Cái Chết Bí ẩn Của điệp Viên đa Mang Nhất Thế Kỷ 20

Tự tử hay bị sát hại?

Thông tin về bối cảnh, nguyên nhân dẫn đến cái chết của điệp viên Marwan rất mù mờ, kể cả những người chứng kiến cái chết của ông. Vào sáng hôm xảy ra vụ việc, có 4 người đàn ông (lần lượt tên là József Répási, Essam Shawki, Michael Parkhurst và John Roberts) đang ngồi cùng nhau trên tầng 3 của một tòa cao ốc số 116 phố Pall Mall, trong một căn phòng kính nhìn thấy bên ngoài. Căn phòng của họ đối diện và có thể nhìn thấy ban công căn hộ nơi Marwan cư trú. Cả ba cùng làm cho Công ty Ubichem PLC, họ đang ngồi đợi ông chủ công ty đến dự họp. Và họ đã nhìn thấy từ đầu diễn biến cú "nhảy" khỏi ban công của ông Marwan.

Một người trong số họ la lên: "Xem tiến sĩ Marwan đang làm gì kìa!". Một trong số họ vội chạy xuống phố để giúp, số còn lại ngồi bất động vì kinh hãi.

Liệu ông Marwan tự nhảy lầu hay bị ai đó đẩy xuống? Khám nghiệm tử thi cho thấy trong máu ông Marwan lúc ấy có dấu vết của chất chống trầm cảm. Một báo cáo của bác sĩ riêng của ông Marwan cho biết "không lâu trước khi chết ông đã khá căng thẳng", và đã sụt mất 10 kg trong 2 tháng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định không có chứng lý cho hành vi tự tử. Ông Marwan không để lại thư tuyệt mệnh nào.

Và quan trọng hơn là vào thời điểm đó, Marwan có "nhiều lý do để sống": Ông có kế hoạch bay đi New York gặp luật sư riêng. Ông vừa gia nhập Câu lạc bộ Cải cách (Reform Club) bao gồm cả Thái tử Charles và cựu Giám đốc MI-5, Dame Stella Rimington. Vài ngày trước đó, ông đã mua quà cho cháu nội và đang chuẩn bị cùng vợ đưa các cháu đi du lịch. "Không có chứng cứ của rối loạn tâm lý hay bệnh tâm thần. Không có bằng chứng tự tử".

Tuy nhiên, có một số manh mối có thể giúp tìm ra lời đáp về cái chết của tiến sĩ Marwan mà tòa án cũng như các nhà điều tra đã không xem xét đến, hoặc có biết nhưng bỏ qua. Vợ ông, bà Mona, kể về những ngày tháng trước khi chết rằng, ông Marwan rất lo sợ mình có thể sẽ bị giết. Ông nói với bà: "Anh có thể bị giết chết", rằng "Anh có nhiều kẻ thù khác nhau". Đêm đến Marwan không dám ra ngoài, và trước khi đi ngủ ông thường kiểm tra cửa và khóa chúng cẩn thận.

Sử gia Israel Ahron Bregman, người đã bộc lộ danh tính Marwan là điệp viên hai mang Ai Cập mang mật danh "Angel" của Cơ quan Tình báo Israel MOSSAD, và là bạn của Marwan, cũng kể lại những ngày cuối trước khi chết, Marwan thường nhắn tin cho ông mang tính báo hiệu mối nguy hiểm đến tính mạng đang chực chờ. Bregman nói với tờ The Guardian rằng, tình báo Anh (MI-6) có thể đã biết rõ ai đứng sau cái chết của Marwan nhưng họ vẫn giữ im lặng là có lý do riêng.

Cái chết bí ẩn của điệp viên đa mang nhất thế kỷ 20 ảnh 1 Đám cưới của Ashraf Marwan với Mona Nasser năm 1966. Tổng thống Gamal Abdel Nasser đứng bên trái bắt tay chàng rể.

Điệp viên đa mang

Ashraf Marwan sinh năm 1944 tại Ai Cập. Cha ông là sĩ quan quân đội phục vụ trong Tiểu đoàn Vệ binh bảo vệ Tổng thống Ai Cập. Năm 21 tuổi, Marwan tốt nghiệp hạng ưu kỹ sư hóa học Đại học Cairo và được động viên tham gia quân đội. Marwan là con rể của cố Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser.

Marwan gặp gỡ con gái rượu của Tổng thống Nasser vào một buổi chiều năm 1965, khi đó ông đang chơi quần vợt ở khu Heliopolis, ngoại ô Cairo, và phát hiện cô thiếu nữ xinh đẹp tên Mona Nasser mới 17 tuổi. Tình yêu đơm hoa, hai người làm đám cưới vào năm sau. Đó cũng là "nấc thang" để Marwan bước lên "thiên đình" trong chính trường Ai Cập. Marwan tiếp tục phục vụ trong quân ngũ thêm 2 năm rồi sang Anh, để học thạc sĩ ngành hóa học, sau cùng lại lấy bằng tiến sĩ kinh tế.

