9 Cách 'thêm Muối' Khi Bạn Nói Chuyện để Hấp Dẫn Người Nghe Hơn

Diễn giả và tác giả nổi tiếng Dale Carnegie từng tóm gọn về cách tiếp xúc với mọi người để gây ấn tượng. Khả năng nói chuyện thu hút là một sức mạnh to lớn. Để trở thành người có tài nói chuyện chúng ta cần làm cho người khác cảm nhận được chúng ta thấu hiểu cảm xúc của họ và làm cho họ thấy rằng họ gặp được một người chân thành.

Thay vì chỉ chào hỏi mọi người bằng câu nói khô cứng và thiếu cảm xúc: "Chào bạn" hoặc "Rất vui khi gặp bạn", chúng ta nên nhìn trực tiếp vào mắt họ và khiến họ cảm nhận được tình cảm của mình. Hãy mỉm cười và nói lời tốt đẹp để họ vui vẻ khi gặp chúng ta.

Hãy chân thành

Hãy bồi dưỡng sự thân ái, lòng chân thành và mở rộng cánh cửa của trái tim. Đừng mở cửa hờ hững như muốn nói với người ta: "Bạn chỉ có thể nhìn qua khe cửa và không thể vào được cho tới khi nào tôi biết bạn là người quen đáng quý." Trên thực tế, có nhiều người hà tiện với sự chân thành của mình. Họ dường như để dành sự chân thành cho dịp đặc biệt nào đó hoặc cho những người bạn thân thiết. Họ nghĩ nó quá quý giá nên không thể cho mọi người.

Cái bắt tay vui vẻ, nồng ấm và lời chào mừng chân thành sẽ tạo nên sự gắn kết, thiện chí giữa chúng ta và những người mình gặp. Nó sẽ nói với chúng ta: "Ồ, người này thật sự có cá tính. Tôi muốn biết nhiều hơn về họ. Họ đã thấy điều gì ở tôi mà rõ ràng rằng hầu hết mọi người đều không thấy." Và khả năng mang lại cảm giác liên hệ mạnh mẽ với người khác là một tính cách đặc biệt của cựu Tổng thống Bill Clinton. Những người từng gặp ông thường kể lại rằng họ cảm nhận ông ấy có cái nhìn thật sự đi vào trái tim của họ suốt cuộc nói chuyện. Cảm giác như vậy nhanh chóng tạo nên sự nồng ấm và thân thiết.

Không chỉ là điều chúng ta nói, mà còn là cách nói

Hãy nhớ rằng chúng ta thể hiện chính mình không chỉ qua lời nói, mà còn qua giọng điệu, biểu cảm của gương mặt, điệu bộ và thái độ.

Việc nhìn vào ánh mắt người khác và thật sự lắng nghe điều họ đang nói tạo nên tác động rất lớn. Nếu người khác cảm nhận rằng chúng ta không chú ý vào cuộc trò chuyện với họ (như khi chúng ta cứ nhìn quanh phòng, nét mặt thể hiện sự không chú ý, hoặc thậm chí thường nhìn vào điện thoại di động…), thì chúng ta đã gửi đi tín hiệu rằng người đó không quan trọng đối với chúng ta. Đây là lý do khiến người ta mất hứng thú để thân thiết với chúng ta nhiều hơn hoặc có thể làm ăn với chúng ta trong tương lai.

Chúng ta sẽ biết được khi nào mình có mối quan hệ tốt với người khác. Những người có tài nói chuyện đều cảm thấy sức mạnh đến với họ từ người nghe mà họ chưa bao giờ cảm nhận trước đó, nên nó kích thích và truyền cảm hứng cho họ. Sự pha lẫn suy nghĩ với suy nghĩ, tâm trí với tâm trí, tạo nên sức mạnh mới, giống như sự pha trộn hai chất thường tạo ra chất thứ ba hoàn toàn mới mẻ.

9 cách thêm muối khi bạn nói chuyện để hấp dẫn người nghe hơn - Ảnh 1.

Hãy thật sự quan tâm tới người khác

Mất kiên nhẫn là điểm dễ thấy với nhiều người trong chúng ta. Những thứ làm chúng ta chán nản, không hứng thú sẽ không mang lại tiền bạc, công việc làm ăn hoặc không giúp duy trì vị trí mà chúng ta đang có.

