9 Món Ngon Và đặc Sản Lai Châu - Du Lịch Chào Việt Nam

9 món ngon và đặc sản Lai Châu

Diện tích tự nhiên trải rộng, địa hình đa dạng đã tạo cho Lai Châu tiềm năng du lịch tự nhiên phong phú, hấp dẫn làm cơ sở cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch như sinh thái, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng chữa bệnh, du lịch mạo hiểm…Đến du lịch Lai Châu du khách đừng quên khám phá nét văn hóa ẩm thực địa phương độc đáo nơi đây và mua về làm quà tặng cho bạn bè, người thân.

1. Hạt dổi rừng Được xem như là đặc sản của vùng núi cao Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng, hạt dổi rừng là một trong những loại gia vị đặc biệt thơm ngon và quý hiếm của người dân vùng cao. Dổi là loại cây thân gỗ, mọc thẳng đứng ưa ánh sáng, rất ít cành và là cây lâu năm.

hạt dổi rừng

Có nhiều loại, loại chỉ lấy gỗ làm nhà thường được gọi là dổi tẻ có hạt rất cứng và mùi hắc không ăn được, còn loại mà cho hạt thơm là dổi nếp hay được bà con vùng dân tộc dùng làm gia vị thì ít và hiếm hơn.Để thu hoạch được những hạt dổi rừng quý hiếm bà con vùng cao thường phải vào rừng tìm đến những cây có tuổi đời đến vài chục năm để nhặt hạt dụng xuống. Hạt dổi khi chín có màu đỏ, sau khi phơi khô săn lại đổi thành màu đen sậm. Cứ 3kg hạt dổi tươi phơi được 1kg hạt dổi khô. Hạt dổi rừng tươi khi phơi khô đã tự có mùi thơm quyến rũ đặc trưng rồi, nhưng chỉ khi nào dùng nướng trên than củi hồng và đảo nhanh tay, hạt dổi rừng sẽ nở căng ra và mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Sau khi nướng thơm lên đem giã nhỏ trộn với muối trắng và vắt thêm ít nước chanh vào làm gia vị để chấm ăn cùng thịt lợn nướng, thịt luộc, thịt trâu sấy, lạp xưởng hoặc làm gia vị tẩm ướp các món ăn… 2. Thịt gác bếp Có một cách chế biến thức ăn độc đáo của đồng bào Mông ở Lai Châu mà phải có dịp thưởng thức du khách mới thấy được sự đặc biệt của món ăn này, đó là: “Thịt lợn treo gác bếp”.Sau khi sơ chế, người ta thường chọn thịt ba chỉ, thịt mông đôi khi là thịt thủ và thịt vai để chế biến.

đặc sản Lai Châu

Tùy thuộc từng địa phương khác nhau mà người ta có cách chế biến thịt khác nhau. Có nơi đồng bào ngả thịt ra cho nguội. Tiếp đó đưa thịt vào cối giã cùng với lượng muối vừa đủ để muối ngấm vào thịt chứ không giã nát. Sau đó đem thịt trộn với một loại men làm từ các cây rừng và cho thịt vào gùi ủ kín 2 - 3 ngày và treo lên gác bếp. Một số nơi khác để giữ nguyên được hương vị của thịt người ta chỉ ướp với muối chừng gần chục tiếng rồi treo lên gác bếp. Do bếp nấu ăn hàng ngày đun bằng củi luôn đỏ lửa nên hơi nóng của lửa sẽ làm cho miếng thịt săn lại, mỡ chảy ra một phần, phần còn lại nhìn rất trong, thịt nạc và da có màu vàng - đỏ thẫm. Để thịt thơm hơn đồng bào nơi đây còn lấy cây ngải cứu rừng và bã mía để về hun thịt. Khi ăn, người ta lấy thịt xuống hơ qua lửa để thịt mềm ra rồi rửa sạch, thái thành từng miếng nhỏ sau đó chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: xào với cà chua, kho với lá tỏi hay đơn giản là xào lẫn với rau cải mèo đắng... Các món ăn được chế biến từ thịt lợn treo gác bếp ngon hơn so với các loại thịt lợn khác, miếng thịt chắc không bị nát, có mùi thơm rất đặc trưng, ta cảm nhận được trong đó có hương thơm thơm của mùi khói và vị ngọt ngọt của thịt đọng lại.

