Quy định Về ân Xá, đặc Xá, đại Xá, Tha Tù Trước Thời Hạn
Con người ai cũng từng phạm sai lầm. Và ai cũng cần sự tha thứ khi họ đã biết “ăn năn hối lỗi”, nhận ra được lỗi lầm của mình. Người phạm tội cũng vậy. Đối với hành vi phạm tội của mình, tội phạm đã phải chịu trách nhiệm pháp lý, chịu sự trừng phạt của pháp luật và sự lên án của xã hội. Do vậy, khi họ đã nhận ra lỗi lầm của mình, bên cạnh sự tha thứ của dư luận xã hội thì họ cũng cần nhận được chính sách khoan hồng của pháp luật khi họ đã có nhiều tiến bộ trong việc chấp hành hình phạt để họ sớm trở lại với gia đình, với những người thân của họ, làm lại cuộc đời.
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Chính bởi vậy, trên cơ sở thực hiện chính sách nhân đạo, pháp luật cũng có những quy định để giảm nhẹ mức hình phạt tạo điều kiện cho người phạm tội sớm quay trở lại cuộc sống bình thường, thông qua những quy định về ân xá, đặc xá, đại xá, tha tù trước thời hạn. Vậy ân xá, đặc xá, đại xá, tha thù trước thời hạn là gì? Để xác định về vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, đội ngũ luật sư và chuyên viên Luật dương gia sẽ đề cập đến các quy định về ân xá, đặc xá, đại xá, tha tù trước thời hạn.
Hiện nay, đối với các chính sách về “ân xá”, “đặc xá”, “đại xá”, “tha tù trước thời hạn” thì trong quy định của pháp luật hiện hành không có bất kỳ văn bản nào quy định cụ thể hay giải thích về khái niệm “ân xá”. Còn chính sách “đại xá” đối với người phạm tội cũng chỉ được nhắc đến trong quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 mà không có quy định cụ thể về vấn đề này. Trong khi đó quy định về chính sách “đặc xá” và “tha tù trước thời hạn” được quy định cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, Luật đặc xá năm 2007 và Nghị quyết 01/2018/NĐ-HĐTP. Cụ thể như sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Ân xá là gì? Quy định về ân xá:
- 2 2. Đại xá là gì? Quy định về đại xá:
- 3 3. Đặc xá là gì? Quy định về đặc xá:
- 4 4. Quy định về tha tù trước thời hạn:
- 5 5. Có phải nộp quyết định đặc xá cho công an xã không?
- 6 6. Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người được đặc xá:
1. Ân xá là gì? Quy định về ân xá:
Như đã phân tích, hiện tại không có bất kỳ văn bản pháp luật nào đề cập hay quy định hay giải thích về khái niệm ân xá. Tuy nhiên, nếu hiểu theo từ điển Tiếng Việt online thì ân xá được xác định là hoạt động, là quyết định miễn hoặc giảm hình phạt cho người phạm tội (phạm nhân) đã năn năn hối cải do cơ quan quyền lực nhà nước hoặc nguyên thủ quốc gia ban hành trên cơ sở những điều kiện nhất định nhân dịp những ngày lễ trọng đại của dân tộc. Khái niệm này cũng được đề cập tại trang web Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) thì ân xá được xác định là một trong những chính sách đặc ân của nhà nước về mặt pháp lý trong việc thực hiện chính sách nhân đạo khoan hồng, để miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt cho người phạm tội. “Ân xá” có thể được thể hiện dưới hai hình thức “đại xá” hoặc “đặc xá”.
2. Đại xá là gì? Quy định về đại xá:
Cũng giống như “ân xá”, khái niệm “đại xá” cũng không được quy định cụ thể tại bất cứ văn bản pháp luật nào. Tuy nhiên, trong từ điển tiếng Việt online cũng có giải thích về khái niệm “đại xá” là một hình thức tha tội cho hàng loạt người phạm tội (không phân biệt họ đã phải chấp hành hình phạt hay chưa, hoặc đã bị truy tố, xét xử hay chưa) do người đại diện cho quyền lực nhà nước (nguyên thủ quốc gia) hoặc cơ quan quyền lực nhà nước ban hành.
