[98] Nguyên Tắc Dân Tộc Tự Quyết - Luật Pháp Quốc Tế
Có thể bạn quan tâm
Nguồn của nguyên tắc – Nội dung chính – Định nghĩa “dân tộc”
Luật pháp quốc tế có 07 nguyên tắc cơ bản, có vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật quốc tế sau Thế chiến thứ hai đến nay. Các bài viết trước đã phân tích các nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực (và ngoại lệ quyền tự vệ chính đáng), nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế (phần đầu của post này), nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, nguyên tắc pacta sunt servanda, và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Bài viết này sẽ phân tích một trong các nguyên tắc đó: nguyên tắc tự quyết dân tộc.
Nguồn của nguyên tắc
Nguyên tắc tự quyết dân tộc được ghi nhận trong các điều ước quốc tế và tập quán quốc tế. Trong điều ước quốc tế, nguyên tắc này lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945. Tuy nhiên, khác với các nguyên tắc cơ bản khác, nguyên tắc tự quyết dân tộc không được ghi nhận trong Điều 2 mà là Điều 1 về Mục đích, tôn chỉ của Liên hợp quốc. Điều 1(2) quy định một trong các mục đích của Liên hợp quốc là:
“phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết dân tộc, và thực thi các biện pháp phù hợp để tăn cường nền hòa bình phổ quát.”
Nguyên tắc này cũng được nhắc đến ở Điều 55 trong Chương IX về Hợp tác quốc tế về kinh tế và xã hội. Có thể thấy sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cộng đồng quốc tế chưa thực sự quan tâm đến nguyên tắc này, mà chủ yếu nhắc đến với ý nghĩa định hướng chung là chủ yếu. Nguyên tắc dân tộc tự quyết như trong Hiến chương không tạo ra một quyền pháp lý có hiệu lực ràng buộc trong luật pháp quốc tế.[1]
Sau năm 1945, nguyên tắc tự quyết dân tộc phát triển thông qua thực tiễn phi-thực dân hóa trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Nghị quyết 1514 (XV) năm 1960 của Đại hội đồng về Tuyên bố Trao Độc lập cho các Quốc gia và Dân tộc thuộc địa đã ghi nhận nội hàm rõ ràng hơn của nguyên tắc này:
“Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết; dựa trên quyền đó, các dân tộc tự do quyết định chế độ chính trị của mình và tự do mưu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.”
Nghị quyết 1514 (XV) tạo cơ sở bắt đầu tiến trình phi-thực dân hóa từ năm 1960 trong khuôn khỗ Liên hợp quốc, từ đó nhiều thuộc địa đã giành được độc lập. Cần đặc biệt lưu ý đến bối cảnh phi-thực dân hóa trong quá trình pháp điển hóa của nguyên tắc tự quyết dân tộc, bởi đây là một trong các căn cứ cho tranh luận về nội hàm của nguyên tắc này sau thời kỳ phi-thực dân hóa kết thúc (bên ngoài bối cảnh phi-thực dân hóa). Năm 1966, nguyên tắc tự quyết dân tộc được ghi nhận lần đầu tiên vào một điều ước quốc tế: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR). Hai Công ước có Điều 1(1) giống nhau, cùng ghi nhận lại nội hàm tương tự như trong Nghị quyết 1514 (XV) nêu trên. Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị có 172 quốc gia thành viên.[2] Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa có 169 quốc gia thành viên.[3]
Tòa ICJ đã từng bước công nhận nguyên tắc tự quyết dân tộc là một quyền pháp lý trong luật quốc tế. Năm 1975, trong Ý kiến tư vấn về Tây Sahara, Tòa ICJ đã xem “nguyên tắc tự quyết là một quyền của các dân tộc”.[4] Năm 1995, trong Vụ liên quan đến Đông Timor, Tòa khẳng định thêm nguyên tắc này là “một trong những nguyên tắc quan trọng của luật pháp quốc tế đương đại” và có tính chất erga omnes – có hiệu lực với tất cả các quốc gia.[5] Xem thêm về Quy phạm erga omnes.
