Anh Hùng Nguyễn Văn Thương Trong Ký ức Của Những Cựu Tình Báo

Sáng 15-8, nhiều đồng đội của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương (Hai Thương) cùng hoạt động trong cơ quan tình báo đã đến viếng ông. Trong đó có Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh (tức Mười Nho) và Đại tá Nguyễn Văn Tàu. Cả hai ông đều từng là cán bộ điệp báo khu Sài Gòn-Chợ Lớn.

“Tiễn chú lần cuối và nhớ mãi”

Dù đã 94 tuổi nhưng khi nghe người đồng chí, người anh em của mình qua đời, Đại tá Nguyễn Xuân Mạnh (Mười Nho; từng là cán bộ điệp báo tại Lào, Campuchia; phụ trách tình báo chiến lược Xứ ủy Nam bộ, Trưởng ban Tình báo khu Sài Gòn-Chợ Lớn, Trưởng phòng Điệp báo Tổng cục 2-Bộ Quốc phòng) vẫn đến để thắp cho người cùng “vào sinh ra tử” một nén nhang.

“Hai Thương là đồng đội số một của tôi đó. Là người tình cảm nhất, cũng là người tôi thương mến nhất” - ông Mười Nho xúc động.

Ông Mười Nho đã 94 tuổi, vẫn đi taxi đến để viếng ông Hai Thương. Ông phải nhờ người dìu đi vì hai chân đã yếu. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Mười Nho kể rằng thời còn chiến tranh, ông được Cơ quan Tình báo Trung ương điều động về hoạt động ở TP.HCM. Hồi đó, ông là lính của ông Sáu Dân (tức cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy T4 Sài Gòn-Gia Định).

“Lúc đó lực lượng còn mỏng, có thêm vài người cùng gia nhập, trong đó có Hai Thương. Tôi nhận đồng chí Hai Thương làm người bảo vệ cho mình, đồng thời là liên lạc từ cơ quan đến tất cả các vùng khác. Hai anh em tôi cùng đi trong vùng địch từ Phú Mỹ Hưng đi về Thủ Đức, đi các nơi cho đến Bình Chánh rồi về tới huyện Trảng Bàng, Dầu Tiếng. Lên tới cơ quan của Trung ương Cục cũng chỉ có mình đồng chí Thương đi cùng tôi” - ông Mười Nho nhớ lại.

Gắn bó với nhau một thời gian dài, ông Mười Nho bảo cả hai anh em có quá nhiều kỷ niệm mà không thể kể hết ra ngay được.

“Đó là lần tôi phải lên Trung ương Cục, thời kỳ đó trời rất nắng, người ta trồng đậu phộng, rào gai xung quanh nên đi cực lắm. Vậy mà nghe tiếng máy bay của địch bay ở trên thì đồng chí Hai Thương nhanh tay liệng ngay chiếc xe đạp qua một bên, chồm lên ôm tôi nằm sấp xuống đất để bảo vệ cho tôi. Tội lắm, Thương bảo vệ tôi hết sức đặc biệt. Một người bảo vệ tốt” - ông Mười Nho kể.

Một lần khác, trong lúc phải di chuyển về Thủ Đức thì cả hai bị địch bao vây. “Được một gia đình chỉ điểm gần đó có một căn hầm cũ, hai anh em chui đại vào để tránh. Đến khi ra khỏi hầm thì cả hai đều bị ngứa, cứ gãi liên miên như có cây kim đâm vào da thịt hàng trăm, hàng ngàn mũi. Cả hai cứ đứng gãi mãi không thôi, sau mới biết căn hầm đó đã có hơn 10 năm, có con gì ở trong đó tôi cũng chẳng rõ lắm. Chỉ nhớ hôm đó ra khỏi hầm cả hai đứng gãi miết, giờ nhớ lại thấy vui vui” - ông Mười Nho kể lại.

Ông Mười Nho cùng mọi người đến thắp nhang cho người đồng đội, người anh em của mình. Ảnh: THANH TUYỀN

“Tiễn chú lần cuối và nhớ mãi” , ông viết trong bì thư khi đến viếng. Ảnh: THANH TUYỀN

Không chỉ vậy, trong ký ức của ông Mười Nho, ông Hai Thương còn là người sống tình cảm, luôn nhớ đến đồng đội của mình. Thời hai người cùng hoạt động với nhau, ông Mười Nho từng nói với ông Hai Thương: “Không được làm mất tài liệu. Hễ mất tài liệu là mất điệp viên, mà điệp viên là quý nhất”.

Từ đó, ông Hai Thương coi lời dạy của ông Mười Nho như một kim chỉ nam cho hoạt động tình báo của mình. Sau này, trong những cuộc giao lưu, trò chuyện với mọi người, ông Hai Thương đều nhắc lại lời dạy này cho mọi người cùng nghe.