Một số nguồn tài liệu cho rằng, Marwan vốn là một người rất ham mê tiền bạc, cả cuộc đời ông làm việc và mở rộng kinh doanh với một công ty bình phong và kiếm được đến 400 triệu bảng Anh. Khi sang Anh du học, Marwan đã không thỏa mãn với khoản tiền chu cấp của gia đình cho việc học. Vì thế, để bù đắp khoản chi tiêu bị thiếu hụt, Marwan đã quyến rũ vợ của một Hoàng thân Arập để bà này chu cấp tiền cho ăn học. Vài tháng sau, Tổng thống Nasser biết được việc bê bối này thông qua Đại sứ quán Ai Cập tại London. Ông nổi giận, triệu hồi chàng rể về nước. Để giữ chân chàng rể, ông Nasser đã bổ nhiệm Marwan làm trợ lý cho ông.

Sau đó, Marwan bắt đầu dấn thân vào con đường gián điệp. Theo giới học giả, Marwan có lẽ là điệp viên đa mang đáng nể nhất của thế giới trong thế kỷ XX. Không chỉ là điệp viên của Ai Cập, Marwan còn làm việc cho các cơ quan tình báo nhiều nước khác nhau như Italia, Mỹ, Anh, trong đó đáng chú ý nhất là việc ông làm gián điệp cho Israel. Các cựu điệp viên và cựu lãnh đạo MOSSAD xác nhận rằng, Marwan làm điệp viên cho Israel chẳng qua cũng vì ham tiền và một phần vì muốn chứng tỏ "cái tôi".

Bregman, trong quyển sách xuất bản năm 2000 nhan đề "Israel's Wars" (Những cuộc chiến của Israel) đã nhắc đến việc Marwan làm gián điệp cho Israel từ khi còn ở bên cạnh ông Nasser, đề cập điệp viên nổi tiếng "Angel" của Israel là "cánh tay mặt của Nasser", ám chỉ Marwan. Năm 2003, một sử gia khác, Howard Blum, xuất bản quyển sách về lịch sử cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 nhan đề "The Eve of Destruction" (Trước ngày hủy diệt), đề cập chuyến đến London "trị bệnh" vào đầu năm 1969 của Marwan không đơn thuần chỉ để "trị bệnh" mà có mục đích khác, và kết luận đó là thời điểm Marwan bắt đầu tiếp xúc và làm việc cho tình báo Israel.

Blum viết: “Marwan đến một phòng mạch tại phố Harley, London, nói là để tư vấn bác sĩ về bệnh dạ dày. Marwan đã trao cho bác sĩ tấm phim chụp X-quang kèm theo một tập hồ sơ đầy tài liệu của Nhà nước Ai Cập và yêu cầu phòng mạch giao tập hồ sơ đó cho Đại sứ quán Israel”. Các sử gia lưu ý rằng, phòng mạch trên phố Harley đó chính là một điểm hẹn bí mật của tình báo Israel và tình báo Jordan tại London.

Tuy nhiên, Cơ quan tình báo Israel MOSSAD không đồng ý với giả thuyết trên. Trong quyển sách xuất bản năm 2010 nhan đề “Hamalach” (Điệp viên Angel), Uri Bar-Joseph, cựu phân tích tình báo của MOSSAD viết rằng, năm 1969, chính Marwan đã gọi điện thoại đến Đại sứ quán Israel ở Anh yêu cầu được nói chuyện với một thành viên an ninh, nhưng bị từ chối. Sau 2 lần bị từ chối, lần thứ ba Marwan để lại số điện thoại khách sạn nơi mình tạm trú và lời nhắn "mong muốn làm việc cho tình báo Israel".

Thật ra, từ lâu Cơ quan tình báo MOSSAD của Israel đã để ý đến Marwan và mong muốn tuyển mộ ông, vì vị trí đặc biệt của ông bên cạnh Tổng thống Nasser của Ai Cập. MOSSAD mở một hồ sơ theo dõi ông. Mọi hành động của Marwan dù ở Ai Cập hay ở đâu trên thế giới đều được MOSSAD thu hình, ghi chép vào hồ sơ để đó, trong đó có cả hình đám cưới của ông năm 1966. Bởi thế, khi Marwan để lại tin nhắn là lúc Shmuel Goren, Trưởng văn phòng MOSSAD tại châu Âu mừng húm. Goren lập tức điện thoại cho Marwan và hẹn cho ông gặp một người liên lạc mang mật danh “Misha”. Ngay cuộc gặp đầu tiên đó, Marwan đã chìa cho Misha một phong bì dày cộp tài liệu bí mật Nhà nước Ai Cập để gọi là "chào hàng" và yêu cầu được nhận thù lao trong lần gặp tiếp theo. Cái giá là 100.000 USD.

Nhưng MOSSAD vẫn chưa tin tưởng Marwan. Liệu ông ta có định làm một điệp viên hai mang để mớm cho tình báo Israel những thông tin sai hay là để lợi dụng tình báo Israel tuồn thông tin bí mật về cho bố vợ ông ta? Rốt cuộc, Marwan đã thuyết phục được điệp viên Misha và cả các lãnh đạo của MOSSAD tin rằng Marwan là thật tình, sau khi nghe ông ta trần tình về sự bất mãn ở Ai Cập sau cuộc chiến năm 1967. Họ tin rằng mình đã có được người "ngủ trong nhà của Nasser".

