An Giang 190 Năm - Lịch Sử định Cư Của Người Việt ở đất An Giang...

(TUAG)- Người Việt bắt đầu đến vùng đất An Giang từ lúc nào thì cho đến nay, chưa thấy sử sách ghi chép rõ ràng. Tuy nhiên, theo truyền thuyết dân gian và một số vết tích còn lại đến ngày nay thì đã có một số nhóm người Việt gốc miền Trung vào đây từ rất lâu. Nhưng do điều kiện sống khắc nghiệt nên dân cư còn thưa thớt. Chỉ khi thấy khói vương tỏa qua cây lá chỗ nào thì mới biết có người ở nơi đó.

 

Cuộc sống của lưu dân bấy giờ luôn bị đe doạ:

    Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,

    Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma.

Sự lo âu khắc khoải lúc nào cũng canh cánh trong lòng:

   Đến đây xứ sở lạ lùng,

   Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh.

Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng người Việt vẫn kiên trì tìm đất sống. Họ ở rải rác dọc theo bờ sông Tiền và sông Hậu.

Khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, đã thấy có người Việt ở vùng Bình Mỹ (Châu Phú), vùng Châu Đốc và vùng cù lao Cây Sao (cù lao Ông Chưởng ngày nay). Tương truyền khi thuyền quân xuôi dòng Cửu Long (1700), Nguyễn Hữu Cảnh ghé lại những nơi có người Việt ở để thăm hỏi và khích lệ mọi người  giữ tình thân thiện dù không cùng chủng tộc.

Ông cũng cho phép một số binh phu được ở lại nơi này tìm đất cày cấy làm ăn. Họ sống rải rác theo ven sông ở vùng Châu Phú, Châu Đốc, Tân Châu và Chợ Mới.

Lưu dân ở vùng cù lao Ông Chưởng (An Giang) được gọi là dân "hai Huyện" (Phước Long và Tân Bình). Họ được xem là mẫu mực về thuần phong mỹ tục, vẫn giữ được nếp ăn, nếp nghĩ của người Việt. Từ Chợ Mới đến Cái Hố theo lòng rạch Ông Chưởng, ta gặp một số gia đình cố cư, ông bà của họ đến cư ngụ nơi đây từ đời Gia Long, Minh Mạng hoặc lâu hơn (quá 6 đời).

Ở cù lao Giêng, có một địa danh xưa là bến đò Phủ Thờ. Phủ Thờ này là của họ Nguyễn từ Bình Định vào, con cháu ngày nay ở vào đời thứ 7, thứ 8, cư ngụ kề nhau, đông đúc. Có thể nói đây là một trong những họ đến lập nghiệp đầu tiên trong vùng.

Điều đáng chú ý là người Việt đi vào phương Nam khai hoang lập nghiệp với cả gia đình cha mẹ, vợ con, chứ không đợi khi khá giả rồi mới về quê rước vợ con vào. Những người đã đến đây là không thể về, vì quá xa và ngoài đó (Ngũ Quảng) điều kiện sống quá khó khăn, đói khổ, nên đành phải bỏ xứ.

Chính sách cưỡng bức di dân của Nguyễn Phúc Tần và chính sách chiêu mộ di dân của Nguyễn Phúc Chu mở ra từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII trên quy mô ngày càng lớn. Nhờ các chính sách của chúa Nguyễn mà công cuộc khai hoang và mở mang bờ cõi phương Nam của dân Việt ngày càng nhanh chóng hơn.

Khi tỉnh An Giang mới được thành lập, dọc theo hữu ngạn sông Tiền, dân cư khá đông, tập trung ở cù lao Ông Chưởng. Một số thôn xã được thành lập. Riêng cù lao Giêng không rộng lắm nhưng sanh kế dễ dàng, quy tụ được bốn thôn.

Phía hữu ngạn sông Hậu, dân cư thưa thớt. Từ biên giới Việt Miên xuống Long Xuyên chỉ có các làng Bình Thạnh Tây (đối diện Bình Thạnh Đông bây giờ), Bình Đức, Mỹ Phước. Hai  làng  Bình Đức và Mỹ Phước  kề sát nhau, cách con rạch Long Xuyên.

