Ai Về Lễ Hội Bà Thu Bồn Tháng Hai? - Báo Tuổi Trẻ

Ai về lễ hội Bà Thu Bồn tháng hai? - Ảnh 1.

Người dân viếng hương ở dinh Bà Thu Bồn - Ảnh: LÊ TRUNG

Lễ hội là một trong những giá trị văn hóa, tâm linh mang đậm dấu ấn đời sống tín ngưỡng dân gian của quê hương, xứ sở gắn với sông mẹ Thu Bồn, thể hiện khát vọng phồn thực, cầu mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an cho cộng đồng làng xã.

Những truyền thuyết

Nước sông Thu Bồn phía thượng nguồn Nông Sơn những ngày này nhuộm một màu xanh ngắt, hai bên là những bãi bồi hoa màu tốt tươi. Dân làng Trung An, xã Quế Trung tấp nập vào dinh Bà cùng nhau chuẩn bị tươm tất cho lễ hội Bà Thu Bồn. Tương truyền Bà là một nữ tướng người Chăm, tài sắc vẹn toàn, từng chinh chiến nhiều trận mạc, trong một lần thất thủ, Bà men theo hướng tây đến Phường Rạnh (nay là xã Quế Trung).

Nơi đây địa hình hiểm trở, trước có sông sâu, sau có núi cao, ruộng đồng, rừng núi bao la, đảm bảo cho việc ổn định quân tình chờ cơ hội. Bà đã chọn nơi đây làm nơi sinh sống và là căn cứ đóng quân, đó là dinh Bà hiện nay. Bên cạnh việc chiêu quân và tổ chức luyện binh, Bà còn cho quân lính đào giếng, đào ao, trồng lúa, chăn nuôi, dạy cho dân làng trồng dâu nuôi tằm, quay tơ, dệt vải, cách dùng thảo mộc trong rừng để chữa bệnh cho người và vật nuôi.

Ai về lễ hội Bà Thu Bồn tháng hai? - Ảnh 2.

Dòng sông Thu Bồn chảy qua huyện Nông Sơn - Ảnh: LÊ TRUNG

Trong một lần giao tranh bị thất bại, trong lúc thế cùng lực kiệt, Bà gieo mình xuống dòng sông tự vẫn, xác Bà trôi về dưới miền xuôi, được nhân dân làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên an táng, thờ phụng và xây dựng lăng Bà ngày nay. Hằng năm, từ mùng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch, người dân cả hai huyện Nông Sơn và Duy Xuyên đều cùng lúc tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn.

Gia đình ông Trần Văn Lộc (71 tuổi, thôn Trung An) cùng với dân làng đang chộn rộn chuẩn bị cho lễ hội. Hơn 100 năm nay, nhiều thế hệ của gia đình ông đã giữ gìn, thờ cúng sắc phong vua triều Nguyễn ban cho Bà. Theo nội dung của sắc phong: "Hồ Quốc Túy Dân Hiển Hữu Công Đức Tiết Mông Tu Cấp Gia Tăng Mỹ Đức Thục Hạnh Mặc Phù Hiển Tướng Dực Bảo Trung Hưu Thượng Đẳng Thần", dân làng cho biết vua sắc phong bởi Bà là người có công với nước với dân.

Ông Lộc nghe các cụ lớn tuổi trong làng kể, tên làng Trung An cũng được đặt từ tích về Bà. Hồi mới khai khẩn vùng đất này, có một người dân bị mất đàn trâu, trong lúc đi men theo đèo Phường Rạnh tìm thì gặp một người phụ nữ tóc dài nói: "Còn người còn của, ngươi về đi, về bảo dân làng lập đền thờ ta rồi ta che chở, bảo vệ cho. Nhưng phải nhớ ai ở Trung (tức trung thực, ngay thẳng) thì mới Yên (yên ổn, bình an) được". Từ đó, các vị tiền bối đặt tên làng là Trung Yên, về sau người dân gọi là làng Trung An.

Hay như truyền thuyết có năm mất mùa đói kém, bỗng có con bò tót trong rừng chạy ra ngay chỗ bãi Bà. Và Bà báo mộng rằng mai là ngày giỗ của Bà mà năm nay đói kém, ta cho con bò, trước là làm lễ tế ta sau là đãi dân làng một bữa. Người dân Trung An cũng luôn tin rằng nhờ có sự che chở của Bà mà xưa nay trong làng không có ai chết "bất đắc kỳ tử", mọi người được bình yên trong chiến tranh loạn lạc, trong trận đại hồng thủy năm Thìn 1964.

