Ai Về Kẻ Sặt Cùng Tôi...

Tôi cứ nhớ hoài về một ký ức tuổi thơ ngày nào ăn miếng bánh đa “Kẻ Sặt”. Ðó là một chiếc bánh cuộn tròn, hơi cay cay mùi gừng, ngòn ngọt vị gấc và thơm phức hương vừng. Bố tôi dừng chân bên lề đường ngã ba Quán Gỏi, mua bánh đa ăn cho đỡ đói và nghe người mù hát xẩm. Cho đến nay, sau bốn mươi năm, những lời hát ấy vẫn còn da diết rằng: “Ai đi chợ Sặt cùng tôi. Theo con thuyền nhỏ bồi hồi bến sông. Có cô má đỏ hồng hồng…”

Trở lại bến sông xưa

Từ ngã ba Quán Gỏi, thuộc đất Hải Dương rẽ vào thị trấn Kẻ Sặt chừng vài cây số, nhưng xưa người ta thường đi chợ Sặt bằng con đường sông Nghĩa Giang chạy ven sát làng. Đây là chi nhánh của sông Đuống. Sau này thông với công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải nên sông Nghĩa Giang còn được gọi chính danh là Bắc Hưng Hải. Nhưng dân làng vẫn gọi bằng cái tên sông Sặt thân quen. Cho dù sau này bến sông, đất chợ làng ngày càng sầm uất, thông thương khắp nơi đổ về, tạo nên một “đặc khu” chợ quê đầu mối khắp vùng, thì dân Kẻ Sặt vẫn nhớ về ngôi làng cổ Tráng Liệt của mình được hình thành cách đây 500 năm. Ngày ấy, đã có lom đom mái chợ bên sông và những câu hát đò đưa của người xa xứ tìm đến, với mộng ước định chốn nương thân. Đất lành chim đậu, người về dựng nghiệp ngày mỗi đông, buôn bán làm ăn phát đạt, nên Kẻ Sặt được coi là huyết mạch của cả một vùng làng gần gũi, vây quanh như Me Khê, Me Kiều, Me Vàng Trai, Vĩnh Lai, Phúc Bố, Thị Tranh và Châu Khê... Khắp nơi dồn về lấy quần cư, chợ bến Kẻ Sặt làm trung tâm, tựa như các mạch máu dồn về trái tim vậy.

Ông Thiện với những bộ sách quý

Mới đây, tôi có dịp trở lại thị trấn Kẻ Sặt và đi theo con đường men sông Bắc Hưng Hải, từ bên Văn Giang của đất Hưng Yên sang. Quả nhiên đi theo con đường quê mới hay vẻ đẹp trù phú quanh chốn làng Tráng Liệt xưa. Chả thế mà mùa mùa tươi tốt, hoa thơm quả ngọt, thuyền đò ngang dọc, dập dìu ngược xuôi. Sông vẫn xưa mà cảnh làng đã lên phố, nhà cao tầng mọc lên san sát. Bất chợt trời đổ mưa khi chúng tôi đang dạo chơi trên phố Trần Hưng Đạo. Một người dân ở đây mời vào nhà tránh mưa. Ông chủ nhà bồi hồi nhớ lại con đường làng cũ với bao kỷ niệm đường đời. Nhất là tiếng chuông nhà thờ mỗi khi chiều về với nét thanh bình êm đềm vùng sông nước. Ông kể, trước đây mỗi khi nói về Kẻ Sặt là nói đến đất của người công giáo, cùng những thăng trầm biến động theo thời gian. Đến nay người lương, người giáo đã hòa đồng cùng chung với những trách nhiệm công dân. Mọi người đều theo đúng tinh thần của Đạo và Đời của hai dòng Phật giáo và Thiên chúa giáo. Chính vì thế mà chốn đô thị Kẻ Sặt vẫn giữ truyền thống của làng Tráng Liệt xưa, với bốn mùa lễ hội cho dù đó là cộng đồng người theo Phật giáo hay theo Đạo giáo.

