[87] Công ước Viên 1969: Các Bước Ký Kết điều ước Quốc Tế

Đàm phán, soạn thảo – Thông qua – Xác thực – Thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc

Điều ước quốc tế là một thỏa thuận pháp lý được ký kết giữa các quốc gia với nhau thông qua người đại diện hợp pháp của các quốc gia ký kết. Thông thường, một điều ước quốc tế được hình thành thông qua 04 bước cơ bản sau: Đàm phán, soạn thảo – Thông qua văn bản điều ước – Xác thực văn bản điều ước – Thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc đối với điều ước.

Trong một số trường hợp, có thể phát sinh bước thứ năm liên quan đến bảo lưu điều ước quốc tế. Mặc dù bảo lưu là một vấn đề thường được xem xét riêng nhưng vẫn nên được xem là một trong các bước ký kết điều ước quốc tế. Có hai lý do vì sao bảo lưu là một bước trong ký kết điều ước quốc tế. Một là bảo lưu là hành vi pháp lý phát sinh cùng lúc với việc thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc đối với điều ước. Hai là chỉ bảo lưu quyết định phạm vi chịu ràng buộc thực sự của một điều ước đối với quốc gia đưa ra bảo lưu: Các điều khoản thực sự ràng buộc một quốc gia ký kết = (tất cả điều khoản của điều ước) – (các điều khoản bị bảo lưu).

Bước 1: Đàm phán, soạn thảo

Đây là bước đầu tiên để hình thành một điều ước quốc tế giữa các quốc gia. Đây cũng là bước chiếm nhiều công sức và thời gian nhất trong các bước. Công ước Viên không có quy định riêng về đàm phán, soạn thảo điều ước quốc tế. Các quốc gia được tự do quyết định mọi vấn đề liên quan đến đàm phán và soạn thảo. Trong trường hợp, đàm phán thành công dẫn đến ký kết một điều ước quốc tế, một số hành vi phát sinh trong giai đoạn đàm phán, soạn thảo có thể dẫn đến điều ước quốc tế bị vô hiệu, ví dụ như sai sót, gian dối, uy hiếp hay hối lộ người đại diện quốc gia.[1]

Bước 2: Thông qua văn bản điều ước

Quá trình đàm phán, soạn thảo thành công sẽ đưa đến kết quả là một văn bản điều ước được người đại diện quốc gia của các bên đồng ý. Để chính thức kết thúc quá trình đàm phán, soạn thảo, các bên thường tiến hành bước thông qua văn bản điều ước quốc tế (Adoption of the text). Điều 9 Công ước Viên quy định hai trường hợp thông qua. Điều 9(1) quy định nguyên tắc rằng văn bản điều ước được thông qua khi có sự đồng ý của tất cả các quốc gia tham gia vào việc soạn thảo nên văn bản đó. Điều 9(2) quy định rằng trong trường hợp văn bản điều ước được đàm phán, soạn thảo tại một hội nghị quốc tế thì không cần thiết phải có sự đồng ý của tất cả các quốc gia tham gia hội nghị:

‘2. Văn bản điều ước được thông qua tại một hội nghị quốc tế khi có hai phần ba trong tổng số quốc gia có mặt và bỏ phiếu đồng ý, trừ khi, bằng cùng tỷ lệ đa số như thế, các quốc gia quyết định áp dụng quy định khác.’

Thông thường, các hội nghị quốc tế sẽ thông qua một bộ quy tắc thủ tục tại phiên họp đầu tiên trước khi tiến hành đàm phán, trong đó bao gồm cả quy tắc về bỏ phiếu thông qua. Ví dụ như tại Hội nghị Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1968 – 1969, Quy tắc thủ tục của Hội nghị có 12 quy tắc liên quan đến bỏ phiếu, gồm tỷ lệ cần thiết để thông qua quyết định, về cách thức bỏ phiếu,…[2] Để thông qua văn bản Công ước, Hội nghị quy định cần phải có 2/3 đại diện các quốc gia tham gia và bỏ phiếu.[3]

Bước 3: Xác thực văn bản điều ước

Điều 10 Công ước quy định hai cách thức xác thực văn bản điều ước. Văn bản được xác thực được xem là văn bản gốc – là căn cứ duy nhất xác định nội dung chính xác và thực sự của một điều ước quốc tế.[4] Bên cạnh văn bản gốc được xác thực, một điều ước quốc tế có thể có nhiều bản sao, bản dịch khác nhau – nhưng các văn bản này đều không có bất kỳ giá trị pháp lý nào.

