Top 13 Món ăn đặc Sản Lai Châu Ngon Lạ Hút Khách Du Lịch
Có thể bạn quan tâm
Khám phá Lai Châu - Vẻ đẹp nơi cuối trời Tây Bắc Lên lịch về Mai Châu “mùa em thơm nếp xôi” Cao nguyên Mộc Châu - Một trong những cao nguyên đẹp nhất Việt Nam |
1. Lam Nhọ
Trong số các món đặc sản của Lai Châu, lam nhọ được xem là món độc đáo bậc nhất. Không chỉ gây ấn tượng bởi cái tên khó hiểu, món lam nhọ còn khiến người ta thích thú bởi cách chế biến và hương vị vô cùng độc đáo.
Mới đầu, nếu nghe cái tên lam nhọ, hẳn nhiều người sẽ hình dung đến vô vàn thứ nguyên liệu lạ lẫm, phức tạp, nếu không thì cũng là sự kết hợp, cách chế biến thật... khác thường. Nhưng thật ra, nguyên liệu để làm nên món lam nhọ lại hết sức quen thuộc đối với chúng ta như thịt trâu hay thịt bò. Sau đó, bằng sự biến tấu sáng tạo, người dân Lai Châu đã tạo nên một món ăn rất đặc biệt.
Đến Lai Châu mà chưa thưởng thức lam nhọ thì có nghĩa là chưa đặt chân đến mảnh đất này |
Thực chất, lam là nướng, nhọ là nhừ, lam nhọ là nướng nhừ. Giải thích như vậy thì sẽ dễ dàng hình dung được phần nào về cách làm nên món ăn này. Cách làm lam nhọ không khó, nhưng lại rất mất công và đòi hỏi sự cầu kỳ vì phải nướng nhiều lần.
Đầu tiên, thịt trâu hoặc thịt bò sẽ được nướng trên than hồng cho chín. Sau đó, người ta thái mỏng ngang thớ rồi trộn cùng với các gia vị, rau củ như mắc khén, gừng, tỏi, bí non, quả cà rừng... Tiếp đó, thịt sau khi trộn sẽ được cho vào ống tre và tiếp tục nướng trên than hồng cho đến khi các thớ thịt săn lại và chín đều.
Đến đây chưa phải là xong đâu! Người ta sẽ bỏ ra và dằm cho thịt mềm ra rồi lại bỏ ống tre lên bếp nướng một lần cuối cho đến khi tất cả chín nhừ. Chính bởi vậy mà món ăn này có tên là lam nhọ - nướng nhừ. Chiếc ống tre đựng thịt cũng dễ làm chúng ta liên tưởng đến các ống cơm lam mà nhiều người từng ăn.
Lam nhọ ăn ngọt đậm vị thịt, ngấm đẫm các gia vị và hương thơm từ các nguyên liệu. Thịt được nướng nhiều lần nên mềm nhừ. Đặc biệt các nguyên liệu làm nên món đã kết dính với nhau nên có thể xắn thành từng miếng để ăn.
Với đặc trưng hương vị của núi rừng, lại có cách chế biến cầu kỳ, hiếm thấy, lam nhọ quả thật mang đậm những nét đặc biệt của núi rừng Tây Bắc nói chung và của Lai Châu nói riêng. Nếu có cơ hội, hãy ăn thử ngay món lam nhọ này nhé! Nghe tên thì "nhọ" nhưng lại rất ngon đó.
2. Pa pỉnh tộp hay còn gọi là món cá nướng của người Thái
Từ xa xưa người Thái thường định cư ở các thung lũng, ven con sông, con suối nên cá và các loại thủy sản khác luôn là nguồn thực phẩm quan trọng không thể thiếu với đời sống hàng ngày.
Chính vì vậy tục ngữ Thái đã có câu: “Cáy măn mọk má ha, Báu to pa pỉnh tộp ma sú” nghĩa là: ”Gà tơ tần đem đến, không bằng cá Pỉnh Tộp đem cho”. Bởi đối với đồng bào dân tộc Thái thì cá không chỉ đơn thuần mang lại giá trị dinh dưỡng mà còn là biểu tượng của sự no đủ, sung túc và hạnh phúc.
Để làm được món cá suối nướng ngon thơm, người ta phải chọn loại cá suối tươi, béo nếu là cá chép thì càng tốt. Cá được cạo sạch vảy, không mổ đường bụng mà phải mổ sống lưng để khi nướng, úp cá lên sẽ mềm, dễ gắp.
