A Dục Vương (Asoka) Cuộc Đời Và Sự Nghiệp - Hoa Vô Ưu

A Dục Vương (Asoka) Cuộc Đời và Sự Nghiệp
  • Chương I: ASOKA- NHÂN VẬT LỊCH SỬ
  • Chương II: VƯƠNG QUỐC MAURYA DƯỚI THỜI ASOKA
  • Chương III: CHÍNH SÁCH CỦA ASOKA
  • Chương IV: ASOKA - VỊ HOÀNG ĐẾ PHẬT TỬ
  • Chương V: ASOKA - VỊ VUA CHÁNH PHÁP
  • Chương VI: GIÁO PHÁP ASOKA
  • Chương VII: ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG ĐƯỜNG LỐI TRỊ QUỐC VÀ NGOẠI GIAO CỦA ASOKA
  • Chương VIII: LỜI KẾT

A DỤC VƯƠNG (ASOKA)

CUỘC ĐỜISỰ NGHIỆP

 

THÍCH TÂM MINH

---o0o---

80aducvuong 

THÀNH KÍNH ĐẢNH LỄ ĐỨC BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính dâng Hòa thượng Bổn sư thượng Minh hạ Châu

Bậc Thầy tôn kính của chúng con

Kính niệm ân chư vị Giáo thọ sư

 

Mục lục

Bảng chữ viết tắt

Lời nói đầu

Dẫn nhập

Chương 1: Asoka – nhân vật lịch sử

I. Dòng dõi

II. Sự ra đời và thời gian trước khi lên ngôi

III. Các truyền thuyết xoay quanh sự đăng quang của Asoka

 

Chương II: Vương quốc Maurya dưới thời Asoka

I. Phạm vi lãnh thổ

II. Tổ chức nhà nước và hệ thống quản lý

 

Chương III: Chính sách của Asoka

I. Đường lối đối nội

1. Chính sách lấy dân làm gốc

2. Chính sách đức trị

3. Chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân

4. Chính sách tôn giáo

II. Đường lối đối ngoại

1. Chính sách hòa bình, dộc lập dân tộc

2. Chính sách trao đổihợp tác quốc tế vì lợi ích của các dân tộc

 

Chương IV: Asoka- vị hoàng đế Phật tử

I. Các truyền thuyết về sự cải giáo của Asoka

II. Sự ngưỡng mộ Phật giáo của Asoka

III. Những cống hiến của Asoka đối với Phật giáo

 

Chương V: Asoka-vị vua Chánh pháp

I. Sự thực hành Chánh pháp

II. Tấm lòng yêu quí Chánh pháp

III. Công tác giảng dạy Chánh pháp

 

Chương VI: Giáo pháp Asoka

I. Niềm đam mê học tập và khả năng nắm bắt Phật pháp của Asoka

II. Phật pháp và bia lý Asoka

III. Tư tưởng Phật học trong bia lý Asoka

1. Tư tưởng tôn trọng sự sống hay thất bại

2. Tư tưởng thiết thực hiện tại hay tinh thần thực tiễn

3. Tư tưởng hòa bình-vô úy thí

4. Tư tưởng bao dung hay hộ trì chân lý

5. Tư tưởng sống đạo đức trong sạch để hưởng hạnh phúc đời này và đời sau

 

Chương VII: Ảnh hưởng Phật giáo trong đường lối trị quốc và ngoại giao của Asoka

I. Phật giáo hóa Asoka

II. Phật giáo hóa đường lối Asoka

A. Đường lối trị quốc

B. Đường lối đối ngoại

 

Chương VIII: Lời kết

Phụ lục I: Bản dịch các bia ký và trụ đá Asoka

Phụ lục II: Bảy bản kinh Phật được đề cập trong bia ký Bhabrù hay Bairat 2

Thư mục

 

 

Bảng chữ viết tắt

AIU The Age of Imperial Unity

ARBRIMA A Record of the Buddhist Religion as practiced in India and the Malay Archipelago.

CHI Cambridge History of India.

CMT Chandra Gupta Maurya and his Times.

DHB The Dating of the Historical Buddha.

DV Dìpavamsa.

DVY Divyàvadàna.

EB Encyclopaedia of Buddhism.

EHI The Early History of India.

GEB Geography of Early Buddhism.

GM Gilgit Manuscripts.

HFRAI The History of Foreign Rule in Ancient India

IA Indian Antiquary.

