Ân Xá - Đại Xá - Đặc Xá Trong Những Sự Kiện Trọng đại, Ngày Lễ Lớn ...

Năm nay, nhân ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9, Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, có đủ điều kiện.

3

Có thể bạn đã biết, ân xá – đại xá – đặc xá được hiểu nôm na là sự khoan hồng của Nhà nước: miễn giảm TNHS hoặc miễn giảm hình phạt đối với những người phạm tội nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt. Điều này mở ra cơ hội giúp họ nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội.

Tại bài viết này, ThinkSmart sẽ giúp bạn hiểu rõ nội dung và so sánh sự khác biệt giữa ân xá, đặc xá và đại xá.

1. Ân xá là gì?

Hiện nay chưa có quy định pháp luật cụ thể về ân xá. Trên thực tế, ân xá được hiểu là đặc ân của nhà nước trong việc miễn giảm TNHS hoặc hình phạt với người phạm tội. Có hai hình thức ân xá đó là: đại xá và đặc xá.

2. Đại xá là gì?

a) Khái niệm

Đại xá là sự khoan hồng của Nhà nước nhằm tha tội hoàn toàn cho một số loại tội phạm nhất định với hàng loạt người phạm tội nhân sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước.

b) Bản chất

“Đại xá” là một chính sách khoan hồng của Nhà nước, trong đó thực hiện việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, tha tội hoàn toàn cho một số loại tội phạm hoặc nhiều người phạm tội nhất định không phân biệt họ đang chấp hành hình phạt, đã bị truy tố hay xét xử hay chưa. 

c) Đối tượng được đại xá

Đại xá có thể được quyết định đối với nhóm người phạm tội hoặc đối với tội phạm hoặc kết hợp cả hai đối tượng. Đối tượng được đại xá là người phạm tội thực hiện các hành vi nêu trong văn bản đại xá, đang trong giai đoạn bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

d) Thẩm quyền

Đại xá thuộc thẩm quyền của Quốc hội được quy định tại khoản 11 Điều 70 Hiến pháp năm 2013.

e) Cơ sở thực hiện

Quyết định đại xá thường được đưa ra trong phiên họp Quốc hội; và được các đại biểu thống nhất thông qua.

g) Hậu quả pháp lý

Người đã được đại xá được coi như không phạm tội và họ sẽ không có án tích.

3. Đặc xá là gì?

a) Khái niệm

Khoản 1 Điều 3 Luật đặc xá năm 2018 có quy định: “Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.”

b) Bản chất

Là việc miễn chấp hành hình phạt cho người đang bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân để họ có thể được tha tù, không phải chấp hành hình phạt tù nữa, ra tù sớm hơn thời gian mà họ phải chấp hành theo bản án, quyết định của Tòa án. Việc đặc xá chỉ được thực hiện khi nhân những dịp lễ quan trọng của đất nước hoặc trường hợp đặc biệt với những điều kiện nhất định. 

c) Đối tượng được đặc xá

– Đối tượng được áp dụng việc “đặc xá” theo quy định tại Điều 2 Luật đặc xá năm 2018 không phải là tất cả người phạm tội mà chỉ áp dụng đối với người phạm tội đã bị kết án tù có thời hạn hoặc là tù chung thân mà đáp ứng những điều kiện nhất định. Trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đang chấp hành hình phạt tù, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà không phụ thuộc vào các điều kiện được đề nghị đặc xá (Điều 22 Luật đặc xá năm 2018).

– Nếu đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian nhất định theo quyết định của Chủ tịch nước (ít nhất 1/3 thời gian phạt tù phải chấp hành theo nội dung bản án) trường hợp tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn thì phải chấp hành được ít nhất là 14 năm và trong quá trình thi hành án phạt tù đã có biểu hiện tốt, chấp hành tốt các nội quy, quy chế của nơi giam giữ, được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên, chấp hành xong các hình phạt bổ sung khác và không thuộc vào một trong các trường hợp không được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật đặc xá năm 2018 thì người bị kết án phạt tù được đề nghị đặc xá. Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội đã từng được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời gian đã được giảm sẽ không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù.

