Ai Là Tổ Tiên Của Cư Dân Lưỡng Quảng ? | Nghiên Cứu Lịch Sử
Có thể bạn quan tâm
Lê Đỗ Huy (lược thuật)
Mấy năm qua, tại Diễn đàn trên mạng Internet Lịch sử Trung Hoa đã diễn ra một cuộc thảo luận trực tuyến về nguồn gốc của cư dân hiện nay đang sống tại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của CHND Trung Hoa. Dựa vào những tranh luận trên Diễn đàn internet Lịch sử Trung Hoa, một hoạt động sôi nổi, lôi cuốn nhiều người ở Trung Hoa lục địa và hải ngoại tham gia, chúng tôi xin lược thuật để bạn đọc tham khảo.
Cuộc thảo luận trực tuyến được thực hiện bằng tiếng Anh, có đôi chỗ chú thích bằng tiếng Hoa, gồm hàng trăm ý kiến dàn trải trên 7 chương, mỗi chương có thể in ra chừng hơn 30 trang giấy khổ A4. Chủ đề của cuộc thảo luận là quan điểm Liên – Bách Việt (Pan – baiyeism), bàn về nguồn gốc chung của người Việt Nam và người nói tiếng Quảng Đông (Cantonese). Các thành viên tham dự diễn đàn này gồm chủ yếu là người Trung Hoa ở phía Nam (nhóm thứ nhất), thường phủ định quan điểm “Liên – Bách Việt”, một số người Việt Nam và Việt gốc Hoa (nhóm thứ hai, ít hơn về số người), được xem là cổ suý cho quan điểm trên và một số ý kiến trung dung.
Các tranh luận thường khá gay gắt, nhưng các nhóm có vẻ đồng thuận với một số sử liệu, thường trích từ các công trình nghiên cứu phương Tây sau đây (1):
Vào khoảng đời nhà Chu (1134 – 770 tr. CN) và Xuân Thu, tại khu vực phía Nam Trung Hoa giáp với biên giới Trung – Việt ngày nay đã tồn tại những bộ tộc không thuộc Hoa tộc như Bách Việt, Bộc (Pu) (2)…
Tới thời Xuân Thu, người Việt ở khu vực núi Cối Kê (nay là Thiệu Hưng) thuộc Chiết Giang lập ra vương quốc Việt. Nước Việt vào năm 473 tr. CN đã chinh phục nước Ngô (3) láng giềng, đóng đô ở Tô Châu thuộc Giang Tô. Nhưng rồi Việt bị nước Sở thôn tính năm 306 tr. CN. Vào thời Xuân Thu người Đông Việt được xem là cư trú ở vùng nay thuộc phía Đông nước Trung Hoa hiện đại, người Dương Việt cư trú ở phía Bắc của tỉnh Giang Tô hiện nay. Các bộ tộc Bách Việt khác như Âu Mân sống ở vùng Chiết Giang, Phúc Kiến; Nam Việt sống ở vùng Quảng Đông, Tây Âu ở Quảng Tây, Lạc Việt ở Phúc Kiến… Trong thời kỳ Chiến quốc (480 – 221 tr. CN), vương quốc Việt cũng chao đảo dưới những biến động chính trị, giống như các lãnh thổ thuộc Thục và Ba nay thuộc Tứ Xuyên, nhưng lộ trình văn hoá của nó vẫn khác xa văn hoá Trung Hoa “chính thống” của lưu vực sông Hoàng Hà.
