Ăn Như Xáng Múc... - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

  • Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo

Đặc biệt ở miền Nam còn có cách nói ấn tượng: Ăn như xáng xúc, làm như lục bình trôi. Hai từ xúc và trôi “đối chọi” nhau đã cho thấy sự tréo ngoe giữa ăn và làm. Ăn thì liên tục, cấp tập, liên hồi, không ngừng nghỉ; còn làm lại chậm chạp, “lửng lơ con cá vàng”, được chăng hay chớ.

Vậy, xáng là gì?

“Máy trang bị cần cẩu gắn cái gàu to để cạp xúc lượng bùn đất lớn, nạo vét kinh rạch sông ngòi” (Bùi Thanh Kiên - “Phương ngữ Nam bộ”). Với giải thích này, ta hiểu “Xáng: phương tiện di chuyển dưới nước, dùng để đào kênh, vét bùn” (Huỳnh Công Tín - “Từ điển từ ngữ Nam Bộ”); tuy nhiên, tại sao gọi là xáng, ai có thể trả lời chắc cú? Do tò mò, tôi đã tra nhiều sách vở nhưng rồi vẫn không thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng. Chỉ dám quả quyết, xáng chỉ mới xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ XIX tại vùng đất phương Nam.

Theo nhà văn Sơn Nam, “Sau khi đánh chiếm ba tỉnh miền Đông, từ năm 1860, người Pháp đã dùng 2 chiếc xáng máy vét lại lòng rạch Bến Lức và sông Bảo Định (Mỹ Tho)”. Sự xuất hiện của xáng trong thời điểm đó: “Rõ ràng là những con quái vật kinh khiếp khổng lồ, vô địch ngày đêm gào thét, cách 4, 5 ngàn thước vẫn còn nghe lồng lộng. Vì quan niệm xáng là một sinh vật nên nhiều người nói là “xáng la” vì nó la hét” (“Tìm hiểu đất Hậu Giang”, tạp chí Văn hóa Á châu số 1-1959 - tr.87).

Thiết nghĩ rằng, một khi tìm về tiếng Việt thì không chỉ hiểu ngữ nghĩa mà cũng là dịp tiếp cận nét văn hóa đã lãng quên theo năm tháng. Nhân nói về xáng, trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” (NXB Trẻ tái bản - 1997), Sơn Nam còn cho biết năm 1901, đào kinh xáng Xà No “nối Hậu Giang qua Vịnh Xiêm La” là xáng chạy bằng hơi nước, với những giàn gàu bằng sắt: “Máy của xáng mạnh 350 mã lực, mỗi gàu sắt múc được 375 lít, thổi bùm xa đến 60 mét. Giàn gàu của xáng chạy theo vòng tròn (như xa đạp nước). Từ xa, chiếc xáng trông như chiếc chiến hạm, máy chạy vang rền suốt năm ba cây số ngàn, mang theo một số chuyên viên, nhơn công hàng trăm người. Dọc theo hai bên bờ phải chở củi đem tới sẵn, vì xáng dốt nồi sốt-de bằng củi” (tr. 370). Từ đó trở về sau, ta quen gọi kinh xáng là con kinh do xáng đào, chứ không phải đào bằng tay như trước kia. Từ xáng, còn có các từ phái sinh như xáng cạp, xáng múc/ xáng thổi, xáng xúc…

Kinh xáng mới đào, tàu Tây mới chạy

Thương em thương đại, đừng ngại gần xa.

Như một lẽ tự nhiên, xáng đã đi vào câu hát dân gian, và không gì ngạc nhiên khi nó tượng trưng cho sự trường cửu, vững chắc:

Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành

Tàu Tây liệt máy, em mới đành bỏ anh.

Đã thay thế cho cách ví von trước đó, chẳng hạn:

Chừng nào đá nổi vông chìm

Muối chua, chanh mặn, mới tìm được em.

Điều này cho thấy, xáng rất quen thuộc với người miền Nam, thậm chí, nhà văn Sơn Nam còn cho rằng xáng đã tạo ra: “Văn minh kinh xáng”, chứng tỏ trong thời đại mà đường bộ, đường hàng không phát triển mạnh, các con đường thủy vẫn đóng vai trò quan trọng” (“Tìm hiểu đất Hậu Giang”, tạp chí Văn hóa Á châu số 1.1959 - tr.87). Thế nhưng, do đâu lại có từ xáng, liệu có phải là từ vây mượn? “Việt Nam tự điển” (1970) của Lê Văn Đức cho biết xáng là từ tiếng Pháp “chaland” mà ra, ta quen đọc xà lan, nói theo “Việt Nam tân từ điển” (1965) của Thanh Nghị là “Tàu lớn không mui để chở đồ, đưa người qua sông…”. “Từ điển Việt-Hoa-Pháp” của Eugène Gouin (1957) lại giải thích: “Xáng: canot (xuồng)”. Xét ra, chaland và canot không phản ánh được tính cách của xáng như ta đã biết.

