Vài Sử Liệu Và Truyền Thuyết Về Vua Asoka (A-dục)

I. Dòng dõi

Asoka thuộc thế hệ thứ ba vương triều Maurya do ông nội ông, Chandragupta, sáng lập. Theo các sử gia, sự xuất hiện của Chandragupta thế kỷ thứ IV trước Tây lịch đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử chính trị Ấn Độ cổ đại. R.C. Mazumdar cho rằng “Sự nghiệp của Chandragupta, người sáng lập triều đại Maurya, tỏa sáng trong lịch sử Ấn Độ cổ đại, vì nó giải phóng đất nước này khỏi ách thống trị của người Macedonia và xây dựng sự thống nhất chính trị đầu tiên của Ấn Độ dưới quyền một vị vua. Đây là một thành công đáng kể, đặc biệt khi chúng ta biết rằng Chandragupta không phải là người thừa kế ngai vàng mà được sinh ra trong một hoàn cảnh khiêm tốn. Sự thăng tiến địa vị tối cao của Chandragupta đích thực là một thiên anh hùng ca trong lịch sử”.

Vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, Moriya là dòng vương tộc trị vì tiểu quốc cộng hòa Pipphalivana. Theo H. C. Raychaudhuri, dưới triều vua Agrammes, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Nanda, dân chúng tỏ ra bất mãn với triều đình và những người Moriya nhờ tài lãnh đạo của Chandragupta trở nên hùng mạnh vượt bực. Với sự trợ giúp của Kautilya, con trai một Bà-la-môn xứ Taxilà, Chandragupta tiến hành lật đổ vương triều Nanda đã đến hồi lụn bại.

Chandragupta lên ngôi trị vì Ấn Độ từ năm 324 đến năm 300 trước Tây lịch thì nhường ngôi cho con trai Bindusàra và xuất gia trở thành một tu sĩ Kỳ-na giáo. Truyền thống Kỳ-na giáo nói đến ông như một ẩn sĩ và các bia ký khắc vào đầu thế kỷ thứ X được phát hiện gần Seringapatam đề cập tên một đỉnh núi gọi là Chandragiri, tương truyền là chỗ ẩn cư tu hành của Chandragupta. Trong khoảng thời gian 24 năm trị vì, Chandragupta đã mở rộng lãnh thổ của mình, phía Nam đến tận Mysore và phía Tây-bắc tới các biên giới Persia. Các lãnh địa như Punjab, Sind, Beluchistan, Afghanistan, Himavatkùta, Nepal và Kashmir đều thuộc quyền cai trị của ông. Bindusàra tiếp nối cha mình cai quản vương triều Maurya từ 300 đến 273 trước Công nguyên.

II. Sự ra đời và thời gian trước khi lên ngôi

Asoka ra đời vào năm 304 trước Tây lịch. Theo Dìpavamsa (Đảo sử) và Mahàvamsa (Đại sử), Bindusàra là người chồng của 16 bà vợ và là cha của 101 con trai; trong đó chỉ ba người được biết tên là Sumana (hay Susìma gọi theo Bắc truyền), con trai cả, Asoka, con trai thứ ba, và người con trai út có tên là Tisya. Tác phẩm Asokàvadàna (Chuyện kể về Vài sử liệu và truyền thuyết về vua Asoka (A-dục) THUẦN KHIẾT vua A-dục) nói đến Subhadràngì (hay Dhammà, gọi theo Nam truyền), con gái một gia đình Bà-la-môn xứ Campà, là người đã sinh Asoka. Bà này, sau khi sinh Asoka, đã nói: “Nay ta không còn sầu muộn (Asoka)”. Đứa trẻ mang tên Asoka từ đó. Một bản sớ giải cuốn Mahàvamsa có đề cập đến Subhadràngì, nói rằng con trai bà mang tên Asoka bởi đứa bé này đã không làm cho bà đau đớn chút nào khi ra đời. Đứa trẻ có làn da xù xì và do vậy Bindusàra không yêu mến nó. Có một câu chuyện kể rằng mẹ đứa trẻ từng cố tránh cho con trai bà khỏi gặp cha nó nhằm bảo vệ tính mạng của đứa trẻ.