Sau khi lấy mật thì rửa sạch rồi ướp, nhồi gia vị. Cá suối thường chỉ ăn rêu, lá cây và các động vật giáp xác. Nên chúng rất sạch, cá mổ ra hầu như không có mùi tanh. Gia vị để ướp cá gồm mắc khén, rau thơm rừng, hạt sen, lá húng, củ sả, ớt, xúp, mì chính…
Sau khi làm sạch vẩy, cá được mổ từ lưng để vứt bỏ mật và ruột. Mổ kiểu này khó hơn, không cẩn thận sẽ bị đứt tay nhưng khi gập cá lại để nướng, cá sẽ dai hơn và không bị vỡ, tạo thành hình đẹp.
Sau khi mổ phanh lấy dao khứa chéo phần thân ngoài cá và tẩm các gia vị chừng 4 phút rồi gập ngang cá lại rau thơm và gia vị tiếp tục nhồi vào giữa, dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than tro củi nóng chừng 15 phút thì cá chín.
Nướng cá cũng cần có kỹ thuật, không được vội vàng mà dí sát xuống than làm cháy lớp ngoài mà lớp trong chưa kịp chín thơm, phải kiên trì hơ cho chín dần, chín đều. Khi gỡ cá ra khỏi xiên chỉ cần dung sợi chỉ vuốt dọc mình cá theo chiều gắp thì miếng thịt cá còn nguyên mà không bị vỡ.
Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm nếp xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt, qủa Mắc khén ven bản, màu xanh của hành, của rau thơm lẫn màu đỏ của ớt, màu vàng của cá nướng – tất cả màu sắc của bức tranh thiên nhiên ấy đã đi vào bữa ăn cụ thể của đồng bào Thái giản dị mà ngẫu nhiên.
3. Đặc sản cá bống vùi tro Lai Châu
Cá bống nơi đây thường được bắt ở các con sông, con suối, con cá bống nào to lắm mới bằng ngón tay trỏ của người lớn. Để có được món cá bống vùi gio ngon và đẹp mắt phải trải qua khá nhiều bước tiến hành kì công, đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm của người chế biến.
Điều đó được thể hiện khi chọn nguyên liệu để chế biến như: Cá bống phải chọn con đều nhau, các loại gia vị sả, ớt, gừng, hạt tiêu, mắc khén … lá húng, và lá hom húng phải được băm nhỏ, lá dong phải là lá bánh tẻ, khổ to vừa không bị rách và rưả sạch để khô.
Cá bống được sơ chế sạch sẽ và tẩm ướp với các gia vị đã được chuẩn bị sẵn. Sau khi ướp được chừng 15- 30 phút, chúng ta sẽ khéo léo gói gọn trong lá dong và được vùi vào trong tro nóng, khoảng 30 phút lại lật lại 1 lần, cứ như thế vài lần cá sẽ chín.
Khi thưởng thức món ăn ta sẽ nhận thấy mùi thơm đặc biệt của các gia vị núi rừng được pha trộn 1 cách hoàn hảo, vị ngậy mà không béo cuả cá, và mùi thơm nhè nhẹ của lá dong nướng. Món này vừa có thể là món nhắm rượu, vừa có thể là món ăn cùng cơm nóng hoặc xôi.
4. Xôi tím
Xôi tím được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái, Dáy… làm với những bí quyết riêng. Từ những hạt gạo nếp nương thơm dẻo, hạt to đều không lẫn tẻ, hương thơm ngọt, đem vo sạch rồi ngâm trong nước lã từ 6 – 8 giờ.
Màu tím đặc trưng và hấp dẫn của xôi được nhuộm bằng loại cây có tên là Khẩu cắm (loại cây này chỉ có ở miền núi). Cây Khẩu cắm bẻ cả cành, lá rửa sạch, đem luộc. Luộc lá sôi chừng năm phút, khi thấy nước chuyển sang màu tím, sánh là được.
Để nước lá nguội bớt rồi chút gạo nếp vào ngâm thêm 2 đến 3 giờ. Đồ xôi tím phải đồ bằng chõ gỗ được đục từ thân cây sung, nấu bằng củi mới có được mùi vị thơm ngon. Đồ đến khi hạt gạo chín nục, xới từng lớp xôi thấy màu tím tươi, bóng, hạt xôi dẻo mà không dính, có mùi thơm ngào ngạt là đã hoàn thành quy trình nấu xôi.