Vùng An Giang gồm 2 khu vực mới và cũ riêng biệt:

- Phía Tân Châu, Ông  Chưởng,  Chợ Mới  dễ canh tác, dân đông, làng cũ, vì đã lập từ lâu.

- Phía hữu ngạn sông Hậu, là vùng rừng núi hoang vu, đất khó canh  tác, dân thưa thớt, làng mới lập.

Hồi đầu thế kỷ XVII, phía sông Hậu từ Châu Đốc xuống Năng Gù dân cư thưa thớt. Đầu nguồn, lòng sông hẹp, lượng nước phù sa không đủ sức tạo được giồng cao như sông Tiền. Chỉ có mấy khu vực cao ráo như khu chợ Châu Đốc, Mỹ Đức, Cái Dầu... dân đến ở  khá đông. Họ cất nhà sàn để ở, mùa nước nổi khai thác cá linh, làm lúa mùa, cuộc sống còn nghèo.

Từ xa xưa, chợ Thủ (huyện Chợ Mới) là một điểm dân cư tập trung bên cạnh điểm dân cư cù lao Giêng. Dân cư đông đảo, nhà cửa khang trang. Chùa, miếu được xây dựng để làm nơi cầu nguyện, thờ phụng cho nhân dân trong vùng. Nghề thủ công phát triển từ lâu như nghề ươm tơ dệt lụa, nhất là nghề mộc của dân chợ Thủ đã nổi tiếng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và còn lưu truyền đến ngày nay. Dân cư từ những nơi này phát triển nhanh chóng. Từ đây, từng lớp lưu dân đã ổn định và bắt đầu phân tán đi khai phá các  vùng  đất  mới  khác  trong vùng  như: Long Xuyên, Châu  Đốc, Tân Châu...

Dần dần, dân cư đông đúc. Những nhóm quần cư lần hồi nâng lên thành các đơn vị nhỏ về hành chánh là lân, phường, thôn, làng, hoặc những ấp đông đúc gọi là giáp (tương đương với làng). Các vị trí then  chốt  về an  ninh gọi là điếm. Dân mới đến chưa vào sổ bộ hoặc cư ngụ tạm thời thì gom lại lập đơn vị mới gọi là tứ chiếng thôn, tứ chiếng điếm.

Bấy giờ, số dân đứng tên chính thức trong bộ đinh của làng không cần nhiều, chừng chục người hoặc ít hơn, nếu chịu trách nhiệm đóng thuế với quan trên thì việc đăng ký thành lập làng được nhìn nhận ngay. Dân đứng tên trong bộ ở làng chỉ gồm điền chủ lớn nhỏ, trung nông, thương buôn. Tá điền và lớp nghèo thành thị có quyền không ghi tên vào sổ bộ, sống theo quy chế dân ngoại, dân lậu tùy thích. Nhưng đã là dân lậu, họ không được vào ban hương chức hội tề, không được dự tiệc đình làng, không được kiện cáo bất cứ ai khi bị ức hiếp và nếu bị tố cáo dẫu là oan ức thì họ cũng bị xem là có lỗi. Lực lượng di dân này sống rày đây mai đó, làm ruộng, làm mướn, thay đổi nơi cư trú luôn. Có thể lúc đó vùng đất này tương đối dễ sống, đất ruộng hoang vu còn nhiều chỗ dung thân, nên, nơi này sống không được, họ bỏ đi nơi khác. Họ có thể thay đổi ngành nghề nhanh chóng như làm ruộng chuyển sang đánh bắt cá, hoặc chuyển sang làm nghề gỗ, đốn củi.

Việc di dân lập ấp ở An Giang có công đóng góp rất lớn của Thoại Ngọc Hầu, bắt đầu từ năm Đinh Sửu 1817.  Lúc bấy giờ, nhiều nhà cửa của nông dân đã được dựng lên, các đình chùa cũng  bắt đầu được xây cất.

Năm 1818, được lệnh Triều đình, Nguyễn Văn Thoại đốc suất đào kênh Đông Xuyên ra đến Rạch Giá tạo điều kiện canh tác thuận lợi cho dân khẩn hoang hai bên bờ con kênh.

