9 Thành Tựu Và 5 Hạn Chế Của Ngành Giáo Dục - Vietnamnet

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Trong bài tham luận của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những kết quả mà ngành giáo dục đào tạo đạt được như sau:

Những kết quả nổi bật

Hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cơ bản được hoàn thiện

Bộ GD-ĐT đã rà soát, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khắc phục những hạn chế, bất cập tồn tại từ nhiều năm trước. Lần đầu tiên trong 2 năm liên tiếp, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Luật Giáo dục (sửa đổi, ban hành mới) năm 2019, giải quyết những “nút thắt” và tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Đến nay, về cơ bản các chủ trương của Nghị quyết 29 đã được thể chế hóa và được cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở

Chỉ tiêu về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trên toàn quốc cho trẻ 5 tuổi đã hoàn thành ngay từ đầu năm 2017 với tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,98%.

Bên cạnh đó, cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 18/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ; cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1, trong đó có 19/63 tỉnh, thành phố đạt mức độ 2, mức độ 3...

 

Theo Bộ trưởng Nhạ, chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong dạy và học của giáo viên đã có những thành công bước đầu.

Ban hành và tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

Cuối năm 2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, với tổng số 46 quyển của 9 môn học và hoạt động giáo dục cho phép sử dụng trong năm học 2020-2021. Việc lựa chọn sách giáo khoa được các địa phương thực hiện cơ bản nghiêm túc, công khai, minh bạch. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục nước ta thực hiện chủ trương này và đã có kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Công tác tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục ngày càng thực chất, hiệu quả hơn

Đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng đối với giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học.

Các bậc học sau phổ thông đã chuyển việc tổ chức đào tạo theo niên chế sang tích lũy mô đun hoặc tín chỉ. Việc kiểm tra, đánh giá trình độ đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ được thực hiện chặt chẽ hơn; chất lượng các luận văn, luận án từng bước theo tiêu chuẩn quốc tế.

Công tác đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng được triển khai theo hướng đánh giá năng lực, kết hợp kết quả quá trình với kết quả cuối năm học, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao

Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới về Vốn nhân lực, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Nhiều chỉ số về Giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN; kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng vào tốp đầu của các nước ASEAN. Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam có kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục thấp hơn hẳn.

Kết quả thi Olympic của học sinh Việt Nam những năm vừa qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 so với 27 huy chương Vàng trong giai đoạn 2011-2015; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi.

{keywords}
 

Tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực

Nếu như trước đây chỉ có hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ cao, thì từ năm 2014 đã có 23 cơ sở giáo dục đại học được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.

Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu Châu Á.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên có nhiều chuyển biến tích cực

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống tiếp tục được chú trọng, thực hiện thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành giáo dục

Toàn ngành Giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, dạy và học.

Lần đầu tiên, toàn ngành Giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông. Công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi trong các trong các hoạt động dạy và học; dạy học qua internet, trên truyền hình được thực hiện mạnh mẽ, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo. 

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

{keywords}
Thí sinh phấn chấn kết thúc ngày thi đầu tiên

5 hạn chế, bất cập

Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành giáo dục vẫn còn một số hạn chế, bất cập.

Đó là công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; việc kiện toàn Hội đồng trường các cơ sở giáo dục đại học còn chậm, hoạt động chưa thực chất, chưa phát huy tốt vai trò của Hội đồng trường.

Thứ hai là tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để ở một số địa phương; chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, còn một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.

Thứ ba là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm còn chậm.

Thứ tư là hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học còn chưa đồng bộ; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn,chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Và bất cập thứ năm là công tác truyền thông về giáo dục còn hạn chế, chưa tạo được đồng thuận cao trong xã hội khi bắt đầu triển khai nhiều chủ trương, chính sách mới của ngành. Truyền thông nội bộ ngành chưa hiệu quả, còn những ý kiến trái chiều ngay trong đội ngũ giáo viên khi triển khai chính sách mới.

Ông Nhạ cũng trình bày một loạt giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Các giải pháp này thuộc 5 nhóm, trong đó được coi là đột phá là nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường.

Ngoài ra là các nhóm giải pháp về Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp; Đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục và Tăng cường công tác truyền thông.

Ngân Anh

Tham luận của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tại Đại hội XIII

Tham luận của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tại Đại hội XIII

Bài tham luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 27/1.

Chuyên gia UNESCO nêu 2 khuyến nghị cho Giáo dục Việt Nam

Chuyên gia UNESCO nêu 2 khuyến nghị cho Giáo dục Việt Nam

Bà Dominique Altner, Chuyên gia Chương trình Cao cấp tại Viện chiến lược giáo dục UNESCO, đã có những chia sẻ về sự phát triển của giáo dục Việt Nam trong 5 năm vừa qua.

Từ khóa » Thành Tựu Của Nền Giáo Dục Việt Nam Hiện Nay