Còn chuyện vì sao làng Tráng Liệt lại có tên là Kẻ Sặt, thì ông chủ nhà sôi nổi nói, Kẻ Sặt là tên Nôm cổ của làng được gọi từ đầu, cách đây khoảng chừng gần 500 năm, trước khi làng trở thành đơn vị hành chính với cái tên Tráng Liệt. Kẻ là chữ có nghĩa xác định một vùng đất nhất định. Còn Sặt là tên gọi của vùng đất đó. Có thể đây là hình ảnh được đặt tên, khi khai khẩn đất hoang, dựng chợ nơi bến bãi ven sông vẫn hoang vu, mọc đầy những cây Sặt, giống họ tre, trúc nhỏ, thân thẳng như lau sậy. Người dân vẫn hái măng Sặt ăn như một sản vật rau xanh tự nhiên. Sặt là từ cổ còn có nghĩa là lau sậy. Theo thời gian, người làng Tráng Liệt cùng dân tổng Bình Giang đã biến nơi sình lầy, lau sậy thành những cánh đồng lúa xanh tươi tốt và trở thành đô thị ngày nay. Tuy vậy lòng dân vẫn tưởng nhớ đến thuở ban đầu ấy và tự hào mình là dân Kẻ Sặt.

Thực ra, Kẻ Sặt sớm hình thành đường, phố, chợ bên sông và cận đường giao thương từ năm 1630. Gần 400 năm phát triển, dân làm ăn ngày càng thịnh vượng, sản xuất và làng nghề phát đạt. Miền vùng mở rộng từ năm 1958, khu phố và chợ Kẻ Sặt được tách ra thành cấp thị trấn, đến nay là đô thị loại V, phần còn lại vẫn là đơn vị xã Tráng Liệt cổ tồn tại. Nhiều dự án kinh tế, công nghiệp đã hình thành, tạo nên một bộ mặt của “đặc khu” kinh tế, với đúng nghĩa của nó. Kẻ Sặt hiện là Trung tâm hành chính và cơ quan đầu não của huyện Bình Giang và đang được lãnh đạo tỉnh Hải Dương quy hoạch xây dựng thành đô thị loại IV. Hơn nữa, vị trí Kẻ Sặt lại nằm giữa ngã tư đường 5, kết nối giao thông bốn tỉnh lân cận Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Bắc Ninh. Chính vì thế mà người Kẻ Sặt rành chuyện buôn bán hơn ai hết. Ngày lễ, tết, chợ Kẻ Sặt bao giờ cũng là những ngày “hội” của cả mười làng quanh vùng, trong huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

... và những kỷ vật chiến tranh

Gặp người Kẻ Sặt thông thái

Theo người chủ nhà giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Phạm Chí Thiện, một cử nhân văn khoa của làng, đồng thời là một nhà “bảo tàng” học ở thôn Trung xã Tráng Liệt. Hỏi đường mấy người chỉ tận tới nhà ông ở ngay trước nhà thờ Kẻ Sặt. Ai cũng nói ông là “Giám đốc” của hai bảo tàng, sách và những kỷ vật chiến tranh. Hiện ông sưu tầm và lưu giữ được khoảng 2.000 kỷ vật, ghi dấu những hình ảnh người chiến sĩ đã chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc. Còn thư viện sách của ông lại có tới con số gấp 10 lần như vậy, có nghĩa là khoảng 2 vạn cuốn sách các thể loại từ văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, từ điển, văn học và tạp chí... Đúng lúc chúng tôi đến, ông vừa đèo hai thùng sách mới mua được về nhà. Ông hồ hởi đưa ra khoe từng cuốn một. Đây chính là bộ sách hiếm của các tác giả người Mỹ viết về cuộc chiến tranh xâm lược của quân đội Mỹ với miền Nam Việt Nam. Những thông tin chi tiết về mỗi cuốn sách mà ông Thiện mới dịch ra với những đề tài khá hấp dẫn khi nói về những bí mật nhất trong nhà Trắng và những mâu thuẫn gay gắt trong chính quyền Mỹ về cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Đây là bộ sách 12 cuốn mà ông phải vào tận vùng “Kẻ Sặt” ở Hố Nai, Biên Hòa sưu tầm. Ông  cho biết đây là một bộ phận người công giáo từ “Kẻ Sặt” Tráng Liệt ra đi từ năm 1954. Họ cũng lấy cái tên xứ công giáo “Kẻ Sặt” để tưởng nhớ đến cội nguồn ở xứ Tráng Liệt, Hải Dương xưa.