Ngoài hương vị thơm ngon, ngậy mà không ngán, xôi tím còn hấp dẫn bởi màu sắc và chất của loại lá cây rừng. Theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc ở Lai Châu, cây Khẩu cắm dùng đồ xôi còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột và bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Nếu có dịp đến với các phiên chợ như chợ Dào San, chợ Sìn Hồ, hay chợ San Thàng… du khách sẽ ấn tượng với hình ảnh những cô gái dân tộc gùi những gùi xôi xuống chợ bán, quanh mình tỏa ra mùi thơm dẻo của gạo nếp nương và đặc biệt là màu tím đặc trưng vô cùng hấp dẫn. Thư thái ngồi bên bếp lửa thưởng thức xôi tím với cá nướng Pa pỉnh tộp hay miếng chả quế, du khách sẽ cảm nhận được cả dư vị của núi rừng.
5. Thịt lợn hun khói
Thịt lợn hun khói là một món ăn truyền thống của một số dân tộc vùng cao nói chung và người Pu Nả nói riêng. Thịt lợn hun khói không phải lúc nào cũng làm được, mùa nào cũng làm được mà làm thịt hun khói có mùa và phải làm đúng mùa, vì nếu làm trái mùa thịt sẽ bị ôi. Mùa làm thịt hun khói tốt nhất ngon nhất là mùa đông.
Khi mổ xong con lợn, người ta phanh con lợn ra rồi lấy bộ lòng dội nước rửa sạch con lợn, không để một tý tiết còn dính vào thịt. Sau đó lấy dao dọc thịt lợn theo xương sườn thành miếng dài. Cứ mỗi xương sườn một miếng.
Các miếng thịt dọc ra trước khi ướp không được dính nước lã và ướp ngay khi thịt còn nóng. Các hương vị và gia vị để ướp thịt gồm có: Muối biển rang khô; Ớt quả khô; Thảo quả khô, nướng; Hạt tiêu rừng “Lậc cheo”; Quả mắc khén phơi khô, tất cả đều phải giã nhỏ.
Khi ướp xong cho vào chảo to hoặc chiếc thùng gỗ để ướp từ 5 đến 7 ngày mới bỏ ra để treo lên gác bếp sấy. Sấy đến khi nào thấy miếng thịt thật khô và mỡ bắt đầu chảy xuống là được.
6. Măng nộm hoa ban
Nếu ai đã có dịp ghé qua các bản làng người Thái ở Lai Châu sẽ không chỉ biết đến một truyền thuyết đầy cảm động về Hoa Ban – Măng Đắng mà còn được thưởng thức một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi của món Măng nộm hoa ban.
Măng có rất nhiều loại, loại nào cũng dùng làm nộm được nhưng ngon nhất thì có măng nứa và măng đắng. Măng đắng cần sắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo, còn nếu là măng nứa đem luộc rồi tước nhỏ.
Hoa ban cần chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt. Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ.
Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hoà quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng, gắp từng miếng nộm du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngầy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi.
7. Nộm rau dớn
Nộm rau dớn |
Nộm rau dớn là món ăn đặc trưng của người Thái ở Lai Châu nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung. Rau dớn người Thái gọi là “pắc cút”, loại cây thuộc họ quyết, giống như cây dương xỉ, thân to, tán lá rộng, mặt lá có màu xanh nhẵn. Loại cây này chỉ mọc ở bờ suối, khe suối, nơi có độ ẩm cao.
Để làm được món nộm rau dớn vừa ngon, vừa mang hương vị đặc trưng của dân tộc Thái, người ta thường chỉ hái những ngọn rau dớn cong non, là bánh tẻ, sau đó rửa sạch, phơi nắng cho tái. Tiếp đó cho rau dớn vào chõ xôi bằng gỗ để đồ, sau khoảng thời gian 20 phút. Để rau chín và giữ được màu xanh.
Ở công đoạn này, nhất thiết rau dớn phải đồ chứ không nên luộc để giữ vị bùi bùi, ngọt ngọt của món nộm. Khi rau đã đồ chín, bỏ rau vào bát to, cho rau thơm, ớt, gừng, tỏi, nước chanh tươi, mì chính và muối trắng trộn đều.
Để khoảng 5 phút cho ngấm gia vị, sau đó cho lạc rang giã nhỏ vào là có thể ăn ngay được. Món nộm rau dớn khi ăn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của các loại rau, vị bùi của rau dớn, vị chua ngọt xen lẫn một chút vị cay của ớt.
