Người Giữ Ký ức Về Con Tê Giác Cuối Cùng ở Việt Nam

  • “Miền sau cánh cửa” - nơi neo giữ ký ức
  • Giữ ký ức về một Đà Lạt xưa

Trở về Cát Lộc, rừng già vẫn còn đó, Điểu KGiang bạn tôi hãy còn đây. Nhưng, linh hồn của núi rừng đại ngàn, con Pai ro mhai (người địa phương dùng để gọi loài tê giác Java một sừng) thì đã vắng bóng từ lâu. Điểu KGiang thơ thẩn dưới vạt nắng chiều len lỏi qua rẫy điều đang mùa thu hái.

Thì ra, trong thâm tâm của người đàn ông dân tộc STiêng hiền lành nhiều đời cư ngụ trên mảnh đất này, ký ức về con tê giác Java một sừng cuối cùng bị bắn hạ trong rừng già Cát Lộc vẫn còn đó. Dẫu rằng, 10 năm trời đằng đẵng là khoảng thời gian không ngắn, nó đủ để hàn gắn một nỗi đau dài.

Ông Điểu KGiang buồn rầu khi nhắc lại chuyện con tê giác Java một sừng.

Buổi hoang hoải ngang qua, hình ảnh con tê giác cuối cùng chập chờn vờn qua ký ức bỗng nhiên sống lại. Điểu KGiang say sưa, rạch ròi kể cho tôi nghe những lần “chạm chán” với con tê giác Java một sừng đơn độc ở vùng sình lầy Bàu Chim khi nó về tắm bùn và liếm đất tìm chất khoáng.

Ông nhớ như in lần đầu tiên phát hiện ra con tê giác ngoài bìa rừng Cát Lộc: “Nhà mình có 4 con trâu nhưng hôm đó mình đếm được 5 con. Con thứ 5 là con tê giác, xuống tắm bùn cùng đàn trâu nhà, nhưng nó ở một góc sình lầy khác!.. Mình đứng cách nó chỉ hơn chục mét thôi mà. Nhìn rõ lắm!..”.

Điểu KGiang nói, con tê giác to lớn, mình đen bóng như con trâu, nhưng thấp và dài, có một cái sừng nhọn trước mũi, dài gần gang tay. Sau lần ấy, lâu lâu, Điểu KGiang lại bắt gặp nó thong dong ở vùng Bàu Chim. Phải chăng, vì quá cô đơn, mỗi tháng vài lần, nó liều mình thoát khỏi rừng già ra ngoài làm bạn với đàn trâu nhà.

Trên vùng đất của người STiêng hiền lành đời đời sinh sống, con tê giác Java cuối cùng cảm nhận được sự thanh bình và an toàn, dẫu rằng quanh nó khắp nơi hiểm nguy đang rình rập. Sự đồn thổi về giá trị bạc tỷ của chiếc sừng vẻn vẹn chưa đầy gang tay đã đẩy con tê giác cuối cùng đơn độc đứng về thế đối lập với con người.

Tê giác vốn hiền lành. Nó không bao giờ tranh giành thức ăn hay lãnh thổ với các loài khác, cũng không ăn thịt động vật. Thức ăn của tê giác chủ yếu là lau sậy, măng rừng, đọt mây, lá cây… và liếm đất tìm chất khoáng.

Ở rừng già Cát Lộc, kẻ thù gần như duy nhất của tê giác chính là con người. Các cuộc di dân tự do đã khiến cho vùng đất bình yên của người STiêng trở nên chật chội. Những cuộc “bành trướng”, triệt phá đất rừng của con người khiến cho lãnh thổ và thức ăn của loài tê giác ngày càng bị thu hẹp, khan hiếm.

Thật bất hạnh cho loài động vật này vì mang trên đầu một chiếc sừng nhọn mà những kẻ lắm của nhiều tiền cho rằng chữa được “bách bệnh”. Những tay săn trộm ngày đêm truy lùng nó.

Nếu như, các nhà khoa học và Vườn Quốc gia Cát Tiên phải dùng tới bẫy ảnh, đặt tại nhiều vị trí trong rừng sâu để ghi lại những khoảnh khắc của con tê giác cuối cùng. Hơn ai hết, Điểu KGiang đã tận mắt thấy rõ tới từng chi tiết. Nhiều lần, ông đã đứng rất gần. Con tê giác cảm nhận được Điểu KGiang không phải là kẻ gây ra mối nguy hiểm.

“Những lần đầu, nó thường giữ khoảng cách rất xa với mình. Gặp hoài, nó quen, mình đứng sát mà nó vẫn thong dong liếm đất tìm chất khoáng. Có hôm nó đẫm bùn bên dưới thì mình ngồi ngay trên bờ!..”, Điểu KGiang nói.

Rồi một ngày nọ, tiếng súng rền vang giữa rừng già Cát Lộc. Không lâu sau, các chuyên gia về động vật hoang dã của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tuyên bố: Con tê giác Java một sừng cuối cùng trong quần thể của nó đã chết trong rừng già Cát Lộc. Loài tê giác ở Việt Nam chính thức tuyệt chủng sau hàng chục năm len lói hi vọng bằng những dự án bảo tồn. Điểu KGiang đau đớn rụng rời như mất một người thân. Đó là một buổi chiều muộn tháng 4-2010, cách đây tròn 10 năm.

