Airsoft - Thú Chơi Nhạy Cảm - Ngôi Sao

Trò chơi giả lập quân sự nhập vai, tên thường gọi là Airsoft, du nhập vào VN chưa lâu và cũng mới chỉ thu hút được một số lượng khá khiêm tốn thành viên nhưng đã nhận nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm. Nguyên nhân là do trò chơi này chứa đựng quá nhiều yếu tố nhạy cảm: "đồ" để chơi là súng (mặc dù chỉ là súng giả), trang phục là quần áo đặc chủng, găng tay, nón trùm mặt, áo giáp, thắt lưng, bao súng ngắn, bao đựng mặt nạ phòng độc... Các gamer sẽ nhập vai các lực lượng bảo vệ pháp luật như đặc nhiệm SWAT, FBI, hoặc DELTA, SEAL để chiến đấu với các nhóm phe đối lập hoặc khủng bố... theo một kịch bản được cả nhóm thảo luận từ trước. Kịch bản hầu hết đều được lấy từ các trò chơi vi tính nổi tiếng như Half Life, Counter Strike, thường thấy nhất là DeathMatch, đặt bom hoặc Giải cứu con tin...

ád

Một đội Airsoft của Anh.

Thoạt nhìn, người bình thường sẽ không khỏi "dị ứng" trước vẻ ngoài đầy màu sắc bạo lực, gợi lên hình ảnh chiến tranh của trò chơi này. Tuy Airsoft là một trò chơi mới, ít người tham gia nhưng đã có hẳn một diễn đàn sôi nổi trên mạng Trái tim Việt Nam Online dành cho những người chơi. Box Airsoft ngày càng thu hút nhiều người ghé thăm để tìm hiểu vì sao mà trò chơi này lại mang nhiều tai tiếng như thế.

Nguồn gốc Airsoft

Trò chơi này xuất phát từ tên Airsoft Gun, nghĩa là súng hơi hạng nhẹ, vốn là một môn chơi sưu tầm mô hình các loại súng giống súng thật và không gây sát thương, nhằm mục đích trưng bày hoặc chơi trò đánh trận giả mang tính giải trí. Bên cạnh đó, Airsoft còn bao hàm cả các loại phụ kiện, hoá trang, nhập vai vào nhân vật, câu chuyện chiến đấu với những tình huống giả định...

Airsoft bắt nguồn từ Nhật Bản vào khoảng đầu thập niên 80, sau lệnh cấm mang hoặc tàng trữ vũ khí ở đất nước này. Dường như xuất phát từ nhu cầu của nhiều người vẫn thích sở hữu một khẩu súng, người ta bắt đầu nghĩ đến việc sản xuất các loại súng (bản sao) theo nguyên bản của súng thật và bắn loại đạn nhựa 6mm (BB-ball bearing). Chỉ một thời gian ngắn sau đó, môn chơi đã lan dần sang các nuớc lân cận như Hàn Quốc, Philippines.. Sau đó xuất hiện tại Bắc Mỹ và châu Âu vào giữa những năm 90. 

Airsoft du nhập vào Việt Nam vào khoảng cuối những năm 90 nhưng chỉ ở dạng đồ chơi dành cho trẻ con "made in China" nhập lậu, hình dáng và cấu tạo đơn giản, nhỏ, và thô. Chúng bị liệt vào danh sách cấm do tính chất nguy hiểm đến an toàn và sức khoẻ, tác hại kích động tính hiếu chiến của trẻ em, cũng như cảnh giác kẻ xấu sử dụng vào mục đích mờ ám.

Súng hơi hạng nhẹ (Airsoft Gun, hay Air Sports Gun) là loại súng mô hình được làm với tỷ lệ 1:1 so với súng thật, bắn loại đạn nhựa tròn 6mm, thường gọi là BB (ball bearing - đạn bi), đạn sẽ bị đẩy đi ra khỏi súng bằng sức nén không khí. Hầu hết các loại súng đồ chơi này đều được chế tạo và mô phỏng về ngoại hình và chức năng như súng thật. Nói chung, súng Airsoft có hình dáng, kích thước, trọng luợng, chức năng cơ bản... cũng như là cảm nhận khi cầm rất giống vũ khí thật. Những người từng dùng qua thường nói ngắn gọn rằng cách để phân biệt súng thật và súng Airsoft chỉ là khi bạn siết cò mà thôi. Trên thực tế, các khẩu súng Airsoft được phân biệt với súng thật bằng các dấu hiệu: nòng súng được sơn màu đỏ hoặc cam, báng súng sơn màu sáng hơn... hoặc một vài chi tiết làm ngoại hình khác đi hoặc có màu khác hẳn so với màu của toàn bộ cây súng... 

sd

Một số loại Airsoft gun.

