Truyền Thuyết Bà Thu Bồn - Báo Đà Nẵng

Có nhiều truyền thuyết về bà Thu Bồn, song tất cả đều hội tụ và toát lên chân dung vẻ đẹp của người phụ nữ đa tài, đức độ, là người mẹ của quê hương, xứ sở mang sắc màu thần bí, là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình.

Dân làng sắm lễ vào hiến cúng ở lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: V.T.L
Dân làng sắm lễ vào hiến cúng ở lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: V.T.L

Làng Thu Bồn, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hằng năm vào ngày 12-2 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội Bà Thu Bồn, mang đậm nét tín ngưỡng dân gian. Lễ tế bao giờ cũng giết một con trâu để nguyên, không xẻ thịt đặt lên bàn thờ trước Lăng Bà và một mâm xôi to.

Chuyện kể rằng: bà Thu Bồn là công chúa vua Mây. Khi bị giặc ngoại xâm bao vây kinh thành, nhà vua và công chúa chạy lánh nạn, bà bị ngã ngựa chết, xác trôi lập lờ trên dòng sông, dân trong làng thương xót mang bà lên bờ chôn cất. Năm đó, dân làng Thu Bồn bị đại dịch đậu mùa, ai nấy cũng cầu mong trời đất phù hộ, độ trì cho dân chúng thoát nạn, bà Thu Bồn linh ứng cứu giúp dân lành thoát khỏi đại dịch.

Cũng có truyền thuyết cho rằng bà Thu Bồn là nữ tướng vua Chăm rất xinh đẹp, có mái tóc đen, dài óng mượt. Khi bị quân vua Lê đánh bại, bà phi ngựa chạy về hướng làng Thu Bồn thì mái tóc dài vướng vào chân bạch mã, bà tử nạn, xác trôi lập lờ trên dòng sông. Phát hiện xác bà, dân chúng vớt lên khâm liệm bà bằng lá cây và nhập chốn bồng lai vào giờ Ngọ, ngày 12-2. Năm đó, trời hạn hán, mất mùa, đồng khô, cỏ cháy, dân làng cơ cực, đói khổ, bà linh ứng cho mưa thuận, gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa màng trĩu hạt.

Lại có chuyện kể bà Thu Bồn là nữ tướng nhà Lê, bị giặc đuổi đánh. Khi chạy đến Phường Rạnh, nay thuộc huyện Nông Sơn, thì bà ngã ngựa, bị quân thù đuổi kịp, giết chết, đẩy xác xuống dòng sông. Xác bà trôi theo dòng nước trong xanh được một đoạn rồi tấp vào ven bờ một ngôi làng phía hữu ngạn. Bấy giờ cư dân của làng này còn thưa thớt, cuộc sống của họ chủ yếu chài lưới, trồng tỉa ven sông. Khi thấy xác bà nữ tướng xinh đẹp bị giặc sát hại, dân làng xúm nhau đưa bà lên bờ tổ chức khâm liệm để bà thanh thản đi vào chốn thiên thu.

Thế là vong linh người nữ tướng luôn hiện hữu trong đời sống của bà con nơi đây để độ trì cho dân lành luôn được tai qua, nạn khỏi, cuộc sống no ấm. Bà bị giặc giết trôi trên dòng sông và được dân làng lo liệu, chôn cất với cả tấm lòng tiếc thương vô hạn nên từ đó dòng sông nhuốm máu bà và cái làng nhỏ bé bà yên nghỉ mang tên Thu Bồn... Về sau, bà được các vua triều Nguyễn sắc phong “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần”.

Có nhiều truyền thuyết về bà Thu Bồn, song tất cả đều hội tụ và toát lên chân dung vẻ đẹp của người phụ nữ đa tài, đức độ, là người mẹ của quê hương, xứ sở mang sắc màu thần bí, là biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình.

Trước tháng 3-1975, thôn Thu Bồn, thuộc xã Xuyên Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Đà. Sau ngày đất nước thống nhất, xã Xuyên Thu được nhập chung với xã Xuyên Phú, nơi về sau có Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thành xã Duy Tân; sau đó xã Duy Tân lại tách ra làm 3 xã: Duy Tân, Duy Phú và Duy Thu cho đến nay.

Làng quê mỗi ngày thêm đổi mới, phát triển, dân số đông đúc nên làng Thu Bồn cũng được tách ra thành 2 thôn: Thu Bồn Đông và Thu Bồn Tây. Cư dân ở phía ngoài dọc ven sông Thu Bồn, nơi có Lăng bà Thu Bồn hiện nay là thôn Thu Bồn Đông, nơi hằng năm diễn ra lễ hội Bà Thu Bồn. Lễ hội tôn vinh vị nữ tướng này đã có từ lâu đời, được tổ chức hằng năm theo quy mô có khác nhau. Mãi đến năm 1997, Lăng bà Thu Bồn được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh thì lễ hội được nâng tầm ở mức độ khác hơn, hàng ngàn người từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tề tựu về thôn Thu Bồn Đông để chiêm ngưỡng những nét đặc sắc của văn hóa dân gian, để trải lòng mình với miền quê của những truyền thuyết đẹp.

THÁI MỸ

Từ khóa » đền Thờ Bà Thu Bồn