Trong khi đó, nhà ngôn ngữ Lê Ngọc Trụ lại cho rằng xáng là từ nôm: “Máy vét bùn, sông đào: hãng xáng, kinh xáng”, không liên quan gì đến sự vây mượn. Nếu thế, tôi lại phân vân vì sao quyển từ điển tiêu biểu nhất cho lời ăn tiếng nói của Nam Bộ như “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) lại bỏ sót? Và tự điển do người Bắc soạn như “Việt Nam tự điển” (1931) của Hội Khai trí tiến đức, chỉ có “xán” hiểu theo nghĩa “ném, quăng” cũng na ná cách giải thích của “Đại Nam quấc âm tự vị”: “Đập xuống, đánh bể”, chứ cả hai đều không có từ mục “xáng”. Nhân đây xin nói luôn với nghĩa trên, hiện nay, nhiều từ điển chấp nhận cả hai cách ghi xán/ xáng.

Rõ ràng, để hiểu ngọn ngành mỗi từ “xáng” cũng không dễ dàng.

Ta hãy trở lại với ăn như hạm/ ăn như cọp. Ừ, với con cọp, mọi thứ đều ăn tuốt/ ăn tuốt luốt/ ăn tuốt tuồn tuột - thế nhưng trong ngữ cảnh “Ăn giày, ăn tất” thì tất ở đây chính là vớ, tất thường được sử dụng khi mang giày, mang cho ấm chân. Thông thường đã đi giày thì phải mang thêm tất. Trong một bài phú, nhà thơ Tú Xương cho biết: “Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng”. Vậy, xin hỏi luôn tất/ bít tất có phải từ vây mượn?

Theo “Việt ngữ chính tả tự vị” của Lê Ngọc Trụ: “Bít (tất) là bí tất đọc trại - chánh chữ là tế tất, (chữ tế, giọng Trung Hoa đọc là pí) là đồ che đầu gối khi quỳ lạy; đồ mang dưới chưn; đôi vớ”. Trong khi đó, “Việt Nam tân từ điển” (1965) của Thanh Nghị lại cho rằng, bít tất vây mượn từ tiếng Pháp: “(bas, chaussette), vớ, tất”. Cách giải thích của Lê Ngọc Trụ hợp lý hơn chăng? Mà tất cũng là ắt, hẳn, phải vậy rồi, tất nhiên - tỷ như ta thường nghe các câu như Có làm tất có ăn; đánh tất thắng….

Đứng đây quyết đợi một thì

Đợi chàng tất phải có khi gặp chàng.

Ta hiểu “tất phải” thì thể nào cũng phải xảy ra trong trường hợp cụ thể nào đó, na ná như tất nhiên. À, đã đọc đến đây rồi thì… tất nhiên cái gì nhỉ? Thí dụ, đã là người Sài Gòn, tất nhiên ai lại không nhớ đến có câu cửa miệng được giới trẻ trước năm 1975 đặt vần vè, dễ nhớ: “Ăn bò bía, uống nước mía, mặc đồ vía, dạo Bạch Đằng”. Ấy là cái thú của giới trẻ khi bát phố/ dạo phố trong những ngày đẹp trời. Đồ vía là bộ quần áo đẹp nhất, kẻng nhất mà mình sắm được. Còn bò bía là gì?

Dễ ợt. Dễ ẹt.

Từ điển mở Wikipedia giải thích: “Bò pía, (còn gọi là pía hay bánh pía), (tiếng Phúc Kiến: poh-piá) là món cuốn theo phong cách ẩm thực Triều Châu (Quảng Đông) và Phúc Kiến, Trung Quốc, hiện phổ biến ở Đài Loan, Singapore và Malaysia”. Liệu chừng bò bía có ai gọi là bánh pía không? Không hề. Vì rằng, bánh pía lại là loại bánh khác với bò bía, theo “Phương ngữ Nam Bộ” (NXB Hội Nhà văn -2015) của Bùi Thanh Kiên: “Bánh pía: (pía< Hán Việt: bính - đọc giọng Triều Châu), loại bánh nướng tròn hơi dẹt nhân ngọt hoặc nhân đậu xanh. Bánh pía thì đâu cũng có làm nhưng bánh pía Sóc Trăng thì ngon nhất” (tr.121). Thế thì, bò bía là bò bía, bánh pía là bánh pía chứ không thể “còn gọi” như thông tin trên.