Đặc sắc lễ hội Bà Thu Bồn

Trong lễ hội Bà Thu Bồn ở thôn Trung An, phần lễ tế được chuẩn bị rất chu đáo và tổ chức từ đêm 11 đến trưa ngày 12-2 âm lịch với nhiều nghi thức trang nghiêm, kính cẩn. Ông Trần Văn Bốn (62 tuổi, thôn Trung An, thành viên của ban tổ chức) kể rằng lễ hội Bà Thu Bồn được dân làng tổ chức một cách trang trọng.

Ai về lễ hội Bà Thu Bồn tháng hai? - Ảnh 3.

Dinh Bà Thu Bồn ở huyện Nông Sơn - Ảnh: LÊ TRUNG

Ngày 11 sẽ có lễ tế âm linh, cúng tiền nhân tiền bối, lễ rước sắc phong vua ban cho Bà, lễ rước nước, lễ tiên thường, dâng nước cho bà. Đến tối sẽ có hoạt động thả hoa đăng trên sông Thu Bồn, đến ngày 12 là lễ giỗ Bà. Dòng hoa đăng trải dài như mái tóc lấp lánh của người mẹ quê hương, xứ sở, mang sắc màu huyền bí.

Khi hoa đăng vừa thả xong là lúc trời vừa hừng sáng, nghi thức này vừa mô phỏng lại cảnh bà trầm mình khi thất thủ, vừa là nghi lễ tiễn bà về xuôi. Cùng với phần tế lễ, mọi năm các hoạt động phần hội cũng được tổ chức sôi nổi như: hát tuồng, đua ghe, thi đấu bóng chuyền nữ, kéo co, tập dưỡng sinh, cờ tướng. Tất cả đã điểm tô cho bức tranh sinh động, lung linh huyền ảo mà chủ thể là hình bóng mẹ Thu Bồn, người phụ nữ tài năng, đức độ, là người mẹ của quê hương, xứ sở mang sắc màu huyền bí, là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình.

Ai về lễ hội Bà Thu Bồn tháng hai? - Ảnh 4.

Sắc phong vua ban cho Bà Thu Bồn - Ảnh: LÊ TRUNG

Lễ hội Bà Thu Bồn là một hình thái văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ mẫu có quy mô lớn nhất Quảng Nam. Lễ hội đã giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian, từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn.

Ông Nguyễn Văn Hòa - chủ tịch UBND huyện Nông Sơn - cho biết năm nay có một điều đặc biệt là lễ hội nằm trong chuỗi sự kiện Năm du lịch quốc gia ở Quảng Nam. Ngoài phần lễ, huyện sẽ có chương trình nghệ thuật tái hiện lại các vở diễn liên quan đến đời sống, sinh hoạt của Bà thuở xưa, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa thể thao gắn trưng bày các sản phẩm OCOP vùng quê nơi xưa Bà đã giúp dân làm ăn, phát triển kinh tế, trưng bày tái hiện những vật dụng lúc xưa Bà đã dùng như cày, cuốc.

Ai về lễ hội Bà Thu Bồn tháng hai? - Ảnh 5.

Lễ rước nước, lễ rước sắc - Ảnh: MINH THÔNG

"Du khách khi đến với Nông Sơn ngoài hòa mình cùng lễ hội Bà Thu Bồn cũng sẽ được trải nghiệm các thắng cảnh như đi thuyền dạo Hòn Kẽm Đá Dừng, thăm làng trái cây Đại Bình và nhiều di tích lịch sử, thưởng thức món gà Đèo Le nổi tiếng, tắm suối nước nóng" - ông Hòa nói.

Lễ hội hội Bà Thu Bồn được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Hòa cho biết xưa nay hằng năm nhân dân cả hai địa phương Nông Sơn và Duy Xuyên đều cùng lúc tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn, huyện kiến nghị tỉnh chủ trì để làm sao giữa hai địa phương phối hợp, tổ chức lễ hội đồng bộ, nâng tầm lễ hội để du khách có một chuỗi tham quan, du lịch.

Thêm cây cầu Nông Sơn nối đôi bờ sông Thu Bồn Thêm cây cầu Nông Sơn nối đôi bờ sông Thu Bồn

TTO - Cây cầu Nông Sơn mới được xây dựng bên cạnh cây cầu cũ nối đôi bờ sông Thu Bồn sẽ kết nối thông suốt tuyến quốc lộ 14H với đường Trường Sơn Đông, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn các địa phương.

Từ khóa » đền Thờ Bà Thu Bồn