Ai Là Vị Tướng đầu Tiên Của Quân đội Nhân Dân Việt Nam?

  • Khởi công xây dựng khu di tích Phùng Chí Kiên

Phùng Chí Kiên được truy phong Tướng năm nào?

Nhiều năm qua, trong các hoạt động tuyên truyền, Bộ Quốc phòng đều đưa đồng chí Phùng Chí Kiên là người được phong hàm Tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 2016, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề "Đồng chí Phùng Chí Kiên - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam". Tọa đàm khẳng định: "Do những thành tích xuất sắc, năm 1947, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định truy phong hàm cấp Tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam".

Mới đây, trong cuốn sách "Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ" (tập 3, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2019), Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tuyển chọn các bài viết từ Tạp chí Lịch sử Quân sự, có bài: "Bàn thêm về đợt phong quân hàm cấp Tướng năm 1948" (từ trang 333 đến trang 338). Đây là bài viết của tác giả Trần Văn, được in lần đầu trên Tạp chí Lịch sử Quân sự số 12-2016.

Tướng Phùng Chí Kiên và Thiếu tướng Lê Thiết Hùng.

Nội dung bài viết đính chính lại những thông tin sai sót, thiếu kiểm chứng về đợt phong quân hàm cấp Tướng năm 1948. Trong đó, tác giả có bàn đến hai vị Tướng Phùng Chí Kiên và Lê Thiết Hùng.

Ở Tướng Phùng Chí Kiên, tác giả Trần Văn viết: "Trong nhiều tài liệu, bài viết đều cho rằng đồng chí Phùng Chí Kiên (hy sinh năm 1941) được truy phong quân hàm Tướng theo Sắc lệnh số 89/SL, ngày 23 tháng 9 năm 1947. Tuy nhiên, đến nay sắc lệnh này chưa tìm thấy (có khả năng bị thất lạc). Mặc dù vậy, trong thư gửi đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đề ngày 18 tháng 12 năm 2007, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết: "Năm 1947, Bác Hồ đã ký quyết định truy phong hàm Tướng đầu tiên cho đồng chí Phùng Chí Kiên". Điều này cho phép khẳng định đồng chí Phùng Chí Kiên đã được truy phong quân hàm cấp Tướng từ năm 1947.

Tôi đã đi tìm tư liệu thì thấy rằng, năm 1947, vào ngày 26 tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ký Sắc lệnh số 89/SL., nhưng nội dung sắc lệnh này không phải truy phong quân hàm Tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên. Sắc lệnh gồm 7 điều. Nội dung của sắc lệnh này là: Ân giảm, ân xá nhân Ngày kỷ niệm Quốc khánh năm 1947. Còn ngày 23 tháng 9 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 108/SL có nội dung: Bãi bỏ Hội đồng sản xuất kỹ nghệ ở Bộ Kinh tế.

Như vậy, các tài liệu viết đồng chí Phùng Chí Kiên được truy phong quân hàm Tướng theo Sắc lệnh số 89/SL, ngày 23 tháng 9 năm 1947 là không chính xác. Cho đến nay, sắc lệnh truy phong quân hàm Tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên vẫn tiếp tục phải tìm kiếm. Mong rằng, các nhà nghiên cứu của Bộ Quốc phòng sẽ sớm tìm được văn bản này.

Lê Thiết Hùng được phong Thiếu tướng năm nào?

Do xác định đồng chí Phùng Chí Kiên là vị Tướng đầu tiên được truy phong năm 1947 cho nên Bộ Quốc phòng ít quan tâm, tuyên truyền đến Thiếu tướng Lê Thiết Hùng. Có lẽ, Lê Thiết Hùng mới là vị Tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xin quay lại với các tư liệu của tác giả Trần Văn trên Tạp chí Lịch sử Quân sự mà tôi khá đồng tình khi viết về Thiếu tướng Lê Thiết Hùng song cũng có những điều cần bàn thêm cho rõ. Ông cho rằng, đến nay, ghi chép về cấp hàm Tướng của đồng chí Lê Thiết Hùng giữa các tài liệu cũng không thống nhất và có những điểm chưa chính xác. "Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam" (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001) và "Từ điển Lịch sử Quân sự Việt Nam" (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2011) đều ghi đồng chí Lê Thiết Hùng có cấp hàm Thiếu tướng từ năm 1946.

Sách "Một số vấn đề kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu 4" (Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2000, trang 307) viết: "Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 được ký kết, đồng chí Lê Thiết Hùng được chỉ định làm Tổng chỉ huy Tiếp phòng quân để quan hệ với quân Pháp kiểm sát việc thi hành Hiệp định. Do yêu cầu nhiệm vụ, Bác Hồ quyết định phong quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Lê Thiết Hùng (quân hàm cấp Tướng đầu tiên trong Quân đội ta)".