Trên cơ sở khái niệm “đại xá” được đề cập trong từ điển Tiếng Việt online được xác định ở trên, kết hợp với nội dung khái niệm được giải thích tại trang web Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở), có thể hiểu, “đại xá” là một trong những hình thức pháp lý của hoạt động “ân xá”, là chính sách thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước trong đó tha tội hoàn toàn (“tha bổng”) đối với một số loại tội phạm nhất định đối với hàng loạt (rất nhiều) người phạm tội trên quy mô lớn do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành và quyết định nhân sự kiện đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của một quốc gia. Ở Việt nam, hiện nay, theo Hiến pháp năm 2013, chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định “đại xá” (Theo Điều 70 Hiến pháp năm 2013).
Trên cơ sở những khái niệm và quy định nêu trên, có thể khái quát nội dung về chính sách “đại xá” trên một số khía cạnh như sau:
– Về mặt bản chất: “Đại xá” là một chính sách khoan hồng của Nhà nước, trong đó thực hiện việc không truy cứu trách nhiệm hình sự, tha tội hoàn toàn, miễn hình phạt cho một số loại tội phạm hoặc nhiều người phạm tội nhất định không phân biệt họ đang chấp hành hình phạt, đã bị truy tố hay xét xử hay chưa.
– Đối tượng áp dụng: Là những người phạm tội trong tất cả các giai đoạn tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) hoặc đang thực hiện việc thi hành án.
– Điều kiện áp dụng: Được áp dụng trong những sự kiện trọng đại, dịp quan trọng trong đời sống chính trị của quốc gia. Ở Việt Nam, Quốc hội sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế xã hội, đời sống chính trị và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và tình trạng phạm tội để quyết định về việc đại xá hay không đại xá đối với những hành vi phạm tội hoặc loại tội phạm nào.
– Phạm vi áp dụng: Áp dụng trên phương diện rộng, với hàng loạt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội theo điều kiện nhất định.
– Hậu quả pháp lý: Như đã phân tích, việc “đại xá” thể hiện sự khoan hồng, mang bản chất là “tha tội hoàn toàn” cho người phạm tội nên người được áp dụng biện pháp đại xá sẽ được xác định từ “người phạm tội” thành người không có tội, và sẽ không có án tích khi xem xét về lý lịch tư pháp. Người phạm tội sau khi được “đại xá” thì sẽ trở thành một công dân bình thường.
– Văn bản pháp lý quy định về vấn đề đại xá: Chỉ được nêu tên trong Hiến pháp năm 2013, và Bộ luật Hình sự năm 2015, mà không có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể về khái niệm, bản chất hay các nội dung cụ thể của vấn đề này.
3. Đặc xá là gì? Quy định về đặc xá:
Mặc dù là một trong những hình thức “ân xá”, nhưng khác với chính sách “đại xá”, pháp luật có quy định cụ thể về vấn đề “đặc xá” trong nhiều văn bản pháp luật như Hiến pháp năm 2013, Bộ luật hình sự năm 2015, và cụ thể là Luật Đặc xá năm 2007, Nghị định 76/2008/NĐ-CP. Trên cơ sở những văn bản pháp luật được xác định ở trên, có thể khái quát quy định về việc “đặc xá” như sau:
- Khái niệm “đặc xá”:
Hiện nay, khái niệm đặc xá được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 3 Luật đặc xá năm 2007, theo đó, đặc xá được hiểu là chính sách của Nhà nước, theo đó Chủ tịch nước sẽ ra những quyết định nhằm tha tù trước thời hạn cho những người bị kết án với mức hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân trong những sự kiện trọng đại, dịp lễ lớn của đất nước hoặc trong những trường hợp đặc biệt theo quy định. Việc “đặc xá” thể hiện sự khoan hồng đặc biệt, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội.
- Bản chất của việc “đặc xá”:
Là việc miễn toàn bộ hoặc một phần hình phạt hoặc giảm nhẹ hình phạt cho người đang bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân để họ có thể được tha tù, không phải chấp hành hình phạt tù nữa, ra tù sớm hơn thời gian mà họ phải chấp hành theo bản án, quyết định của Tòa án. Việc đặc xá chỉ được thực hiện khi nhân những dịp lễ quan trọng của đất nước hoặc trường hợp đặc biệt với những điều kiện nhất định.