JASB Journal of Asiatic Society of Bengal.

JEFA Jainism or the Early Faith of Asoka.

JNI Jainism in North India.

JBORSJournal of the Royal Asiatic Society

JRAS Journal of the Royal Asiatic Society ( New series)

KA Kautilya’s Arthaśsàstra.

LIEA La Legende de I’Emperur Asoka.

MBV Mahàbodhivamsa.

MCCV Mahabodhi Centenary Commemorative Volume.

MV Mahàvamsa.

MVT Mahàvamsa Tika.

OYC On Yuan Chwang’s Travels in India.

PHAI Political History of Ancient India.

PSP Parisishta Parvan.

QJMS Quarterly Journal of Mythical Society.

RBK A Reacord of Buddhistic Kingdoms.

RPBAI Royal Patronage of Buddhism in Ancient India.

SP Samantapàsàdikà.

STGB Schiefner, Taranatha’s Ges-chichte des Buddhismus.

VNP Vishņu Puràņa.

 

Lời nói đầu

Asoka, vị hoàng đế thứ ba của vương triều Maurya Ấn Độ, là một nhân vật lịch sử đã để lại cho nhân loại nhiều bài học lớn. Cuộc đờisự nghiệp của ông mang đậm những dấu ấn đặc biệt khiến tên tuổi của ông trở thành huyền thoại và đi vào lịch sử. Những hành vi khét tiếng tàn bạo trước lúc quy ngưỡng Phật giáo khiến ông có biệt danh Caņdàśoka (Asoka tàn bạo), trong khi những việc làm nhân bản ông dốc tâm thực hiện sau khi trở thành một Phật tử đã khiến ông xứng đáng với danh hiệu Dhammàśoka (Asoka nhân từ). Cũng một con người, một cuộc đời ấy nhưng Asoka mang hai tên gọi khác nhau. Tất cả đều là phản ứng tình cảm quần chúng dành cho ông. Họ rỉ tai nhau ông là kẻ sát nhân tàn bạo nhưng rồi họ lại ca tụng ông là người đức độ nhân từ. Nhà lãnh đạothể không quan tâm đến suy nghĩ của quần chúng, nhưng quần chúng thì luôn tỏ ra công bằng đối vối nhà lãnh đạo.

Asoka được biết đến bởi trước hết ông là hoàng đế của một triều đại hùng mạnh và cực thịnh trong lịch sử Ấn Độ cổ đại. Ông thừa kế vương triều Maurya nổi tiếng hào hùng do ông nội ông,Chandragupta, sáng lập và do cha ông, Bindusàra, tiếp tục củng cốmở rộng. Nhưng Asoka nổi tiếng không phải bởi ông là hoàng đế của một triều đại lớn và hùng mạnh mà bởi đường lối lãnh đạo đầy nhân bản của ông. Nếu như Chandragupta nổi danh nhờ công lao đánh đuổi quân ngoại xâm, thống nhất Ấn Độ, Bindusàra góp phần ổn định và mở rộng biên cương Maurya, thì Asoka rực sáng do từ bỏ chiến tranh, quyết tâm theo đuổi hòa bình và nỗ lực xây dựng một vương quốc thánh thiện nhất trong lịch sử. Các tài liệutruyền thuyết còn lưu lại ngày nay cho thấy Asoka xứng đáng được lưu danh muôn thuở bởi tính cách đặc biệt của ông và bởi những gì mà ông đã làm cho cuộc đời:

Asoka là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nhân loại chủ trương “ tự thắng mình hơn chiến thắng nguời khác,” một chủ trương đã biến ông từ một con người cực ác thành một con người cực thiện và mở ra nhiều viễn cảnh an lạc lớn cho cuộc đời.

Ông cũng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử quyết định “ dùng Pháp âm thay cho tiếng trống trận” khi đang ở đỉnh cao của danh vọngquyền lực, một động thái đã khiến ông nổi tiếngbao dung, hòa bình, rất đáng cho hậu thế noi gương.

Asoka cũng đã có những đóng góp rất lớn về quan niệm đạo pháp và dân tộc được thể hiện rõ nét qua chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và chủ trương độc lập dân tộc của ông.

Ngoài ra, Asoka còn nổi bật trong vai trò sứ giả văn hóa và hòa bình do chủ trương từ bỏ chiến tranh, kiên quyết theo đuổi hòa bình và bang giao quốc tế trên cơ sở hợp tác và giúp đỡ các quốc gia khác trên nhiều lãnh vực.