Xét theo các truyền thuyết nói trên thì có lẽ thuở ấu thời Asoka đã không được may mắn cho lắm bởi làn da dị tật bẩm sinh. Tuy vậy đến khi trưởng thành Asoka hoàn toàn chiếm trọn niềm tin của Bindusàra bởi tài thao lược quân sự của mình. Điều này có thể được thấy rõ qua việc ông được Bindusàra phái tới Takkasilà hay Taxilà nhằm dập tắt những cuộc nổi loạn ở đây. Theo Divyàvadàna (Tuyển tập các truyền thuyết Phật giáo sơ kỳ), trong thời gian Asoka được cử làm Phó vương tại vùng lãnh thổ Tây Ấn gọi là Avantirattham hay Avantì với Ujjain là thủ phủ, bạo loạn đã xảy ra ở Taxilà mà hoàng tử Sumana, anh trai ông, không thể giải quyết, vì vậy ông được phái tới Taxilà thay hoàng tử Sumana dập tắt cuộc nổi loạn. Tất cả các tài liệu đều không đề cập chế độ học vấn của Asoka. Bản sớ giải Theragàthà (Trưởng lão Tăng kệ) có nói đến trường hợp Vitàsoka, em trai Asoka, rất giỏi kiến thức (vidyà) cùng các bộ môn khoa học và nghệ thuật khác mà các hoàng tử Sát-đế-lỵ (ksatriya-kumàra) đương thời phải học tập và nắm bắt. Ta có thể nói rằng Asoka cũng thừa hưởng chế độ giáo dục như các anh em trai mình, bởi ngoài tài thao lược quân sự, Asoka còn tỏ ra rất xuất chúng trong vai trò trị vì, tài ngoại giao, công tác quản trị, ban hành các điều luật, đặc biệt là chính sách đức trị (Dharma-vijiya) mà ông đã đề ra “vì hạnh phúc và an lạc cho tất cả mọi người cả đời này và đời sau”, như các bia ký của ông đã nói rõ.

Ta cũng không biết đích xác các cuộc hôn nhân của Asoka đã diễn ra như thế nào. Các truyền thuyết và bia ký chỉ thông báo cho chúng ta Asoka là người lắm vợ (polygamist). Các tài liệu Tích Lan ghi nhận người vợ đầu tiên của ông là bà Devì hay Vedisa-Mahàdevì, con gái một gia đình thương gia giàu có vùng Vedisa. Asoka cưới bà này khi đang làm Phó vương xứ Ujjain. Cuộc hôn nhân đầu tiên này đã cho ra đời hai người con, Mahendra và Sanghamitrà, mà về sau trở thành những người mở đường cho sự xuất hiện của Phật giáo và giáo hội ở Tích Lan (Sri Lanka). Mahendra là trưởng phái đoàn truyền giáo có công truyền bá Phật giáo vào Tích Lan, trong khi Sanghamitrà mở đường cho sự ra đời của giáo hội Tỷkheo Ni (Bhikkhunìsangha) tại đây. Mặc dù là người vợ đầu tiên nhưng bà Devì không theo Asoka về kinh đô Pàtaliputra mà vẫn ở lại quê hương Ujjain của mình, thậm chí cả sau ngày Asoka lên nắm vương quyền Maurya. Tương truyền bà Devì đã cho xây dựng một ngôi tinh xá lớn (Mahàvihàra) tại vùng núi Vedisa (Vedisagiri). Tác phẩm Samantapàsàdikà (Chú giải Luật Thiện kiến) thuật sự kiện rằng sau khi nhận trách nhiệm giới thiệu Phật giáo sang Tích Lan, Mahinda đã khởi hành từ Pàtaliputra đến Ujjain thăm mẹ mình và ở lại tại Mahàvihàra một thời gian rồi từ đó đi tiếp sang Tích Lan. Địa danh Ujjain có bảo tháp Sànchì rất nổi tiếng, lưu lại nhiều truyện tích nói về lòng mến mộ Phật pháp của Asoka, rất có thể được khởi dựng từ thời Asoka hoặc sau đó không lâu để đánh dấu tấm lòng mộ đạo của ông đồng thời cũng là kỷ niệm mối tình đầu của ông với bà Devì xứ Vedisa.

