Cảnh Báo Nguy Cơ đến Từ Thú Chơi “súng Airsoft”

Cầm trên tay khẩu “súng airsoft” có kiểu dáng súng săn, qua hệ thống ống ngắm hiện đại, Nguyễn Hùng, 33 tuổi, nhà ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh nheo đôi mắt. “Bụp”! Sau khi bóp cò, viên đạn nhựa đã xuyên thấu chiếc lon bia ở phía xa. Sau khi biểu diễn, Hùng quay sang kể với tôi về thú chơi “súng airsoft” đang có chiều hướng nở rộ trong giới trẻ như hiện nay.

Theo Hùng, “súng airsoft” hay còn gọi là súng hơi hạng nhẹ, là cách gọi của dân chơi về những khẩu súng có kiểu dáng giống với súng thật (AK, K54, Colt, súng trường…) bắn đạn nhựa – chì. “Súng airsoft” được làm chủ yếu bằng nhựa, ngoại trừ các chi tiết được thiết kế bằng kim loại. “Để sở hữu các loại súng này, người chơi phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ, có khi lên đến cả chục triệu đồng, nhất là đối với các khẩu súng được thiết kế tinh xảo, xác suất trúng mục tiêu cao”, Hùng cho biết thêm.

Theo chỉ dẫn của Hùng, chúng tôi có số điện thoại 0979681xxx của một “đầu nậu” chuyên cung cấp “súng airsoft” cho dân chơi. Theo như đầu nậu này cho biết thì hiện cơ sở của anh ta đang có các loại “súng airsoft” được mô phỏng kiểu dáng của súng quân dụng AK47, K54…

Để sở hữu được khẩu “súng airsoft” với vẻ bề ngoài giống và to gần bằng súng quân dụng AK47 thông thường, dân chơi phải chi số tiền là 450 ngàn đồng/khẩu súng. Số tiền này chưa kể đến 550 ngàn đồng cho một bịch đạn nhựa với 4.000 viên. Đối với các loại “súng airsoft” được thiết kế tinh xảo, lực bắn xa như khẩu “Gas Blowback Hicapa 5-1 phiên bản Dragon” với trọng lượng 1,2kg có kiểu dáng giống súng K54 thì có giá đắt gấp 10 lần – 4,5 triệu đồng/khẩu.

“Súng airsoft” có kiểu dáng giống súng quân dụng được rao bán công khai trên mạng internet.

Nhằm hút khách hàng, một số “đầu nậu” còn sử dụng mạng Internet, các forum là nơi quảng cáo, “trưng bày” các sản phẩm “súng airsoft” của mình. Chẳng thế mà chỉ cần truy cập vào trang mạng tìm kiếm google.com trong ít phút, sẽ dễ dàng bắt gặp các đường link quảng cáo về thú chơi “súng airsoft” dạng này. Đáng lưu ý, chỉ cần nhấc máy điện thoại, chuyển tiền qua tài khoản, dân chơi nhanh chóng sở hữu cho mình số “súng airsoft” có kiểu dáng giống với súng thật và có độ sát thương cao - đặc biệt là các loại súng sử dụng đạn chì, đạn bi kim loại. “Cơ sở gửi hàng trên phạm vi toàn quốc cho những người đã từng giao dịch với cửa hàng…”, “Chỉ cần chuyển tiền, hàng sẽ được giao tận tay người tiêu dùng sau ít ngày”…, đó là một số những lời bảo đảm như đúng rồi của các đầu nậu chuyên cung cấp các sản phẩm “súng airsoft” hiện nay trên mạng Internet.

“Súng airsoft” có thể gây sát thương.

Trở lại lần chứng kiến Nguyễn Hùng cũng như một số dân chơi sử dụng “súng airsoft”, súng hơi ngắm bắn mục tiêu, chúng tôi giật mình trước hình ảnh những lon bia, những tấm bảng, thân cây... là đích ngắm nằm ở vị trí cách xa 20-30m vẫn bị bắn thủng. Điều đó cũng cho thấy, độ sát thương của các loại súng này là vấn đề đáng bàn. Tìm hiểu chúng tôi thấy rằng, đạn sử dụng của các loại “súng airsoft” thường là loại viên bi tròn bằng nhựa cỡ 6mm, độ nặng từ 0,12g cho đến 0,43g (không loại trừ một số dân chơi mua thêm cả đạn chì, bi sắt…). Loại đạn này dùng chung cho các loại súng tự động, súng lò xo, súng hơi…

Đề cập đến vấn đề trên, ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT TP Hà Nội cho hay, súng hơi, súng thể thao, súng săn, súng tự chế, “súng airsoft” có độ sát thương… là những mặt hàng nằm trong danh mục cấm mua bán và sử dụng. Nguyên nhân cũng bởi số sản phẩm này không chỉ có độ sát thương cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong khi sử dụng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến tội phạm hình sự. Thực tiễn cũng đã chứng minh trước việc các cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều đối tượng sử dụng súng giả, “súng airsoft” để gây án: cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản của người khác v.v… Chưa hết, trong quá trình sử dụng, nếu bất cẩn, người sử dụng còn có thể gây sát thương cho người xung quanh thậm chí là cho chính bản thân mình.

Theo Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng vũ kh, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã quy định rõ, nghiêm cấm các cá nhân sở hữu vũ khí (gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự) cũng như có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, nghiêm cấm lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Như vậy rõ ràng, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, người tiêu dùng, đặc biệt là các bạn trẻ cần nhận thức rõ hệ lụy đi kèm với thú chơi “súng airsoft” như hiện nay. Tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.

Từ khóa » Súng Airsoft Là Gì