Bắt đầu thời kỳ miền bắc của Dương Tử bị Trung Hoa hoá mạnh mẽ. Bức trường thành ngăn các bộ tộc du mục từ phương bắc xuống đã được nước Tần (221 – 206 tr. CN) và Yên xây dựng. Khu vực hiện nay thuộc Phúc Kiến lần lượt bị nhà Tần và nhà Hán chinh phạt, nhưng phong kiến Trung Hoa đã không thực sự kiểm soát được vùng đất này. Vào đầu đời Hán (206 tr. CN – 220 sau CN), Triệu Đà lập ra vương quốc Nam Việt ở khu vực Quảng Đông, độc lập với triều đình nhà Hán. Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa năm 221 tr. CN, quân nhà Tần bắt đầu tiến xuống phía nam dọc theo sông Tây Giang tới vùng Quảng Đông hiện nay, và xác lập các quận dọc theo các trục đường chính. Tới năm 112 tr. CN, Hán Vũ Đế đã chinh phục những vùng phương Nam (Trung Hoa), cùng với vùng nay là miền Bắc Việt Nam, và cử người Hán cai quản các quận.
Dươi đời Hán, người Nam Việt ở viễn nam, chủ yếu là ở Lưỡng Quảng và Việt Nam, sử sách còn kể về tiểu quốc Mân Việt ở đông bắc tập trung ở vùng sông Mân Giang, nay thuộc Phúc Kiến (Mân là tên cũ của tỉnh Phúc Kiến).
Thời Tam Quốc, Sách Địa lý chuyên luận trong Hán thư chép: “Ở khoảng bảy hay tám ngàn dặm tính từ Giao Chỉ đến Cối Kê (nam Giang tô hay bắc Chiết Giang), những người Bách Việt có mặt ở mọi nơi, chia thành nhiều thị tộc”.
Hoạt động di cư của người Trung Hoa (Hán) càng tăng trưởng, người Việt càng bị đẩy vào các vùng đất cằn hơn và vào rừng núi. Không giống như những người du mục Trung Á như tộc Hung Nô hoặc tộc Tiên ti, người Việt chưa từng thực sự đặt ra mối đe doạ nghiêm trọng đối với sự bành trướng hay kiềm toả của Trung Hoa (người Hán). Thỉnh thoảng họ dấy lên những cuộc đột kích vào khu định cư của người Hoa, mà các sử gia cổ gọi là “những cuộc nổi loạn”. Người Trung Hoa (Hán) cho rằng người Việt không văn minh, và hay đánh lẫn nhau.
Sự sụp đổ của nhà Hán và giai đoạn chia tách tiếp theo đã đẩy mạnh quá trình Trung Quốc hoá. Các thời kỳ bất ổn và chiến tranh ở miền Bắc Trung Hoa giữa Bắc Triều và Nam Triều, cũng như trong đời Tống đã dẫn tới hoạt động di cư ồ ạt của người Trung Hoa (xuống phương Nam). Hôn nhân dị chủng và giao lưu giữa các nền văn hoá đã dẫn đến sự pha trộn giữa người Trung Hoa (Hán) và không Trung Hoa (không phải Hán) ở miền Nam. Cho đến đời Đường, từ “Việt” đã trở nên một định ngữ chỉ vùng hơn là chỉ một nền văn hoá. Một nhà nước từng nằm ở tỉnh Chiết Giang hiện nay trong thời kỳ Ngũ đại thập quốc chẳng hạn, đã tự xưng là Ngô Việt.
Về thời Bắc thuộc, Diễn đàn dẫn luận án phó tiến sĩ của Jennifer Holmgren “Sự đô hộ của Trung Hoa đối với Việt Nam” (Chinese Colonisation of Northern Vietnam, 1980) có đoạn viết:
Những ghi chép về hoạt động của Trung Hoa ở Bắc bộ Việt Nam trong 6 thế kỷ đầu thời kỳ thực dân này (Việt Nam gọi là thời Bắc thuộc) cho thấy quá trình Việt Nam hoá đối với các dòng họ Trung Hoa, hơn là quá trình Hán hoá đối với người Việt… Sự trêu ngươi như thế cho thấy một số thị tộc Trung Hoa xác lập quyền lợi của dòng họ mình ở Bắc Bộ, định cư dần dần, giúp đỡ mở mang và cuối cùng hoà nhập vào môi trường xã hội, kinh tế và chính trị ở Bắc Việt Nam. Kết quả cuối cùng của quá trình này là sự xuất hiện của một tầng lớp thượng lưu Hoa – Việt, quá trình phi thực dân hoá ở vùng viễn nam và những mưu toan bất thành ở thế kỷ VI để khôi phục nền độc lập, thoát ách đô hộ của phương Bắc. Ví dụ cho quá trình này là sự thăng tiến của Sĩ Nhiếp thời Hậu Hán và những nỗ lực giữ nền độc lập của người nhà ông này sau khi ông qua đời.