Người vợ thứ hai của Asoka được ghi nhận là bà Kàruvàkì, sinh hạ hoàng tử Tìvara. Tác phẩm Divyàvadàna (Tuyển tập các truyền thuyết Phật giáo sơ kỳ) nói đến bà Padmàvatì, mẹ của hoàng tử Dharmavivardhana hay còn gọi là Kunàla, như là người vợ thứ ba của Asoka. Bà Asandhimitrà được xem là người thứ tư trong số các bà vợ của Asoka. Cả Mahàvamsa lẫn Divyàvadàna đều thống nhất bà Tissarakkhà hay Tisyaraksità là người vợ cuối cùng của Asoka. Biên niên sử Kashmir có nói đến một hoàng tử tên Jalauka, con trai Asoka, nhưng không cho biết tên người mẹ. Về phía con gái, ngoài Sanghamitrà, con bà Vedisa-Mahàdevì, Asoka cũng được xem là cha của công chúa Càrumatì, người được gả sang xứ Nepal. Truyền thống Nepal đề cập Càrumatì là con gái Asoka, từng theo vua cha chiêm bái thánh tích Lumbinì, về sau kết hôn với hoàng tử Devapàla xứ Nepal. Tương truyền bà và chồng bà đã lập nên thành phố Deopatan hay Devapatana gần Pasupati và xây dựng một ngôi chùa ở phía Bắc thành phố này. Các tài liệu Nam truyền và Bắc truyền không thống nhất với nhau về mối quan hệ giữa Asoka và Mahendra. Theo các tài liệu Nam truyền lưu giữ trong các tác phẩm Dìpavamsa và Mahàvamsa thì Mahendra (hay Mahinda) là con trai Asoka, nhưng theo các tài liệu Bắc truyền ghi trong tác phẩm Asokàvadàna và Divyàvadàna thì Mahendra không phải con trai mà là em trai Asoka.

III. Các truyền thuyết xoay quanh việc đăng quang của Asoka Asoka

thừa kế ngai vàng Maurya vào năm 273 trước Tây lịch nhưng chính thức đăng quang ba hay bốn năm sau đó, nghĩa là 270 hay 269 trước Tây lịch. Các truyền thuyết, truyền thống, sử liệu và các sử gia nêu nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh việc lên ngôi của Asoka. Điều này cũng dễ hiểu bởi thứ nhất, xét theo truyền thuyết Tích Lan thì Bindusàra có rất nhiều con, việc chọn Asoka lên nắm vương vị lẽ tất nhiên đã khiến nảy sinh không ít bất mãn trong số các con cái và đám quần thần luôn tiếp tay cho các ông hoàng bà chúa. Thứ hai, tám năm sau khi lên ngôi, tức 262 trước Tây lịch, Asoka từ một con người khét tiếng tàn bạo (Candàsoka) chuyển hẳn sang một con người đầy nhân từ (Dhammàsoka), sự kiện này hẳn đã tạo ra không ít các truyền thuyết và huyền thoại về một ông vua đầy quyền lực nhưng giàu lòng nhân ái như Asoka.

Theo các thông tin ghi chép trong các tác phẩm Dìpavamsa và Mahàvamsa thì việc lên ngôi của Asoka gắn liền với những cuộc chiến tương tàn xảy ra giữa các anh 9 15 – 7 – 2020 VÙN HOÁA PHÊÅT GIAÁO em ông. Mahàvamsa mô tả Asoka là kẻ giết hại 99 anh em trai mình, trừ Tisya, người em cùng mẹ, vì mục đích chiếm đoạt ngai vàng. Bởi sự kiện này Asoka có tên gọi là Candàsoka. Tuy nhiên, theo Divyàvadàna thì sự tranh giành vương vị chỉ xảy ra giữa Asoka và Sumana, anh trai ông, trong đó Sumana bị sát hại. Tàrànath, sử gia người Tây Tạng, cho rằng Asoka chỉ sát hại sáu anh em trai. Theo các tài liệu Tích Lan thì trong thời gian làm Phó vương tại Ujjain hay Avantì, Asoka hay tin Bindusàra lâm bịnh nặng, ông liền tức tốc quay trở về kinh đô Pàtaliputra, giết chết tất cả các anh em trai mình, trừ Tisya, để chiếm đoạt ngai vàng. Nhưng theo Divyàvadàna thì lúc Bindusàra lâm chung, ngai vàng Pàtaliputra bị bỏ trống, bấy giờ Asoka tiến hành chiếm đoạt vương vị. Trong cuộc chiến chống lại anh trai mình, Asoka được tể tướng Khallàtaka và 500 triều thần hậu thuẫn. Tác phẩm Mahà-bodhivamsa (Sử thi Đại giác ngộ) thuật rằng trong cuộc chiến giành ngôi vị, Asoka đứng riêng một trận tuyến chống lại Sumana, người thừa kế hợp pháp ngai vàng xứ Magadha và được tất cả anh em ông ủng hộ. Trong trận chiến này tất cả 99 anh em trai ông đều bị giết.