Thay vì vui vẻ một cách vô tư cùng bạn bè, chúng ta có khuynh hướng coi họ như những thanh ngang của chiếc thang nhằm giúp chúng ta tiến lên và đánh giá họ qua tỷ lệ khách hàng mà họ mang tới, hoặc xem xét họ qua khả năng có thể giúp chúng ta thăng tiến trong sự nghiệp.

Phát triển khả năng thấu hiểu cảm xúc

Một nguyên nhân khiến chúng ta suy giảm khả năng chuyện trò là thiếu sự thấu hiểu cảm xúc. Chúng ta quá ích kỷ, quá bận rộn cho những lợi ích của mình, thu mình lại trong thế giới riêng hoặc quá chú trọng tới mình nên không quan tâm tới người khác. Người không có khả năng thấu hiểu cảm xúc của người khác không thể nào trở thành người có tài nói chuyện. Chúng ta cần có khả năng bước vào cuộc sống của người khác, san sẻ cùng họ, trở thành người biết lắng nghe và có khả năng thuyết phục.

Nếu muốn khiến mình trở thành người dễ mến, chúng ta cần chạm được mối quan tâm của họ. Cho dù hiểu biết sâu sắc về một đề tài nào đó tới đâu, nhưng nếu đề tài này không phù hợp với mối quan tâm của người đang nói chuyện với mình, chúng ta hầu như sẽ phí công vô ích.

Có nhiều người lãnh đạm, dè dặt, giữ khoảng cách bởi vì trí óc họ ở tận nơi nào đó và chỉ quan tâm chuyện của chính họ. Với những người này, chỉ có hai thứ khiến họ quan tâm: công việc và thế giới riêng của họ. Nếu chúng ta nói với họ về những chuyện này, họ lập tức quan tâm, nhưng họ không quan tâm tới chuyện của chúng ta, họ không để ý tới cách chúng ta xoay xở tình hình, hoài bão của chúng ta là gì hoặc làm sao để có thể giúp chúng ta. Khi trong trạng thái ích kỷ, không thông cảm, cách nói chuyện của họ sẽ chẳng bao giờ thuyết phục.

Hãy khéo léo

Người có tài nói chuyện luôn khéo léo, lịch thiệp. Họ quan tâm mà không làm mích lòng người khác. Một số người có tính cách vui vẻ, dễ chịu và tạo sự thoải mái cho mọi người. Họ không bao giờ kích động vấn đề nhạy cảm của người khác. Họ thể hiện những tích cách đó một cách tự nhiên, khéo léo và tốt đẹp. Ngược lại, có những kẻ thường bươi móc những chuyện không tốt và mỗi lần xuất hiện, họ làm chúng ta bực mình, khó chịu.

Hãy cởi mở tấm lòng và bao dung người khác. Ai vi phạm các nguyên tắc về sở thích, khiếu thẩm mỹ, sự công bằng và tính ngay thẳng không bao giờ có thể thu hút và hấp dẫn người khác. Khi đó, họ khóa chặt tấm lòng của mình và cuộc trò chuyện trở nên hời hợt, máy móc mà không có cảm xúc.

Hãy làm người khác thoải mái

9 cách thêm muối khi bạn nói chuyện để hấp dẫn người nghe hơn - Ảnh 2.

Lincoln là một bậc thầy về nghệ thuật thu hút đối với những người đã gặp anh ấy. Lincoln làm người ta cảm thấy thoải mái với những câu chuyện vui vẻ và lời nói đùa, làm họ cảm thấy tự nhiên tới nỗi họ có thể tâm sự với anh mà không dè dặt. Người lạ dễ dàng nói chuyện vui vẻ với Lincoln bởi vì anh ấy thân mật, ăn nói có duyên và luôn cho nhiều hơn nhận.

Dĩ nhiên, tính cách hài hước giống như Lincoln góp phần rất lớn vào sức mạnh của tài ăn nói. Trên thực tế, không phải ai cũng dễ dàng cười, nên nếu thiếu tính cách hài hước mà cố gắng chọc cười người khác, chúng ta sẽ rơi vào tình thế… dở khóc dở cười.

Khi nói chuyện, chúng ta đừng quá nghiêm trang. Đừng chú ý quá nhiều vào những chi tiết nhỏ nhặt. Các sự kiện, con số thống kê có thể gây buồn chán, vì vậy, hãy bổ sung thêm những minh họa, câu chuyện ngắn để hấp dẫn hơn. Tính sôi nổi là điều cần thiết. Cuộc trò chuyện nặng nề có thể gây chán nản, nhưng ngược lại, buổi nói chuyện không có chiều sâu, mặc dù có thể vui, nhưng lại làm người khác hiểu rằng chúng ta là người nhạt nhẽo, giả tạo.