8. Trứng kiến
Xôi trứng Kiến |
Nếu như trước đây, trứng kiến được người dân sử dụng như một thực phẩm để tăng thêm dưỡng chất, chống đói và thiếu thức ăn thì giờ đây những kinh nghiệm dân gian xưa được truyền lại, trứng kiến trở thành sản phẩm đắt giá và được những người sành ăn tìm kiếm.
Trước đây, trứng kiến chỉ có trong mùa thu hoạch trứng kiến (đầu mùa xuân hoặc vào mùa mưa) thì nay trứng kiến được các nhà hàng bảo quản kỹ bằng cách xôi chín và để đóng đá, bất kể khi nào có khách đặt là làm rã đông và chế biến.
Trứng Kiến |
Đến các làng bản ở Lai Châu trong mùa mưa, du khách có dịp thưởng thức đủ các món chế biến từ trứng kiến như: Trứng kiến ướp gia vị trong lá dong, lá chuối và nướng trên bếp than hồng, hoặc món trứng kiến đồ cùng xôi nếp nương, làm nộm với lá chua chát, nấu canh ngọt dịu… cùng với những món ăn khác món trứng kiến trở thành món ăn không thể thiếu ở các bản làng văn hóa vùng cao.
9. Bánh chưng đen Sìn Hồ – Lai Châu
Bánh chưng đen của người Dao khâu cũng là một loại bánh chưng được làm từ nguyên liệu gạo nếp, thịt lợn. Tuy nhiên để làm loại bánh chưng này thì gạo nếp sẽ được nhuộm đen. Khi luộc xong, bánh có màu đen rất đều và đẹp mắt, vì thế mà người Dao khâu gọi là bánh chưng đen.
Để làm được những chiếc bánh chưng đen thơm ngon ngày Tết, người Dao khâu phải vào rừng sâu tìm lá mây rừng. Dân bản địa cho rằng cây mây rừng là một trong những vị thuốc chữa đươc bệnh vô sinh, tốt cho việc tiêu hóa, lá lại rất thơm do vậy gói bánh bằng lá mây rừng sẽ vừa tạo được vị thơm ngon cho bánh, vừa chữa được bệnh.
Lá mây rừng sau khi rửa sạch sẽ được mang đi luộc rồi lau khô để lá mềm dễ gói. Gạo nếp chọn để gói bánh chưng đen là loại gạo nếp trắng thơm dẻo được nhuộm đen bằng bột than của cây Tạ Chiểm chứ không phải làm từ nếp cẩm hay là loại gạo nếp có màu đen tự nhiên như nhiều người tưởng.
Ảnh: Sơn Nữ Amuikeo |
Để làm được loại bánh chưng đen ngon thì công đoạn nhuộm gạo là quan trọng nhất. Muốn có được màu bánh đẹp bóng thì phải kiếm được loại cây Tạ Chiểm già mang phơi khô rồi đốt thành than, sau đó nghiền thành bột mịn để nhuộm với gạo nếp thơm.
Công đoạn cầu kỳ nhất là trộn bột than cây Tạ Chiểm với gạo sao cho hạt gạo đen nhánh mới đạt. Ngoài ra, trước khi gói bánh, việc chuẩn bị nhân bánh cũng rất quan trọng. Dân Bản địa rang thơm quả thảo quả, giã mịn trộn với thịt mỡ lợn đã cắt dài độ một gang tay, rồi trộn thêm ít muối tạo vị đậm đà cho bánh.
Nhân bánh ngoài thịt mỡ lợn ngon thì nhất định phải có một chút thảo quả để khi ăn bánh không bị nóng cổ mà lại lành bụng, không bị đầy, bị chướng. Bánh chưng đen ngày tết được bà con ưa chuộng không chỉ bởi hương vị thơm ngon, mà còn vì bánh để được rất lâu, đến hết tháng giêng bánh mang lên nương ăn vẫn rất thơm ngon.
Gói bánh chưng đen đơn giản, không cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ. Sau khi đủ nguyên liệu thì các mẹ, các chị sẽ cùng ngồi để gói bánh. Gạo nhuộm đen được xúc vào chiếc lá mây đã xếp sẵn, cho thêm nhân thịt, rồi gói thành những chiếc bánh dài, sau đó mới đem luộc chín.
Trong đêm 30 Tết, con cháu trong gia đình cùng vây quanh bếp lửa hồng đón giao thừa, nấu nồi bánh chưng đen và trò chuyện đón năm mới.
