

Tham khảo thêm:

  • Kiểm soát con cái quá mức và những hệ lụy cần biết
  • Cha mẹ kỳ vọng quá nhiều tạo áp lực cho con cái
  • 8 Điều nên làm để thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái

Từ khóa » Con Ghét Cha