Năm 1821, khi Thoại Ngọc Hầu đến thủ đồn Châu đốc, ông tiếp tục cho di dân lập ấp, xây dựng nhiều làng người Việt ở đây. Những nơi cỏ cây rậm rạp, đều được ông khuyến khích dân khai phá. Trong bia Vĩnh Tế Sơn còn ghi: "Lão thần Thoại Ngọc Hầu... muốn nơi đồng hoang bát ngát này trở thành làng mạc trù phú, yên vui, dân cư đông đúc, sum vầy".

Đào kênh Vĩnh Tế xong, Nguyễn Văn Thoại cho đắp con đường từ Châu Đốc đến núi Sam mà trước kia phải đi bộ hoặc đi đò chèo. Từ đó, ngựa xe qua lại dễ dàng, đường cao khoảng 3 mét để ngừa nước lụt, cho dựng bia "Châu Đốc tân lộ kiều lương" (1828). Dân cư nhờ đó mà từ Châu đốc vào Núi Sam khẩn ruộng, lần hồi tiến vô khai phá đến vùng Tịnh Biên.

Lúc bấy giờ, trên cánh đồng An Giang rộng lớn và hoang vu, hàng năm đều ngập trong nước lũ nhiều tháng trời Mạng lưới sông rạch tự nhiên rất nhiều. Đường bộ hầu như chưa có, đường thủy là tuyến giao thông gần như duy nhất trừ vùng Bảy Núi. Cho nên dân cư sinh sống dọc theo các con kênh và bờ sông là điều tự nhiên. Đây là các tuyến chủ yếu tiếp nhận di dân. Lúc đầu, chỉ mới hình thành những tuyến mỏng, dọc ven theo kênh rạch. Khi dân cư đông hơn, họ ở có dạng quây quần chứ không còn đơn thuần theo tuyến dọc nữa. Trong bước đầu đến khai hoang vùng đất An Giang, sự phân bố dân cư nơi đây đã diễn ra một cách tự phát theo lối đất lành chim đậu, nơi nào dễ làm ăn thì dân cư sẽ qui tụ lại ở thành xóm làng. Ngoài ra, một số người có trình độ và có tiền của đứng ra chiêu dân lập làng để khai phá thêm các vùng đất mới còn hoang vu. Các vùng mới khai phá, dân cư quần tụ lại cất nhà kề nhau quay mặt ra sông, sau nhà là vườn, sau vườn là ruộng đồng bát ngát, xa nữa là đồng cỏ và rừng cây hoang vu, có nghĩa là ai có sức lao động và có vốn, thì có thể vỡ hoang đến đâu cũng được và không phải tranh giành với ai. Những nơi giáp nước hoặc ngã ba, ngã tư sông, dân cư thường tập trung ở đông đúc, dần dần hình thành nên quán xá, hiệu buôn, chợ búa để trao đổi mua bán, trên bến dưới thuyền.

Đầu thế kỷ XIX, đã nhiều lần quân Xiêm xâm lấn nước ta. Hà Tiên, Châu Đốc là những vùng bị thiệt hại trước tiên và nặng nhất. Năm 1833, giặc Xiêm xâm lăng, tàn phá dọc kênh Vĩnh Tế, chiếm Châu Đốc và tràn luôn qua cả Tân Châu. Nhưng chỉ năm năm sau (1838), dân cư đã quy tụ trở lại, thành lập hàng chục thôn rải rác từ núi Sam dọc theo hai bờ kênh Vĩnh Tế qua phía Hà Tiên.

Vùng Châu Đốc là biên cương hiểm trở, vừa sản xuất vừa phải đối phó với ngoại xâm. Mỗi người dân khẩn hoang quả là một lính thú vô danh nơi biên cương xa xôi này. Trong Gia Định Thành thông chí danh mục thôn xã không ghi lại làng nào ở vùng "Châu Đốc Tân Cương", chỉ xác nhận từ biên giới đến biển Đông chỉ thành lập vỏn vẹn được một huyện là huyện Vĩnh Định với 27 thôn, chạy suốt theo hữu ngạn Hậu Giang, với lời giải thích "Huyện Vĩnh Định địa giới tuy rộng nhưng dân cư chưa đông nên chưa chia ra thành tổng". Một huyện mà chỉ có 27 thôn là quá ít, nếu so với các huyện đương thời như huyện Tân An (135 thôn), huyện Kiến Hòa (151 thôn).

