9 Cách Nạp Năng Lượng Tích Cực Cho Bộ Não - LEEP.APP

Chỉ cần một chút tập luyện và tập trung, bạn hoàn toàn có thể làm mới bộ não của mình để hướng tới những năng lượng tích cực. Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu sâu hơn trong bài viết này nhé!

Bất kể bạn có nhận ra điều này hay không, nhưng những trải nghiệm tiêu cực xảy ra trong cuộc sống thường ảnh hưởng đến những quyết định sau này của chúng ta. Bộ não rút ra bài học từ những tình huống khó khăn, những ký ức đau thương hoặc những trải nghiệm hằn sâu vào trong tâm trí bạn.

Não bộ theo một cách tự nhiên sẽ làm bất cứ điều gì có thể để bảo vệ chúng ta, bằng cách tránh khỏi việc lặp lại những trải nghiệm tiêu cực. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục tập trung vào những điều tiêu cực sẽ làm cản trở khả năng tìm thấy những điều tích cực và hướng đến một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Bí quyết thành công dựa trên việc nhận thức và vượt qua giai đoạn khó khăn mỗi khi chúng tái hiện. Điều này đòi hỏi sự dũng cảm bên trong để lướt qua những đợt sóng ập đến trong cuộc đời. Bạn càng tỏa ra nhiều năng lượng tích cực thì cơ hội đạt được thành công và hạnh phúc lâu dài sẽ càng cao hơn. 

Nếu bạn chưa từng dành thời gian để lắng nghe những suy nghĩ của mình, hãy thử một lần dành chút thời gian làm điều đó. Trung bình mỗi ngày, não bộ của chúng ta sẽ “sản xuất” ra gần 70.000 những suy nghĩ khác nhau.

Thực tế là, não bộ vẫn tiếp tục suy nghĩ kể cả khi chúng ta nhận thức được điều đó hay không. Nếu bạn dành ra khoảng 10 phút để theo dõi những suy nghĩ của mình, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra, mình có thể trở nên tiêu cực như thế nào.

Chúng ta thường nghĩ tất cả mọi thứ, từ việc “tại sao mình phải đi làm trong một ngày đẹp trời như thế này?”, cho đến “chị/em gái của mình vẫn chưa gọi cho mình, không biết liệu cô ấy có ổn không?”. Về cơ bản, chúng ta có thói quen suy nghĩ tiêu cực mà không hề nhận ra điều đó.

Sức mạnh của tư duy tích cực đã được nghiên cứu, được nhắc đến và ghi chép trong rất nhiều tài liệu từ rất lâu. Nhưng làm sao chúng ta có thể dừng bản thân khỏi việc suy nghĩ tiêu cực khi chúng ta thậm chí còn không nhận ra mình đang làm điều đó.

Câu trả lời là: Luyện tập não bộ. Theo một cách nào đó, não vẫn sẽ suy nghĩ như cách nó đang vận hành. Nhưng tin tốt là, chúng ta có thể luyện tập để bản thân suy nghĩ tích cực hơn. Dưới đây là 9 cách để đảm bảo rằng bạn sẽ sử dụng 70.000 suy nghĩ mỗi ngày của mình cho những điều tích cực nhất.

Cách 1: Tập trung vào những yếu tố làm bạn vui

Một trong những cách để tập cho não bộ tư duy tích cực là chủ động và liên tục chuyển sự chú ý của bản thân đến những điều truyền cảm hứng vui vẻ. Dành riêng một quyển sổ tay cho việc luyện tập này và mỗi buổi sáng, hãy sử dụng nó để ghi ra 5 điều mang lại cảm hứng cho bạn.

Trong quá trình luyện tập, cố gắng suy nghĩ trên nhiều phương diện khác nhau. Ví dụ như những tương tác xã hội làm bạn hạnh phúc, những yếu tố trong môi trường xung quanh khiến bạn được truyền cảm hứng, hay một điều gì đó của bản thân mà bạn cảm thấy tự tin và tự hào.

Bất cứ khi nào suy nghĩ của bạn tập trung vào niềm vui, não bộ sẽ được củng cố và sản xuất ra nhiều sợi thần kinh liên quan đến niềm vui đó. Kết quả là bạn sẽ tìm thấy nhiều niềm vui hơn.

Cách 2: Chăm sóc cơ thể và sức khỏe tâm hồn

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc chăm sóc cho cơ thể và tâm trí ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc của chúng ta, cũng như việc giúp não bộ tư duy tích cực hơn. Cụ thể như việc sử dụng các thực phẩm có tác dụng thúc đẩy tinh thần và tốt cho sức khỏe như chuối, trứng, quả mâm xôi hay cá hồi.