Trên diễn đàn, một thành viên tích cực cho biết đã tìm hiểu rất kỹ các thông tin về súng trên Internet và nhận thấy hầu hết các loại súng thật thông dụng đều có một bản sao Airsoft. Các bản sao này đôi khi được sử dụng trong trường quay cho những bộ phim hành động thay cho súng thật vì giá tiền rẻ hơn nhiều lần mà hiệu quả lên hình thì chẳng khác gì.

Trên thực tế và dựa trên cả yếu tố kỹ thuật, không thể nào chuyển một khẩu Airsoft thành một khẩu súng thật bắn đạn sát thương mặc dù có bề ngoài giống nhau như hai giọt nước. Cơ cấu bên trong của hai loại súng thật và loại súng đồ chơi này khác nhau hoàn toàn và không có một cách nào để biến nó thành một loại vũ khí sát thương cả.

Có nhiều loại súng Airsoft, loại rẻ tiền nhất là dùng lò xo và chỉ bắn từng phát một. Loại thứ hai sử dụng pin và có một hệ thống gear với các bánh răng và piston để có thể bắn ở chế độ liên thanh. Loại khác là súng bắn bằng khí gas, loại này được ưa chuộng do có chế độ vận hành giống với súng thật, nghĩa là khi bắn thì phần trên của súng giật mạnh ra sau, tạo cảm giác nhiều hơn các loại súng bắn bằng pin. Tiếng kêu của các loại súng thì loại bắn bằng gas là kêu to nhất, nhưng cũng chỉ bằng với các loại súng bắn đinh dùng hơi mà những tiệm làm nệm ghế, nệm yên xe máy hay dùng.

Súng Airsoft có thể làm bạn đau...

Môn chơi này có những quy định riêng để bảo vệ an toàn cho người chơi. Một thành viên của Airsoft TP HCM cho biết trước mỗi lần đánh trận giả, họ đều nhắc nhau mang đầy đủ quần áo và dụng cụ bảo hộ như mặt nạ, kính, giày bốt và quần áo dày (hoặc áo giáp), bao tay, khăn che cổ... Trên diễn đàn, các quy định về an toàn cũng thường xuyên được nhắc lại. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng mặc dù không gây chết người nhưng khả năng làm cho người dính đạn bị đau khi thiếu phòng vệ là không thể xem thường. 

Một cây súng Airsoft thông thường có sức bắn từ khoảng 280fps đến 320fps (feet per second) và tối đa chỉ là 400fps (khoảng 100m/giây). Theo so sánh của T., một trong những người đam mê môn chơi này, thì "sức bắn của khẩu Airsoft chỉ bằng 1/3 so với một khẩu súng hơi thể thao để bắn chim như các loại súng của Tiệp hoặc Đức mà trước đây hay thấy ở TP HCM". Nghĩa là nó đủ sức bắn thủng một thành của lon bia, xuyên hộp thuốc lá hoặc vỡ các dụng cụ bằng nhựa mỏng và cứng, còn với loại nhựa mỏng nhưng mềm và có độ đàn hồi thì khó có thể xuyên thủng ví dụ như chai nước suối. 

Nếu bắn ở khoảng cách xa, nó có thể để lại trên người bị bắn những vết đỏ như ong đốt hoặc bầm tím nhẹ nhưng nếu dính đạn ở khoảng cách gần, nạn nhân có thể phải đối mặt với những vết sưng, thủng nhẹ kèm theo những cơn đau dai dẳng. Những thương tích này sẽ giảm thiểu nếu người chơi được trang bị đủ các loại quần áo và đồ bảo hộ đúng tiêu chuẩn.

Một thành viên chủ chốt trên diễn đàn này khẳng định với Ngôi Sao: "Theo tôi, xét về độ chấn thương thì súng Airsoft vẫn còn an toàn hơn các môn chơi vận động khác, thậm chí chưa bao giờ gây chết người, nhưng các môn chơi như nhảy dù, tàu lượn, leo núi, hoặc đua xe địa hình, đều gây những chấn thương nghiêm trọng hơn nhiều hoặc làm cho người chơi mất mạng nhiều hơn".