Gia tộc Lê Công gốc Thanh Hóa là một trong những nhóm di dân đến khai phá vùng Châu Đốc (khoảng năm 1785-1837). Hiện con cháu đời thứ 7 còn sống và cư ngụ tại đây.

Một gia tộc thứ hai cũng đã có công khai phá vùng Châu Đốc hoang sơ buổi ban đầu là dòng Nguyễn Khắc, thuộc dòng con cháu của Nguyễn Văn Thoại. Hiện nay, gia đình cháu đời thứ 7 của ông vẫn còn cư ngụ tại thị xã Châu Đốc.

Thời Gia Long, Minh Mạng, dân cư vùng An Giang còn ít, nhiều đất hoang chưa có người khai thác.

Dân xã, thôn ghi vào bộ đinh là đàn ông, không ghi đàn bà, trẻ con. Để thành lập một xã chỉ cần vài người dân đinh đứng đơn, bảo đảm với triều đình về nghĩa vụ thuế đinh, thuế điền. Người xin lập làng được quan phủ cấp cho con dấu nhỏ, bằng gỗ (dân quen gọi là con mộc).

Những người đi khai phá đến sau, phần lớn là dân nghèo, dân lậu, xin khai khẩn vùng đất gọi là "hoang nhàn dư địa" (đất chưa khai phá).

Dưới đời Minh Mạng, tội phạm lưu đày phần lớn gom về vùng Vĩnh Tế để lập các xóm dọc bờ kênh, dần dần hình thành nên các vùng dân cư. Nguyễn Tri Phương khi làm kinh lược sứ ở miền Nam, đã có sáng kiến lập đồn điền biên giới nhằm ngăn giặc, yên dân, tập trung vùng Châu Đốc và Hà Tiên, đặc biệt là ở vùng Vĩnh Tế.

Năm 1854, Nguyễn Tri Phương báo cáo đã thành lập được 21 cơ đồn điền. Hai năm sau, tỉnh An Giang và Hà Tiên báo cáo đã chiêu mộ được 1.646 dân đinh, lập 159 thôn ấp.

Trong thời gian này, người Chăm ở ngang chợ Châu Đốc (Đa Phước, Châu Phong) cũng gom lại từng đội, do một viên hiệp quản đứng đầu. Từ bên Chân Lạp, người Chăm rút về, nương náu trong lãnh thổ Việt Nam để tránh loạn lạc nội chiến bên Chân Lạp, rồi định cư luôn ở Việt Nam (Tân Châu, An Phú ngày nay).

Song song đó, người theo đạo Thiên Chúa lánh nạn kỳ thị tôn giáo của vua quan nhà Nguyễn từ miền ngoài đến ở khá sớm ở cù lao Giêng (1778), Bò Ót (1779) và Năng Gù (1845) đã làm tăng dân số vùng đất An Giang ngay từ buổi đầu.

Vào Tết.jpg

Về nguồn gốc các dân tộc, các tư liệu trước đây ghi nhận như sau:

- Người Khmer: Đây là dân bản địa kỳ cựu, hầu hết đều sinh đẻ ở Việt Nam nên gọi là người Việt gốc Khmer, tập trung nhiều nhất ở các quận Tri Tôn và Tịnh Biên. Phong tục và tiếng nói của họ cũng không khác người Khmer ở chánh quốc. Họ rất sùng bái đạo Phật, tôn kính các Sư Sãi và sẵn sàng dâng cúng cho chùa những huê lợi do họ cực nhọc làm ra để mong được phước cho kiếp sau.

- Người Chăm và người Mã Lai đến sanh cư lập nghiệp hẳn ở vùng Châu Đốc từ năm 1840. Trước kia, họ sống ở Cao Miên.