Bộ xương con tê giác Java đang được lưu giữ tại Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Ngày người ta loan tin phát hiện ra con tê giác đơn độc đã chết gục bên một dòng suối cạn giữa rừng sâu, đứa cháu của Điểu KGiang chạy qua căn chòi lợp bằng lá cây rừng hốt hoảng gọi thét vọng vào: “Con Pai ro mhai của chú Ba (tên thường gọi của Điểu KGiang) chết rồi!...”.

Vậy là từ nay, rừng già Cát Lộc vĩnh viễn mất hẳn dấu chân loài tê giác Java, vốn thuộc dòng dõi động vật một thời oai phong dạo bước giữ rừng già. Bạn tôi, Điểu KGiang hụt hẫng, không đáp lại đứa cháu nửa lời. Ông thất thần ngồi bẹp giữa căn chòi lá dựng ngoài bìa rừng, mắt đăm đăm nhìn về vùng Bàu Chim. Hôm ấy, Điểu KGiang bỏ bữa cơm tối!..

Một thời gian dài, những người có trách nhiệm tính thoái thác, đổ lỗi nguyên nhân tử vong của con tê giác này là do già yếu, chết tự nhiên. Các nhà khoa học của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên thì ồn ào, tỏ hoài nghi, đòi phải kiểm chứng, khám nghiệm bộ xương.

Điểu KGiang quả quyết: nó chết do bị bắn chứ không thể là nguyên nhân khác. Lúc này ông vẫn chưa được tới hiện trường. Nhưng, những lần “chạm chán” chỉ cách hơn chục mét với con tê giác cuối cùng này là cơ sở vững chắc để Điểu KGiang khẳng định nó bị bắn chết chứ không thể già yếu.

“Nó hoàn toàn khỏe mạnh, béo tròn, làn da đen trũi, căng bóng, không thể nào chết do già yếu được!..”, Điểu KGiang quả quyết.

Còn nhớ, trước những năm 1980 của thế kỷ trước, giới chuyên môn từng tuyên bố loài tê giác đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Lúc này, Điểu KGiang xua tay, nói tê giác vẫn còn sống ở rừng già Cát Lộc, quê hương ông. Thế nhưng, tiếng nói của một lão nông cả đời chỉ biết chăn trâu, hái lượm, sống dựa vào rừng chẳng một ai quan tâm.

Và, chính Điểu KGiang cũng chẳng thèm để ý tới những phát biểu mang tính hàn lâm của các chuyên gia, nhà khoa học, rằng tê giác đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Chỉ cần ông và cộng đồng người STiêng sống ngoài bìa rừng Cát Lộc biết vẫn còn một quần thể Pai ro mhai sống trong rừng già, cách bên kia mấy quả đồi. Vậy là đủ!..

Bẵng đi một thời gian dài, năm 1988 người ta phát hiện một con tê giác đã trưởng thành bị bắn chết ở vùng rừng Cát Lộc thì một số người mới sực nhớ tới lời nói của Điểu KGiang. Cũng chính từ đây, người ta tin ông. Vùng rừng Cát Lộc nhiều tre nứa, vốn là thức ăn loài tê giác ưa thích. Tin Vườn Quốc gia Cát Tiên vẫn còn một quần thể tê giác Java một sừng lan nhanh làm chấn động giới động vật học trong và ngoài nước.

Những tháng ngày sau đó, Điểu KGiang bận bịu tối ngày. Ông trở thành người dẫn đường cho các nhà khoa học truy tìm dấu vết của loài tê giác nhằm “kiểm chứng thông tin”. Thậm chí, ông còn được các chuyên gia của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tin tưởng, giao cho những chiếc máy ảnh tự động để đặt bẫy, chụp ảnh tê giác, ngay khi cả vào ban đêm.

Trong nỗ lực, năm 1989, các nhà động vật học trong nước và quốc tế đã đủ cơ sở để công bố, ở Cát Lộc, loài tê giác Java một sừng còn khoảng từ 10-15 con. Một khu bảo tồn cho loài động vật đặc biệt này nhanh chóng được triển khai ở Cát Lộc trong nỗ lực cứu vớt cuối cùng của các nhà khoa học. Rồi cũng từ đó, mỗi lần có hội nghị, họp hành liên quan đến con Pai ro mhai, Điểu KGiang đều vinh dự được mời đi dự.

Thế nhưng, năm 2010, con tê giác đơn độc từng có thời dạo bước trong những cánh rừng rậm nhiều dốc ở Cát Lộc bị những tay săn trộm bắn hạ. Nỗ lực cuối cùng để bảo tồn loài tê giác đặc biệt quý hiếm thất bại. Việt Nam chính thức tuyệt chủng tê giác Java một sừng. Các chuyên gia của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên thất vọng, Điểu KGiang đau đớn. Lần này ông xác nhận thông tin.

Bóng chiều khuất núi, màn đêm len lỏi qua rẫy điều, Điểu KGiang lắc đầu, nói từ ngày ấy Cát Lộc hết Pai ro mhai. Linh hồn của núi rừng và biểu tượng thiêng thiêng của cộng đồng người STiêng hiền lành cư ngụ nép mình bên rừng già đã bị những tay săn trộm sát hại đến con cuối cùng.

Bây giờ, những lần đuổi bầy trâu vào vùng Bàu Chim chăn thả, hay có ngày rong ruổi trong cánh rừng già Cát Lộc để hái đọt mây, măng rừng, Điểu KGiang cố tưởng tượng ra hình ảnh con tê giác một sừng đơn độc cuối cùng năm xưa để mà tự an ủi. Nhưng, tìm đâu ra nữa!...

Từ khóa » Hình ảnh Về Con Tê Giác