Đến giao thừa thì cũng là lúc bánh chín. Người lớn trong nhà sẽ vớt những chiếc bánh chưng thơm ngon để cúng tổ tiên ngày tết. Loại bánh này có ý nghĩa cầu cho sung túc, đầy đủ, năm mới lụa gạo đầy nhà, gia đình được trong ấm ngoài êm.
Với sự thơm dẻo và độc đáo, bánh chưng đen – loại bánh mang đậm hương vị mộc mạc của núi rừng đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của người Dao Sìn Hồ trong những ngày Tết.
10. Canh tiết lá đắng
Canh tiết lá đắng |
Ở Lai Châu có một đặc sản, đó là món canh tiết lá đắng. Phải thưởng thức món ăn này du khách mới có thể cảm nhận được nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của vùng đất này. Trước kia, khi món ăn món canh tiết lá đắng chưa phổ biến, để tìm được
lá đắng về làm canh không phải đơn giản, bởi thứ cây này chỉ mọc ở nơi ven rừng, khe suối. Thường thì chỉ khi có khách quý, chủ nhà mới đi lên rừng tìm lá về nấu canh như một sự thể hiện lòng thân tình, mến khách. Bây giờ, bà con vùng này đã mang cây về trồng tại vườn nhà, trên nương, trên rẫy, du khách có thể mua được lá vào mỗi dịp chợ phiên.
Nguyên liệu và cách nấu canh lá đắng cũng thật đơn giản. Chỉ cần ít phổi lợn băm nhỏ, một miếng tiết và vài thứ rau thơm cùng với nắm lá đắng (có thể lá tươi hoặc đã phơi khô) vò nát, sau đó đun nước sôi cho tất cả nguyên liệu vào nấu chín kỹ là du khách đã có một bát canh lá đắng thơm ngon để thưởng thức.
Nếu ai lần đầu nếm món canh này sẽ cảm thấy khó ăn bởi vị đắng, chát tê đầu lưỡi, nhưng chính vị đắng đó lại đánh thức vị giác khiến bữa ăn ngon miệng hơn. Tiếp tục thưởng thức, canh lá đắng lại mang lại vị ngọt, bùi, thơm ngậy đến kỳ lạ.
Cây lá đắng nguyên liệu chính của món canh tiết lá đắng |
Không chỉ là một món ăn ngon, canh lá đắng còn có tác dụng tác dụng chữa bệnh tiêu chảy, giải rượu, chữa đau người nên được đồng bào các dân tộc vùng cao quen dùng. Trong các bữa cơm, liên hoan, hiếu hỷ món canh lá đắng thường là món ăn khai vị.
Canh lá đắng sẽ ngon hơn khi thực khách ăn trong tiết trời xe lạnh, uống một chén rượu H'mông kê, khi đó du khách sẽ thực sự tận hưởng được vị ngọt, bùi, cay, đắng của món canh. Nếu một lần nào đó đến với vùng Tây Bắc, du khách hãy tìm đến món nộm rau dớn và bát canh lá đắng để cảm nhận được nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực của vùng đất này.
11. Lòng lợn nhồi gạo nếp
Tên gọi địa phương của món lòng lợn nhồi gạo nếp hay còn được gọi là Tùng càng nhảng . Món lòng lợn nhồi gạo nếp trộn tiết sống với gạo nếp, thảo quả giã nhỏ, rồi nhồi vào lòng lợn. Sau đó đem luộc chín tới, vớt ra ăn ngay hoặc để ăn dần trong mấy ngày tết.
Món ăn lòng lợn nhồi gạo nếp ngậy của tiết, mùi thơm của thảo quả, lại thêm cái dai dai của lòng lợn. Ở Sìn Hồ tiết trời xuân se se lạnh, món này để lâu cũng không bị hỏng. Khi ăn luộc chín lại cho nóng. Ăn khá thú vị.
12. Bánh dày người H’mông
Bánh dày được gọi là “Pé- Plẩu”, theo quan niệm của người H’mông bánh dày là biểu tượng của mặt trăng, mặt trời, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở của vũ trụ bao la. Bên cạnh đó chiếc bánh còn là biểu tượng của sự trong trắng, lòng chung thủy, son sắc của người phụ nữ H’mông như một vòng tròn khép kín.