Ghi nhớ tên gọi

Khi gặp người mới, hãy cố gắng đặc biệt để ghi nhớ tên của họ. Thông thường, người ta chỉ nói nhanh họ tên khi giới thiệu, nhất là khi giới thiệu nhiều người cùng một lúc. Nếu nghe không rõ, chẳng có gì là bất lịch sự khi yêu cầu họ lặp lại. Hãy gọi tên của họ trong cuộc trò chuyện để nó khắc sâu vào trí nhớ.

Tìm hiểu thông tin về người khác

Khi chúng ta gặp gỡ người mới, điều quan trọng là thu thập nhiều thông tin về họ. Một cách để thực hiện việc này là đặt câu hỏi, nhưng đừng làm ra vẻ như… thẩm vấn nghi phạm. Chỉ với vài câu hỏi được cân nhắc kỹ càng, chúng ta sẽ bắt đầu cuộc trò chuyện một cách êm thấm.

Đây là quá trình rất tế nhị để người khác không nghĩ là chúng ta tò mò hay dò hỏi một cách khiếm nhã. Chỉ hỏi những câu hỏi phù hợp với tình huống có liên quan tới chúng ta. Chẳng hạn, với người này, chúng ta có thể hỏi về vấn đề công việc và với người khác thì về tình hình sinh hoạt…

Về tình hình sinh hoạt, có thể bắt đầu bằng những câu hỏi về khu vực người đó đang sống, sở thích hoặc mối quan tâm, gia đình hoặc người quen. Bên cạnh đó, đề tài về trường cũ thời trung học hoặc đại học, những sự kiện gần đây (nhưng cần thận trọng với đề tài về chính trị nhằm tránh bất đồng quan điểm) hoặc trích dẫn ra lời bình luận của nhân vật nào đó và hỏi về nó. Chúng ta cũng có thể kể với người khác rằng chúng ta thích giày, áo, túi xách nhằm bắt đầu cuộc trò chuyện. (Phương pháp sẽ không đơn giản khi nói chuyện với nam giới).

Khi gặp trong bối cảnh công việc, có thể bắt đầu những câu hỏi về ngành nghề và công ty của họ, tin tức liên quan tới ngành nghề đó và tình trạng công việc, nghề nghiệp của họ.

Không nhất thiết phải chuẩn bị trước một danh sách câu hỏi. Một khi cuộc trò chuyện bắt đầu, tình hình trở nên dễ dàng hơn và chúng ta có thể tùy cơ ứng biến.

Lắng nghe! Hãy thật sự lắng nghe!

Trò chuyện giống như con đường hai chiều. Một bên là chúng ta nói và bên kia là người khác nói. Thông thường chúng ta nghĩ về điều mình đang hoặc sắp nói và đôi khi không thật sự chú ý tới điều người kia nói.

Giả sử có người nêu ra một tình huống trục trặc và nhờ chúng ta góp ý. Chúng ta có thể bắt đầu chú tâm lắng nghe, nhưng trước đó, chúng ta có thể không tập trung lắm vì bận suy nghĩ về chồng hồ sơ ở bàn làm việc, cuộc điện thoại định gọi hoặc cuộc tranh cãi với đứa con gái khi chúng ta chở nó đi học vào sáng nay. Tuy rằng tai có nghe tiếng nói, nhưng chúng ta không thật sự lắng nghe.

Công thức 3:6:5 giúp bạn làm chủ kỹ năng giao tiếp, thu phục lòng người khó tính nhất ngay từ lần đầu nói chuyện

Yên Nhiên

Theo Trí Thức Trẻ Copy link Link bài gốc Lấy link! http://ttvn.toquoc.vn/search.htm?keyword=9+c%C3%A1ch+%27th%C3%AAm+mu%E1%BB%91i%27+khi+b%E1%BA%A1n+n%C3%B3i+chuy%E1%BB%87n+%C4%91%E1%BB%83+h%E1%BA%A5p+d%E1%BA%ABn+ng%C6%B0%E1%BB%9Di+nghe+h%C6%A1n

Từ khóa » Cách Nói Chuyện Hay