Nội dung chính
Điều 1(1) của hai Công ước về quyền con người năm 1966 quy định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết; dựa trên quyền đó, các dân tộc tự do quyết định chế độ chính trị của mình và tự do mưu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa.” Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được thông qua tại Nghị quyết 2625 (XXX) năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ghi nhận nhiều nội hàm cụ thể của nguyên tắc này:
- Tất cả các dân tộc đều có quyền tự do quyết định chế độ chính trị và mưu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa mà không có sự can thiệp từ bên ngoài (without external interference);
- Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền này, thúc đẩy việc hiện thực hóa quyền này, và hỗ trợ Liên hợp quốc trong việc chấm dứt chủ nghĩa thuộc địa;
- Việc cưỡng bức và bóc lột các dân tộc là hành vi vi phạm nguyên tắc này, đi ngược lại các quyền con người cơ bản và Hiến chương;
- Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ thúc đẩy thực thi và tôn trọng phổ quát các quyền con người và tự do cơ bản;
- Các dân tộc có quyền tự do quyết định việc thành lập một quốc gia độc lập, liên kết hay sáp nhập vào một quốc gia khác hay bất kỳ dàn xếp chính trị nào;
- Tất cả các quốc gia có nghĩa vụ không có hành vi vũ lực ngăn cản các dân tộc thực thi quyền này.
- Lãnh thổ của các thuộc địa hay của Vùng Lãnh thổ không tự trị (Non-Governing Territory) có quy chế tách biệt với lãnh thổ của quốc gia quản lý, cho đến khi dân tộc của thuộc địa hay lãnh thổ đó thực thi quyền tự quyết của mình;
- Không có nội hàm nào ở đây được phép giải thích theo hướng cho phép hay khuyến khích các hành động nhằm làm tan rã, tổn hại toàn bộ hay một phần sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất chính trị của các quốc gia độc lập có chủ quyền – các quốc gia đang tuân thủ quyền tự quyết dân tộc như trên và do đó, có một chính phủ đại diện cho toàn bộ dân tộc thuộc lãnh thổ đó trên cơ sở không phân biệt chủng tộc, dòng dõi hay màu da.
- Tất cả các quốc gia không được có hành vi nhằm làm tan rã toàn bộ hay một phần sự thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác.
Tóm lại, nguyên tắc tự quyết dân tộc có ba nội dung chính. Thứ nhất, các dân tộc có quyền tự do quyết định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của mình mà không có sự can thiệp từ các quốc gia khác – nội dung này có sự kết hợp với nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác và nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, và cả nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực. Tương lai của mỗi dân tộc do chính dân tộc đó quyết định. Tuy nhiên, cần bảo đảm rằng kết quả của việc thực hiện quyền tự quyền cần phải ít nhất là “có một chính phủ đại diện cho toàn thể dân tộc thuộc lãnh thổ đó trên cơ sở không phân biệt chủng tộc, dòng dõi hay màu da.” Quyền tự quyết dân tộc thường được chia thành quyền tự quyết bên trong (internal self-determination) và quyền tự quyết bên ngoài (external self-determination).[6] Theo đó, quyền dân tộc tự quyết bên trong sẽ quyết định các vấn đề nội bộ trên trong sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất chính trị của quốc gia đó.[7] Quyền tự quyết bên ngoài bảo đảm sự độc lập, không can thiệp từ bên ngoài.[8] Ngoài ra, một nội hàm nữa mà một số học giả và quốc gia còn đẩy quyền tự quyết bên ngoài xa hơn, cho rằng quyền tự quyết bên ngoài bao gồm cả quyền ly khai khỏi một quốc gia khi đây là giải pháp cuối cùng để một dân tộc tránh khỏi tình trạng bị đàn áp bên trong nội bộ quốc gia (xem Self-determination and Secession under International Law: The Cases of Kurdistan and Catalonia của M Sterio). Các lập luận ủng hộ quyền ly khai trên cơ sở quyền dân tộc tự quyết thường trích dẫn phán quyết năm 1998 của Tòa án Tối cao Canada trong vụ việc liên quan đến vấn đề Bang Quebec ly khai khỏi Canada. Tòa này cho rằng: “Khi một dân tộc bị ngăn cản thực thi quyền tự quyết bên trong, thì dân tộc đó được quyền thực thi quyền tự quyết bằng việc ly khai như một giải pháp cuối cùng.”[9] Việt Nam nhất quán không đồng ý với quan điểm trên về quyền ly khai trên cơ sở tự quyết dân tộc (xem post về Quan điểm chính thức của Việt Nam trong Vụ Kosovo).