Việc tập luyện thể dục khoảng 20 phút mỗi ngày giúp giải phóng endorphin, những morphin nội sinh này giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Tiếp theo, bắt đầu quy trình luyện tập cải thiện tinh thần bằng yoga hay thiền định. Tâm trí chúng ta chỉ đơn giản tiếp nhận những suy nghĩ và cảm xúc nhưng không có cơ chế nhận định những suy nghĩ hay cảm xúc này là tốt hay xấu. 

Một bài tập đơn giản khác cho tâm trí là cài đặt chuông báo cho điện thoại 3 lần mỗi ngày. Mỗi khi điện thoại reo, hãy dừng lại một chút và hít thở, điều này sẽ giúp giữ cân bằng cho tâm trí, đồng thời thêm các giá trị tích cực vào cuộc sống của bạn.

Một trong những động tác giúp bạn tìm năng lượng tích cực là tập yoga

Tập luyện thể dục thể thao khoảng 20 phút mỗi ngày, kết hợp yoga hoặc thiền sẽ giúp cải thiện tâm trạng, bồi dưỡng trí não

Cách 3: Giải phóng năng lượng tiêu cực bên trong

Nếu bạn cho phép bản thân mình bám víu vào những điều tiêu cực, thì thói quen hoài nghi sẽ đồng hành trong cuộc sống và ảnh hưởng đến những quyết định của bạn. Đó là bước đệm đẩy bạn đến với việc bị cuốn theo vòng tròn của những sự do dự và thiếu tin tưởng. Rất khó, hoặc thậm chí không thể, để xây dựng thành công khi bản thân bị trói buộc với những điều tiêu cực.

Bước đầu tiên là loại bỏ những năng lượng tiêu cực và tập trung vào sự quả quyết. Kiểm soát tâm trí và định hướng nó đến với những năng lượng tích cực. Bạn có thể bắt đầu việc này bằng cách chủ động và thường xuyên tập trung suy nghĩ của mình vào những điều làm bạn cảm thấy hạnh phúc. Đừng để những điều tiêu cực giới hạn tiềm năng bên trong bạn và làm tinh thần của bạn đi xuống.

Thử tìm nhiều cách khác nhau tiếp cận với suy nghĩ. Một gợi ý cho bạn là dành một chút thời gian để bình tĩnh tâm trí mỗi khi bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng hay phân tâm. Hãy làm mọi thứ chậm lại.

Hít thở sâu và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu. Tập trung vào việc lắp đầy phổi bằng không khí trong lành. Và bây giờ bạn đã sẵn sàng để khởi động quá trình sống tích cực rồi đấy!

Cách 4: Đào tạo não bộ chuyển tiêu cực thành tích cực

Kể cả khi tiềm thức của chúng ta đã trải qua rất nhiều năm tháng chỉ tập trung vào những điều tiêu cực, việc tái đào tạo não bộ để nhận thức và tập trung vào những điều tích cực là hoàn toàn khả thi. Ý tưởng này giúp chúng ta lấy lại trọng tâm và tập trung suy nghĩ của mình để tìm ra những điều “lấp lánh” tiềm ẩn trong những tình huống tiêu cực nhất.

Bước đầu tiên là hình thành nhận thức về những điều mà bạn suy nghĩ. Bắt đầu dành nhiều sự chú ý hơn đến dòng suy nghĩ. Liệt kê ra những câu hỏi như: Liệu rằng bộ não của bạn có liên tục bận tâm đến những kết quả tiêu cực hay không? Liệu bạn có đang mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của những hoài nghi?

Rồi bạn sẽ nhận ra rằng những suy nghĩ tiêu cực sẽ chẳng thể giúp đỡ gì cho bạn trên con đường chạm đến thành công. Bạn sẽ cần đầu óc của mình cân bằng để đưa ra quyết định xem cơ hội nào nên nắm giữ hoặc không.

Bước tiếp theo là đào tạo não bộ của bạn nhận ra những tín hiệu tích cực. Thay vì rà soát từng tình huống để tìm ra điểm tiêu cực, chúng ta cần phải dạy cho bộ não định hướng những suy nghĩ và tìm kiếm những tín hiệu tích cực.