Từ cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng thế kỷ I đến cuộc nổi dậy của Lý Bôn thế kỷ VI, sử sách Trung Hoa cho thấy biểu hiện của một sự phụ thuộc về chính trị trên nền nửa độc lập với Bắc Triều. Theo dòng thời gian, những thời kỳ có đặc tính bán tự trị ngày càng tăng lên. Xu thế này làm nền cho cuộc nổi dậy của nhà Lý ở giữa thế kỷ VI và cuối cùng là sự phân liệt hoàn toàn khỏi Trung Hoa vào thế kỷ X.
Tác động của văn hoá Việt đối với văn hoá Trung Hoa đã không được xác định một cách chính thức, nhưng nó khá rõ rệt. Ngôn ngữ của các tiểu quốc cổ Ngô và Việt tạo nên ngôn ngữ Ngô và phần nào tới ngôn ngữ Mân ở Phúc Kiến. Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng một số từ tiếng Trung Hoa có nguồn gốc từ tiếng Việt cổ, chẳng hạn như từ jiang (giang), có nghĩa là sông. Những tàn tích về người Việt có thể quan sát được trong một số nhóm thiểu số ở Trung Hoa.
Ở Chiết Giang, nhà hát được gọi là rạp diễn Việt kịch. Tiếng Việt là một bộ phận của tiếng Trung Hoa và thường được gọi là tiếng Quảng Đông. Mẫu tự chính thức và các phương ngữ hình thành từ nó được sử dụng ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hồng Kông, Ma Cao và tại một số cộng đồng Hoa Kiều trên thế giới.
Một số tên gọi khác của người Việt còn truyền được tới nay là Yi – Yue (hoặc Yu – Yue/ Ngải – Việt), Mân – Việt, Sơn – Việt, Dương – Việt (người Việt ở biển), U – Việt và Cấu – Ngô. Những nhà nghiên cứu tiếng dân tộc cho rằng tên gọi người Việt có liên quan đến nghề chế biến cây gai dầu ở miền nay là Chiết Giang.
Chữ Việt cũng được xem là từ chỉ lưỡi phủ việt, một dụng cụ hay khí giới giống cái búa hay cái rìu, hình chữ nhật, biểu trưng cho quyền lực hoàng gia hay đế chế. Nhiều dụng cụ dạng rìu bằng đá đã được tìm thấy ở Hàng Châu, do vậy nhiều học giả cho rằng lưỡi việt (búa dùng trong nghi lễ) là một sáng chế của miền Nam. Chữ Việt cũng từng được dùng để chỉ Quảng Đông và Quảng Tây (4).
Cho dù nhiều bộ tộc Việt vẫn thấp thoáng đó đây trên lãnh thổ CHND Trung Hoa và để lại những dấu ấn trong sử sách đến cuối đời Hán, nay chỉ có thể kể tên vài nhóm dân Việt như Palyu “Lai”, Bugan “Hualuo hay Huazu”, Bit, Bulang, Hu, Kemu, Khuen, Wa… Di ấn lớn nhất của người Việt cổ chính là miền Bắc Việt Nam, miền đất mà họ chạy về đó định cư do sự truy bức của Trung Hoa.