Sau khi ông Nasser qua đời tháng 9/1970, Marwan càng được trọng dụng ở Ai Cập. Ông được Tổng thống mới Anwar Sadat bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Tổng thống, quyền lực, ảnh hưởng cũng từ đó ngày càng tăng. Cho đến lúc này thì MOSSAD hoàn toàn tin tưởng vào "con bài" của mình ở Cairo. Tuy nhiên, trong cuộc chiến Yom Kippur năm 1973, những thông tin không chính xác dẫn đến những thiệt hại nho nhỏ cho Israel.

Vào tháng 4/1973, Marwan gửi một tin nhắn cho người Israel cảnh báo một cuộc tấn công lớn của Ai Cập sắp xảy ra. Ngay lập tức, Israel đưa hàng chục nghìn quân cùng khí tài quân sự đến khu vực bán đảo Sinai để chuẩn bị nghênh chiến. Thế rồi không có cuộc tấn công nào xảy ra. Cuộc động binh đã làm Israel tốn hết 35 triệu USD thời đó. Ngày 4/10/1973, Marwan lại cảnh báo Israel về một cuộc tấn công mới. Nội các Israel lại họp và quyết định đưa xe tăng ra nghênh chiến lúc 4 giờ sáng. Lần này Ai Cập có tấn công thật, nhưng cuộc tấn công diễn ra lúc 2 giờ sáng, khiến quân đội Israel không kịp trở tay.

Ai đã sát hại Marwan?

Bà Mona, vợ ông Marwan cho đến nay vẫn quả quyết chính MOSSAD đã đứng sau cái chết của chồng bà. Lý do được đưa ra là vì MOSSAD đã phát hiện Marwan là điệp viên hai mang và chính Marwan cũng từng thổ lộ với bà là ông cố tình "làm việc cho Israel" vì phục vụ tổ quốc, và những thông tin ông chuyển cho Israel đều là thông tin giả mạo.

Sử gia Bregman đã bỏ ra nhiều công sức đi tìm những chứng cứ để làm rõ liệu có phải ông Marwan bị giết hay tự tử. Trước đây, mỗi bài báo, mỗi quyển sách Bregman viết có liên quan đến Marwan ông đều gửi cho Marwan một bản có đề tặng. Bregman kể, sau khi tiết lộ Marwan là điệp viên Angel, cuối năm 2002, Bregman từng đề nghị Marwan để ông viết hồi ký giúp, nhưng Marwan không đồng ý.

Thực ra, Marwan muốn tự tay mình viết hồi ký chứ không muốn ai khác viết vì sợ lộ nhiều thông tin bí mật trong cuộc đời tình báo đa mạng phức tạp của mình. Bregman kể, trước khi bị giết, hai người gặp nhau tại một khách sạn ở London vào năm 2003, Marwan đã nói với Bregman rằng, việc tác giả Blum nêu danh mình là điệp viên Angel trong quyển sách về cuộc chiến Yom Kippur xuất bản năm 2003 là một "lời mời ám sát tôi". Tuy nhiên, Bregman nhận định, việc các sử gia viết sách là một chuyện, quan trọng là thông tin "Marwan là điệp viên Angel" lúc đó chưa được cơ quan chức năng hay quan chức tình báo nào xác nhận thì vẫn chưa được xem là thật.

Nhưng việc đó rồi cũng đến. Đầu năm 2007, Israel mở phiên tòa tranh tụng giữa tướng Eli Zeira và Zvi Zamir, cựu Giám đốc MOSSAD. Tướng Zeira là người đã tiết lộ thân phận Marwan là điệp viên Angel cho nhà xuất bản quyển hồi ký của ông vào năm 2000. Ông Zamir tố cáo tướng Zeira tiết lộ thân phận điệp viên Angel cho báo chí, và vụ tranh tụng kéo dài nhiều năm cho đến ngày 25/3/2007, thẩm phán Theodor Or ra phán quyết Zeira phạm luật vì tiết lộ thân phận điệp viên Angel.

Gần 3 tháng sau, ngày 14/6/2007, phán quyết được công bố, và lần đầu tiên công chúng được biết Marwan chính là điệp viên Angel. 13 ngày sau khi phán quyết tòa án được công bố, Marwan bị... giết chết. Trước đó, Bregman đã cố gắng liên lạc để cảnh báo nguy hiểm cho Marwan nhưng không thể liên lạc do Marwan đã thay đổi địa chỉ. Vào cái ngày định mệnh 27/6/2007, khi Marwan nhảy từ ban công tòa chung cư Carlton House Terrace, thì Bregman đang ngồi trong văn phòng Khoa Nghiên cứu chiến tranh của Trường King's College London để đợi cuộc gọi của Marwan. Sau đó, ông nhận được cuộc gọi từ em gái ở Israel báo tin: Marwan đã chết!

Theo Theo An ninh Thế giới

Từ khóa » điệp Viên Ashraf Marwan