Ai ám Sát Ashraf Marwan - điệp Viên Vĩ đại Nhất Trung Đông?
Có thể bạn quan tâm
(Cadn.com.vn) - Ashraf Marwan bị cáo buộc là điệp viên hai mang, làm việc cho cả Cơ quan tình báo Israel (Mossad) và Cơ quan tình báo Ai Cập. 4 năm sau khi chết, sự nghiệp trắc trở và cái chết đầy bí ẩn của ông tại London vẫn luôn là một đề tài hấp dẫn nhất trong số những câu hỏi hóc búa chưa có lời giải trong biên niên sử gián điệp hiện đại.
Cái chết bí ẩn
Ngày 27-6-2007, Ashraf Marwan, 62 tuổi bất ngờ qua đời vì ngã từ lan can căn hộ sang trọng trên tầng 5 xuống đất. Cái chết đột ngột này trở thành đề tài nóng hổi trên các mặt báo. Bởi lẽ, Ashraf là một tỷ phú, một điệp viên hai mang nổi tiếng và là con rể của cựu Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền trên tờ Observer, vợ của ông Ashraf, bà Mona Nassercho cho biết, một vài ngày trước khi chết, chồng bà cho biết ông bị đe dọa giết. Sau khi Ashraf chết, gia đình ông phát hiện bản thảo cuốn hồi ký của ông, trong đó dự định tiết lộ bí mật của các Cơ quan tình báo Trung Đông, biến mất khỏi kệ sách. Bà tin rằng, Mossad đã ra tay sát hại ông và tuyên bố sẽ ra làm chứng trước tòa. Bà Nasser đã chỉ trích cách điều tra vụ án này của Sở Cảnh sát London cho rằng, họ làm việc “rất cẩu thả”. Đôi giày mà ông Ashraf mang lúc chết - có thể chứa bằng chứng AND quan trọng chứng minh việc ông Ashraf bị sát hại hay nhảy lầu tự tử - đã bị các điều tra viên làm mất. Ít nhất một nhân chứng cho biết đã nhìn thấy hai người đàn ông có ngoại hình Trung Đông tại ban công nhà ông ít giây sau khi ông ngã xuống đường. Trong 4 năm trước khi chết, ít nhất 3 lần ông Ashraf nói với vợ rằng tính mạng của ông đang bị đe dọa.
Trong khi đó, con trai Gamal của ông Ashraf tin rằng, không bao giờ cha ông có động cơ tự tử và càng không có lý do nào khác dẫn cha ông đến cái chết ngoại trừ bị sát hại. Gamal cho biết, lúc đó cha mình đi khập khiễng và rất yếu sức, nên không thể vượt qua được hàng rào sắt lan can nhà để nhảy xuống. Theo người con trai, ông Ashraf là một người Ai Cập yêu nước và là điệp viên hai mang. Với vai trò này, Marwan từng cung cấp thông tin tình báo chệch hướng cho kẻ thù của đất nước ông là Israel trước thời điểm diễn ra cuộc chiến Yom Kippur năm 1973. Trong khi đó, Aharon Levran, một trong những sĩ quan tình báo cao cấp Israel chịu trách nhiệm nhận tin từ Ashraf phủ nhận những cáo buộc này. Ông này còn cho rằng, chính tình báo Ai Cập đã thủ tiêu “Thiên thần” (mật danh của Ashraf Marwan) để bịt đầu mối khi hết hữu dụng.
Trong khi đó, giới báo chí và các blogger trên khắp thế giới đều tự hỏi liệu có bao nhiêu cơ quan tình báo liên quan đến cái chết của ông. Người ta cũng tranh cãi xung quanh một câu hỏi khác là liệu ông Ashraf là điệp viên xuất sắc của Israel hay là một điệp viên hai mang vĩ đại của Ai Cập.
Điệp viên Ashraf Marwan. Ảnh: Standard |
Cuộc sống hai mặt
Giới truyền thông cho rằng, cuộc đời của Ashraf là cả một câu chuyện trinh thám dài, hồi hộp và tàn nhẫn đan xen liên tục, bắt đầu hình thành từ mùa xuân 1969.
Từ năm đó, Ashraf đã lần đầu tiên tới Sứ quán Israel tại London và tình nguyện cung cấp thông tin nhưng không được chấp thuận. Năm 1969, đánh dấu cuộc gặp gỡ của Ashraf với D- một lãnh đạo cấp cao của Mossad, khởi đầu cho một quan hệ kéo dài hơn 30 năm. Nhờ trực tiếp làm việc tại văn phòng của Tổng thống Ai Cập lúc đó Anwar Sadat, Ashraf đã cung cấp được nhiều thông tin quan trọng cho Israel, không lâu sau đó chúng trở thành tin tức tham khảo chính cho Thủ tướng Israel Golda Meir và Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan. Levran và nhiều nguồn tin tình báo Israel khác cho biết, Ashraf từng cung cấp cho họ rất nhiều thông tin, kể cả kế hoạch tác chiến và những bản tin tuyệt mật, đổi lại là những món tiền lớn có khi trị giá đến 100.000 USD/lần chuyển giao thông tin. Ngay từ đầu, Marwan đã mở “cuộc tấn công”. Ông cung cấp rất nhiều tài liệu mật của Ai Cập, đến nỗi một nhân viên của Mossad phải thốt lên “chúng ta có người ngủ trong giường của Nasser”.