Về các tộc thiểu số khác ở khu vực nay là biên giới Trung Việt, theo sách của S. Robert Ramsey Những ngôn ngữ của Trung Hoa (The Languages of China), tr. 233, không chỉ có Hakka (Khách gia, miền nam gọi là Hẹ), Mân và người Quảng Đông, là những người ở miền Nam Trung Hoa từ đầu, mà từ lâu đời người Thái đã thấp thoáng đóng một vai trò có qui mô ngay trước công nguyên, những khu vực trồng lúa đã lốm đốm xuất hiện ở lưu vực sông Dương Tử. Vẫn theo S. Robert Ramsey, trong số các tiểu quốc được điểm tên trong lịch sử Trung Hoa có Ngô, ở gần Thượng Hải hiện nay và Việt nằm dọc theo bở biển Nam Trung Hoa, là những quốc gia của người Thái. Các quốc gia này dần dần bị Trung Quốc nuốt dần và đa số người Thái trở thành người Trung Hoa, qua đồng hoá về văn hoá và ngôn ngữ. Một nhà dân tộc học đã ước tính rằng ít nhất 60% người Quảng Đông có tổ tiên là thổ dân nói tiếng Thái.
Về các vùng khác thuộc miền Nam Trung Hoa nói chung: miền Nam Trung Hoa trước thời Hán bao gồm nhiều nền văn hoá gần với Đông Nam Á như văn hoá Đông Sơn, hoặc những nền văn hoá nổi tiếng hơn như Ngải, Di hoặc Ba Thục. Trong đó, văn hoá Điền ở Vân Nam thể hiện những cư dân khác nhau thời đồ đồng. Xứ Vân từng cho thấy mối liên hệ về các nhóm người phương Nam, với những bức tranh trong hang vẽ pháp sư (sa – man) khua gươm cong, chuôi có núm tròn kiểu Hán, thể hiện quyền lực, trên đầu một đám đông. Người Hán từng có tục xăm mình để trấn áp những cừu thù trong thời gian chiếm đóng những vùng đất thù địch.
Ở Vân Nam, văn hoá hiện đại của địa phương này không có nhiều liên hệ với nền văn hoá thuần Hán của vùng đồng bằng trung tâm, cả về tín ngưỡng, trang phục, ẩm thực. Ở Vân Nam còn tồn tại tục ăn côn trùng.
Những nguồn và ý kiến trên, thường thuộc về các nhà nghiên cứu phương Tây, ít gây tranh cãi hơn so với những ý kiến dưới đây.
Nhóm thứ nhất (người Trung Hoa, đa số là ở lục địa) cho biết một số phát hiện và khẳng định sau:
– Người Quảng Đông cách đây 2000 năm là sự pha trộn giữa người Việt tại chỗ và người Hán. Người Việt lúc đó gần với người thiểu số dân tộc Nùng hiện nay ở Việt Nam.
– Vương quốc Nam Việt gồm những cư dân người Kinh (?) sống ở đó nhưng họ là người Trung Hoa. Quảng Đông và Quảng Tây, cũng như quốc gia cổ Nam Việt, không có quan hệ với dân tộc hiện nay mang quốc hiệu Việt Nam. Hoặc họ (người Trung Hoa ở phương Nam) không có quan hệ gì với người Nam Việt, cho dù Triệu Đà, vua Nam Việt lúc đó là người Hán.
– Trong khoảng 100 năm gần đây, người Hoa di cư xuống Việt Nam là từ Lưỡng Quảng và Phúc Kiến. Người Hán phương Bắc, theo nhóm thứ nhất, hầu như không di cư xuống Việt Nam, họ chỉ chạy sang Nam Triều Tiên vào năm 1949 và định cư chủ yếu ở Pusan và Seoul.
– Người Hoa di cư xuống phía Nam thường không phải là người Hán. Họ tự gọi mình là người Minh Hương, phần nhiều không nói, viết được tiếng Hoa.
– Người miền Nam Trung Hoa có ngoại hình khác với người Trung Hoa phương Bắc. Nhà Nguyên Mông chia người Trung Hoa thành các nhóm: Mông, du mục người Hán phương Bắc, người Hoa phương Nam. Một vài ý kiến cho rằng người Trung Hoa phương Nam có ngoại hình phần nào giống với người Việt Nam.