3. Măng nộm hoa ban Nếu ai đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ không chỉ biết đến một truyền thuyết đầy cảm động về Hoa Ban – Măng Đắng mà còn được thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món Măng nộm hoa ban. Cái tên gần như đã nói lên cả nguyên liệu và cách chế biến món ăn này, nhưng để có được món Măng nộm hoa ban như của người Thái ở Lai Châu, ngoài sự khéo léo từ đôi bàn tay của người chế biến thì khâu chọn nguyên liệu cũng hết sức quan trọng.Măng có rất nhiều loại, loại nào cũng dùng làm nộm được nhưng ngon nhất thì có măng nứa và măng đắng. Măng đắng cần sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo, còn nếu là măng nứa đem luộc rồi tước nhỏ.

nộm hoa ban

Hoa ban cần chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt. Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, gắp từng miếng nộm du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi. Ăn rồi lại muốn ăn thêm nữa. Du xuân trong những ngày đầu năm ở Lai Châu, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị mùa xuân núi rừng, mà còn được hoà mình trong không khí lễ hội của đồng bào các dân tộc nơi đây.

4. Mật ong mường tè Mật ong Mường Tè là một trong những sản vật đặc trưng, hiếm có ở Lai Châu. Ong rừng ở Mường Tè sống, xây tổ và làm mật tự nhiên nên mật ong rừng có mùi thơm tự nhiên hoàn toàn khác biệt so với các loại mật ong khác. Từ đầu tháng 2 đến hết tháng 6 hàng năm là mùa của mật ong rừng, thời gian này là mùa hoa rừng nở, các loại ong đã no nê hút phấn hoa để sản sinh ra mật.

mật ong mường tè

 Để lấy được những lít mật ong rừng thơm ngon nguyên chất bà con các dân tộc ở Mường tè phải đi bộ hàng mấy ngày trời để vào những khu rừng già tìm kiếm mật ong rừng. Sau khi lấy được tổ ong rừng bà con cẩn thận mang về nhà loại bỏ sáp và ong già, lọc sạch rồi cho vào can hoặc chai để chứa. Mật ong rừng thường có màu từ vàng nhạt đến đen sẫm, tùy từng thời điểm khai thác mật, có vị ngọt dịu mang mùi hương của cả trăm loại hoa rừng. Mật ong rừng nguyên chất mang giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao với nhiều tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người như: chữa các bệnh về đường hô hấp, ho, tăng sức đề kháng cho cơ thể, sát khuẩn, là chất bổ sung dinh dưỡng, ngoài ra mật ong rừng còn có tác dụng làm đẹp cho cơ thể chăm sóc da và tóc... Với những công dụng to lớn mà mật ong rừng mang lại nên mỗi du khách đều có ý định tìm kiếm cho mình một chai mật ong rừng nguyên chất về để dùng hoặc làm quà tặng, quà biếu cho người thân, gia đình và du khách bè mỗi khi đến với Lai Châu. 5. Lợn cắp nách Cái tên lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao và nhiều nhất ở Lai Châu. Mỗi con chừng 10-15kg, con nào to cũng chỉ khoảng 20kg. Ăn thịt lợn “cắp nách” chẳng khác nào ăn thịt thú rừng mà không phạm pháp, bởi vì loài lợn này được thả vào trong rừng từ khi mới đẻ, tự kiếm ăn để sống.

lợn cắp nách

Đây thực chất là giống lợn đặc trưng truyền thống chuyên thả rông chẳng phải nuôi dưỡng của đồng bào. Chính vì ăn cỏ cây, lại chậm lớn nên thịt chúng rất thơm ngon, hầu như không có mỡ, miếng nào có một tý mỡ thì cũng không ngấy. Có nhiều cách chế biến lợn cắp nách thành đặc sản như tiết canh, luộc, hấp, nướng, hun khói, xào…

6. Ca bống vùi gio Nếu du khách có dịp đến với bản Vàng Pheo - Phong Thổ - Lai Châu, du khách sẽ được thưởng thức những hương vị ẩm thực rất riêng biệt của đồng bào dân tộc Thái trắng. Người dân nơi đây ưa cái hương vị đậm đà của các món nướng như: Pa pỉnh tộp, rêu nướng … và không thể không kể đến món cá bống vùi gio.