- Người Chăm Châu Giang rất siêng năng, tiết kiệm. Nhà cửa thường cất tương tợ kiểu Cao Miên, sàn cao, cách mặt đất từ 1 thước rưỡi đến 2 thước. Họ đoàn kết với nhau rất chặt chẽ nên ít khi bọn trộm cướp dám quấy phá.

- Người Hoa: Theo dụ số 48 ngày 21/8/1956 của chính quyền Ngô Đình Diệm sửa đổi bộ Luật Quốc tịch Việt Nam thì những người Hoa sinh đẻ tại Việt Nam kể như dân Việt Nam. Họ cũng lãnh thẻ kiểm tra, có bổn phận và hưởng quyền lợi như công dân Việt Nam.

Trong tỉnh An Giang, tính đến ngày 15/9/1959 có tất cả 1.748 người Hoa sinh đẻ ở Việt Nam đã lãnh thẻ kiểm tra nhập Việt tịch. Người Hoa sinh sống bằng nghề buôn bán ở thành thị cả ở thôn quê.

Để củng cố công tác quản lý hành chánh, kiểm tra và khuyến khích dân cư đến lập nghiệp vùng hoang địa, nhà Nguyễn cho tiến hành lập làng, nhất là vùng biên cương như Châu Đốc. Thủ tục xin lập làng tương đối dễ. Do đó, trước năm 1831, lưu dân đã thành lập làng An Nông. Đến tháng 3-1831, làng An Nông từ núi Chân Tầm Lon tới núi Tà Béc còn nhiều đất hoang, một nhóm dân cư xin lập làng Phú Cường tách ra từ làng An Nông, gồm 15 người đến ở (chỉ tính đàn ông) do Trương Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Chiêu, Lê Văn Huệ đứng đầu. Theo nhà văn Sơn Nam, lưu dân đến vùng biên giới Tây Nam này lúc bấy giờ gồm những người từ vùng Gia Đình, Tân An, Mỹ Tho. Ở làng Vĩnh Hội, cạnh làng Vĩnh Ngươn (Châu Đốc), có một thợ săn đến ở, dẫn theo 7 người trong đó có 1 người ở Sóc Trăng, 1 người ở Chợ Gạo (Định Tường), 1 người ở Mỹ Đức Đông (Cái Bè).

Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cũng có ghi sự hiện diện của những người Việt đến sinh sống vùng Bảy Núi để tu hành, khai thác nguồn lợi thiên nhiên, không làm giàu nhưng có thể sống qua ngày. Họ lập vườn cây ăn trái, trồng hoa màu, tìm dược thảo, làm ruộng ở chân núi, bắt cá vào mùa hạn ở các ao đìa, sống hòa nhập với người Khmer. Sau khi thành lập địa bộ, dân cư trong vùng đã lập được nhiều thôn theo bờ kênh Vĩnh Tế như Vĩnh Tế Sơn thôn, Nhơn Hòa, An Quí, Thần Nhơn, Vĩnh Bảo, Long Thạnh, Toàn Thạnh, Vĩnh Gia, Vĩnh Lạc. Phần lớn diện tích được trồng khoai, trồng đậu; trong bộ điền gọi là vu đậu thổ (đất trồng hoa màu).

Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), quan Tổng trấn Gia Định tâu: "Đồn Châu Đốc mới lập được 41 làng, dân đinh chỉ hơn 800 người". Như vậy, nếu kể cả dân lậu, phụ nữ và trẻ em trong làng thì dân cư Châu Đốc lúc đó có thể lên đến vài ngàn.

Đơn vị hành chánh nhỏ nhất lúc bấy giờ là xã (thôn). Làng xã thời trước lập ra không cần dân số đông mà chỉ chú trọng vào số thuế đóng của những người đứng tên cam kết sẽ nộp. Từ các làng này mới thu hút nhiều lưu dân đến sinh sống, như làng Phú Cường. Năm Tự Đức thứ 10 (1857), làng Châu Phú vẫn còn nhiều ruộng chưa khẩn, có 2 người dân đinh đứng tên xin thành lập làng gọi là làng Châu Quới, tách từ làng Châu Phú ra, sau đó thu hút thêm được 5 người dân lậu.