– Nhiều người Quảng Đông hiện đại còn giữ được gia phả theo đó tổ tiên của họ di cư từ phía bắc xuống Quảng Đông vào đời Đường (618 – 907) và đời Tống (960 – 1279). Cuộc di cư lớn nhất xảy ra vào cuối đời Tống, họ cư trú ở nơi mà người Nam Việt đã bị đẩy xuống Quảng Tây hoặc Việt Nam hiện nay, nơi mà khi đó những người Choang là thiểu số với người Kinh chiếm đa số.
– Người Trung Hoa ở phương Nam hiện nay nói chung đã bị Hán hoá.
– Còn có trên 50 triệu người thuần huyết thống Nam Việt hiện ở Quảng Tây và Quế Lâm.
– Những người thổ dân thuộc các bộ tộc thiểu số Lê, Tày, Đại… được chính phủ Trung Hoa xếp vào cùng nhóm với người Choang, nhóm này có tổng dân số trên 20 triệu người.
– Không có nhiều người Quảng Đông sinh ra ở Việt Nam. Cộng đồng Trung Hoa ở Việt Nam chủ yếu là những người nói tiếng Triều Châu (Tiều) hoặc Phúc Kiến (5).
– An Dương Vương (Thục Phán), Triệu Đà, cũng như anh hùng dân tộc của Việt Nam Lý Bí, đều là người phương Bắc Trung Quốc.
Nhiều ý kiến của nhóm thứ nhất thường nhấn mạnh rằng họ là những người Quảng Đông thuộc về hệ Hán, hiện chiếm đa số ở khu vực Lưỡng Quảng và “rất tự hào về nguồn gốc Hoa Hạ và Đông Di của mình”, hiện chung sống với “các dân tộc thiểu số đáng yêu có nền văn hoá rực rỡ, danh giá thuộc về dòng dõi Nam Việt. Rằng đa số người Trung Hoa hiện đại không cho rằng nước Nam Việt lúc đó gần với Âu Lạc (được xem là nằm trong vương quốc Nam Việt) hơn là gần với Trung Hoa. Rằng những người Việt Nam hiện đại kém hiểu biết cần được dạy dỗ, rằng họ chỉ có quan hệ với Âu Lạc, nhưng không có quan hệ gì với vương quốc Nam Việt, Cổ sử Trung Hoa, theo họ, chép rằng những người Hán đã tàn sát và đánh đuổi những bộ lạc Việt về phía Nam và xuống đồng bằng sông Hồng trong “các cuộc chinh phạt cướp đất”. Có ý kiến khuyên người Việt không nên tự hào về dòng dõi Nam Việt, vì đây chính là giống Nam Man (6). Một số ý kiến cho rằng người Việt nhìn chung là “bội bạc”, “quanh co”, đàn ông Việt Nam không chăm chỉ và không chú trọng xây dựng gia đình theo khuôn mẫu Á Đông. Có ý kiến lại cho người Việt là đần độn và khờ dại. Cũng có ý kiến cho rằng người Việt hiện đại xấu hổ (?) vì dòng dõi Bách Việt và tìm cách “leo thang” để gắn mình với người Quảng Đông và người Trung Hoa. và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ không được người Mỹ ưa chuộng (?).
Xin nêu thêm một số phát hiện đến từ cả hai nhóm và các nhà nghiên cứu phương Tây:
– Nhà Tần (221 – 206 tr. CN) cũng có truyền thuyết về con chim thần (tựa như Âu Cơ).
– Có nhiều người Việt cổ bị đồng hoá thành Trung Hoa nhiều năm trước đây. Chẳng hạn họ Âu Dương đến từ đất Lư Lăng của vương quốc Việt cổ. Có một hoàng tử Việt mang họ này bị nhà Chu bắt. Hậu duệ của ông, một sử gia nổi tiếng nhà Tống mang họ này. Hiện nay ở một số tỉnh miền Nam Trung Hoa còn nhiều người mang họ này. Sử gia đời Tống Âu Dương Tu cho rằng nguời Việt có cùng một tổ tiên với người Hạ, một quan điểm bị nhóm thứ nhất của Diễn đàn này phê phán.