Kể từ cái chết bí ẩn này, vai trò của ông Ashraf trong chiến tranh Yom Kippur – cuộc chiến giữa Israel và liên minh các quốc gia Arab ủng hộ Ai Cập và Syria năm 1973 được bàn đến nhiều hơn và trở thành đề tài tranh cãi gay gắt. Trong khi Mossad cho rằng, Ashraf là điệp viên anh hùng của họ, thì Tổng thống Ai Cập lúc bấy giờ Hosni Mubarak cũng khẳng định, Ashraf là một điệp viên hai mang xuất sắc nhất của họ. Cả hai bên đều tuyên bố “được lợi” từ những thông tin do Ashraf cung cấp cho Israel trong cuộc chiến Yom Kippur. Israel cho rằng, thời điểm tấn công được biết tuy có trễ so với thông tin tình báo 4 giờ, nhưng cũng giúp họ đủ thời gian chuẩn bị dự phòng và cứu quốc gia người Do Thái khỏi cuộc tấn công bất ngờ của Syria. Phía Ai Cập lại khẳng định, thông tin thời điểm tấn công do Ashraf cung cấp đúng thời điểm họ cần để giành lại phần đất đã mất trong cuộc chiến 6 năm trước đó.
Ashraf và thảm họa tình báo của Israel
Ashraf làm việc cho Israel dưới những bí danh như “Thiên thần”, “Babylon” hay “Rể”.
Để tổ chức những cuộc gặp gỡ mặt đối mặt giữa điệp viên với những người đứng đầu Mossad, Israel đã mua một căn nhà tại London. Những thiết bị ghi âm tối tân được lắp trong nhà để ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện. Một đội ngũ thư ký có trách nhiệm gỡ băng thành văn bản để trình lên thủ tướng, tổng chỉ huy quân đội và các quan chức cấp cao khác của Israel. Cứ mỗi lần gặp, Ashraf được nhận 50.000 bảng Anh. Tháng 4-1973, “Rể” tiết lộ vào ngày 15-5 Ai Cập và Syria sẽ tấn công bất ngờ Israel. Tel Aviv khẩn trương tổng động viên hàng vạn quân dự bị và triển khai thêm quân và khí tài đến Sinai và miền bắc Israel. Lệnh báo động kéo dài 3 tháng và tiêu tốn 35 triệu USD. Nhưng đó là lời cảnh báo giả. “Rể” đã sai.
Vào đúng ngày Yom Kippur – lễ thiêng liêng nhất theo lịch Do Thái, “Rể” lại gửi thông tin báo cáo, Ai Cập và Syria sẽ đồng loạt tấn công Israel trên hai mặt trận vào lúc hoàng hôn. Tại cuộc họp khẩn cấp của nội các Israel sáng hôm đó, lời cảnh báo của “Rể” bị coi là thiếu thuyết phục. Tuy nhiên, đúng vào lúc 14 giờ, quân đội Arab khai màn chiến tranh. Ai Cập vượt qua Kênh đào Suez tại miền nam, xe tăng Syria lao xuống từ phía bắc. Họ dễ dàng khống chế một Israel không được chuẩn bị gì. Sau 3 ngày giao tranh, các tướng lĩnh Israel công khai lo âu về việc nước mình bị tiêu diệt. Nữ Thủ tướng Golda Meir yêu cầu mang đến cho mình một lọ thuốc tự sát với tuyên bố sẵn sàng chết hơn là chứng kiến cảnh tượng Israel bị tiêu diệt.
Sau khi được Mỹ lập cầu hàng không chi viện vũ khí và đạn dược, Israel bắt đầu phản công dữ dội và chiếm lại được các vị trí then chốt. Vào cuối tháng đó, Israel giành thắng lợi. Nhưng xét về mọi mặt, cuộc chiến tranh bất ngờ Yom Kippur vẫn bị coi là một thảm họa tình báo của Israel.
Thanh Văn (Theo NYT, Guardian)
Từ khóa » điệp Viên Ashraf Marwan
-
Cái Chết Bí ẩn Của điệp Viên Vĩ đại Nhất Lịch Sử Trung Đông
-
Bí ẩn điệp Viên Vĩ đại Nhất Thế Kỷ XX
-
Ashraf Marwan - Cái Chết Của Một điệp Viên Nhị Trùng
-
Cái Chết Bí ẩn Của điệp Viên đa Mang Nhất Thế Kỷ 20
-
Bí ẩn 11 Năm Về Cái Chết Bất Ngờ Của Tỷ Phú - điệp Viên Vĩ đại Nhất ...
-
Cái Chết Bí ẩn Của Siêu điệp Viên Nổi Tiếng Nhất Lịch Sử Trung Đông
-
Điệp Viên Thiên Thần | Trang Web Netflix Chính Thức
-
London: Một Tỉ Phú, Cựu điệp Viên Chết Bí ẩn - Báo Tuổi Trẻ
-
Ashraf Marwan - Tin Tức Cập Nhật Mới Nhất Tại
-
Điệp Viên Ashraf Marwan Tự Sát Hay Bị Mưu Sát? - Cuộc Sống Online
-
Điệp Viên Thiên Thần
-
Điệp Viên Thiên Thần - Phim Nhanh 1