- Đối tượng được áp dụng việc “đặc xá”
Khác với trường hợp “đại xá”, đối tượng được áp dụng việc “đặc xá” theo quy định tại Điều 2 Luật đặc xá năm 2007 không phải là tất cả người phạm tội mà chỉ áp dụng đối với người phạm tội đã bị kết án tù có thời hạn hoặc là tù chung thân mà đáp ứng những điều kiện nhất định.
- Điều kiện để được đề nghị đặc xá:
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật đặc xá năm 2007, người bị kết án phạt tù được đề nghị đặc xá khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Trong quá trình thi hành án phạt tù đã có biểu hiện tốt, chấp hành tốt các nội quy, quy chế của nơi giam giữ, được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên.
– Đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian nhất định theo quyết định của Chủ tịch nước, trong đó phải đảm bảo điều kiện: nếu là người đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn thì ít nhất phải chấp hành được 1/3 thời gian phạt tù phải chấp hành theo nội dung bản án; nếu là người đang chấp hành án tù chung thân thì ít nhất phải chấp hành được 14 năm. Trường hợp người phạm tội đã từng được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời gian đã được giảm sẽ không được tính vào thời gian đã chấp hành hình phạt tù.
Trong đó cần lưu ý: Đối với những trường hợp người phạm tội bị kết án tù nhưng chấp hành tốt quy chế nội quy, cải tạo được xếp loại khá và đã thực hiện xong các vấn đề hình phạt bổ sung (nếu là phạm tội về tham nhũng hoặc một số tội khác theo quy định) thì thời gian đã chấp hành án phạt tù phải đáp ứng để được xem xét đề nghị “đặc xá” có thể ngắn hơn thời gian quy định nêu trên nếu thuộc một trong các trường hợp như:
+ Lập công lớn
+ Người có công với cách mạng là thương binh, bệnh binh, anh hùng lực lượng vũ trang được tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến, danh hiệu dũng sĩ và các trường hợp là thân nhân gia đình liệt sĩ, con của bà mẹ Việt nam anh hùng hoặc con của người có công với cách mạng.
+ Bị bệnh hiểm nghèo, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.
+ Người chưa thành niên phạm tội, bị kết án tù; người già cả từ đủ 70 tuổi trở lên.
+ Gia đình đặc biệt khó khăn mà họ là lao động duy nhất tạo ra thu nhập nuôi sống thân nhân có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định
+ Trường hợp khác theo quyết định của Chủ tịch nước.
– Phải chấp hành xong các hình phạt bổ sung khác (như phạt tiền, tiền bồi thường, án phí, nghĩa vụ khác) nếu người đề nghị đặc xá là người bị kết án về các tội về tham nhũng hoặc một số tội khác theo quy định của Chủ tịch nước.
– Không thuộc vào một trong các trường hợp không được đề nghị đặc xá theo quy định của Luật đặc xá năm 2007, cụ thể không thuộc trường hợp:
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác.
+ Đã từng được đặc xá.
+ Người bị kết án đang có ít nhất hai tiền án trở lên.
+ Đang trong quá trình giải quyết kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án hoặc quyết định của Tòa án mà người bị kết án này đang phải chấp hành.
– Thực hiện đầy đủ hồ sơ đề nghị đặc xá.
- Thẩm quyền quyết định việc đặc xá:
Đối với việc “đặc xá”, theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013, quy định trong Luật đặc xá năm 2007 thì thẩm quyền quyết định việc đặc xá thuộc về Chủ tịch nước.
- Thời điểm áp dụng việc “đặc xá”:
Việc “đặc xá”, theo quy định tại Luật đặc xá năm 2007, được thực hiện và áp dụng trong nhân những ngày lễ lớn hoặc những sự kiện trọng đại của đất nước hoặc trong một số trường hợp đặc biệt mà việc đặc xá nhằm đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
- Hậu quả pháp lý của việc “đặc xá”:
Khác với chính sách “đại xá”, việc “đặc xá” không làm cho người phạm tội (người bị kết án) trở thành người không có tội, hay không có án tích trong nội dung lý lịch của người đó, mà mục đích của “đặc xá” là chính sách khoan hồng, chỉ giúp cho người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt còn lại, để họ sớm trở về với gia đình, với xã hội, làm lại cuộc đời. Họ không được xóa án tích luôn tại thời điểm đặc xá mà trong lý lịch tư pháp của họ vẫn thể hiện là có tiền án, có án tích, và chỉ được xóa án tích nếu đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 70, 71, 72, 73 Bộ luật hình sự năm 2015 như trường hợp chấp hành án thông thường.