– Các khu vực Tứ Xuyên, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam từng có nền văn hoá riêng và dân cư khác biệt, không in dấu lên triều đình Hán hay các nghi thức đặc trưng cho đế chế Trung Hoa.
– Quảng Châu được Ngô vương Tôn Hạo, vua thứ tư nhà Đông Ngô, chắt của Tôn Quyền, chia tách từ Triều Châu vào năm 264.
– Có lượng đáng kể của dòng máu Trung Hoa trong huyết quản người Lạc Việt và U Việt, tức là người Việt Nam hiện đại.
– Những người U Việt thuộc nhóm Bách Việt, bị nhà Thanh (1644 – 1911) dồn đuổi xuống lãnh thổ Việt Nam. Chuyện “Chín chúa tranh vua” (Cẩu chúa cheng vùa ) của các dân tộc Tày, Nùng… có thể là minh hoạ cho sử liệu này.
– Khái niệm “Hán hoá” từng thuộc về những đường biên giới cổ đại, thật xa lạ với hiện nay. Không thể xem là những tộc người thiểu số đang không được đãi ngộ ở CHND Trung Hoa, cho dù một số trong họ đã biến mất trong những triều đại phong kiến sau cùng. Miền Nam Trung Hoa từng thuộc những tộc người thiểu số hiện cung cấp một ít di sản phục vụ cho du lịch. Không nên nghĩ rằng tất cả công dân Trung Hoa thực thụ hiện đang cố trở nên càng giống Hán càng tốt. Những dị biệt về tính cách sắc tộc và văn hoá vẫn còn tiềm tàng ở CHND Trung Hoa, thể hiện cả ở nét mặt của những người không phải dân tộc Hán. Những khu vực như Tân Cương hay Tây Tạng về cốt lõi văn hoá vẫn cho thấy sợi chỉ mỏng manh của bản sắc văn hoá và cho thấy rõ ràng nên xem xét cư dân hoặc sở hữu đất đai (!) có thể xem là hoàn toàn Trung Hoa hay không. Sự hiện diện trước đây của những thổ dân không phải người Trung Hoa có thể thấy rõ trong những tài liệu khai quật được. Nhưng công nhận hay không công nhận điều này cũng không thể xem như lý do để chuyển sang đề tài chính trị, càng không phải duyên cớ để các khu vực khác khoanh vùng để đòi lại.. (đây là ý kiến từ phương Tây)…
– Nghiên cứu ĐNA do các trung tâm ở Thượng Hải, Côn Minh và Hoa Kỳ (Center for Genome Information, Department of Environmental Health, University of Cincinnati, Cincinnati, Ohio 45267, USA) chỉ ra rằng người Bắc Trung Hoa (Tây An và Bắc Kinh) và người Nam Trung Hoa (Quảng Châu, Thượng Hải) có cùng mẫu AND.
Một ý kiến đáng chú ý từ nhóm thứ hai – chủ yếu gồm người Việt hải ngoại, kể cả những người di tản sau năm 1975, trong đó có cả người Việt gốc Hoa – không gặp phải phản kháng của nhóm thứ nhất: Việt là từ mà người Hoa Hạ gắn với thổ dân khu vực đông nam của Trung Hoa mà họ gặp phải. Định nghĩa khái lược này hợp với một địa bàn rất rộng ở Đông Nam Á… bao gồm ngoài đông nam Trung Hoa còn bao gồm Tây Nam nước này, Đông Nam Á xét về vị thế, Đông bắc Ấn Độ, các đảo trên Thái Bình Dương và Madagascar. Dân này nói tiếng Austronesian, Tai – Kadai, Austroasiatic, và Hmong – Mien (Môn – Khmer).