cá bống vùi gio

Cá bống nơi đây thường được bắt ở các con sông, con suối, con cá bống nào to lắm mới bằng ngón tay trỏ của người lớn. Để có được món cá bống vùi gio ngon và đẹp mắt phải trải qua khá nhiều bước tiến hành kì công, đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm của người chế biến. Điều đó được thể hiện khi chọn nguyên liệu để chế biến như: Cá bống phải chọn con đều nhau, các loại gia vị sả, ớt, gừng, hạt tiêu, mắc khén … lá húng, và lá hom húng phải được băm nhỏ, lá dong phải là lá bánh tẻ, khổ to vừa không bị rách và rưả sạch để khô. Cá bống được sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp với các gia vị đã được chuẩn bị sẵn. Sau khi ướp được chừng 15- 30 phút, chúng ta sẽ khéo léo gói gọn trong lá dong và được vùi vào trong gio nóng, khoảng 30 phút lại lật lại 1 lần, cứ như thế vài lần cá sẽ chín. Khi thưởng thức món ăn ta sẽ nhận thấy mùi thơm đặc biệt của các gia vị núi rừng được pha chộn 1 cách hoàn hảo, vị ngậy mà không béo cuả cá, và mùi thơm nhè nhẹ của lá dong nướng. Món này vừa có thể là món nhắm rượu, vừa có thể là món ăn cùng cơm nóng hoặc xôi. Một lần du khách ghé chân qua mảnh đất này sẽ không khỏi lưu luyến bởi tấm lòng mến khách cùng những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc. 7. Xôi tím Xôi tím được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, Dáy… làm với những bí quyết riêng. Từ những hạt gạo nếp nương thơm dẻo, hạt to đều không lẫn tẻ, hương thơm ngọt, đem vo sạch rồi ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ. Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là Khẩu cắm (loại cây này chỉ có ở miền núi).

sôi tím

Cây Khẩu cắm bẻ cả cành, lá rửa sạch, đem luộc. Luộc lá sôi chừng năm phút, khi thấy nước chuyển sang màu tím, sánh là được. Để nước lá nguội bớt rồi chút gạo nếp vào ngâm thêm 2 đến 3 giờ. Đồ xôi tím phải đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây sung, lửa củi mới có được mùi vị thơm ngon hơn cả. Đồ đến khi hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi. Ngoài hương vị thơm ngon, ngậy mà không ngán, xôi tím còn hấp dẫn bởi màu sắc và chất của loại lá cây rừng. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc ở Lai Châu, cây Khẩu cắm dùng đồ xôi còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt. Nếu có dịp đến với các phiên chợ như Dào San, Sìn Hồ, hay chợ phiên San Thàng... du khách sẽ ấn tượng với hình ảnh những cô gái dân tộc gùi những gùi xôi xuống chợ bán, quanh mình tỏa ra mùi thơm dẻo của gạo nếp nương và đặc biệt là màu tím đặc trưng vô cùng hấp dẫn. Thư thái ngồi bên bếp lửa thưởng thức xôi tím với cá nướng Pa pỉnh tộp hay miếng chả quế, thực khách sẽ cảm nhận được cả dư vị của núi rừng./. 8. Canh Tiết lá Đắng Ở Lai Châu có một đặc sản, đó là món canh tiết lá đắng. Phải thưởng thức món ăn này du khách mới có thể cảm nhận được nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của vùng đất này. Trước kia, khi món ăn này chưa phổ biến, để tìm được lá đắng về làm canh không phải đơn giản, bởi thứ cây này chỉ mọc ở nơi ven rừng, khe suối. Thường thì chỉ khi có khách quý, chủ nhà mới đi lên rừng tìm lá về nấu canh như một sự thể hiện lòng thân tình, mến khách. Bây giờ, bà con vùng này đã mang cây về trồng tại vườn nhà, trên nương, trên rẫy, du khách có thể mua được lá vào mỗi dịp chợ phiên.  Nguyên liệu và cách nấu canh lá đắng cũng thật đơn giản.