Lại nữa, về bò bía cũng còn có cách giải thích khác. Cụ thể, “Tầm nguyên từ điển Việt Nam” (NXB TP.HCM - 1993) của Lê Ngọc Trụ cho biết: “Bò bía (pọt pi-éng, Triều Châu), bạc bính (Hán Việt). Món ăn gồm bánh mỏng tráng bằng bột mì trông như bánh tráng (bánh đa), gói củ sắn xắt sợi xào, có tôm khô, lạp xưởng, đậu phộng, trứng chiên, phết tương lên rồi cuốn thành hình như gỏi cuốn” (tr.480). Rõ ràng, bò bía là từ vây mượn. Với tên gọi loại bánh kèm theo từ bò, trước đó, người Việt chỉ có:

Hai tay bưng quả bánh bò

Giấu cha giấu mẹ cho trò đi thi.

Hoặc:

Vái ông Tơ một dĩa bánh bò bông

Cùng bà Nguyệt lão gắng công se giùm.

Về bánh bò, cách giải thích tên gọi của nó cũng không giống nhau, chẳng hạn, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) của Huình Tịnh Paulus Của cho rằng: “Thứ bánh đổ giống cái vú con bò”; và khi dùng cái chén để đong bột để đổ bánh bò được gọi chén bánh bò. Do hình thù cái bánh giống vú con bò nên “chết tên” bánh bò? “Việt Nam tự điển” (1931) lại cho rằng: “Bánh bò: Tên một thứ bánh đổ vào chén, khi hấp thì bột nó bò lên miệng chén nên gọi là bánh bò”. Gần đây nhất, “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) có cách lý giải như sau: “Bánh bò: Bánh hấp có hình như ba cái tai bò, mềm và xốp, làm bằng bột gạo tẻ, đường và men”. Xét ra cách giải thích của ông Huình Tịnh Paulus Của hợp lý hơn cả, đơn giản trước đây người ta còn gọi bánh vú bò mà ông cho rằng sở dĩ gọi thế do người ta gọi tên theo hình thù của cái bánh, thí dụ bánh ếch “bánh giống hình con ếch, cũng kêu là bánh ít”.

Ghe không tay sao kêu ghe vạch?

Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?

Thì bò trong bánh bò ở đây là một cách chơi chữ độc đáo. Bò này không phải chỉ loài động vật nhai lại, có sừng, hình thù giống con trâu nhưng bé hơn, không dai sức bằng trâu nên mới có câu Yếu trâu khỏe bò, và màu da thì Vàng có mà bò, to có mà voi như ông bà ta đúc kết. Ở câu trên do có từ cẳng/ chân nên ta biết bò là nhằm chỉ động tác di chuyển bằng hai tay và hai đầu gối hoặc áp gần sát đất, cử động toàn thân để tiến tới hay thoái lui một cách chậm chạp. Có nhiều cách bò như bò toài, bò như cua, bò như rùa, bò lê bò càng, bò lê bò la, bò la bò lết, bò lăn bò lóc, bò càng bò niểng…

Khi trồng loại dây leo, nhánh cây non ngày một vươn lên cao, người ta cũng gọi là bò, tỷ như mướp bò lên giàn… Nếu loại thực vật đó chỉ phát triển bằng cách nằm bò dưới đất gọi “bò lan”, nhưng gọi “bò sát” lại dành để chỉ động vật có xương sống, không chân hoặc chân ngắn, di chuyển bằng cách bò sát mặt đất như rắn, thằn lằn, tắc kè, cá sấu, rùa… Không hiểu sao, người Việt thường hay nói Ngu như bò/ Ngu như trâu. Nếu ngu thì sao khi đang cày, người điều khiển cày chỉ cần hô “tắc” nó liền sang phải; hô “rì” là nó qua trái; muốn nó dừng lại thì hô “hò/ họ”? Chứng tỏ nó đâu có ngu. Vì thế khi nghe câu:

Con bò có một cái u

Làm trai hai vợ thì… ngu như bò

Liệu có là ngu? Không dám bình luận gì thêm.

Trở lại với câu Ăn giày, ăn tất, ăn cả đất ta còn thấy gì? Một khi đã “ăn giày” rồi “ăn tất”, đúng là ăn sạch sành sanh. Vẫn chưa đủ, còn “ăn cả đất” nữa, thiệt quá quắt. Đừng quên trong tiếng Việt, từ “ăn đất”, than ôi, nó lại đồng nghĩa với bị đất kêu, ăn bùn, ăn bom, ăn đạn, ăn muối, ăn xôi nghe kèn… tức là ngủm củ tỏi, đi vào lòng đất mẹ, lúc ấy chỉ ba tấc đất là cùng! Vậy, sao cái lúc đang sống sờ sờ ra đó, nhiều người cực kỳ khoái “ăn đất” (nghĩa đen) để rồi “ăn đất” (nghĩa bóng) không kịp ngáp?

Từ khóa » Cái Xáng Cạp Là Gì