Cách để thêm động lực đơn giản là tìm kiếm 3 điều tích cực mỗi ngày. Hàng ngày, lên danh sách 3 điều tốt đã từng xảy đến với bạn và tìm kiếm nguyên nhân làm chúng xuất hiện. Tập trung vào những thành quả nhỏ mỗi ngày và sử dụng điều đó để làm động lực cho chính mình.

trí não cân bằng sẽ dễ giúp bạn lấy lại năng lượng tích cực

Bạn cần giữ cho trí não cân bằng để điều hướng những suy nghĩ tiêu cực thành tích cực

Cách 5: Bài học của nghệ thuật xoay chuyển từ những điều tiêu cực

Một khi bạn nhận ra rằng mình đã lún sâu trong vòng tròn nối tiếp của những suy nghĩ tiêu cực, đã đến lúc phải giải phóng bản thân bằng việc xoay chuyển tình huống.

Tự hỏi bản thân rằng đối nghịch với những suy nghĩ tiêu cực là gì? Nếu bạn quay ngoắc 180 độ khỏi suy nghĩ đối nghịch này, bạn sẽ tìm thấy bản thân mình ở đâu? Tập trung suy nghĩ về những thứ có thể đến từ khía cạnh tích cực. Luyện tập hình dung ra những kết quả tích cực hơn và nghĩ về các bước bạn phải làm để điều đó xảy ra.

Khi bạn cảm thấy bản thân mình rơi vào một chu kỳ của sự tiêu cực hay lo lắng, tự nhủ với bản thân rằng đó là do tư duy tiêu cực ngăn không cho bạn đưa ra những quyết định tích cực đối với cuộc đời bạn. Hãy cân nhắc những cách để bạn có thể đóng khung lại những suy nghĩ của mình theo khía cạnh tích cực hơn. Tìm kiếm sự tự tin và quyết đoán để thay thế cho những suy nghĩ tiêu cực.

Nhận thức rằng tâm trí của bạn luôn có xu hướng quay trở lại với cách vận hành cũ, hãy tự nhắc bản thân rằng bạn đang trong giai đoạn khắc phục. Khi bạn phát triển được thói quen tốt để xoay chuyển để hướng đến sự tích cực, bộ não của bạn sẽ trở nên “nghe lời” hơn và dường như được lập trình lại để tiến gần hơn đến những điều tích cực.

Cách 6: Theo đuổi đam mê

Một trong những điều tuyệt vời nhất để bạn giữ cho mình luôn ở trạng thái tích cực mỗi ngày đó là đảm bảo rằng bạn đang được làm những điều mình yêu thích. Nếu công việc hoặc thói quen có liên quan đến một điều gì đó làm bạn cảm thấy tội lỗi, hoặc mang bạn đi xa khỏi những mong muốn trong cuộc sống, thì đã đến lúc thay đổi công việc hoặc thói quen đó rồi.

Viết ra 3 việc mà bạn muốn làm, kèm theo đó là 3 sự thay đổi tích cực bạn muốn thấy. So sánh nó với lối sống hiện tại và xem chúng có liên quan với nhau hay không. 

Được liên kết với những gì tâm hồn bạn vẫy gọi là một trong những khía cạnh quan trọng trong quá trình “hướng thiện”. Hãy tin chúng tôi, nó sẽ làm cho mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn!

làm điều mình thích để lấy lại năng lượng tích cực cho bản thân nào

Được làm điều mình thích là cách hiệu quả để giữ cho tâm trí luôn tươi tắn, khỏe mạnh

Cách 7: Tạo ra chu kỳ niềm vui

Khi chúng ta đối xử tốt với người khác với mong muốn làm cho những người thân yêu bên cạnh bạn cảm thấy dễ chịu, cùng lúc đó chúng ta cũng đang thúc đẩy niềm hạnh phúc của bản thân. Kể cả những điều nhỏ nhặt nhất như làm người khác cười cũng mang lại niềm vui cho chính bạn. Làm điều tốt tác động mạnh mẽ đến việc ngăn chặn vòng tròn tiêu cực.

Ví dụ như bạn có thể sẽ cảm thấy lo lắng về cuộc họp sắp tới, hay căng thẳng về một tương tác gần đây với người bạn hay đồng nghiệp, và theo thói quen thông thường, những suy nghĩ của bạn là lo lắng về điều đó. Thay vì cứ phiền muộn, hãy thử làm một điều gì đó tốt đẹp dành cho người khác.

Bạn sẽ nhận ra rằng dành một chút thời gian để mua cho ai đó một ly cà phê hay giúp đỡ một người lạ sẽ mang lại sự thúc đẩy cho bạn. Đấy là niềm hạnh phúc nho nhỏ. Và hãy sử dụng những cảm xúc tích cực này để định hướng suy nghĩ của bạn theo cách tươi sáng hơn.