Như vậy, cứ theo các tài liệu Tích Lan thì Asoka giết hại tất cả 99 người anh em cùng cha khác mẹ với mình trước khi lên nắm vương quyền Maurya. V. A. Smith không đồng tình với các truyền thuyết Tích Lan cho rằng Asoka giết chết tất cả anh em trai mình, trừ Tisya. Theo Smith, chắc chắn các anh chị em ông vẫn còn sống mười bảy hoặc mươi tám năm sau khi Asoka lên ngôi. D.R. Bhandarkar cũng thấy rõ sự mâu thuẫn giữa tài liệu Tích Lan nói rằng Asoka giết chết 99 anh em trai và thông tin các bia ký Asoka cho hay không chỉ một mà nhiều anh em trai của Asoka vẫn còn sống không những ở kinh đô Pàtaliputra mà còn ở các thành phố khác của đế quốc ông. R. Mookerji xem ra cũng không mấy đồng tình với các tài liệu Tích Lan khi nói rằng “một con người có lòng mong ước cho tất cả anh em và bà con mình được hạnh phúc an lạc đầy cảm động như vậy không thể là một con người tàn bạo, như các truyền thuyết đã gán cho ông”. Sau khi đưa ra nhiều cứ liệu khác nhau về Asoka, đến lượt K. Hazra đi đến nhận xét rằng các tác giả Phật giáo chính thống muốn dệt nên một bức tranh tuyệt đẹp về Phật giáo, những giáo lý cao cả và tính chất vĩ đại của nó, đã nói đến Asoka như một kẻ tàn bạo (Candàsoka) và rồi muốn giới thiệu với chúng ta rằng chính nhờ ảnh hưởng to lớn của Phật giáo mà con người khét tiếng tàn bạo này đã trở thành một con người cao cả, một con người đầy từ tâm và thánh thiện nhất.

Quả thực chúng ta khó biết đích xác việc Asoka lên ngôi thế nào và các tác giả Tích Lan có dụng ý tô hồng câu chuyện hay không, như K. Hazra đã nhận xét. Có điều lạ là các tài liệu Tích Lan bảo Bindusàra có tất cả 101 người con, mà toàn là con trai. Điều này hoàn toàn trái với quan điểm của Asoka khi ông nói về các anh em trai, các chị em gái và các bà con ông, như được ghi trong các bia ký. Như vậy phải chăng Bindusàra chỉ có toàn con trai hay ngoài 101 con trai ra Bindusàra còn có những người con gái khác mà các tài liệu Tích Lan không nói đến? Lại nữa, trong số 101 con trai của Bindusàra chỉ có ba người được biết tên là Sumana, Asoka và Tisya. Theo các tài liệu Mahàvamsa, Divyàvadàna và Asokàvadàna thì tên tuổi Sumana, Asoka và Tisya gắn liền với việc chiếm đoạt ngai vàng của Asoka, những người con khác của Bindusàra chỉ là con số được nêu ra. Sumana bị sát hại trong lúc tranh chấp vương vị, Asoka lên nắm ngai vàng, còn Tisya được sống sót và về sau được Asoka bổ làm phó vương (uparàja). Như vậy con số 101 con trai do tài liệu Tích Lan cung cấp là đúng hay thực sự Bindusàra chỉ có ba người con như được kể tên trong các tài liệu Nam và Bắc truyền? Từ những điều vừa nêu ta khó tin các truyền thuyết Tích Lan là hoàn toàn xác thực. Bởi vậy, nhận xét của K. Hazra về các tác giả Tích Lan muốn thổi phồng câu chuyện Asoka không phải không có cơ sở. Hazra khiến chúng ta nhớ tới câu chuyện Angulimàla sát hại 999 mạng sống trước khi được Đức Thế Tôn nhiếp hóa, như được ghi lại trong tập Theragàthà và các sớ giải.