Thứ hai, tất cả các quốc gia có nghĩa vụ phải tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc, không có hành vi ngăn cản việc thực thi quyền này, và cần hỗ trợ, giúp đỡ các dân tộc và Liên hợp quốc trong việc chấm dứt chủ nghĩa thuộc địa và hiện thức hóa quyền này. Các quốc gia cũng không được lợi dụng quyền này để phá họa toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất chính trị của các quốc gia – ví dụ như xúi dục hay giúp đỡ các lực lượng ly khai.
Thứ ba, quyền tự quyết dân tộc không cho phép chủ nghĩa thực dân tiếp tục tồn tại, không cho phép một quốc gia cưỡng ép, bóc lột một dân tộc khác. Đối với các dân tộc thuộc địa hay lãnh thổ không tự trị, Liên hợp quốc giúp đỡ các dân tộc này thực thi quyền tự quyết. Nghị quyết 1541 (XV) năm 1960 đưa ra ba sự lựa chọn cho các dân tộc thuộc địa:
- Thành lập một quốc gia độc lập có chủ quyền cho riêng mình,
- Liên kết tự do với một quốc gia khác, hoặc
- Sáp nhập vào một quốc gia khác.[10]
Tuyên bố năm 1970 còn đặt ra thêm một sự bảo đảm cho các dân tộc thuộc địa tránh việc quốc gia thực dân, đế quốc tiến hành sáp nhập lãnh thổ thuộc địa vào lãnh thổ của mình: Quy chế pháp lý của thuộc địa tách rời và riêng biệt khỏi lãnh thổ của quốc gia quản lý. Trên thực tế, có ít nhất hai vụ việc mà một quốc gia thực dân, đế quốc cố gắng giữ lại thuộc địa bằng việc sáp nhập lãnh thổ thuộc địa: Tây Ban Nha đối với Tây Sahara và Anh với Mauritius. Tây Ban Nha cho rằng thuộc địa ở Tây Sahara là lãnh thổ vô chủ, do đó, Tây Ban Nha đã thụ đắc hợp pháp lãnh thổ này, không thể xem lãnh thổ này là thuộc địa mà là một tỉnh của Tây Ban Nha.[11] Hoặc ví dụ như Anh dùng một thủ thuật khác để tách quần đảo Chagos ra khỏi thuộc địa Mauritius của mình ngay trước khi trao độc lập cho Mauritius: Vụ việc đang được xem xét tại Tòa ICJ theo đề nghị xin ý kiến tư vấn của Đại hội đồng năm 2017 (xem thêm tại post này).
Tranh luận về định nghĩa “dân tộc”
Nguyên tắc tự quyết dân tộc không trao quyền cho các quốc gia. Chủ thể hưởng quyền là các dân tộc. Tuy nhiên, không có một định nghĩa rõ ràng về thế nào là các dân tộc. Từ điển Oxford English Dictionary giải thích từ “people” ở dạng số ít hay số nhiều có nghĩa là: thành viên của một quốc gia, một cộng đồng hay một nhóm sắc tộc nhất định (The members of a particular nation, community, or ethnic group).[12]
Nếu giải thích theo nghĩa thông thường của từ ngữ, khái niệm “dân tộc” có thể có ba cách hiểu: dân tộc-quốc gia, dân tộc-sắc tộc, hay một cộng đồng. Dân tộc-quốc gia ví dụ như dân tộc Việt Nam, dân tộc Trung Hoa, dân tộc Mỹ,… Dân tộc-sắc tộc ví dụ như dân tộc Kinh, dân tộc Mường, dân tộc Khơ-me,… Còn hiểu theo nghĩa một cộng đồng thì lại còn mơ hồ hơn khi có thể kết hợp với yếu tố tôn giáo (cộng đồng một đạo nào đó), yếu tố địa phương (cộng đồng dân cư của một vùng nào đó),… Nếu hiểu “dân tộc” theo dân tộc-quốc gia thì quyền dân tộc tự quyết sẽ chỉ có thể dẫn đến ly khai khi có sự tự quyết ly khai đó là quyết định của toàn bộ người dân của một quốc gia. Ngược lại, hiểu theo nghĩa dân tộc-sắc tộc sẽ dẫn đến hệ quả là khả năng từng sắc tộc sẽ tự quyết để ly khai khỏi một quốc gia – đây là một viễn cảnh mà các quốc gia không mong muốn. Còn nếu hiểu theo nghĩa cộng đồng thì sẽ không thể hạn định được. Việt Nam xem “dân tộc” nên được hiểu là dân tộc-quốc gia. Nhìn rộng ra, đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Trần H. D. Minh
Xem thêm các post về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế:
- Nguyên tắc cấm sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực (ví dụ thực tiễn cáo buộc sử dụng vũ lực gần đây tại post này, này, này, và này).