Người H’mông thường làm bánh dày vào dịp tết và các lễ hội. Dâng lên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính của mình, với ước mong các đấng linh thiêng phù hộ cho đôi chân to khỏe, để có thể vượt núi, chèo đèo, phát nương làm rẫy. Phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Khi thưởng thức người ta cắt thành từng lát bánh, sau đó đem dán bằng mỡ lợn. Chiếc bánh được dán phồng lên, cũng là lúc mùi thơm của gạo nếp nương, hòa quyện mùi thơm dịu của trứng gà, mùi ngậy béo của mỡ lợn lan tảo khắp gian bếp nhỏ, tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng trong quy trình làm bánh dày, việc giã bánh là công đoạn vất vả và tốn nhiều công sức hơn cả. Cối để giã bánh dày của người H’mông được làm bằng thân cây gỗ trắc, mịn thớ, có mùi thơm. Chày giã bánh cũng được làm từ các loại gỗ cứng và nặng.
Trước đây đồng bào H’mông thường đón tết cổ truyền trước tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, tức là vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhiều nơi đồng bào H’mông giờ đã ăn Tết cổ truyền cùng cả nước. Tuy nhiên, người H’mông vẫn gìn giữ những nét phong tục tập quán văn hóa truyền thống rất riêng, trong đó có tục làm bánh dày ngày Tết.
Vào dịp đầu xuân hay các ngày lễ hội, một số bản người H’mông còn tổ chức thi làm bánh dày giữa các dòng họ, các gia đình, các bản. Đây là một cách bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc H’mông với du khách thập phương.
13. Ve sầu rán
Ve sầu rán |
Người Thái đen rất ưa chuộng món ăn này và có cách chế biến khá hấp dẫn. Người ta đem những chú ve sầu bắt được cắt bỏ hết cánh, rút ruột. Đặc biệt là nhồi một hạt lạc rang giòn vào bụng sau đó đem tẩm gia vị rồi mới đem chiên giòn.
Việc dùng hạt mắc khén, một loại gia vị chỉ có ở rừng sâu để tẩm ve khiến món ve sầu chiên có hương vị đặc biệt không thể nào quên.
Khi mùi thơm tỏa ra, những con ve sầu có màu vàng mỡ bóng láng thì người ta lấy ra thưởng thức. Món này mà ăn vội vàng thì không cảm nhận được hết hương vị đặc trưng của nó.
Phải nhai chậm rãi, từ từ cảm nhận bạn sẽ thấy đầu lưỡi tê tê, một vị ngọt tan dần dần trong miệng khiến người thấy sảng khoái tuyệt vời. Vị béo ngậy, thơm lừng khiến người ta ăn mãi mà không biết chán. Nhưng món ngon phải có đồ uống thích hợp mới thêm đậm đà. Đưa con ve sầu chiên giòn tan vào trong miệng, nhấp một chút rượu cho người ta cảm giác không gì thú bằng.
Trên đây là Top 13 món ăn đặc sản ở Lai Châu, nếu có dịp đến với vùng đất Tây Bắc này du khách hãy nếm thử để cảm nhận hết hương vị của các món ăn và hiểu hơn về văn hóa ẩm thực của người Lai Châu nhé!
Từ khóa » đặc Sản Của Lai Châu
-
7 Món ăn đặc Sản Lai Châu Ngon Lạ Hút Khách Muôn Nơi - PasGo
-
Top 15 Đặc Sản Lai Châu Làm Quà Biếu Ngon đáng Thưởng Thức ...
-
6 đặc Sản Lai Châu Nên Thử Trên đường Du Lịch - Dulich24
-
10 đặc Sản Lai Châu ăn Một Lần Là Nhớ Suốt đời - Dân Việt
-
Lai Châu Có đặc Sản Gì? 15 đặc Sản Lai Châu Mua Làm Quà
-
Tiết Lộ 15+ đặc Sản Lai Châu Ngon Thứ Thiệt Nên Mua Làm Quà
-
Danh Bạ Những Đặc Sản Lai Châu Mua Về Làm Quà
-
Gợi ý 9 Món đặc Sản Lai Châu Làm Quà Ai Cũng Thích
-
Khám Phá 15+ đặc Sản Lai Châu Gây Thương Nhớ Nhất
-
Gợi ý Những đặc Sản Lai Châu Mang Về Làm Quà
-
Dắt Túi 7 Món đặc Sản Lai Châu Nhất định Phải Thử Cho “bõ Công Lên ...
-
10 Món Ngon đặc Sản Lai Châu Không Nên Bỏ Lỡ
-
Giới Thiệu đặc Sản Gạo Lai Châu
-
9 Món Ngon Và đặc Sản Lai Châu - Du Lịch Chào Việt Nam