canh tiết lá đắng

Chỉ cần ít phổi lợn băm nhỏ, một miếng tiết và vài thứ rau thơm cùng với nắm lá đắng (có thể lá tươi hoặc đã phơi khô) vò nát, sau đó đun nước sôi cho tất cả nguyên liệu vào nấu chín kỹ là du khách đã có một bát canh lá đắng thơm ngon để thưởng thức. Nếu ai lần đầu nếm món canh này sẽ cảm thấy khó ăn bởi vị đắng, chát tê đầu lưỡi, nhưng chính vị đắng đó lại đánh thức vị giác của du khách khiến bữa ăn ngon miệng hơn. Tiếp tục thưởng thức, canh lá đắng lại mang lại vị ngọt, bùi, thơm ngậy đến kỳ lạ. Không chỉ là một món ăn ngon, canh lá đắng còn có tác dụng giải rượu và chữa được bệnh về tiêu hóa.  Đến Lai Châu, trong tiết trời se lạnh, khi quây quần bên những người du khách thân, nhâm nhi bát rượu ngô và thưởng thức canh lá đắng, đưa vào miệng đủ vị đắng, cay, ngọt, bùi du khách sẽ thấy cuộc sống vùng cao sao biết bao thi vị… 9. Rêu đá Màu xanh của rêu, vị thơm dậy mùi của tỏi cùng với những hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc đã tạo ra món ngon khó quên trong lòng mỗi thực khách đến với Lai Châu: “ Rêu đá”. Rêu được coi là loại rau sạch đặc biệt của người dân Lai Châu. Rêu thường được lấy ở các con suối lớn hoặc chân thác nơi có nguồn nước chảy xiết, có những tảng đá to để loài cây này có thể bám vào để phát triển.

rêu đá

Rêu có khi mọc dài bằng cả sải tay người lớn và rêu có màu xanh lục hay xanh non còn tùy vào vùng nước sâu hay nông. Không phải mùa nào ta cũng có thể hái rêu đá. Rêu đá chỉ mọc vào khi chớm thu cho đến tháng ba âm lịch thì hết mùa rêu.Rêu đá được chế biến thành nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc và nó trở nên đặc biệt hơn trong mâm rượu hứa hôn của các đôi trai gái. Để có được những món rêu ngon đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, trước tiên cần vớt rêu cho vào rổ, giặt qua nước sạch nhằm loại bỏ cát và các chất bẩn, bỏ lên một tảng đá to, hoặc thớt  rồi dùng một khúc gỗ to để đập, cứ làm như thế vài lần thì rêu mới sạch được như ý. Rêu đá khi đã qua sơ chế sẽ có màu xanh đậm, sờ vào mềm và mát. Qua những bước sơ chế cơ bản, rêu được chế biến thành nhiều món khác nhau như canh rêu đá, rêu nướng và rêu xào lá tỏi. Rêu nộm thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng bột canh, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, mắc khén, nếu thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ. Để làm món rêu nướng, sau khi sơ chế và vắt hết nước, đem tẩm với các gia vị như sả, gừng, bột ớt, hạt dổi, quả muối, hạt sẻn…rồi được gói vào lá dong và vùi trong tro nóng, bên trên phủ một lớp than hồng. Khi vùi than cần phủ đều để giữ sao cho rêu chín đều mà không bị cháy. Đợi đến khi lớp lá bên ngoài chuyển thành màu đen thì người ta mới lấy ra rồi bóc từng lớp lá. Mùi thơm của gia vị cùng mùi nồng nồng của rêu đá tạo nên một hương vị rất riêng, trông giống như tảo biển, mềm, ngậy ăn với cơm nóng thì ngon tuyệt. Theo kinh nghiệm dân gian, ăn rêu đá vùi than thường xuyên giúp cơ thể lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, hạ huyết áp và nhiều chứng bệnh mãn tính khác. Chỉ từ những nguyên liệu bình dị, quen thuộc kết hợp với các gia vị sẵn có đã tạo nên món ăn vừa mới lạ, vừa bổ dưỡng mang đậm bản sắc của đồng bào Thái ở Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng.

Nếu du khách có dịp đến với Lai Châu sẽ được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc địa phương được chế biến từ loại gia vị độc đáo và đầy hấp hẫn này chắc chắn sẽ không thể nào quên.  

Từ khóa » đặc Sản Của Lai Châu