Thông thường, các điều ước quốc tế thường được xác thực thành nhiều bản theo các ngôn ngữ khác nhau. Đối với điều ước quốc tế song phương, thông thường văn bản xác thực sẽ được xác lập theo ngôn ngữ của hai bên, và có giá trị pháp lý ngang nhau, hoặc có thể kèm theo ngôn ngữ thứ ba có giá trị ưu tiên sử dụng. Ví dụ như Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia năm 2005 quy định Hiệp ước được ‘Làm tại Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2005, thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Pháp; cả ba văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, văn bản tiếng Pháp được lấy làm căn cứ.’[5]

Đối với các điều ước quốc tế do Liên hợp quốc bảo trợ, văn bản xác thực thường được làm thành 06 bản theo 06 ngôn ngữ chính thức của tổ chức này, cụ thể: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Tây Ban Nha, từ năm 1973 thêm tiếng Ả-rập.[6]

Văn bản điều ước được xác định là xác thực và cuối cùng (authentic and definitive) theo thủ tục được quy định trong chính văn bản điều ước đó hoặc theo thỏa thuận của các quốc gia tham gia soạn thảo văn bản.[7] Ví dụ, Công ước Viên quy định tại Điều 85 về Văn bản xác thực rằng văn bản gốc của Công ước được làm thành năm bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và tiếng Tây Ban Nha và được nộp lưu chiểu tại Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Trong trường hợp không có quy định trong văn bản hay không có thỏa thuận, văn bản sẽ được xác thực bằng việc ký, bao gồm cả ký ad referendum hoặc ký tắt bởi đại diện các quốc gia vào văn bản điều ước hoặc vào Nghị quyết cuối cùng của hội nghị có ghi nhận văn bản điều ước. Ở đây, chữ ký ad referendum chỉ có hiệu lực khi có xác nhận lại của quốc gia liên quan.

Bước 4: Thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc

Thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc là bước quan trọng trọng nhất trong tất cả các bước ký kết điều ước quốc tế vì chỉ đến bước này, một quốc gia mới chính thức thể hiện ý chí chịu ràng buộc bởi một điều ước quốc tế. Một quốc gia tham gia đàm phán, soạn thảo, thông qua, xác thực văn bản điều ước, nhưng  điều ước đó không thể và không bao giờ có thể ràng buộc quốc gia đó nếu không có sự đồng ý chịu ràng buộc của quốc gia liên quan.

Vậy làm thế nào để một quốc gia thể hiện ý chí chịu ràng buộc đối với một điều ước quốc tế? Điều 11 đến Điều 15 quy định về những hành vi có thể được xem là hành vi thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc của một quốc gia. Điều 11 quy định nguyên tắc chung rằng: “Sự đồng ý chịu sự ràng buộc của một quốc gia đối với một điều ước có thể biểu thị bằng việc ký, trao đổi các văn kiện cấu thành điều ước phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập hoặc bằng mọi cách khác được thỏa thuận.”

VCLT art 11

Điều 11 cho phép có nhiều các thức thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc. Cách thức nào được lựa chọn phụ thuộc vào quy định của chính điều ước quốc tế liên quan hoặc thỏa thuận giữa các quốc gia. Ví dụ như, Công ước Viên quy định Công ước cần được phê chuẩn, và các quốc gia có thể được gia nhập sau đó.[8]

Điều 12 – 15 quy định cụ thể về các hành vi nêu ở Điều 11 trên. Đây là các cách thức phổ biến được sử dụng trên thực tế: hành vi ký (signature, Điều 12), trao đổi văn kiện cấu thành điều ước (exchange of instruments constituting a treaty, Điều 13), phê chuẩn, phê duyệt hay chấp nhận (ratification, acceptance or approval, Điều 14), và gia nhập (accession, Điều 15).