Có lẽ do những động thái tích cựcnhân bản như thế mà tên tuổi của Asoka đã đi vào huyền thoại lịch sửgiá trị mà ông để lại vẫn còn, dù rằng ông ra đời cách đây hơn 20 thế kỷ. Ông đã để lại cho hậu thế một bài học lớn, bài học của sự nỗ lực, lòng nhiệt thành, sự tận tụy, tình thương và lòng bao dung, bài học của lòng tin ở chính mình và tin người khác trong tất cả việc làm và trong mọi quan hệ. Ông đã dùng tình thương xóa hận thù, dùng thiện nhân thắng hung tàn, lấy thí xả thắng xan tham, dùng chân thật thắng hư ngụy.

Cuộc đờisự nghiệp của Asoka giúp ta hiểu rõ giá trị tích cực của một con người chuyển từ cực ác sang cực thiện, niềm tin vững chắc của một con người quyết tâm bỏ ác làm lành, sự nhiệt tâm và lòng, tận tụy của một con người trong mọi nỗ lực hướng thiện, sự tin tưởng chính mình và người khác trong quan hệ ứng xử, trách nhiệm, tình thương và lòng bao dung của một nhà lãnh đạo đối với đồng bào, đồng loại.

Asoka đã xây dựng được một vương quốc thái bình thịnh trị trong lịch sử nhờ những nỗ lực cá nhân và đường lối lãnh đạo sáng suốt, đầy nhân bản của ông. Đáng tiếc, các thế hệ con cháu của Asoka đã không giữ được những phẩm chất như ông và không theo đường lối của ông nên không bao lâu vương triều Maurya không còn thái bình thịnh trị nữa mà chuyển sang chiến tranh biến loạn và rồi đi đến tan rã.

Bạo loạn bắt nguồn từ nghèo đóibất mãn. Chiến tranh phát xuất bởi tham vọnghận thù. Nếu không thấu hiểu lòng dân, không quan tâm chăm lo cho dân thị bạo loạn nảy sinh. Nếu không kìm chế lòng tham , không nuôi dưỡng tình thương không có lòng cảm thôngbao dung rộng lớn thì chiến tranh bùng nổ. Thế giới hiện tại của chúng ta vẫn không thoát khỏi các thảm cảnh bạo động, chiến tranh bởi nghèo đói và bất công chưa được khắc phục, niềm tin không được nuôi dưỡng, sự cảm thông và lòng bao dung ít được vận dụng. Xem ra tấm gương Asoka vẫn chói sáng và hữu ích cho nhân loại ngày nay trong việc tìm ra lời giải cho một thế giới hòa bình, cảm thông, không thù hận.Nỗ lực ghi lại cuộc đờisự nghiệp của Asoka chúng tôi hằng mong chỉ có thế.

Nghiên cứu về Asoka, chúng tôi phần lớn dựa vào nguồn tài liệu bia kỳ và trụ đá do ông để lại để xem xét về cuộc đờisự nghiệp của ông. Chúng tôi cũng không bỏ qua các tài liệu Nam truyền và Bắc truyền lưu giữ trong các tác phẩm Dìpavamsa, Mahàvamsa, Divyàdàna hay Aśokàvadàna khi nói về nhân vật Asoka bởi, mặc dù được xem mang nhiều yếu tố truyền thuyết, các tài liệu này cung cấp một số thông tin có thể bổ sung cho nguồn tài liệu bia ký và trụ đá của ông. Chúng tôi cũng chú ý tới một số thông tin khảo cổ học khác có liên quan để giúp cho việc nghiên

cứu được hoàn bị hơn. Ngoài ra một vài ghi chép của các nhà chiêm báihọc giả Trung Hoa liên quan đến Asoka và các hoạt động của ông cũng được nêu ra và xem xét.

Chúng tôi cũng đã sử dụng nhiều tài liệu nghiên cứu và dịch thuật của nhiều học giả và dịch giả trong khi thực hiện công trình này, đặc biệt các bản kinh Pàli do Thầy chúng tôi phiên dịch đã được sử dụng và trích dẫn rất nhiều trong các chương viết và phần phụ lục. Có thể nói rằng nhờ những nổ lực tiên phong ấy mà chúng tôi có được nhiều thuận lợi trong công việc nghiên cứu, và về điều này chúng tôi rất mang ơn.