Ông đã dòng dã hơn 30 năm, đi sưu tầm liên tục cả hai lĩnh vực sách và kỷ vật chiến tranh. Sách là niềm đam mê từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp, năm 1978 (khi bước vào tuổi 26), ông Thiện càng dày công dựng nghiệp lưu trữ, với mục đích học hỏi và tích lũy kiến thức qua những trang sách. Đó là những kho báu mà nhân loại để lại. Ngay bộ sách Bách Khoa thư (120 tập) đầu tiên ông đã phải trả giá tới 4 cây vàng hồi 1980. Nghĩa là ông Thiện phải bán tất cả những gì quý giá nhất của gia đình để lao vào công cuộc săn lùng sách cổ và quý hiếm. Có những tủ sách cổ, ông đã phải đi về huyện Xuân Trường, Nam Định hàng chục lần để xin mua. Nhưng chủ nhà, thuộc dòng dõi gia đình quan lại xưa, cũng rất quý sách nên không muốn bán vì không cần tiền. Sau nhiều lần, thấy ông Thiện đi lại, thể hiện tình yêu tha thiết với những bộ sách của mình và muốn đưa chúng đến với người đọc, nên chủ nhà đã đồng ý. Nhưng chủ nhà lại đòi hỏi với những điều kiện thật oái oăm. Mỗi tủ sách đổi một con trâu cho làng. Vậy ba tủ sách cổ đó được đổi lấy ba con trâu. Những con trâu này phải khỏe mạnh và cày ruộng được. Còn điều kiện thứ hai là ông Thiện không được bán ba tủ sách đi, bởi trong đó ngoài sách cổ ra còn có những gia phả, sắc phong của triều đình cho một gia đình quan lại, nên khi cần có thể lên mượn lại ông Thiện. Tất nhiên ông Thiện nhận lời giao kèo và tức tốc về nhà lo mua trâu để đổi sách. Tính ra tiền, giá trị mua ba con trâu còn lớn hơn cả tiền bỏ ra mua ba tủ sách đó. Cuối cùng, ông tặc lưỡi quyết tâm lo tiền đi mua trâu và rước ba tủ sách cổ về, với niềm vui rạo rực mà không hề lo lắng đến việc tiền mình vay mượn sẽ lãi mẹ đẻ lãi con ra sao. Niềm đam mê sưu tầm sách cổ của ông Thiện không bao giờ vơi cạn. Vừa lo kiếm tiền trả nợ, ông lại tiếp tục về các miền quê gặp gỡ những văn nhân để gom sách về.

Nhà thờ Kẻ Sặt.

Còn nói đến những kỷ vật chiến tranh, ông Phạm Chí Thiện tâm sự, đó là sự thúc giục như vô hình, từ tấm áo trấn thủ của người bố đã hy sinh để lại, mà ông chưa từng biết mặt. Bởi khi bố ông hy sinh ở mặt trận Hải Phòng vào tháng 6/1952, thì ông mới có hai tháng tuổi. Niềm say mê sưu tầm hiện vật chiến tranh còn được sự thôi thúc từ chiếc Huy hiệu Bác Hồ mà mẹ ông, người phụ nữ công giáo đầu tiên được trao tặng. Khi đó mẹ ông là Bí thư Đảng ủy xã Tráng Liệt và Huyện ủy viên huyện Bình Giang. Tất cả những ký ức sâu sắc của cha lẫn mẹ đã thôi thúc ông đi tìm lại những hiện vật chiến tranh như một sự trả nghĩa cho những người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã cống hiến xương máu cho dân tộc.

Tiếng chuông ban chiều

Khi chia tay chúng tôi, ông Phạm Chí Thiện quyến luyến hẹn một ngày trở lại xem triển lãm trưng bày những bộ sưu tầm của ông tại Kẻ Sặt. Đó là mong ước muốn trao gửi tình cảm cho muôn người, đúng với lời nguyện cầu “Tốt đời đẹp Đạo”. Chúng tôi đi trong nỗi bâng khuâng của tiếng chuông ban chiều rung ngân. Từng tiếng buông ấm áp ngân nga như lời trao gửi người đi xa. Lời bài ca của bản nhạc “Tiếng chuông chiều Thu” của nhạc sĩ Tô Vũ bất ngờ văng vẳng từ một ngôi nhà nào đó. Từng lời, từng lời da diết theo tiếng chuông mơ màng: “Từ miền xa tiếng chuông ngân. Hồi chuông lớp lớp trong gió vàng. Từng cơn sóng mờ xóa dần trong sương lắng. Lá Thu nhẹ rơi rơi. Hồn ta chìm đắm tiếng chuông xa vời...”. Những hàng cây bên phố còn vương lại những sợi nắng cuối cùng. Tiếng chuông nhà thờ thánh thót như muốn níu bước chân chúng tôi, trong một buổi chiều dịu dàng, vàng óng như tơ...

Từ khóa » Hội Làng Sặt