4. Quy định về tha tù trước thời hạn:
Cùng với “đại xá” và”đặc xá”, việc “tha tù trước thời hạn” cũng được xác định là một trong những chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội được quy định cụ thể tại trong đó:
- Khái niệm “tha tù trước thời hạn”:
Căn cứ theo quy định tại Điều 66, Điều 106 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2015 và quy định tại Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP thì tha tù trước thời hạn được hiểu là trường hợp người đang chấp hành án phạt tù được Tòa án miễn chấp hành hình phạt tù còn lại, không cần phải tiếp tục chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ mà được ra tù trước thời hạn phải chấp hành và trường hợp này chỉ được thực hiện khi đã xác định họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự.
- Về mặt bản chất:
“Tha tù trước thời hạn”, như đã phân tích, được xác định là việc tha, miễn chấp hành hình phạt tù còn lại khi đáp ứng điều kiện mà pháp luật quy định, không phụ thuộc vào thời điểm nào.
- Đối tượng áp dụng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 66, Điều 106 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP thì đối tượng được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn được xác định bao gồm:
+ Người bị kết án và đang chấp hành hình phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng mà đáp ứng các điều kiện nhất định mà pháp luật quy định.
+ Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù mà đáp ứng các điều kiện nhất định mà pháp luật quy định.
Đặc biệt lưu ý: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 thì một số trường hợp không được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn, cụ thể như sau:
+ Người bị kết án về các tội xâm phạm đến an ninh quốc gia được quy định tại Chương XIII Bộ luật hình sự năm 2015, như Tội phản bội Tổ quốc, Tội họa động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân…
+ Người bị kết án về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh được quy định tại Chương XXVI Bộ luật hình sự năm 2015.
+ Người bị kết án về một trong các tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người với lỗi cố ý mà mức án phạt là từ 10 năm tù trở lên.
+ Người phạm tội bị kết án về một trong các tội như Tội cướp tài sản(Điều 168), Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169), Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) và Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy (Điều 252) mà mức án phạt tù được áp dụng là từ 07 năm tù trở lên.
+ Người bị kết án tử hình đã được ân giảm hoặc thuộc trường hợp bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nhưng đã chủ động khắc phục bằng việc nộp lại tài sản tham ô hoặc phối hợp với cơ quan điều tra trong việc điều tra.
- Điều kiện để được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn:
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 và Điều 2, 3, 4 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP thì điều kiện chung để được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn gồm những điều kiện sau:
– Người đang thi hành án phạt tù đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
– Đây là trường hợp phạm tội lần đầu.
– Trong quá trình chấp hành án phạt tù thì đã thực hiện tốt Nội quy của trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù từ loại khá trở lên.
– Có nơi cư trú rõ ràng.
– Đã chấp hành xong các hình phạt bổ sung theo bản án như hình phạt tiền, án phí, hay tiền bồi thường thiệt hại (nếu có)
– Đã chấp hành xong ít nhất 1/2 mức thời hạn phạt tù đối với hình phạt tù có thời hạn, hoặc ít nhất 15 năm nếu hình phạt mà họ đang chấp hành là tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Tuy nhiên, thời hạn đã chấp hành án phạt tù để được xem xét “tha tù trước thời hạn” có thể được giảm xuống là 1/3 hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đối với trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng (cụ thể là thương binh, bệnh binh), thân nhân gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, người từ đủ 70 tuổi, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng.
Riêng đối với trường hợp người đang chấp hành án phạt tù là người dưới 18 tuổi thì thời gian đã chấp hành án phạt tù để được xem xét “tha tù trước thời hạn” cũng chỉ cần đáp ứng là 1/3 thời hạn phạt tù cần phải chấp hành.
– Không thuộc trường hợp không được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 66 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2015.