“Tôi nói với ổng vậy, mà ai ngờ đi đến đâu ổng cũng nhắc đến lời tôi nói. Ổng tình cảm hết sức. Còn kể với mọi người rằng chính tôi là người dạy, huấn luyện ổng về mọi thứ. Bảo là nhờ lời dạy đó mà sau này dù có gian khó đến đâu cũng ráng làm theo lời tôi dạy rồi tiếp tục sống để quay về” - ông Mười Nho nhắc về người đồng chí của mình.

Cũng chính vì lời dặn dò đó, sau này khi bị địch bắt, ông Hai Thương đã nhất quyết không khai một lời nào về hoạt động cũng như các anh em tình báo của mình. “Ổng nói với tôi là thà để cho địch cắt chân đi chứ nhất quyết không thể khai. Ổng vậy đó. Hai chúng tôi nhiều chuyện gắn bó với nhau lắm, nói không hết đâu” - ông Mười Nho tâm tình.

Ông Mười Nho chia sẻ nỗi đau với bà Trần Thị Em - vợ ông Hai Thương. Ảnh: THANH TUYỀN

Khi nhận tin ông Hai Thương mất, ông Mười Nho bảo thấy hụt hẫng đi nhiều. Đến thắp nhang để tiễn đưa ông Hai Thương, ông Mười Nho viết trên bì thư dòng chữ: “Tiễn chú lần cuối và nhớ mãi”.

“Đáng lẽ chú phải đi trước nó đó chứ...”

Thắp nén nhang lên bàn thờ của ông Hai Thương, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang), Cụm trưởng cụm H63 Anh hùng từ năm 1962, là mạng lưới tình báo hậu thuẫn cho hoạt động của điệp viên Phạm Xuân Ẩn, trầm ngâm một lúc rất lâu.

Ông Tư Cang trầm ngâm rất lâu trước bàn thờ ông Hai Thương rồi mới thắp nhang. Ảnh: THANH TUYỀN

“Đáng lẽ chú phải đi trước nó đó chứ. Chú lớn tuổi hơn nó mà...” - ông quay sang nói với hai người con của ông Hai Thương.

“Đáng lẽ chú phải đi trước nó đó chứ. Chú lớn tuổi hơn nó mà..." - ông Tư Cang nói. Ảnh: THANH TUYỀN

Cùng ngồi với những người đồng đội xưa kia của mình, ông Tư Cang kể thời còn ở ấp chiến lược Phú Hòa Đông, ông Hai Thương là người trực tiếp đưa ông Tư Cang đi chiến trường. "Hai Thương đưa tôi qua sông Thị Tính. Đêm đó hai anh em ngủ lại gần đó rồi đến sáng bắt xe ôm về Sài Gòn theo chỉ thị” - ông Tư Cang nhớ lại.

Ông Tư Cang cùng với ông Hai Thương cũng đã cùng nhau đi xuồng qua cánh đồng Mỹ Phước. Lần đó, ông Hai Thương bị địch bắt.

Ông Mười Nho (góc trái ảnh) và ông Tư Cang (góc phải ảnh) dù tuổi đã cao vẫn đến viếng người đồng đội, đồng chí của mình. Ảnh: THANH TUYỀN

Cùng quây quần bên những người bạn từng hoạt động tình báo. Ảnh: THANH TUYỀN

Ông Mười Nho cùng những người bạn cũ ôn lại chuyện cũ trong đám tang ông Hai Thương. Ảnh: THANH TUYỀN

Khi được hỏi rằng có hoàn toàn tin vào đồng đội của mình hay không, ông Tư Cang trả lời dứt khoát: “Lính của mình mình biết nó chứ, toàn là những đứa gan ruột của mình mà. Thà chịu chết chứ không bao giờ chịu khai thủ trưởng ra đâu”.

"Lính của mình mình biết nó chứ, toàn là những đứa gan ruột của mình mà. Thà chịu chết chứ không bao giờ chịu khai thủ trưởng ra đâu” - ông Tư Cang nói về ông Hai Thương. Ảnh: THANH TUYỀN

Đến năm 1973, ông Hai Thương được trao trả, khi nhìn thấy hình ảnh của đồng đội mình với hai đôi chân tật nguyền, ông Tư Cang bảo niềm tin của ông dành cho ông Hai Thương là tuyệt đối.

“Sau lần đó, ở cơ quan tình báo có hoạt động giao lưu, mấy chị em gái nhìn thân hình của Hai Thương, có người sợ đến ngất xỉu. Tôi luôn tin ổng sẽ không khai ra anh em, đồng chí của mình. Nhìn vết thương trên người ổng, tôi càng chắc chắn rằng tôi đã đúng” - ông Tư Cang nói.

THANH TUYỀN Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Thùy Dương Nguyễn Văn Thương