Do bước đầu tìm hiểu về Asoka, chúng tôi không hy vọng gì hơn là cung cấp một số thông tin liên quan đến cuộc đờisự nghiệp của vị hoàng đế tên tuổi này để những ai quan tâm có thể xem xétnghiên cứu vấn đề kỹ hơn. Với suy nghĩ như vậy, chúng tôi chuyển dịch các tài liệu bia ký và trụ đá Asoka ra tiếng Việt và bước đầu tìm hiểu và dẫn ra các bản kinh Phật thuộc kinh tạng Pàli mà Asoka đã nêu tên trong bia ký Bhabrù của ông. Nhưng dù đã nỗ lực rất lớn, chúng tôi hiểu rằng sai sót là điều khó tránh trong mọi công việc. Rất mong sự lượng thứ của quý độc giả cho những lỗi lầm không sao tránh khỏi ở trong tác phẩm này.

Vạn Hạnh, mùa An cư 2546

THÍCH TÂM MINH

Kính đề

 

Dẫn nhập

Ý định viết về Asoka nảy sinh trong lúc tôi đang theo học các chương trình hậu đại học tại Đại học Delhi, Ấn Độ. Nhưng rồi do phải tập trung bài vở cho các kỳ thi M.A,M.Phil và làm luận án Ph.D ở đại học, tôi đã không thể thực hiện được ý định của mình. Thời gian qua rồi không trở lại. Vì thế mà mãi cho tới khi hoàn tất việc học ở Ấn, trở về nước, tôi mới có dịp tiếp cận với Asoka, con người trứ danh mà từ lâu tôi rất ngưỡng mộ.

Được tiếp cận với Asoka ngay chính trên quê hương của ông chắc chắn là một điều lý thú. Đáng tiếc tôi đã không có cái diễm phúc ấy. Thời biểu học tập ở đại học không cho phép tôi có đủ thì giờ để ghi lại cảm xúc của mình về một con ngườicuộc đờisự nghiệp đòi hỏi phải dành nhiều thời giannỗ lực lớn mới mong nhận hiểu được đôi chút. Dù sao tôi cũng thấy mình may mắn hơn nhiều người khác vì đã có dịp tiếp xúc với xứ sở đã sản sinh ra Asoka mà sự kính trọng và lòng tự hào về ông vẫn không phai nhạt trong số đông quần chúng sau khi ông ra đi hơn 20 thế kỷ. Vì vậy, dù cảm xúc được ghi lại có hơi muộn, tôi ước mong được chia sẻ đôi điều cảm nhận của mình với những Phật tử Việt Nam đã âm thầm noi gương Asoka trong sứ mạng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc. Từ thuở nhỏ tôi đã quý Anh Chị kể cho nghe về gương sáng Asoka.

Asoka là vị hoàng đế thứ ba thuộc triều đại Maurya, trị vì Ấn Độ từ 270-232 trước Tây lịch. Cuộc đờisự nghiệp của ông là tấm gương lớn về phương diện nỗ lực xây dựng đạo đức hạnh phúc cho con ngườithiết lập nền tảng hòa bình thế giới. Ông là một vị vua nhân từ, hết lòng thương yêu và chăm lo hạnh phúc cho dân, đồng thời là một hoàng đế tài ba, có khả năng đặt ách thống trị lên nhiều lãnh thổ khác. Nhưng Asoka đã khước từ mọi tham vọng xâm lăng, từ bỏ bạo động chiến tranh, chủ trương hòa đồng bất bạo động.R.C.Mazumdar nói rằng Asoka vĩ đại không phải vì tài năng mở rộng đế quốc to lớn của mình mà vì tính cách của một con người, những lý tưởng mà ông đại diện và những nguyên tắc trị vì mà ông theo đuổi .[1]

đặc biệt chú ý đến nhận xét này của Mazumdar bởi hai lẽ. Thứ nhất, không có gì đáng nói về Asoka nếu như ông chỉ là một hoàng đếbiệt tài về quân sự và thành công lớn trong lĩnh vực bành trướng quốc gia. Bởi có gì đáng nói khi chúng ta hiểu rằng chinh phục người khác bằng sức mạnh quân sự hay xâm lăng nô lệ hóa người khác là hành động điên cuồng của những kẻ vô lương ? Lịch sử loài người đã đổ đầy máu và nước mắt bởi những hành vi tham lam và thù hận của con người rồi, không cần thêm một Asoka anh hùng nào đó trên chiến trận một lúc vung tên giết chết hàng ngàn quân địch và chiếm cứ nhiều xứ sở mới lạ.

