9 Năm Sau Cái Chết Của Con Tê Giác Cuối Cùng Tại Vườn Quốc Gia Cát ...

9 năm sau cái chết của con tê giác cuối cùng tại Vườn quốc gia Cát Tiên

11/07/2019

   Cái chết của con tê giác cuối cùng ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên vào năm 2010 đã đẩy phân loài Rhinoceros sondaicus thêm một bước trên bờ vực tuyệt chủng. Ngày 21/3/2019, một cá thể tê giác Java đực cùng loài với con tê giác ở VQG Cát Tiên chết tại VQG Ujung Kulon của Inđônêxia, kéo tổng số cá thể của phân loài này xuống còn 68 cá thể trên toàn thế giới.

   Cát Tiên là một trong số 5 VQG rộng nhất của Việt Nam, có diện tích 71.187,9 ha, với hệ sinh thái đa dạng nên các loài động, thực vật cũng phong phú và phát triển. VQG Cát Tiên có thực vật bậc cao có mạch lên đến 1.610 loài, bò sát 79 loài, lưỡng cư 41 loài, chim 348 loài và thú  113 loài. Một số loài mới vẫn đang được phát hiện ở Cát Tiên như loài thằn lằn ngón Cát Tiên, hay loài rắn lục mắt hồng ngọc. Thế nhưng Cát Tiên cũng là một trong số không nhiều các khu bảo tồn vẫn còn có thú hoang chạy trong tầm mắt như công, gà rừng, nai và một số loài thú ăn thịt nhỏ… Bò tót, dù không còn nhiều, nhưng Cát Tiên vẫn là một trong những nơi hiếm hoi tại Việt Nam còn có thể nhìn thấy và chụp được ảnh của loài móng guốc thuộc sách Đỏ này.

 

 Loài bò tót di chuyển tại VQG Cát Tiên

 

   Danh lục động, thực vật thủy sinh của khu vực này gồm 125 loài động vật nổi, 122 loài động vật đáy và 168 loài cá, kéo theo sự quy tụ của nhiều loài chim bản địa và di cư. Cát Tiên hiện là một vùng chim đặc hữu đất thấp Nam Việt Nam và là một trong 63 vùng chim quan trọng. Có thể nói, các loài hiện diện tại VQG Cát Tiên chiếm đến hơn 1/3 tổng số các loài chim của Việt Nam, trong đó có những loài đặc hữu, quý hiếm như gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ, gà lôi hông tía, hạc cổ trắng, cò quắm cánh xanh, ngan cánh trắng, hồng hoàng, niệc mỏ vằn. Đó là chưa kể đến các loài chim di cư hoặc các loài chỉ đến Cát Tiên vào mùa sinh sản như mòng két mày trắng, gà lôi nước, te vàng, óc cau...

   Trong vài thập niên qua, thú rừng Việt Nam đã giảm mạnh cả về số lượng loài lẫn số lượng cá thể trong từng loài. Theo số liệu từ sách Đỏ Việt Nam (2007), nếu như năm 1992, Việt Nam có 365 loài động vật quý, hiếm xếp loại nguy cấp (EN) dựa trên tiêu chuẩn đánh giá tình trạng các loài của IUCN thì đến năm 2004 và năm 2007, con số này đã lên đến 407 và 418. Số loài động vật hoang dã (ĐVHD) bị xếp loại cực kỳ nguy cấp (CR) vào năm 2007 là 116 loài. Số lượng các loài thực vật quý, hiếm xếp loại nguy cấp cũng tăng từ 356 loài vào năm 1996 lên đến 450 loài vào năm 2004 và 464 loài vào năm 2007. Đây là hậu quả của các hoạt động săn bắt trái phép, phá hủy môi trường sống và buôn bán bất hợp pháp nhiều loài động, thực vật quý, hiếm trong nhiều năm qua. Theo một báo cáo khác do Ngân hàng thế giới, Bộ TN&MT và Tổ chức Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) phối hợp thực hiện vào năm 2005, Việt Nam có khoảng 700 loài hoang dã đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở cấp quốc gia, 300 loài có nguy cơ tuyệt chủng ở mức độ toàn cầu và có đến 45% trong số này đã bị xếp loại cực kỳ nguy cấp.

   Cũng như nhiều vùng đất khác, Cát Tiên từng bị chiến tranh tàn phá, nhiễm chất độc hóa học. Sau giải phóng, đây là nơi quân đội đồn trú và đã từng bị khai thác phục vụ mục tiêu tái thiết sau chiến tranh. Một số cộng đồng người Mạ, S’Tiêng thời kỳ này vẫn duy trì tập tục phá rừng làm rẫy và săn bắt thú rừng, làm cho số lượng thú rừng ở Nam Cát Tiên suy giảm. Việc săn, bắt thú rừng tuy vẫn còn đến tận ngày nay nhưng cũng đã giảm rất nhiều, phần vì rừng đã được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, phần vì các cộng đồng vốn sống trong VQG đã được tái định cư ra khỏi vùng lõi của vườn.