- Thẩm quyền quyết định việc áp dụng biện pháp “tha tù trước thời hạn”.
Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp “tha tù trước thời hạn” theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP và khoản 3, 4 Điều 66 Bộ luật hình sự năm 2015 được xác định là thuộc về Tòa án.
- Hậu quả pháp lý:
Người được “tha tù trước thời hạn” thì sẽ được miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại, nhưng họ phải thực hiện nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách sau khi được “tha tù trước thời hạn” mà người bị kết án có hành vi cố ý vi phạm nghĩa vụ hoặc bị xử phạt hành chính từ 02 lần trở lên thì tùy vào từng trường hợp, họ có thể bị Tòa án hủy quyết định “tha tù trước thời hạn” và buộc phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù.
Như vậy, “ân xá”, “đại xá”, “đặc xá”, hay “tha tù trước thời hạn” đều được đều là những biện pháp thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội khi họ đã có những tiến bộ rõ rệt trong quá trình chấp hành án hoặc nhân dịp có sự kiện trọng đại hay ngày lễ lớn của đất nước. Mỗi một biện pháp đều được áp dụng trong những hoàn cảnh khác nhau với những điều kiện khác nhau. Cho dù khác nhau về bản chất, đặc điểm và đối tượng áp dụng nhưng tất cả những biện pháp này đều tạo điều kiện cho người phạm tội sớm được ra tù, hoặc được hưởng với mức phạt tù nhẹ hơn để họ sớm trở về với cuộc sống bình thường.
5. Có phải nộp quyết định đặc xá cho công an xã không?
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi một vấn đề như sau, tôi mới nhận được quyết định đặc xá vào ngày 2/9/2015. Khi về chính quyền địa phương tôi có đến khai báo đầy đủ thông tin, khi tôi được đặc xác thì cán bộ trại giam nói tôi phải giữ giấy chứng nhận đặc xá. Tuy nhiên khi tôi lên bên công an xã thì họ yêu cầu tôi nộp luôn cho họ, như vậy có đúng hay không? Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Luật thi hành án hình sự 2010:
Thứ nhất: Cơ quan đã cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù, giấy chứng nhận đặc xá có trách nhiệm gửi giấy chứng nhận đó cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan chịu trách nhiệm thi hành các hình phạt bổ sung.
Thứ hai: Gửi cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành xong án phạt tù về cư trú, làm việc, cơ quan nhận phạm nhân trích xuất và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự.
Thứ ba: Nội dung thông báo gồm kết quả chấp hành án phạt tù, hình phạt bổ sung mà phạm nhân còn phải chấp hành và thông tin cần thiết khác có liên quan để xem xét, sắp xếp, tạo lập cuộc sống bình thường cho người đó. và thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự.
Mặt khác, Theo Điều 20 Luật Đặc xá năm 2007 quy định về quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá như sau:
“Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá
1. Người được đặc xá có quyền:
a) Được cấp Giấy chứng nhận đặc xá;
b) Được chính quyền địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan tạo điều kiện, giúp đỡ để hoà nhập với gia đình và cộng đồng;
c) Được hưởng các quyền khác như đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù theo quy định của pháp luật.
2. Người được đặc xá có nghĩa vụ:
a) Xuất trình Giấy chứng nhận đặc xá với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú;
b) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết;
c) Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.”
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, giấy xác nhận đặc xá này sẽ do bên cơ quan đã cấp gửi về Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức nơi bạn chấp hành xong án phạt tù về cư trú, không được yêu cầu bạn nộp lại giấy chứng nhận đặc xá. Nói cách khác, bạn chỉ có nghĩa vụ xuất trình quyết định đặc xá với cơ quan chính quyền địa phương nơi bạn có hộ khẩu thường trú.
6. Cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người được đặc xá:
Tóm tắt câu hỏi:
Cho tôi hỏi người có 1 tiền án về tội cướp giật tài sản và đặc xá về năm 2016 và muốn làm lý lịch tư pháp thì có hiển thị tiền án không? Và nếu có hiển thị mà muốn được chứng nhận không án tích để được đi làm liệu có được hay không và nếu được thì cần phải làm gì?
