Anh - Iraq 1941: Cuộc Chiến Bị Lãng Quên Trong Lòng đại Chiến
Có thể bạn quan tâm
- Sai lầm tại hại nhất của Hitler
Song, ở một khía cạnh nào đó, căn nguyên của cuộc xung đột này có lẽ đã bắt đầu xuất hiện từ chính ngày 3/10/1932 - ngày Iraq chính thức giành độc lập từ Đế quốc Liên hiệp Anh, và gia nhập Hội Quốc Liên (League of Nations).
Nền độc lập không trọn vẹn
Sau Đệ nhất Thế chiến 1914-1918, phong trào đòi độc lập ào ạt dâng cao tại những mảnh lãnh thổ của Đế quốc Ottoman đã chính thức lụn bại. Iraq nói riêng và những lãnh địa của người Hồi giáo Arab lân cận, như Saudi Arabia, Ai Cập, Syria hay Iran cũng gia nhập làn sóng ấy.
Tuy vậy, vào thời điểm đó, ý niệm về "quốc gia" trong thế giới Arab, cũng như ở rất nhiều khu vực khác, vẫn còn chưa hoàn thiện và rõ ràng. Lãnh thổ vẫn được xem là tài sản gắn liền và thuộc quyền sở hữu của các dòng họ quý tộc. Chính vì vậy, trải rộng suốt một dải Bắc Phi - Trung Đông, những nỗ lực đòi độc lập của người Arab Hồi giáo từ thời đế quốc Ottoman còn cường thịnh cho đến khi hai đại cường Anh và Pháp chia nhau nắm quyền ủy trị vẫn luôn tỏ ra manh mún. Thậm chí, có không ít trường hợp, chính những nỗ lực ấy lại mâu thuẫn, cạnh tranh, ngáng trở và kình chống nhau, do hướng đến mục tiêu là lợi ích riêng của những gia tộc quyền quý khác nhau.
Đế quốc thực dân Anh nhìn thấu điều này. Họ tận dụng tình trạng này, và do quá nhiều phiền phức đã phát sinh trong thực tế, cho đến thời điểm bắt buộc phải từ bỏ quyền ủy trị theo kiểu "phủi tay" , như học giả Nguyễn Hiến Lê nhận xét, họ để lại những biên giới được cắt xén vội vàng - điều thể hiện bằng những đường thẳng khó tin trên bản đồ thế giới - cũng như những mối quan hệ phức tạp và chồng chéo, những chia rẽ và rạn nứt rất khó san lấp.
3/10/1932, Iraq nhận được nền độc lập, khi quyền ủy trị của nước Anh kết thúc. Tuy nhiên, những điều khoản của nền độc lập ấy bao gồm việc các cố vấn Anh vẫn được "tham chính" ở chính phủ mới của Iraq, việc người Anh vẫn còn nắm giữ một số căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iraq, và cam kết rằng Iraq sẽ có trách nhiệm hỗ trợ Anh, trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Không chỉ vậy, Kuwait - phần "trọng địa" với những nguồn lợi kinh tế béo bở từ cả cảng biển lẫn khoáng sản, mà chính phủ Iraq ngay lập tức tuyên bố sau ngày 3/10/1932 rằng đó đã từng là một phần lãnh thổ của mình qua nhiều thế kỷ - bị nước Anh tách ra từ trong Đệ nhất Thế chiến, trao cho một dòng họ Arab quý phái, và đương nhiên là không sáp nhập trở lại (hoặc đúng hơn, theo cách nhìn của người Iraq, nước Anh đã không sáp nhập "trả lại" Kuwait cho Iraq).
Cũng ngay sau khi nhận được độc lập, chính trường Iraq chia thành hai phe: phe thân Anh, và phe chống Anh - những người "bài Anh" đến mức cực đoan, muốn xóa bỏ hoàn toàn mọi tàn dư của chế độ ủy trị thực dân, cũng như mọi ảnh hưởng của người Anh ở Iraq.