   Từ cuối những năm 1990 đến đầu năm 2000, “phong trào” gây nuôi ĐVHD để khai thác thương mại bùng phát. Một số loài “dễ nuôi, dễ bán” bị săn bắt đến mức gần như tuyệt chủng trong tự nhiên. Hươu sao chỉ còn trong các trại nuôi. Gấu sau nhiều năm bị thu gom vào các trại nuôi, hút mật đến kiệt quệ, giờ chỉ còn sống trong các trung tâm cứu hộ, cao nhất là ở điều kiện bán hoang dã. Tại Cát Tiên, cá sấu bị coi là đã tuyệt chủng vào năm 1996. 5 năm sau đó, năm 2001, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp với VQG Cát Tiên thực hiện Chương trình phục hồi cá sấu nước ngọt ngoài tự nhiên đầu tiên tại Việt Nam và thế giới, tái thả 30 cá thể cá sấu nuôi đã được xét nghiệm AND để đảm bảo tính thuần chủng về lại Bàu Sấu. Có lẽ nơi đây là ví dụ minh chứng sinh động cho sự thành công gần như duy nhất trong việc phục hồi loài hoang dã vốn đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Đến nay, đàn cá sấu đã được khôi phục tốt tập tính, số cá thể có thể quan sát được tăng lên đến khoảng gần 300 con lớn, nhỏ.

   Câu chuyện Cát Tiên từng nóng lên vào năm 2013, vài năm sau ngày con tê giác cuối cùng bị hạ gục, về việc có hay không hy sinh một phần rừng Cát Tiên cho thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Hai công trình thủy điện, được đề xuất vào đúng thời điểm nhu cầu năng lượng lên cao, dự kiến đóng góp cho ngân sách nhà nước 322,7 tỷ đồng trong 40 năm với cái giá trước mắt phải trả là hơn 370 ha rừng, trong đó có 137 ha thuộc vùng lõi khu bảo tồn VQG bị phá hủy. Chắc hẳn bài học về con tê giác Java cuối cùng và đàn cá sấu hoa cà đang hiện hữu ở Cát Tiên đã giúp cảnh tỉnh, góp phần không nhỏ vào quyết định của các cấp có thẩm quyền dừng việc thực hiện 2 công trình thủy điện này sau nhiều năm tranh cãi gay gắt. Cát Tiên trở thành ví dụ hiếm hoi về một VQG “kháng cự” được ý định xâm chiếm của các doanh nghiệp tư nhân hùng mạnh. Phức hệ Bàu Sấu, các bãi khoáng tự nhiên, thảm thực vật ven Bàu Sấu, Bàu Chim, Bàu Cá được giữ lại, rừng Cát Tiên tránh được “tai nạn” bị chia cắt... Sinh cảnh của nhiều loài ĐVHD được phục hồi, duy trì mức độ đa dạng sinh học của khu vực này.

   Hiện các số liệu thống kê về loài trong tất cả các khu rừng của Việt Nam đến nay đều đã cũ, nhiều nơi cũ đến vài chục năm, vậy nên khó để đưa ra bằng chứng khoa học và nhận định rằng đa dạng sinh học rừng Cát Tiên sau cái chết của con tê giác cuối cùng đã tốt lên hay xấu đi. Việc hạn chế trong việc bố trí các nguồn lực và nỗ lực thống kê, giám sát đa dạng sinh học cũng chỉ tập trung được vào một số loài nhất định. Nhưng có một điều chắc chắn là rừng Cát Tiên không rỗng mà đang được phục hồi, phát triển bền vững. Sâu trong hơn 71 ngàn ha hiện tại đang quản lý là các loài linh trưởng, thú móng guốc, thú ăn thịt nhỏ, tê tê hãy còn sinh sống và vẫn còn cần được bảo vệ. Những người bảo vệ rừng Cát Tiên đều luôn ý thức được rằng nhiệm vụ của họ sẽ không chấm dứt mà chỉ có càng nặng nề hơn. Khuyến nghị của Ủy ban Di sản UNESCO hồi tháng 5/2013 cho rằng “VQG Cát Tiên cần sử dụng các hình thức bảo tồn đã được quốc tế công nhận nhằm quản lý rừng hiệu quả hơn, chống lại các mối đe dọa như thủy điện, khai thác đá, du lịch thiếu kiểm soát và đặc biệt cần có những hành động khẩn cấp chống lại nạn buôn bán và săn bắn ĐVHD trái phép - nguyên nhân gây hại nghiệm trọng tới những giá trị tự nhiên của khu vườn”. Các khuyến nghị trên đang được Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo, Ban quản lý rừng, chính quyền và người dân địa phương nỗ lực, hợp tác thực hiện.

 

Một trong các cá thể cá sấu nước ngọt được tái thả tại Bàu Sấu năm 2001

 

    Hiện nay, VQG Cát Tiên vẫn giữ lại hình ảnh của loài tê giác Java một sừng trên logo của mình, cho dù loài này đã tuyệt chủng tại Cát Tiên. Bộ xương của con tê giác một sừng cuối cùng vẫn đứng đấy trong tủ kính. Cái chết của con tê giác có ảnh hưởng đến hệ sinh thái chung của cả vùng rừng Nam Cát Tiên, nhưng bài học mà nó để lại đủ mạnh, đủ sức thuyết phục để thúc đẩy các nỗ lực, tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn, vì rừng, vì các loài hoang dã còn lại trong rừng, vì cuộc sống của chính những người dân quanh rừng và các thế hệ con, cháu trong tương lai.

 

Trần Lê Trà

GIZ tại Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)

Từ khóa » Hình ảnh Về Con Tê Giác