Thứ hai, Asoka xứng đáng được nêu gương muôn thuở bởi những gì mà Mazumdar gọi là “tính cách của một con người, những lý tưởng mà ông đại diện và những nguyên tắc trị vì mà ông theo đuổi”. Tính cách ấy là gì, theo tôi, đó là “tự thắng mình hơn chiến thắng người khác.” Sau chiến thắng Kalinga, một chiến công quân sự lẫy lừng mà Asoka giành được vào năm 262 trước Tây lịch khi ông tiến hành chính sách xâm lăng mở rộng đế quốc Maurya, Asoka biểu lộ tính cách lạ thường của một hoàng đế thắng trận mà sử gia Will Durant gọi là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử .[2] Ông tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mọi ý đồ xâm lăng, từ bỏ bạo động chiến tranh, chủ trương hòa bình bất bạo động. Ông công khai bày tỏ sự hối tiếc về việc xâm lăng Kalinga “ bởi đã gây ra cảnh tàn sát chết choc đầy tang thương cho dân chúng một xứ sở độc lập,” [3] tuyên bố theo đuổi Chánh pháp (Dharma ) và khuyến khích Chánh pháp, [4] quyết định dùng Pháp âm (Dharma-ghoşa) thay tiếng trống trận (blerì-ghoşa), [5] chủ trương thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava), [6] nỗ lực giải quyết việc nước việc dân, [7] biến những cuộc dạo chơi săn bắn hưởng lạc của hoàng gia (vihàra-yàtrà) thành những cuộc du hành thuyết pháp và khuyến khích điều thiện (Dharma-yàrà ). [8] Có thể nói rằng tính cách đặc biệt này của Asoka đã mở ra một trang sử mới không chỉ trong lịch sử triều đại Maurya mà còn trong lịch sự loài người, trang sử “ tự thắng mình hơn chiến thắng người khác” [9]được thực hiện bằng cách “ lấy tình thương xóa hận thù, dùng thiện nhân thắng hung tàn, lấy thí xả thắng xam tham, dùng chân thật thắng hư ngụy.” [10]

Tên tuổi Asoka bắt đầu tỏa sáng kể từ khi ông quyết định chuyển đổi tâm tính từ ác sang thiện. Trong các tài liệu liên quan, Asoka mang hai biệt danh tiêu biểu cho hai quãng đời khác nhau của ông.Candàsoka (Asoka tàn bạo) là ác danhquần chúng gắn cho ông khi ông áp dụng các chính saách tàn bạo và Dharmàsoka ( Asoka nhân từ ) là thiện danh mà quần chúng dùng để tôn vinh ông sau khi ông thay đổi các chính sách tàn ác bằng các chính sách nhân từ. Kinh Pháp cú dạy rằng: [11] “Ai dùng các hạnh lành làm xóa mờ nghiệp ác, người ấy chói sáng cõi đời này, như ánh trăng thoát khỏi áng mây che.” Asoka chói sáng cõi nhân sinh nhờ quyết tâm bỏ ác làm lành.

Sự nghiệp của Asoka được phản ánh khá đầy đủ trong các tài liệu bia ký và trụ đá của ông. Sự nghiệp ấy trước hết là sự nghiệp của một ông vua thương dân như con cái và nỗ lực làm việc hết mình vì hạnh phúc của nhân dân.Trong bia ký I và II , Asoka bày tỏ tấm lòng thương dân nhưcha mẹ thương yêu con cái và mong muốn hết thảy mọi người được hạnh phúc yên vui. Phát xuất từ tấm lòng thương dân và lo lắng cho hạnh phúc của nhân dân, Asoka từ bỏ các thú vui cá nhân để tập trung giải quyết việc nước việc dân và làm các thiện sự. [12] Ông nỗ lực làm việc hết mình, không kể giờ giấc và nơi chốn, nhằm mục đích đem lại hạnh phúcan lạc cho mọi người. Bia ký VI ghi nhận sự kiện Asoka hạ lệnh cho các quan chức có trách nhiệm phải mọi lúc mọi nơi thông báo ngay cho ông tất cả mọi vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân. Chẳng những thế, Asoka còn thường xuyên du hành nhằm nắm bắt tình hình đất nước và xem xét hiện tình đời sống nhân dân. [13] . Ông tự nhận có trách nhiệm thúc đẩy lợi ích của dân và xem nổ lực phục vụ nhân dân là cách duy nhất trả để trả nợ cho dân. [14] Trong công tác quản lýđiều hành quốc gia, Asoka thành lập đội ngũ quan chức chính phủ các cấp có trách nhiệm chăm lo lợi íchhạnh phúc cho dân. [15] Ông huấn luyện rất kỹ đội ngũ các quan chức nhà nước, giáo dục họ phải nêu gương cho mọi người về nếp sống cần kiệm liêm chínhthái độ làm việc chí công vô tư; [16] các quan lại phải nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc và khổ đau của dân và phải hết lòng phục vụ nhân dân.[17]