Hiển nhiên, đó là tiền đề cho những cuộc huynh đệ tương tàn về sau.
Cuốn theo chiều gió
Ngày 1/4/1941, cuộc đảo chính mang tên Golden Square thành công. Thủ tướng thân Anh Nuri Al-Said bị lật đổ, và thủ lĩnh của cuộc đảo chính - Rashid Ali al-Gaylani, một người theo chủ nghĩa quốc gia cuồng nhiệt - tiếp nhận vị trí ấy. Mặc dù vậy, Ali al-Gaylani không cố gắng xóa sổ nền quân chủ ở Iraq. Thay vào đó, ông cố gắng bổ nhiệm thật nhiều những phụ tá của mình vào các vị trí quan trọng, qua đó nỗ lực giới hạn và kiểm soát quyền lực của người Anh.
Chỉ riêng điều đó thôi đã có thể biến Gaylani thành một cái gai trong mắt Luân Đôn. Song, không dừng lại ở đó, Gaylani còn "đắc tội" với nước Anh theo một cách rất khó có thể tha thứ: Ông móc nối và nhận được sự hậu thuẫn từ nước Đức Quốc xã và nước Ý - hai kẻ thù đang chiến đấu trực diện với Anh, ở quãng giữa đẫm máu và khốc liệt của Đại chiến thế giới lần thứ hai.
Rõ ràng, việc Gaylani nhận những sự hỗ trợ về mặt quân sự từ Đức và Ý, đồng thời biến Iraq thành một đồng minh quân sự tiềm tàng của phe Trục là một thay đổi mà có lẽ không chỉ nước Anh, cả khối Đồng minh Anh - Liên Xô - Mỹ đều không thể chấp nhận. Trong khi mặt trận Bắc Phi đang nóng lên từng ngày, nguy cơ Iraq ngả hẳn về phe Trục để trở thành một nguồn cung cấp nhiên liệu then chốt, giúp các đoàn thiết giáp Đức dư dả hơn về xăng dầu (vốn đã luôn ở tình trạng thiếu hụt) sẽ là một sai lầm chiến lược có thể trả bằng những cái giá cắt cổ.
Hai năm trước đó, kể từ khi Đệ nhị thế chiến bùng nổ năm 1939, chính phủ Iraq của cựu Thủ tướng Nuri Al-Said hầu như không có mối liên hệ nào với Đức Quốc xã hay Ý. Tuy nhiên, sau Golden Square, cho dù với mục tiêu tối thượng là hướng tới một nền độc lập đúng nghĩa hơn từ Anh, Gaylani cũng đã đẩy đất nước của mình vào một vòng xoáy vô định.
Không có gì bất ngờ khi quân đội Anh thiện chiến dễ dàng giành chiến thắng áp đảo trước một quân đội Iraq chỉ vừa mới bắt đầu thực sự được tái xây dựng. Ngày 30/4/1941, quân Iraq áp sát một căn cứ không quân Anh - Habbaniya. Quân đội đồn trú Anh trong căn cứ được yêu cầu không có động thái nào, nhưng dĩ nhiên là họ từ chối. 5 giờ sáng ngày 2/5, máy bay Anh dội bom lên các đội quân Iraq. Cuộc chiến tranh mang tên "Anglo - Iraqi war 1941" chính thức bắt đầu.
Quân đội Hoàng gia Iraq, dù có cả không quân lẫn thiết giáp, đều không thể chống đỡ trước sức tấn công của quân Anh. Hầu hết những người lính ấy mới chỉ vừa kịp quen với không khí thao trường, chưa nói đến chiến trường. Họ nhanh chóng bị đẩy lùi khỏi khu vực chung quanh Habbaniya, theo cách không thể cưỡng lại.