Trong số các cách thức trên, cần lưu ý đến hai cách thức khá đặt biệt: Trao đổi văn kiện cấu thành điều ước quốc tế và Gia nhập. Trao đổi văn kiện cấu thành điều ước quốc tế là một trong những cách thức thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc được sử dụng ngày càng phổ biến.[9] Nội dung mà hai nước thống nhất với nhau qua các công hàm trao đổi công việc sẽ trở thành nội dung của điều ước quốc tế nếu các bên đồng ý như vậy. Ví dụ như Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Mỹ năm 2016 sử dụng hình thức này. Thỏa thuận có đoạn viết:

“Nếu đề xuất này được Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chấp thuận, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đề xuất rằng Công hàm này, cùng với công hàm khẳng định từ phía Đại sứ quán Hoa Kỳ, sẽ tạo thành thỏa thuận giữa hai Chính phủ.”

Về gia nhập, một số điều ước quốc tế đặt ra các điều kiện để một quốc gia có thể gia nhập. Ví dụ như, Công ước chống diệt chủng năm 1951 quy định rằng các quốc gia không là thành viên của Liên hợp quốc chỉ có thể gia nhập Công ước này nếu có lời mời từ Đại hội đồng Liên hợp quốc.[10] Hiệp ước về Nam cực năm 1959 quy định các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có quyền gia nhập, các quốc gia khác chỉ có thể gia nhập nếu được các quốc gia thành viên mời.[11] Một ví dụ gần đây hơn là Hiệp ước Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quy định các quốc gia sẽ gia nhập theo thỏa thuận riêng được ký kết giữa các quốc gia thành viên và quốc gia có ý định gia nhập.[12] Đối với các điều ước là văn kiện thành lập tổ chức quốc tế, vấn đề gia nhập điều ước và vấn đề gia nhập tổ chức quốc tế có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trần H. D. Minh

Xem thêm các bài về luật điều ước quốc tế:

  1. Giới thiệu chung về Công ước Viên năm 1969
  2. Định nghĩa “điều ước quốc tế”
  3. Quyền năng và thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế
  4. Bảo lưu điều ước quốc tế (xem thêm về Thực tiễn bảo lưu điều ước của Việt Nam)
  5. Hiệu lực của điều ước quốc tế
  6. Áp dụng các điều ước quốc tế cùng điều chỉnh một vấn đề (xung đột điều ước)
  7. Hiệu lực pháp lí và việc áp dụng điều ước ở Việt Nam
  8. Thực tiễn áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế tại Việt Nam
  9. Sửa đổi và bổ sung điều ước
  10. Vô hiệu điều ước
  11. Huỷ bỏ, đình chỉ thi hành điều ước
  12. Giải thích điều ước quốc tế: Công ước Viên 1969: Giải thích điều ước quốc tế, Các cách tiếp cận ngoài Công ước Viên năm 1969, và Thẩm quyền giải thích điều ước quốc tế.

———————————————————————————-

[1] Công ước Viên năm 1969, Điều 48, 49, 50, và 51.

[2] Quy tắc thủ tục của Hội nghị Viên về Luật Điều ước quốc tế (1968 – 1969), Quy tắc 35 – 46.   [3] Như trên, Quy tắc 36.

[4] ILC, ‘Draft articles on the law of treaties with commentaries 1966’, in trong ILC, Yearbook of the International Law Commission 1966, vol. II (United Nations 1967) 195.

[5] Công ước Viên năm 1969, Điều 6.

[6] United Nations, What are the official languages of the United Nations? http://ask.un.org/faq/14463 (truy cập ngày 06/7/2018).

[7] Công ước Viên năm 1969, Điều 10(1).   [8] Như trên, Điều 82 và 83.

[9] P Malanczuk, Akerhurst’s Modern Introduction to International Law, 7th ed. (Routledge 1997) 134.

[10] Công ước chống diệt chủng năm 1951, Điều XI.   [11] Hiệp ước Nam cực năm 1959, Điều XIII(1).   [12] CPTPP, Điều 5, xem tại http://international.gc.ca/trade-commerce/trade-agreements-accords-commerciaux/agr-acc/cptpp-ptpgp/text-texte/cptpp-ptpgp.aspx?lang=eng (truy cập ngày 10/7/2018).

52.086241 5.164979 52.0862410, 5.1649792

Chia sẻ:

  • Tweet
Thích Đang tải...

Từ khóa » Các Giai đoạn Ký Kết điều ước Quốc Tế