- Ngoại lệ sử dụng vũ lực hợp pháp: Quyền tự vệ chính đáng
- Nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế (phần đầu của post này).
- Nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác
- Nguyên tắc pacta sunt servanda
- Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền
———————————————————————-
[1] MN Shaw, International Law, 6th ed. (Cambridge University Press 2008) 252.
[2] United Nations Treaty Collection, xem tại https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=IV-4&chapter=4&clang=_en (truy cập ngày 07/9/2018).
[3] United Nations Treaty Collection, xem tại https://treaties.un.org/pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=IV-3&chapter=4&clang=_en (truy cập ngày 07/9/2018).
[4] Vụ Tây Sahara [1975] (Ý kiến tư vấn) ICJ 12, 31 [54]. [5] Vụ liên quan đến Đông Timor (Bồ Đào Nha v Australia) [1995] (Phán quyết) ICJ 90, 102 [29].
[6] Ủy ban Loại trừ Phân biệt Chủng tộc, Khuyến nghị chung số 21 (1996) in trong Report of the Committee on the Elimination of Racial Discrimination to the General Assembly (1996) Doc. A/51/18 125-126. [7] Như trên. [8] Như trên.
[9] Reference re Secession of Quebec [1998] (Reference) Supreme Court of Canada [134], xem tại https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1643/index.do (truy cập ngày 11/9/2018).
[10] Nghị quyết 1541 (XV) (ngày 15 tháng 12 năm 1960), Phụ lục, Nguyên tắc VI.
[11] Vụ tây Sahara (n 4) 25 [34].
[12] Tra nghĩa tại https://en.oxforddictionaries.com/definition/people (truy cập ngày 07/9/2018).
Chia sẻ:
- Tweet
Từ khóa » Ví Dụ Về Quyền Dân Tộc Tự Quyết
-
Quyền Dân Tộc Tự Quyết Là Gì ? Quy định Về Quyền Dân Tộc Tự Quyết
-
Quyền Dân Tộc Tự Quyết Trong Pháp Luật Quốc Tế
-
Quyền Dân Tộc Tự Quyết Là Gì? Nguyên Tắc Dân Tộc Tự Quyết?
-
Tư Tưởng Của V.I.Lênin Về Quyền Dân Tộc Tự Quyết Và ý Nghĩa đối Với ...
-
Những điều Cần Biết Về Quyền Dân Tộc Tự Quyết
-
Quyền Dân Tộc Tự Quyết: Ai, ở đâu Và Khi Nào?
-
Quyền Dân Tộc Tự Quyết Và Quyền Của Các Dân Tộc Thiểu Số Theo Pháp ...
-
Quyền Dân Tộc Tự Quyết: Ai, ở đâu, Khi Nào? - Cổng Tri Thức OpenEdu
-
Đánh Tráo Khái Niệm Về “quyền Dân Tộc Tự Quyết” Của Những Phần Tử ...
-
Quyền Dân Tộc Tự Quyết Và Quyền Của Dân Tộc Thiểu Số
-
Điều Luật Nhân Quyền Magnitsky Vi Phạm Nguyên Tắc Quyền Dân Tộc ...
-
Quyền Tự Quyết – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bảo đảm Quyền Dân Tộc Tự Quyết Và Quyền Con Người