HLV bắn súng Cao Sơn (Sở Thể dục Thể thao Hải Phòng) cho biết: "Theo tôi, súng Airsoft thực chất là súng đồ chơi cao cấp nên tính sát thương không cao, khi bắn ở cự ly gần thì cũng chỉ gây tổn thương ngoài da như bầm tím mà thôi. Nếu người bị bắn có mặc quần áo dày thì nhìn chung loại súng này không gây nhiều nguy hiểm".

Theo HLV Cao Sơn, có thể ở một số nước cho phép sử dụng loại súng này nên nó được gọi là súng thể thao. "Tôi từng nhìn thấy ở Mỹ người ta có hẳn những công viên cho người chơi môn này. Người chơi cũng như người đến xem phải tuân thủ mọi yêu cầu về phòng hộ để đảm bảo an toàn", ông Sơn nói.

Luật cho Airsoft

Tại VN, loại súng Airsoft bị cấm vì bị liệt vào loại đồ chơi kích động bạo lực và nguy hiểm như gươm, đao, kiếm... Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều nhất các mặt hàng này thì chỉ cho phép sản xuất và xuất khẩu, cấm lưu hành trong nước. Một số nước khác cấm nhập (nhưng không cấm chơi) như Australia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia... Nga, Ukraina và một số nước Đông Âu hạn chế bằng cách cấp giấy đăng ký sử dụng và quản lý loại đồ chơi này rất chặt chẽ.

Trò chơi này hiện được phép chơi ở rất nhiều nước như Nhật, Mỹ, Anh, Nauy, Hungary, Croatia, Đức, Ba Lan, Pháp, Phần Lan, Thụy Sĩ, Chile, Tây Ban Nha...

Điểm chung của tất cả các nước là đều cho phép chơi nhưng phải chịu sự quản lý của cảnh sát và người chơi phải đăng ký đàng hoàng. Các cửa hàng bán Airsoft Toy Gun cũng không bán hàng cho các thành viên chưa đủ tuổi quy định hoặc không có giấy phép của cảnh sát. Các game khi được tổ chức đều phải đăng ký với chính quyền địa phương hoặc phải chơi ở các khu vực quy định riêng có tính phí. Riêng ở Singapore, ngoài việc phải chơi trong các CLB quy định, người chơi còn phải bị bắt buộc thuê một tủ để đựng súng tại CLB và không được phép để ở trong nhà. Ở Mỹ, toàn bộ súng đều phải sơn màu cam ở nòng. Ở Đức, tất cả súng khi nhập khẩu không được có chế độ tự động...

sd

Những người chơi trò Airsoft ở Pháp.

Ở nước ngoài, việc kinh doanh Airsoft là một công nghệ khổng lồ hái ra tiền với hàng loạt các dịch vụ kèm theo. Ngoài ra, họ còn bán các phụ kiện, quần áo, trang bị, cung cấp các dịch vụ sửa chữa, nâng cấp, tư vấn... Có cả những tạp chí riêng của môn chơi này và rất nhiều website để tham khảo thông tin cần thiết. Họ còn đầu tư vào các bãi chơi với nhiều loại địa hình để cho thuê. Ở những vùng rộng lớn, họ còn thuê cả một khu rừng và tổ chức những game kéo dài nhiều ngày với nhiều kịch bản và có cả những cuộc hành quân bắt buộc. Với một số người chơi thuộc loại khá giả, họ còn thuê cả trực thăng để đổ quân, tạo yếu tố bất ngờ để tấn công đối phương...

Airsoft - niềm đam mê mới của dân chơi VN

11-1367984006_500x0.jpgNiềm đam mê giấu diếm
22-1367984006_500x0.jpgĐường về VN của Airsoft

Như ở trên đã nói, các hình thức thô sơ của môn Airsoft đã xuất hiện tại VN từ cuối những năm 90, dưới dạng những cây súng nhựa rẻ tiền, nhỏ và thô, chỉ đủ sức cuốn hút trẻ con. Ngay từ đầu, những thứ đồ chơi này đã bị đại đa số người VN nhìn với con mắt bài trừ, thiếu thiện cảm như nhìn chung tất cả những gì liên quan đến "súng ống, đạn bom, đấm đá bạo lực", và tất nhiên nó bị cấm. Tuy nhiên, trên các sạp hàng đồ chơi, các loại súng nhựa này vẫn được tuồn về bằng con đường tiểu ngạch. Một vài năm gần đây, cũng bằng con đường này, những khẩu Airsoft thực thụ đầu tiên đã tới VN và âm thầm tạo nên một niềm đam mê mới của một bộ phận thanh niên giàu có, thích cảm giác mạnh...

Ngọc Hà

Từ khóa » Súng Airsoft Là Gì