Tác giả Trần Văn bình luận: Theo một số tài liệu và nhân chứng: từ năm 1946, khi đồng chí Lê Thiết Hùng làm chỉ huy Tiếp phòng quân đã "được xưng" danh là "Tướng", nhưng chưa có sắc lệnh phong quân hàm Tướng. Ông Trần Văn cũng dẫn thêm tư liệu, ngày 7 tháng 7 năm 1948, mới có Sắc lệnh số 203/SL, phong hàm Thiếu tướng cho đồng chí Lê Thiết Hùng. Ông cho rằng: Đó là "sự hợp thức hóa" hàm cấp Tướng Lê Thiết Hùng đã được xưng từ năm 1946.

Tôi đã thử tìm tư liệu về Sắc lệnh số 203/SL, ngày 7 tháng 7 năm 1948, phong hàm Thiếu tướng cho đồng chí Lê Thiết Hùng nhưng không thấy.

Sắc lệnh năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều Thiếu tướng Lê Thiết Hùng về công tác ở Bộ Tổng chỉ huy (Tư liệu Kiều Mai Sơn chụp).

Hiện nay, tư liệu tôi tìm được vào ngày 7 tháng 7 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ký Sắc lệnh số 204/SL, về việc sửa đổi Sắc lệnh số 200 ngày 15 tháng 10 năm 1946 đặt đảm phụ đánh vào tàu thủy, xuồng máy hay thuyền chở hàng hóa. Cụ thể, sắc lệnh viết: "Đảm phụ đánh vào tàu thuỷ, xuồng máy hay thuyền chở hàng hoá gồm có 2 phần: Một phần đánh vào giá trị của hàng hoá định là 4 phần nghìn.

Một phần đánh vào trọng lượng của hàng hoá định là 2 đồng một tấn. Đảm phụ này sẽ căn cứ vào tờ thông quan hay những điều ghi trong số thuyền mà tính và phải nộp ngay tại Sở Thuế quan khi trình giấy thông quan hoặc số thuyền cho thuyền tầu hay xuồng đi. Số thu tối thiểu mỗi lần là 10 đồng".

Vậy là, về mặt văn bản, cho đến nay vẫn chưa thấy hai văn bản quan trọng là: Sắc lệnh truy phong quân hàm Tướng cho đồng chí Phùng Chí Kiên năm 1947 và Sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Lê Thiết Hùng năm 1948.

Ở đây, có một vấn đề đặt ra là, qua nghiên cứu các tài liệu về Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi đã được thấy các văn bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động đồng chí Lê Thiết Hùng từ năm 1947 ghi rõ là: Thiếu tướng Lê Thiết Hùng.

Như vậy, nhận định của ông Trần Văn "từ năm 1946, đồng chí Lê Thiết Hùng đã "được xưng" danh là "Tướng", nhưng chưa có sắc lệnh phong quân hàm Tướng" là chưa chính xác. Xin dẫn chứng cụ thể bằng văn bản như sau: Ngày 12 tháng 7 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 228-SL/m về việc: "Cử ông Nguyễn Sơn làm Khu trưởng chiến Khu IV, thay Thiếu tướng Lê Thiết Hùng điều đi nơi khác. Việc bổ dụng này thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 1947".

Tiếp đó, ngày 18 tháng 7 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 229-SL/m: "Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, nguyên Khu trưởng chiến Khu IV, nay điều về công tác ở Bộ Tổng chỉ huy. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng phụ trách thanh tra Bộ đội Quốc gia Việt Nam. Việc bổ dụng này thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 1947".

Cả hai sắc lệnh đều có Phó thự của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam: Võ Nguyên Giáp. Hai văn bản nêu trên cho thấy, năm 1947, đồng chí Lê Thiết Hùng đã mang quân hàm Thiếu tướng, được khẳng định trên các văn bản là Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam Võ Nguyên Giáp chứ không phải chỉ "được xưng" danh là "Tướng" mà chưa có sắc lệnh phong quân hàm Tướng.

Vấn đề tiếp theo cần phải làm rõ đó là: Đồng chí Lê Thiết Hùng và đồng chí Phùng Chí Kiên, ai là vị Tướng đầu tiên trong Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam? Đồng chí Lê Thiết Hùng được phong Thiếu tướng vào năm nào? Năm 1946 hay năm 1948? Tôi kính mong nhận được các ý kiến trao đổi của các nhà nghiên cứu, đặc biệt các nhà nghiên cứu thuộc Viện Lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) để nói lại cho đúng và bàn thêm cho rõ về các tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ khóa » Những Vị Tướng đầu Tiên Của Việt Nam