Tài liệu bia ký và trụ đá cũng phản ánh mối quan tâm to lớn của ông đối với sự sống và hạnh phúc của muôn loài [18]: “Đức Thánh thượng Priyadarśì mong muốn tất cả chúng sanh thoát khỏi bị hại, được đối xử công bằng và sống hạnh phúc.” [19] Trong các chỉ dụ ghi ở bia ký I và trụ đá V, Asoka ngăn cấm việc hy sinh súc vật cho các mục đích tế lễ và kêu gọi mọi người tránh làm tổn thương sự sống của muôn loài. Ông đề cao chế độ ăn chay[20] và ban lệnh cấm chặt cây đốt rừng.[21] Có thể nói rằng Asoka là người đầu tiên phá bỏ tục lệ hiến tế và hy sinh thú vật hết sức nhẫn tâm của truyền thống Bà-la-môn giáo và là người tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường thiên nhiên thoát khỏi bàn tay tàn phá của con người. Ông cũng là người tạo tiền đề cho chế độ ăn chaytruyền thống yêu quý thiên nhiên rất đáng tự hào của người dân Ấn Độ. Tôi tin rằng các đạo dụ của ông nói về cấm sát sanh, đề cao chế độ ăn chay, tránh chặt cây phá rừng đã được tuân thủ triệt để và lâu bền bởi nhiều thế hệ dân chúng Ấn Độ, bởi lối sống và tập quán suy nghĩ của người dân Ấn Độ hiện tại đã có thể chứng minh điều đó. Một quan điểm hay đường lối được vận dụng lâu ngày thì thành ra truyền thống. Ngày nay du khách đến tham quan Ấn Độ có thể thưởng thức các món ăn chay bày bán khắp nơi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp gần như nguyên vẹn của môi trường cảnh quan tự nhiên ở đây mà truyền thống yêu chuộngbảo vệ vốn đã được thiết lập rất lâu từ ngàn xưa.

Về phương diện chăm lo hạnh phúc cho dân Asoka rất quan tâm phát triển các chế độ an sinh và phúc lợi xã hội.[22] Ông cho lập nhiều vườn cây ăn quả (xoài) một mặt mở rộng mặt bằng cây xanh và mặt khác phục vụ trái ngọt cho mọi người. Ông thành lập đội ngũ y bác sĩ và cho xây dựng hệ thống trạm xá và bệnh viện khắp nơi để lo việc chăm sóc y tế cho dân và chữa trị cho thú vật, sai nhân giống và ươm trồng các loại cây làm thuốc để giúp cho việc điều trị bệnh nhân và gia súc. Khắp nơi trên các nẻo đường, ông cho trồng các loại cây xanh tạo bóng mát, sai đào các giếng nước khoảng cách hai ba dặm đường để phục vụ tiện ích cho người và súc vật. cho xây dựng các nhà nghỉ hai bên vệ đường để khách bộ hành có chỗ nghỉ chân hay qua đêm. Các trạm cung cấp nước sạch cũng được xây dựng ở những nơi công cộng để phục vụ cho người và thú vật. Asoka đã làm rất tốt về phương diện này và chính ông đã đặt tiền đề cho các chế độ an sinh phúc lợi xã hội được duy trì cho đến ngày nay tại Ấn Độ.

