Ẩn Họa Từ Các Loại Ký Sinh Trùng Trong Tôm, Cá - Báo Pháp Luật

Chúng có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm cho người, thậm chí dẫn tới ung thư gan mật, trong khi rất nhiều người có sở thích ăn các món gỏi, tái thủy, hải sản chưa được chế biến chín.

Cả cá lẫn nước đều nhiễm bẩn

Ngay tại các hàng cá nước ngọt bày bán ở chợ Hà Nội, nhóm nghiên cứu phân tích ngẫu nhiên thì phát hiện có tới 7/10 loại nhiễm ấu trùng gây bệnh. Đặc biệt, số mẫu hải sản nhiễm sán bày bán ở các chợ cao hơn hẳn so với mẫu nuôi ở hồ ao.

Ẩn họa từ các loại ký sinh trùng trong tôm, cá ảnh 1

Hải sản chưa chế biến chín có thể gây lây nhiễm nhiều loại ký sinh trùng nguy hiểm. Ảnh: TL

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng - Đại học Y Hà Nội, bước đầu nghiên cứu về hải sản nước ngọt tại 3 địa phương gồm Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình - đại diện cho 3 vùng miền núi, đồng bằng và ven biển ở nước ta, kết quả cho thấy tình trạng đáng báo động về nguồn nước và hải sản bị nhiễm ký sinh trùng, nhất là sán lá ruột, giun đầu gai, sán lá phổi, sán nhái, sán lá, các loại đơn bào… có thể gây bệnh nguy hiểm cho con người.

Theo đó, xét nghiệm trên 5 loài cá (trắm, chép, trôi, rô phi, mè) cho thấy, tỷ lệ nhiễm chung ấu trùng sán lá ở các mẫu lấy ở khu vực thành thị tại Nam Định là 10%, Hòa Bình 3,2%, Hà Nội 2%. Đáng lưu ý, các mẫu tương tự được lấy ở khu vực nông thôn của ba địa phương có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao, lần lượt là 32,8%, 16% và 32%.

Ở các mẫu lươn, ngoài ấu trùng sán còn có ấu trùng giun đầu gai với tỷ lệ tại Hà Nội là 4%, Hòa Bình 6%, Nam Định 2%. Ếch cũng bị nhiễm ấu trùng sán nhái với tỷ lệ cao, Nam Định 20%, Hà Nội 32%; Hòa Bình 4%. Nguy hiểm nhất là phát hiện cua chứa ấu trùng sán lá phổi với tỷ lệ cao, vì sán lá phổi là loài sán sống rất dai. Nếu nướng cua đến vàng vỏ thì ấu trùng sán này vẫn sống 65%, nướng cháy vỏ, ấu trùng vẫn sống 23,3%.

PGS.TS Nguyễn Văn Đề lý giải, nguyên nhân của tình trạng này là phần lớn các hộ nuôi cá nước ngọt vẫn sử dụng nước thải không qua xử lý. Nghiên cứu nguồn nước tại các hồ nuôi và tưới ở ba địa phương trên cũng cho thấy, tỷ lệ nhiễm giun đũa, giun tóc, giun móc… thuộc tầng đáy/bùn ở Nam Định là 42/44%, Hòa Bình 6/8%, Hà Nội 20/24%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm các loại đơn bào (gây các bệnh đường tiêu hóa như lị a míp, tiêu chảy kéo dài…) rất cao, tại Hà Nội là 50/58%, Nam Định là 30/32%, Hòa Bình 20/22%.

Ngoài việc nhiễm các loại ký sinh trùng, đơn bào có thể truyền nhiễm và gây bệnh nguy hiểm cho người, nguồn nước thải không được xử lý này còn có thể chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc chất từ nhà máy thải ra..., gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và chất lượng an toàn của hải sản nuôi.

Theo một nghiên cứu cũng của Đại học Y Hà Nội, ngay tại Hà Nội, thủy sản nuôi ở Hồ Tây, hồ Trúc Bạch có tỷ lệ ô nhiễm cao nhất, tiếp đến là hồ Yên Sở. Dựa trên 240 mẫu thủy sản lấy tại 17 ao hồ nuôi trồng của Hà Nội, 100% mẫu bị nhiễm kim loại nặng (chì, crôm, thủy ngân, niken, cadmi,…).