Chúng ta có hai tài liệu kinh tạng nói về Angulimàla, một được chép trong Majjhima Nikàya và một được ghi trong tập Theragàthà thuộc Khuddaka Nikàya. Chúng ta không có gì phải nói về tài liệu thứ nhất được đề cập trong bài kinh số 86, Majjhima Nikàya (kinh Trung bộ Nam truyền) , ngoài việc thán phục sức cảm hóa của Đức Phật đối với tên cướp hung bạo Angulimàla và việc Angulimàla từ một tên cướp khét tiếng hung tàn chuyển thành một tu sĩ đầy từ tâm và kham nhẫn. Tuy nhiên ta không thể không giật mình khi đọc sang tài liệu thứ hai được lưu giữ trong Theragàthà, ở đấy Angulimàla hiện rõ là tên cướp tàn ác. Con số 999 mạng sống bị Angulimàla tước đoạt được ghi nhận bởi các sớ giải Majjhima Nikàya và Theragàthà khiến chúng ta có cảm giác rằng các nhà sớ giải kinh tạng Pàli đã đẩy câu chuyện đi quá xa thực tế.

Các quan điểm bênh vực cho việc lên ngôi của Asoka bao gồm các truyền thuyết, những lời tiên tri cũng như lập trường ủng hộ Asoka của các triều thần đương thời, như được thấy phần lớn trong tác phẩm Divyàvadàna. Trong tác phẩm Du Thiên Trúc sự, Pháp Hiển (Fa-hsien) ghi lại câu chuyện tiền thân của Asoka, kể rằng trong đời quá khứ, khi còn là một cậu bé con đang nghịch cát trên đường, Asoka đã gặp Đức Phật Ca-diếp (Kasyapa) đang đi khất thực. Cậu bé hoan hỷ nhặt một nắm đầy đất cúng dường cho ngài. Đức Phật tiếp nhận nắm đất cúng dường của cậu bé. Do nhân duyên này, cậu bé được phước báo trở thành một vị vua Chuyển luân vương trị vì cõi Diêmphù-đề (Jambudvìpa). Trong hồi ký của mình, Nghĩa Tịnh (I-sting) có nói đến trường hợp Đức Phật báo trước sự xuất hiện của Asoka và vương quốc to lớn của ông. Theo Nghĩa Tịnh, trong khi giải thích giấc mộng của vua Bimbisàra về mẩu vải và chiếc gậy vàng biến thành 18 mảnh, Đức Phật dạy giáo lý của Ngài sẽ được chia làm 18 trường phái sau hơn 100 năm Ngài nhập Niết-bàn và bấy giờ sẽ xuất hiện một vị vua tên Asoka, trị vì toàn cõi Diêm-phù-đề. Trong thời gian Bindusàra còn tại vị, vị thầy của ông, một tu sĩ phái Àjìvika, đã tiên đoán Asoka sẽ là người thừa kế ngai vàng Maurya. Divyàvadàna thuật rằng Đức Phật đã đoán trước Asoka là một vị vua chân chánh sẽ xây dựng 84.000 bảo tháp để tôn thờ xá-lợi của Ngài. Tác phẩm này còn nói thêm rằng Asoka là một vị vua sẽ trị vị một vương quốc rộng lớn bằng Chánh pháp, về sau (nhà vua) sẽ từ bỏ vương quốc, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình và sẽ thành một vị Phật Độc giác (Pratyeka-Buddha). 

Các truyền thuyết và lời tiên tri chỉ nói Asoka sẽ làm vua và là vị vua xứng đáng nhưng không nói Asoka sẽ lên ngôi vua bằng cách nào. V.A. Smith dẫn cứ liệu từ các bia ký Asoka và cho rằng Asoka lên ngôi một cách êm thấm, phù hợp với nguyện vọng của tổ tiên. Tuy nhiên, theo K. Hazra, việc đăng quang của Asoka đã diễn ra không mấy êm ái bởi nó được tiến hành bốn năm sau khi Bindusàra qua đời, nghĩa là một khoảng thời gian khá dài đủ để làm mờ phai những tranh luận liên quan đến quyền nắm ngai vàng Pàtaliputra. Theo Divyàvadàna thì trước khi lâm chung, Bindusàra bảo anh trai Asoka là Sumana nhận trách nhiệm trông coi vương quốc và vì vậy đã sai các triều thần sắp đặt buổi lễ đăng quang, nhưng các triều thần không nghe và giục Asoka chiếm đoạt ngai vàng. Asoka chấp nhận lời đề nghị này. Cũng theo Divyàvadàna, khi được tin một cuộc nổi loạn khác xảy ra ở Taxilà, Bindusàra muốn cử Asoka đến Taxilà dẹp loạn bởi ông đã từng dẹp loạn thành công ở đấy một lần, nhưng các triều thần vốn không ưa Sumana, anh trai Asoka, và muốn đẩy ông này rời xa kinh đô nên đã dàn xếp việc đề cử Sumana đi Taxilà thay vì Asoka. Tài liệu này ghi nhận rằng trong khi hoàng tử Sumana thất bại trong việc dẹp loạn ở Taxilà, ngai vàng Pàtaliputra bị bỏ trống, Asoka liền chiếm đoạt ngai vàng với sự giúp sức của các triều thần và sau đó tìm cách chống lại anh trai mình, người bị sát hại trong lúc cố phế truất kẻ cướp ngôi.