Triều đình nhà Nguyễn rất quan tâm đến việc củng cố biên giới phía Nam, "vì địa thế Châu Đốc, Hà Tiên cũng không kém Bắc Thành" (vua Gia Long). Năm 1830, vua Minh Mạng phán cho bộ Hộ rằng: "Đồn Châu Đốc lúc đó chưa có tỉnh là vùng địa đầu quan yếu, ta đã từng xuống chỉ chiêu tập dân buôn bán, cho vay tiền gạo để lập ấp khẩn điền, quây quần sinh nhai. Đó là ý niệm quan trọng của ta trong vấn đề củng cố biên cương". Buổi đầu, việc khai khẩn còn khó khăn, thuế khóa đã được miễn nhiều lần. Trong thực tế triều đình đã dùng nhiều biện pháp để chiêu dụ, thu nạp dân, để cho đồng áng ngày càng mở mang, cuộc sống người dân càng được nâng lên.

Như vậy, đến khai phá đất An Giang, ngoài dân lưu tán tự phát vào khai khẩn, còn có một bộ phận dân hưởng ứng chính sách khuyến khích khai hoang của nhà Nguyễn nên số lưu dân đến tăng lên khá nhanh. Một thuận lợi cho An Giang nữa là lúc đó miền Long An, Mỹ Tho đất tốt hầu như không còn cho dân khai khẩn, nên dân di cư tràn xuống miền sông Hậu, đến khai phá cánh đồng hoang vu mênh mông ở tỉnh An Giang.

Vào nửa sau thế kỷ XIX, nhất là sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, chế độ đồn điền trì trệ. Quân lính trong các đồn điền chuyển sang chiến đấu chống Pháp, nhà Nguyễn buộc phải chuyển sang hình thức doanh điền tiến hành thực hiện ở các tỉnh. Các nhà doanh điền ở An Giang và Hà Tiên được thành lập. Đến năm 1866,  doanh điền sứ An Giang - Hà Tiên là Trần Hoàn  báo cáo đã mộ được 1.646 dân đinh,  thành lập 149 thôn, khẩn được 8.333 mẫu ruộng.

Đến An Giang, còn có những người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Lực lượng này gồm dân các tỉnh chung quanh (Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long) theo về với đạo, phần lớn tập trung khai phá vùng Thất Sơn rừng núi hoang vu.

Như vậy, các luồng di dân vào An Giang chủ yếu là người miền Trung, thường  gọi là dân Ngũ Quảng. Các luồng di dân khác từ một số tỉnh như Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho... đến khai khẩn đất hoang theo bờ các kênh xáng mới đào.

Năm 1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông, rồi năm 1867 chiếm luôn ba tỉnh miền Tây.

Theo thống kê sơ bộ do y sĩ người Pháp Vantalon ghi lại trong chuyến đi trồng trái (chủng đậu) năm 1881, dân số Long Xuyên là 88.631 người, Châu Đốc là 105.182 dân, phần lớn tập trung ở phía sông Tiền vùng Tân Châu, Chợ Mới.

Khoảng giữa thế kỷ XIX, An Giang còn là nơi quy tụ những đoàn người theo đạo hoặc núp dưới ngọn cờ tôn giáo để kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhân cơ hội Kinh lược xứ Nam Kỳ là Nguyễn Tri Phương khuyến khích việc chiêu mộ dân đến khai hoang vùng biên giới, giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương đưa người đến khẩn hoang vùng Thất Sơn, Láng Linh, Cái Dầu và bên bờ sông Tiền.

Năm 1851, ông Đoàn Minh Huyên chia nhiều đoàn tín đồ đi khai khẩn:

- Đoàn thứ nhất vào Thất Sơn, bên chân núi Két, một nơi còn hoang vu. Đoàn chia làm hai nhánh, một do cụ Bùi Văn Thân tức tăng chủ Bùi Thiền Sư hướng dẫn, và một đoàn do cụ Bùi Văn Tây tức Đình Tây chỉ huy, cùng nhau góp sức lập nên các trại ruộng Hưng Thới và Xuân Sơn, sau này hợp thành xã Thới Sơn (Tịnh Biên).