d) Thẩm quyền

Đặc xá thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước được Hiến pháp quy định (Điều 103), là hình thức miễn giảm trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt cho từng người cụ thể đã thực hiện tội phạm. 

e) Cơ sở thực hiện

Trên cơ sở danh sách những người đủ điều kiện được Hội đồng đặc xá Trung ương trình lên, Chủ tịch nước xem xét và ra quyết định đặc xá đối với từng trường hợp cụ thể khi người đề nghị đặc xá đáp ứng được điều kiện quy định tại Điều 11 Luật Đặc xá năm 2018.

g) Hậu quả pháp lý

Người được đặc xá không phải chấp hành hình phạt tù còn lại. Họ chỉ phải tiếp tục chấp hành các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án (nếu có). Người được đại xá vẫn là người có án tích và việc xóa án tích đối với họ thực hiện theo quy định của BLHS.

3. Phân biệt đặc xá và đại xá?

Đặc xá và đại xá là hình thức của ân xá, vì thế, chúng ta chỉ cần phân biệt thế nào là đại xá, đặc xá.

Tiêu chí phân biệt Đại xá Đặc xá
Khái niệm Là một biện pháp khoan hồng của Nhà nước nhằm tha tội hoàn toàn và triệt để cho một số loại tội phạm nhất định đối với hàng loạt người phạm tội. Là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Thẩm quyền Quốc hội Chủ tịch nước
Đối tượng áp dụng Người phạm tội trong giai đoạn đã hoặc chưa bị truy tố, xét xử, thi hành án. Áp dụng cho người phạm tội đang trong giai đoạn thi hành án phạt tù (tù có thời hạn, tù chung thân).
Phạm vi áp dụng Rộng. Chỉ loại trừ đối với một số tội phạm nguy hiểm mà nếu đại xá sẽ ảnh hưởng lớn đến trật tự xã hội và an ninh quốc gia. Hẹp. Áp dụng cho người phạm tội cụ thể theo tình hình thực tiễn. Phải đáp ứng một số điều kiện mới được đề nghị đặc xá.
Thời điểm áp dụng Những dịp quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước Nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc như ngày 02/09 hoặc 30/4 hàng năm;Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Giai đoạn áp dụng Từ giai đoạn tố tụng đến giai đoạn thi hành án hình sự Chỉ áp dụng từ giai đoạn thi hành án hình sự.
Bản chất Miễn trách nhiệm hình sự cho một số loại tội phạm hoặc một loạt người phạm pháp nhất định đã hoặc chưa bị truy tố, xét xử, thi hành án. Là việc miễn chấp hành hình phạt cho người đang bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân để họ có thể được tha tù, không phải chấp hành hình phạt tù nữa, ra tù sớm hơn thời gian mà họ phải chấp hành theo bản án, quyết định của Tòa án. Việc đặc xá chỉ được thực hiện khi nhân những dịp lễ quan trọng của đất nước hoặc trường hợp đặc biệt với những điều kiện nhất định.
Điều kiện hưởng Phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị xã hội, diễn biến tội phạm Đáp ứng quy định tại Điều 11 Luật Đặc xá năm 2018
Hậu quả pháp lý Người phạm tội đang ở giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử đều được miễn trách nhiệm hình sự– Nếu đã bị tuyên hình phạt, đang chấp hành hình phạt thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại và được xóa án tích– Nếu đã chấp hành xong hình phạt hay các quyết định khác của Tòa án thì được xóa án tích Người được đặc xá sẽ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại nhưng không được xóa án tích ngay và vẫn có tiền án trong lí lịch tư pháp.

4. Lời kết

Đại xá, đặc xá là một chủ trương lớn, có ý nghĩa chính trị quan trọng, khẳng định chính sách khoan hồng đặc biệt của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc ta đối với người phạm tội bị kết án phạt tù; đồng thời, động viên, khuyến khích người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động, cải tạo để được hưởng đặc xá; giúp đỡ người đặc xá ổn định cuộc sống, phấn đấu rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội.

Từ khóa » đặc Xá Khác đại Xá