Cách 8: Mang sự tích cực vào những khoảnh khắc hiện tại

Khi thật sự tái lập trình để não bộ tích cực hơn, bạn sẽ phải mang những điều tích cực vào trong cuộc sống thường nhật. Bạn nên tập trung vào việc có cái nhìn thiện cảm với những khoảnh khắc ở hiện tại. 

Không phải ngày mai hay tuần sau mà là ngay bây giờ. Bạn có thể thực hiện bằng việc rèn luyện tâm trí, cụ thể là nhận thức những suy nghĩ và cảm xúc của mình trong khoảnh khắc hiện tại. Đó là việc nhận ra cảm xúc của bạn, những gì mà cơ thể bạn đang cảm nhận, những gì bạn đang nghĩ trong đầu và cho phép những cảm giác này xảy ra mà không phán xét nó.

Một khi bạn đã thật sự hiểu những thói quen của tâm trí, bạn sẽ không còn cho phép những tiềm thức điều khiển quyết định của bạn nữa. Bạn đang dạy cho não bộ của mình cảm nhận mỗi khi rơi vào trạng thái tiêu cực, đồng thời ngay lập tức hành động để hướng về những điều tích cực. Nó cho phép bạn tập trung suy nghĩ và hướng sự chú ý đến việc tiếp cận một cách cân bằng và tích cực hơn.

Để giúp cho việc định hướng suy nghĩ, hãy thử viết ra một danh sách những câu hỏi cho bản thân để có thể mang đến năng lượng tích cực cho hiện tại. Dưới đây là một vài ví dụ:

  • Điều gì làm cho bạn cảm thấy biết ơn ở thời điểm hiện tại?
  • Bạn có thể làm gì để mang lại niềm vui cho bản thân?
  • Làm thế nào để xây dựng thiện cảm và lòng biết ơn?
  • Bạn có thể làm gì để gây bất ngờ cho người khác hoặc làm cho họ cảm thấy hạnh phúc?

Khi bạn đã quen với việc kiểm tra liên tục với bản thân mình và định hướng suy nghĩ hướng đến năng lượn tích cực, nó sẽ trở thành phản xạ tự nhiên.

>>> Xem thêm: 4 cách nạp năng lượng tích cực để thành công

Cách 9: Viết danh sách những điều bạn cảm thấy biết ơn

cám ơn là cách để bạn hướng đến những năng lượng tích cực

Biết cảm ơn cuộc đời là cách để bạn hướng bản thân đến những năng lượng tích cực

Vào một ngày nghỉ nào đó, hãy ngồi xuống cùng với tờ giấy và bắt đầu viết ra 5 điều bạn cảm thấy biết ơn. “Trời nóng quá nhưng may sao mình có máy điều hòa chạy tốt”, “Quyển sách mình đang đọc thật hay!”… Tin hay không nhưng tất thảy việc nhỏ này là những điều bạn nên cảm thấy biết ơn. Việc lập danh sách những điều bạn biết ơn giúp cải thiện tâm trạng và giữ cho bạn tập trung vào năng lượng tích cực hơn trong cuộc sống.

>>> Xem thêm: 9 cách để biết yêu bản thân và cảm ơn cơ thể của mình

Nguồn tham khảo

6 Ways To Train Your Subconscious Mind For Positive Thinking https://www.thelawofattraction.com/6-ways-train-brain-stay-positive/ Ngày truy cập: 30.03.2020

5 Ways to Rewire Your Brain to Be Positive https://www.entrepreneur.com/article/296779 Ngày truy cập: 30.03.2020

4 Proven Ways To Train Your Brain To Think Positively https://fairygodboss.com/articles/4-ways-to-train-your-brain-to-think-positively Ngày truy cập: 30.03.2020

5 Ways To Retrain Your Brain Into A Positive Powerhouse https://www.mindbodygreen.com/0-8647/5-ways-to-retrain-your-brain-into-a-positive-powerhouse.html Ngày truy cập: 30.03.2020

7 Exercises That Train Your Brain to Stay Positive https://www.powerofpositivity.com/7-tips-how-to-train-your-brain-to-stay-positive/ Ngày truy cập: 30.03.2020

8 Ways To Train Your Brain To Become More Positive https://due.com/blog/train-your-brain-to-become-more-positive/ Ngày truy cập: 30.03.2020

Từ khóa » Cách Tạo Năng Lượng Tích Cực Trong Công Việc