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, xin cấp phiếu lý lịch tư pháp:
Căn cứ Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định phiếu lý lịch tư pháp số 1 như sau:
“Điều 42. Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1
1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
2. Tình trạng án tích:
a) Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;
b) Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;
c) Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
3. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:
a) Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
b) Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, có một người bị kết án tội cướp giật tài sản và đã được đặc xá về năm 2016; trong trường hợp này, đối với thông tin trên phiếu lý lịch tư pháp số 1 sẽ hiển thị như sau:
+ Trường hợp chưa được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;
+ Trường hợp đã được xóa án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;
Mặt khác, Điều 64 Bộ luật hình sự 2015 quy định Đương nhiên được xoá án tích như sau:
“Những người sau đây đương nhiên được xoá án tích:
1. Người được miễn hình phạt.
2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;
d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm.”
Như vậy, bạn phải xác định người này bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cướp giật tài sản mấy năm tù, theo quy định trên tính đến nay người này đã đủ điều kiện xóa án tích hay chưa? Đã thực hiện thủ tục xóa án tích tại Tòa án hay chưa? Trường hợp người này được đặc xá có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, nếu họ đã được Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho người này sẽ ghi là “không có án tích”. Trường hợp, người đó vẫn trong thời hạn đang có án tích về tội phạm đã được đặc xá thì Phiếu lý lịch tư pháp sẽ ghi là “có án tích”. Nếu người được đặc xá đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự nhưng chưa được Tòa án cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì cơ quan cấp Phiếu có trách nhiệm xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người đó theo quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp.
Nếu người này đủ điều kiên xóa án tích theo quy định trên mà chưa thực hiện thủ tục xóa án tích thì thực hiện thủ tục xóa án tích như sau:
– Hồ sơ xin xóa án tích:
+ Đơn xin xóa án tích;
+ Các tài liệu như giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù của trại giam nơi thụ hình án cấp; giấy xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc thi hành xong các khoản bồi thường, án phí, tiền phạt; giấy chứng nhận không phạm tội mới do Công an Quận, Huyện nơi người bị kết án thường trú cấp;
+ Bản sao hộ khẩu;
+ Bản sao chứng minh nhân dân;
– Trình tự thực hiện:
+ Người xin xóa án tích nộp hồ sơ xin xóa án tích tại Tòa án đã xét xử sơ thẩm (có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường Bưu điện).
+ Tòa án cấp giấy chứng nhận hoặc ra Quyết định xóa án tích và người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.
– Thẩm quyền xét đơn xin xóa án tích: Tòa án đã xét xử sơ thẩm là Tòa án có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích, hoặc ra Quyết định xóa án tích.
Từ khóa » đặc Xá Khác đại Xá
-
Phân Biệt đặc Xá Với đại Xá - Dân Luật
-
Phân Biệt ân Xá, đại Xá, đặc Xá - LuatVietnam
-
Ân Xá, đại Xá Và đặc Xá Là Gì ? Phân Biệt ân Xá, đại Xá Và đặc Xá ?
-
Phân Biệt Đặc Xá Và Đại Xá - Công Ty Luật Hùng Thắng
-
Sự Khác Nhau Giữa đại Xá Và đặc Xá - Thế Giới Luật
-
Ân Xá - Đại Xá - Đặc Xá Trong Những Sự Kiện Trọng đại, Ngày Lễ Lớn ...
-
Phân Biệt đặc Xá, đại Xá Và Tha Tù Trước Thời Hạn Có điều Kiện
-
Phân Biệt ân Xá Và đặc Xá Trong Luật Hình Sự - Phan Law Vietnam
-
Phân Biệt ân Xá, đại Xá, đặc Xá - LSVN
-
Đại Xá Là Gì? Phạm Nhân được đại Xá Trong Trường Hợp Nào?
-
Phân Biệt đại Xá Và đặc Xá - Ngân Hàng Pháp Luật
-
ĐẠI XÁ, ĐẶC XÁ, THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN CÓ ĐIỀU KIỆN QUY ...
-
Phân Biệt ân Xá, đặc Xá Và đại Xá | Luật Sư Bảo Hộ Quyền Lợi, Tư Vấn ...
-
ÂN XÁ - SỰ KHOAN HỒNG CỦA NHÀ NƯỚC