Chú thích
(1) Người dịch tổng hợp và chú thêm niên đại để người đọc tiện theo dõi. Chú thích trong bài là của ban biên tập.
(2) Theo một nguồn nữa, các bộ lạc không phải người Hán gồm: Hoa Di (thuộc bộ tộc Lô lô) hay Xu và Việt ở phía đông, Khuyển Nhung ở phía tây, Di ở phía bắc, Pu, Khương và Man ở phía tây – nam và phía nam.
(3) Theo một Web site phương Tây được công nhận rộng rãi, nước Ngô cũng là một quốc gia của người Việt nằm ở nam Giang Tô và bắc Chiết Giang. Giới quý tộ của hai quốc gia này học tiếng Trung, thuận theo pháp luật Trung Hoa và học theo công nghệ quân sự Trung Hoa, phát triển giao thông thuỷ là chính, và nghề nuôi trồng thuỷ sản, chứ không chỉ làm thuần nông nghiệp. Hai nước này cũng nối tiếng về nghề đóng tàu và tác chiến trên sông nước, cũng như nghề làm gươm. Vào thời Chiến Quốc, hai nhà nước Ngô và Việt, bắt đầu can thiệp mạnh hơn vào chính trường Trung Hoa. Năm 506 tr. CN chiến tranh bùng nổ giữa Ngô và Việt, lúc ác liệt, lúc lắng dịu trong suốt 30 năm sau. Tới năm 473 tr. CN, Việt Vương Câu Tiễn chiếm được Ngô, được các lân bang là Tề và Tống công nhận. Năm 333 tr. CN, đến lượt Việt bị Sở thôn tính.
(4) Như khái niệm biên khu Việt – Quế được dùng khoảng giữa thế kỷ XX, bên kia biên giới là hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam
(5) Được phương Tây xem là những nhánh ở phương Nam có liên hệ với Hán tộc. Tuy nhiên, một trang web thông dụng của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ phương Tây cho rằng tiếng Phúc Kiến và Triều Châu là phương ngữ phụ trong tiếng Mân.
(6) Là một trong số các dân tộc mà người Hán coi là mọi rợ (Đông Di, Tây Nhưng, Nam Man, Bắc Địch). Xin lưu ý ở trên có ý kiến của người Quảng Đông hiện đại thể hiện sự tự hào là người Đông Di.
Nguồn: Xưa & Nay, số 295, 11 – 2007, tr 30.
Nguồn bài đăng
Chia sẻ:
- Thêm
Có liên quan
Từ khóa » đòi Lại Lưỡng Quảng
-
Lưỡng Quảng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Tại Sao Vua Quang Trung đòi Lưỡng Quảng Chỉ Là ước Vọng Viễn ...
-
Tại Sao Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ Lại Nhất Quyết Đòi Lưỡng ...
-
Hai Nguyện ước Không Thành Của Vua Quang Trung - Báo Đắk Lắk
-
Quang Trung Còn Sống Liệu ông Có Lấy được đất Lưỡng Quảng Không?
-
Tại Sao Vua Quang Trung Muốn đòi Lại Lưỡng Quảng ? (40) - YouTube
-
VỀ VIỆC QUANG TRUNG ĐÒI LƯỠNG... - Phòng Chống Nạn Xào ...
-
Quang Trung Chưa Bao Giờ đòi Lưỡng Quảng Vậy Thứ Mà ông Muốn ...
-
Ba Triều đại Lê Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn Nối Tiếp đòi Trả đất Tại Phủ An ...
-
Quyền Lực Quang Trung - Báo Người Lao động
-
Thực Hư Chuyện Vua Quang Trung 'cầu Hôn' Công Chúa Nhà Thanh
-
Vua Quang Trung Dự định đánh Nhà Thanh - Nghiên Cứu Quốc Tế
-
Видео Quang Trung đòi đất Lưỡng Quảng