8 Cách điều Trị Sốt Xuất Huyết Tại Nhà - Bệnh Viện Quận 11

TP.HCM đang báo động dịch sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay đã có 6 ca tử vong. Nhiều bà mẹ lo lắng với cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm nhưng gặp nhiều nhất là khi bước vào mùa mưa, thường từ tháng 5-10. Riêng năm 2022, bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Bệnh nhân bị sốt xuất huyết được điều trị tại nhà khi bệnh sốt xuất huyết độ 1 có thể bù dịch bằng đường uống, không cần phải truyền dịch tĩnh mạch. Hoặc sốt xuất huyết độ không có chảy máu quan trọng, vẫn có khả năng bù dịch.

Với những trường hợp điều trị sốt xuất huyết tại nhà, ngoài việc chăm sóc người bệnh thật tốt như: theo dõi nhiệt độ, dấu hiệu bệnh, ăn thức ăn loãng… thì cần lưu ý những điều sau để bệnh sớm khỏi:

- Theo dõi sát thân nhiệt của người bệnh, nếu nhận thấy trẻ sốt cao 39 – 40 độ kéo dài khó hạ, phải báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ nhập viện.

- Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo lời dặn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprofen vì các thuốc này làm tăng nguy cơ chảy máu ngoài ý muốn.

- Người bệnh vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9%.

- Người bệnh, nhất là trẻ em bị sốt xuất huyết ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo loãng, bột, sữa. Không cho trẻ dùng các loại thức ăn, nước uống có màu nâu/đỏ (coca, pepsi, dưa hấu, socola...), bí đỏ, cà rốt… vì khó phân biệt khi trẻ có nôn ra máu hay đi tiêu có máu. Nhờ đó, bác sĩ sẽ phát hiện, xử trí kịp thời khi trẻ bị biến chứng do sốt xuất huyết gây ra.

- Cần uống nhiều nước: nước đun sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh...) oresol, hydrite, hoặc nước cháo loãng... để tăng chất điện giải và tránh mất nước do bệnh sốt xuất huyết gây ra.

- Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da, vùng kín. Thay quần áo và tắm nhanh bằng nước ấm trong phòng tắm khi trẻ không sốt.

- Theo dõi sát tình trạng của trẻ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo, dấu hiệu nặng như vật vã, li bì, lừ đừ, tay chân lạnh, da ẩm, hạ thân nhiệt, đau bụng, đau ngực, khó thở, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn nhiều, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc có máu, tiểu ít… để nhập viện kịp thời.

- Tuyệt đối không tắm gội, lau người bệnh bằng nước lạnh vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra rất nguy hiểm.

Từ khóa » Tự điều Trị Sốt Xuất Huyết Tại Nhà