Ẩn họa bệnh tật cho người

Nếu bằng mắt thường, không có cách nào phát hiện hải sản có bị nhiễm ký sinh trùng. Người ăn cá, cua, tôm, ếch… nhiễm ký sinh trùng, đơn bào nói trên, chưa nấu chín kĩ, đặc biệt là ăn món gỏi, tái, thì chắc chắn sẽ bị lây truyền bệnh. Mức nhẹ nhất là nhiễm các loài đơn bào có thể gây ngộ độc, tiêu chảy. Nhưng nguy hiểm hơn, lây nhiễm ký sinh trùng sẽ gây nhiều bệnh phức tạp, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại tiềm tàng, không bộc lộ ngay.

Nhiều người nghĩ đơn giản, cá, tôm rửa sạch, ngâm nước muối, ướp nhiều gia vị thì ký sinh trùng sẽ trôi đi hoặc chết. Nhưng trên thực tế, nghiên cứu trên gỏi cá đã trộn đủ gia vị (giấm, mẻ, riềng, lá mơ…), ấu trùng sán lá gan còn sống đến 95%; ngâm các loại ấu trùng này vào nước của 13 loại lá thường dùng ăn gỏi, thì sau 1 giờ vẫn sống 95%, sau 4 giờ còn 93%.

Theo điều tra của Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trung ương, hiện cả nước có 24 tỉnh, thành có bệnh sán lá gan nhỏ lưu hành, trong đó cao nhất là Nam Định, Phú Yên (37%), Hà Nội (tỉ lệ nhiễm Hà Tây cũ là 40,1%)... Riêng ở Hà Nội, theo một nghiên cứu tiến hành tại một xã ven đô, thói quen ăn gỏi cá đã thành tập quán, có đến hơn 80% dân số thường xuyên ăn, dẫn tới tỷ lệ nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ lên đến 40%.

Ở rất nhiều vùng trên cả nước, gỏi cá được xem là món ăn vừa mát vừa… bổ. Trong đó, ở miền Bắc, gỏi cá được chế biến thành những lát thịt cá sống thái nhỏ, trộn với nhiều gia vị, còn ở miền Trung và miền Nam, gỏi được ăn theo kiểu cá… còn bơi trong chậu. Cả hai cách ăn này đều có thể đưa sán vào cơ thể.

Khi vào cơ thể người, ký sinh trùng giun đầu gai có thể thành các khối u di chuyển, điều trị rất khó khăn. Sán dây, sán ruột có thể hút hết chất dinh dưỡng trong ruột, gây thiếu chất và nhiễm độc thần kinh cho người. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là sán lá gan, sán lá phổi, vì chúng gây bệnh tiến triển rất âm thầm, ở giai đoạn sớm hầu hết đều không có triệu chứng lâm sàng, nếu có thì thường chỉ là rối loạn tiêu hóa nhẹ và rất dễ bị bỏ qua; sau đó ở giai đoạn muộn, bệnh diễn tiến nặng và đe dọa tính mạng người bệnh.

Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể thấy đầy bụng, giống như bị đau dạ dày, nếu ăn mỡ thì mức độ đau tăng, khi lao động nặng người bệnh có cảm giác đau tức hạ sườn phải và vùng gan, đau đầu, chóng mặt, lâu dần có thể dẫn đến tử vong.

Tại Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trung ương, đã có những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan có bệnh cảnh trầm trọng tới mức bị chẩn đoán nhầm là ung thư gan mật, sau một thời gian dài điều trị không đúng ở nhiều nơi, mới phát hiện được chính xác bệnh.

Nhưng ngược lại, nếu sán lá gan nhỏ ký sinh trong đường mật, làm đường mật dày lên, xơ hóa, thoái hóa mỡ gan, làm kích thước gan to gấp 2-3 lần, thì hoàn toàn có thể dẫn tới ung thư gan thực sự hay gây sỏi mật, dẫn đến ung thư đường mật. Đặc biệt, ngay tại những địa phương có tập quán ăn gỏi cá, các chuyên gia nghiên cứu còn phát hiện những trường hợp chưa từng ăn gỏi cá cũng nhiễm sán lá gan. Nguyên nhân lây nhiễm ký sinh trùng nguy hiểm này là do người bệnh đã ăn hải sản chưa chế biến chín hoàn toàn.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Văn Đề cảnh báo, không phải chỉ có người ăn gỏi cá, tôm mới có nguy cơ bị nhiễm sán, còn những người khác có thể "ung dung" rằng mình không bị lây bệnh. Các món hải sản ở nhà hàng hay ở ngay tại nhà, nếu không được chế biến chín, đảm bảo vệ sinh đều có thể là nguồn lây bệnh nguy hiểm.

Theo Thanh Loan (Công An Nhân Dân)

Từ khóa » Cua Nhỏ Ký Sinh