- Đoàn thứ hai do cụ Quản cơ Trần Văn Thành dẫn dắt. Đoàn này đến Láng Linh, một vùng đầm lầy, thuộc huyện Châu Phú.

- Đoàn thứ ba do cụ Nguyễn Văn Xuyến tức "Đạo Xuyến" đưa tín đồ về Cái Dầu (Bình Long) thuộc huyện Châu Phú ngày nay.

Cụ Ngô Lợi, người khởi xướng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cũng đã đưa hàng trăm lượt tín đồ từ khắp nơi về vùng núi Tượng lập làng An Định, di  dân mở đất khai hoang vùng biên giới.

Báo cáo của Chủ tỉnh Châu Đốc Bocquet gởi Giám đốc Nội an Sài Gòn ngày 14-3-1886 ghi: "Sổ bộ làng An Định có ghi 422 dân đinh, trừ một số người vắng mặt, nhà chức trách chỉ kiểm tra được 342 người gồm dân các tỉnh đến như: Thủ Dầu Một 25 người, Chợ Lớn 64 người, Tân An 18 người, Gò Công 26 người, Vĩnh Long 24 người, Mỹ Tho 33 người, Bến Tre 25 người, Cần Thơ 13 người, Sa Đéc 33 người, Long Xuyên 30 người, Châu Đốc 33 người, Sóc Trăng 2 người, Trà Vinh 3 người, Hà Tiên 3 người và Phnom Pênh 10 người. Người ở lâu năm nhất trong làng là 13 năm (1875) có 1 người, 12 năm có 4 người, 10 năm có 2 người, 9 năm có 13 người, 8 năm có 34 người, 7 năm có 76 người, 6 năm có 54 người, 5 năm có 65 người, số người còn lại ở từ 14 năm...". Như vậy, làng An Định dân cư đa số từ các tỉnh khác đến, nhất là các tỉnh miền trên như: Thủ Dầu Một, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho. Pháp cho giải tán làng An Định, nhập vào làng Vĩnh Lạc (Vĩnh Lạc và Vĩnh Quới là hai làng xưa, nhập lại là Lạc Quới thuộc huyện Tri Tôn ngày nay). Tháng 6 1887, Pháp buộc tất cả 407 gia đình gồm 1994 người phải xuống tàu thủy để về quê quán, nhưng dọc đường nhiều người đã tìm cách quay trở lại núi Tượng.

Trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ (từ 1880 đến 1937), qua chính sách khai hoang và đào kênh của thực dân Pháp ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình dân số và ruộng đất có sự thay đổi lớn (qua số liệu thống kê chưa đầy đủ của thực dân Pháp).

DÂN SỐ TỈNH LONG XUYÊN TỪ 1874 ĐẾN 1914

NămDân sốChia ra ​ ​
ViệtKhmerHoa
187452.15745.1076.700350
187969.57265.3283.604640
188468.41266.0041.2721.136
1889101.74699.0711.5321.137
189494.44591.1301.8581.452
1904152.378149.0252.0001.341
1909142.185138.3392.5141.309
1914150.113144.9282.3691.936

(Theo Monographie de la province de Long Xuyên xuất bản năm 1929 của Victor Duvernoy)

Theo Quốc triều chính biên toát yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1847 tỉnh An Giang, số đinh theo báo cáo của bộ Hộ có 22.998 người (cả nước Việt Nam khi đó số đinh chỉ có 1.024.388 người).

Đến năm 1930, chấm dứt các chính sách di dân khẩn hoang vào miền Nam nói  chung và tỉnh An Giang nói riêng. Qua số liệu Niên giám thống kê của Pháp năm 1921, dân số hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc cộng lại đông đứng thứ nhất đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là điều phải lưu ý vì Long Xuyên và Châu Đốc là vùng đất “sinh sau đẻ muộn” so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

(Trích: Địa chí An Giang, năm 2013)

Từ khóa » Khai Hoang Mở đất Là Gì