Ngoài các chế độ an sinh phúc lợi xã hội mà mọi công dân Maurya đều được hưởng, Asoka còn có các chế độ ưu tiên dành cho các đối tượng xã hội gặp cảnh ngộ khó khăn hay bị tù đày. Cô nhi quả phụ, người nghèo khó, già cả được hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt của nhà nước.[23] Phụ nữ lầm đường lạc lối được giáo dục và được tạo công ăn việc làm thích hợp. Phạm nhân có quyền kháng án trong trường hợp bị xử oan, được bảo vệ khỏi tình trạng bị ngược đãi, được phóng thích trong trường hợp phải nuôi con dại hay gặp quá nhiều bất hạnh rủi ro hoặc bị khổ đau bởi tuổi già.[24]

Một đặc điểm khác của Asoka là luôn luôn đề cao đạo đức nhân ái và vận dụng triệt để chính sách đức trị ( Dharma-vijaya) trong suốt thời gian ông trị vì. Khắp nơi trong các bia ký và trụ đá của ông, yếu tố đạo đức nhân ái hay đường lối đức trị được nhấn mạnh vượt trội. Asoka rất quan tâm xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị trên cơ sở phát huy nếp sống đạo đức của quần chúngtỏ rõ biện pháp đức trị. Ông khuyên dạy tất cả con cái, cháu chắt và thần dân của mình phải muôn đời sống đạo đức Chánh pháp (Dharma) và phải có trách nhiệm khuyến khích nếp sống đạo đức Chánh pháp.[25]

Asoka cũng rất công bằngbao dung trong chính sách đối với kẻ lầm đường lạc lối. Ông tuyên bố sẵn sàng tha thứ cho những ai vi phạm phải sai lầm nhưng biết ăn năn hối lỗi. Ông chủ trương không truy quét các tội phạm nhưng ra sức thuyết phục họ trở về con đường lương thiện để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.[26]Các điều khoản ghi ở bia ký Kalinga I, bia ký V, XIII, trụ đá IV, V cho thấy Asoka rất công bằng trong xét xửbao dung độ lượng trong xử phạt.

Sau cùng, Asoka càng tỏa sáng như một vì sao khi ông quyết tâm theo đuổi đường lối hòa bình và chủ trương bang giao quốc tế trên cơ sở hiểu biết và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Bia ký Kalinga II xác nhận lập trường hòa bình, không tấn công xâm lăng các nước khác của Asoka. Bia ký này còn nói rõ ý chí, quyết tâmlời hứa của ông về hòa bình là không bao giờ thay đổi.

Song song với lời cam kết của ông về hòa bình, tôn trọng chủ quyền độc lập dân tộc, Asoka mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia khác trên cơ sở tạo điều kiện và giúp đỡ các quốc gia này về phương diện chăm sóc y tế và mở rộng mạng lưới an sinh phúc lợi xã hội. Nguồn thông tin bia ký II cho hay Asoka đã cho thiết lập hai loại hình chăm sóc y tế (dve chikìchha ), một dành cho người và một dành cho thú vật, không những ở khắp nơi trong vương quốc của ông mà còn ở nhiều quốc gia khác. Các loại cây ăn quả và cây làm thuốc cũng được cho nhân giống và gieo trồng khắp nơi trong vương quốc của ông và tại các quốc gia láng giềng. Trên các tuyến đường các giếng nước được xây dựngcác loại cây xanh tạo bóng mát được gieo trồng để phục vụ tiện ích cho người và thú vật. Bia ký này nói đến một số quốc gia thừa hưởng chế độ đãi ngộ của nhà nước Maurya gồm Chola, Pàndya, Satiyaputra, Keralaputra, Tàmraparnì, xứ sở Yona do vua Hy Lạp Antiocho trị vì và bốn quốc gia Hy Lạp khác do các vị vua Ptolemy, Antigona, Maga và Alexander cai quản. Như vậy, từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên y học và văn minh Đông phương đã được giới thiệumở rộng sang thế giới phương Tây, dĩ nhiên bằng con đường hòa bình hữu nghị chứ không phải được đi kèm với chính sách xâm lăng. Về vấn đề này tôi tự hỏi phải chăng đội ngũ chuyên gia y khoa đông nhất nhì thế giới hiện nay của Ấn Độ và số lượng dược phẩm to lớn do đất nước này sản xuất và được tiêu thụ nhiều nơi trên thế giới ngày nay là thành quả lâu dài của truyền thống, y học Đông phương được khuyến khích và mở rộng từ thời Asoka ?