Như vậy, theo cả hai nguồn tài liệu Nam truyền và Bắc truyền thì Asoka là người chiếm đoạt ngai vàng vương quốc Magadha. Có điều tài liệu Tích Lan nêu con số người bị sát hại liên quan đến việc chiếm ngôi của Asoka lên đến 99, trong khi tài liệu Bắc truyền chỉ nói một mình Sumana bị giết. Cũng có những tác giả khác không gán cho Asoka bất kỳ hành vi giết hại nào đối với anh em ông nhưng đề cập ông đã áp dụng những chính sách tàn bạo. Tác phẩm Asokàvadàna, chẳng hạn, mô tả Asoka là kẻ giết hại các thuộc hạ của mình, thiêu sống nhiều phụ nữ trong hoàng cung, thiết lập một ngục tù để hành hình những người vô tội. Cũng theo Asokàvadàna, Asoka treo giá cho những chiếc đầu của các tu sĩ Bà-la-môn cố tình sỉ nhục các tượng Phật, sự việc chỉ chấm dứt khi Vitàsoka, em trai ông, can thiệp. Những việc như thế này chắc chắn chỉ có thể xảy ra trước khi Asoka chính thức trở thành một Phật tử. Càng về sau, như các bia ký của ông đã nói rõ, Asoka càng tỏ rõ là ông vua hiền thiện và mộ đạo. Truyền thuyết Tích Lan kể rằng Asoka quá chăm chút cây Bồ-đề đến nỗi bà vợ Tishyarakshita trẻ đẹp của ông trở nên ghen tỵ muốn triệt hạ cây này. Huyền Trang (Yuan Chwang), nhà chiêm bái và học giả Trung Hoa du học Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ bảy, ghi nhận câu chuyện và nói thêm rằng để bảo vệ, Asoka đã cho xây một bức tường đá bao bọc cây Bồ-đề. Theo Pháp Hiển (Fa-hsien), một tu sĩ Phật giáo Trung Hoa đến Ấn Độ khoảng đầu thế kỷ thứ V, thì bà hoàng này muốn triệt hạ cây Bồ-đề vì thường xuyên thấy Asoka lễ bái dưới gốc cây.

Ngày nay đa số các học giả đều cho rằng Asoka trở nên thánh thiện nhờ những ảnh hưởng Phật giáo. Dù sao, những việc mà Asoka đã làm trước khi trở thành một Phật tử chân chính cũng khó tránh được cái tên Candàsoka mà người ta đã gán cho ông. Chỉ một việc ông đánh chiếm xứ Kalinga trong đó hàng trăm ngàn người bị giết chết và hàng trăm người khác bị bắt tù đày và làm nô lệ cũng đủ cho người đời “ban tặng” ông danh hiệu Candàsoka. Không hiếm các vị vua trong lịch sử mang tên như ông, Candàsoka. Nhưng hiếm có vị vua nào lại có thể thay đổi tâm tính một cách triệt để như Asoka để từ một người có biệt danh Candàsoka người ta lại tôn xưng ông là Dhammàsoka

Tài liệu tham khảo:

– Kinh Trường bộ, I & II, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991. – Kinh bộ Tăng chi, II & IV, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996. – Kinh Tiểu bộ, I, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1999.

– Thích Minh Châu, Trung bộ kinh, II, Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1974. – B. M. Barua, Asoka and his Inscriptions, New Age Publishers Ltd., Calcutta, 1955. – H. C. Raychaudhuri, Political History of Ancient India, Calcutta, 1938. – J. Takakusu, A Record of the Buddhist Religion as practised in India and the Malay Archipelago, Oxford, 1896. – V. A. Smith, The Early History of India, Oxford, 1924. – J. Przyluski, La Legende de I’Emperur Asoka, Paris, 1923. – R. Mookerji, Asoka, Motilal Banarsidass Publishers, Pvt. Ltd., Delhi, 1989.

THUẦN KHIẾT

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 348

Download QR 🡻

Từ khóa » Cuộc đời Vua A Dục