Ăn Gì, Kiêng Gì Khi Bị ợ Chua? - VnExpress Sức Khỏe

Bị ợ chua nếu ở mức độ thi thoảng sẽ không đáng ngại nhưng nếu xuất hiện thường xuyên, nhất là vào ban đêm có thể là triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc trào ngược axit. Triệu chứng ợ chua xuất hiện có thể do một số loại thức ăn và đồ uống.

Dưới đây là một số loại thực phẩm bạn nên ăn và cần hạn chế.

Thực phẩm nên hạn chế

Thực phẩm giàu chất béo

Những thực phẩm giàu chất béo thường mang hương vị hấp dẫn, kích thích vị giác nhưng dễ dẫn đến ợ chua. Một số thực phẩm giàu chất béo cần lưu ý như thịt xông khói, bánh mì kẹp thịt, bơ, phô mai các loại, khoai tây chiên, pizza, xúc xích.

Thực phẩm có tính axit

Các thực phẩm có tính axit, ngay cả loại lành mạnh cũng có thể gây ợ chua. Nếu thường gặp triệu chứng ợ chua khó chịu, bạn nên chú ý cắt giảm các loại thực phẩm có tính axit như trái cây có múi (cam, bưởi, chanh), tỏi, hành tây, sốt cà chua...

Gia vị cay gây ra chứng ợ chua. Ảnh: Freepik

Gia vị cay gây ra chứng ợ chua. Ảnh: Freepik

Đồ uống có cồn, caffeine

Bạn cần hạn chế một số loại thức uống vì chúng kích thích chứng ợ chua gồm rượu, thức uống có cồn, cà phê (hoặc các thành phần thêm vào như kem, đường), nước uống có ga (bọt ga có thể là nguyên nhân gây đau và cảm giác khó chịu của ợ chua), socola nóng, sữa lắc, soda và các loại nước ngọt, đồ ngọt.

Bên cạnh đó, các loại đồ ngọt như kẹo, đặc biệt là những loại có vị vitamin C, kẹo bạc hà, socola chứa caffeine cũng gây ợ chua.

Gia vị và thức ăn cay

Một số thức ăn bổ sung hương vị cay nồng cho các bữa ăn cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng ợ chua. Do đó, bạn nên hạn chế ớt bột, bột tỏi, hạt tiêu.

Thực phẩm nên lựa chọn

Bên cạnh các thực phẩm cần tránh, việc bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ cũng là giải pháp giảm tình trạng khó chịu này. Một số thực phẩm được khuyến khích là ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, gạo lức, cơm couscous, một số rau củ như khoai lang, cà rốt, củ cải đường. Rau xanh có lợi cho chứng ợ chua là măng tây, súp lơ xanh, đậu xanh.

Nhiều món ăn có lợi cho sức khỏe khác như khoai lang chiên không dầu thay cho đồ ăn chiên ngập trong dầu, ăn chuối và dưa thay cho cam chanh các loại. Ăn gà và cá hồi thay thế cho bánh mì kẹp phô mai. Các loại phô mai đã được giảm chất béo thay vì ăn phô mai thông thường. Trà gừng thay thế cho trà bạc hà để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

Theo các bác sĩ, tình trạng ợ chua không có gì lo ngại nếu thi thoảng xảy ra. Tuy nhiên, nếu đã điều chỉnh chế độ ăn uống mà các triệu chứng vẫn kéo dài trong nhiều tuần thì bạn nên hẹn gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để thăm khám và có phương án điều trị.

Các triệu chứng ợ chua cảnh báo bạn nên thăm khám như đau nóng vùng ngực, cơn đau di chuyển lên cổ họng, cảm giác thức ăn trào ngược lên miệng, cảm nhận vị đắng hoặc chua vùng cổ họng. Cơn đau có thể tồi tệ hơn khi nằm hoặc cúi, nuốt khó.

Quỳnh Chi (Theo VeryWellHealth)

Từ khóa » Thức ăn ợ Chua