Rõ ràng động thái hòa bình và thiện chí của Asoka đã mở ra một bầu không khí hòa bình và hữu nghị rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Nhiều quốc gia ở châu Á và châu Âu chào đón thông điệp hòa bình hợp tác của ông. Bia ký XIII cho hay Asoka đã thành công lớn trong lãnh vực thu phục nhân tâm của nhiều quốc gia nhờ đường lối hòa bình đức trị (Dharma-vijàya ).

Một vấn đề quan trọng khác không thể bỏ qua trong khi nghiên cứu về Asoka và sự nghiệp của ông là nỗ lực và đóng góp rất lớn của ông dành cho tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Bên cạnh các chính sách trị quốc và ngoại giao đầy tính nhân bản đã khiến tên tuổisự nghiệp của ông đi vào lịch sử, Asoka còn nổi danh về các hoạt động và sắc chỉ tôn giáo, đặc biệt công tác truyền bá Phật pháp do ông chủ trương và hậu thuẫn đã khiến cho đạo Phật nhanh chóng phổ biến khắp nơi trên toàn cõi Ấn Độ và lan truyền ra các quốc gia khác. Ngày nay không ít người đã ngạc nhiên khi đọc các chỉ dụ nói về chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡngbình đẳng tôn giáo mà Asoka đã từng áp dụng cách nay gần 25 thế kỷ.

Nguồn tài liệu bia ký và các truyền thuyết nói nhiều về các hoạt động tôn giáo của Asoka. Theo các thông tin bia ký thì mặc dù rất sùng tín đạo Phật, Asoka tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi người và đối xử bình đẳng với các tôn giáo khác . Ông thăm viếng và tặng quà cho các cơ sở tôn giáo thành lập đội ngũ các quan chức Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm trông coi các vấn đề tôn giáo như lo phân phối các phẩm vật cúng dường của hoàng gia dành cho các giáo phái, phổ biến chỉ dụ của nhà vua đối với hoạt động của các tôn giáo. Tài liệu Mahàvamsa đề cập sự kiện kiết tập kinh điển Phật giáo lần thứ ba và các hoạt động truyền giáo được tiến hành dưới thời Asoka. Theo thông tin này thì sau hội nghị kiết tập kinh điển do Asoka bảo trợ, chín đoàn truyền giáo đã lần lượt được gởi đi chín xứ sở khác nhau bao gồm châu Á, châu Âu, châu Phi [27] nhằm truyền bá giáo lý của đức Phật. Do đó , nếu ngày nay dấu tích Phật giáo được tìm thấy khắp nới trên đất nước Ấn Độ cũng như tại các quốc gia lân bang và đạo Phật được phổ biến rộng rãi trên toàn cõi châu Á và rồi trở thành một tôn giáo thế giới thì phần lớn là do công của Asoka. Có thể nói rằng tên tuổi của Asoka gắn liền với lịch sử phát triển Phật giáo nói riêng và văn hóa Ấn Độ nói chung khi ông ủng hộ cuộc hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ ba và công tác truyền bá Phật pháp được tiến hành tiếp sau đó.

Từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, Asoka đã mở ra nhiều chân trời mới trong lịch sử loài người. Tinh thần Asoka được chấp nhận và chào đón khắp nơi, hứa hẹn nhiều viễn cảnh tốt đẹp.

[1]AIUtr .71.

[2]Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ,tr.99-100

[3] Bia ký XIII

[4] Bia ký XIII.

[5] Bia ký IV

[6] Bia ký XIII.

[7] Bia ký VI

[8] Bia ký VIII.

[9] Pháp cú, kệ số 103 chép: “Dầu thắng hàng vạn địch quân trên chiến trận cũng không bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất.”

[10] Pháp cú,kệ số 223.

[11] Pháp cú, kệ số 137.

[12] Bia ký VIII.

[13] Tiểu bia ký I; bia ký.

[14] Bia ký VI.

[15] Bia ký V; trụ dá I,IV.

[16] Bia ký Kalinga I,II; trụ đá I, IV.

[17] Trụ đá IV.

[18] Bia ký II, bia ký VIII.

[19] Bia ký XIII.

[20] Bia ký I.

[21] Trụ đá V.

[22] Bia ký II; trụ đá VII.

[23] Bia ký V.

[24] Bia ký V.

[25] Bia ký IV,V,IX,XI,XIII.

[26] Bia ký XIII.

[27] P.V.Bapat, 2500 years of Buddhism, tr,42.

Từ khóa » Cuộc đời Vua A Dục