Vào thời điểm ấy, quân đội Đức và quân đội Ý đã bắt buộc phải lựa chọn nhập cuộc. Đồng thời, chính phủ bù nhìn Vichy của nước Pháp (đã tham gia phe Trục) đang nắm quyền ủy trị ở Syria cũng có những động thái hà hơi tiếp sức cho quân đội Hoàng gia Iraq. Tuy vậy, do những hạn chế bất khả kháng về nhân lực cũng như tổ chức điều động các đơn vị, cả Đức Quốc xã, Ý và Pháp Vichy đều chỉ gửi đến Iraq các phi đội máy bay chiến đấu. Những phi đội này không chiếm được ưu thế trước không quân hoàng gia Anh, lại càng không giúp gì được các đơn vị mặt đất của Iraq ở khía cạnh thực sự làm chủ và quét sạch chiến trường.
Trong khi đó, từ các vùng ủy trị quanh Jerusalem, quân tiếp viện của Anh dễ dàng tiến sang Iraq, hợp binh cùng quân đồn trú tại Iraq, liên tiếp đẩy lùi quân chính phủ Iraq về co cụm quanh Baghdad. Sự sụp đổ của chính quyền mới vừa thành lập sau đảo chính trở nên rõ ràng, và chính thức diễn ra vào ngày 29/5, khi các thủ lĩnh của "Chính phủ kháng chiến Iraq" đào tẩu sang Ba Tư (Iran ngày nay). Ngày 1/6/1941, Hoàng thân Abd-allah trở về Baghdad. Chính quyền quân chủ lại được tái lập, với một thủ tướng thân Anh mới - Jamil al-Midfai.
Cho đến tận khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, các đơn vị binh sĩ Anh vẫn luôn "nắm chặt" Iraq. Nền độc lập đúng nghĩa của quốc gia ấy, bởi vậy, cũng phải mất thêm rất nhiều thời gian nữa mới có thể được định hình.
"Với việc được trao trả độc lập ngày 3/10/1932 sau khi quyền ủy trị của Anh kết thúc, Iraq chính là quốc gia đầu tiên trong số các quốc gia phải nhận quyền ủy trị theo Hòa ước Versailles 1918 - hiệp định kết thúc Đệ nhất Thế chiến - nhận được độc lập. Đó là triều đại của Vua Faisal I, và sau khi ông qua đời, người kế vị là Vua Ghazi chỉ có vai trò tượng trưng trên lĩnh vực quản trị quốc gia, suốt từ năm 1933 đến năm 1939.
"Từ năm 1936 đến năm 1941, mỗi năm có một cuộc đảo chính mà những quân nhân theo phái chống Anh cực đoan thực hiện, nhằm cố gắng loại trừ ảnh hưởng của Anh ở Iraq. Những cuộc đảo chính này đều được tổ chức và chỉ huy bởi những sĩ quan quân đội cấp cao, nhằm buộc chính phủ đáp ứng các yêu cầu của họ.
- Trên lằn ranh của vĩ đại và suy vong
- Từ năm 1921 đến 2021: 100 năm nhân tính đi về đâu?
Từ khóa » Cuộc Chiến Tranh ở Iraq
-
Cuộc Tấn Công Iraq 2003 – Wikipedia Tiếng Việt
-
15 Năm Cuộc Chiến Iraq - Lời Cảnh Tỉnh Cho Nhân Loại
-
Cuộc Chiến Tranh Iraq - Hình ảnh 10 Năm Nhìn Lại - Hànộimới
-
Chiến Tranh Iraq - Bài Học Về Tạo Cớ Gây Chiến | VOV.VN
-
Công Khai Sự Thật Rõ Nét Về Chiến Tranh Iraq Sau 16 Năm | VOV.VN
-
Liệu Iraq Có Trở Thành Một Việt Nam Mới? - BBC Vietnamese
-
Mỹ Và đồng Minh Chuẩn Bị Chiến Tranh Iraq - VnExpress
-
Tại Sao Hoa Kỳ Bất Chấp LHQ để Xâm Lược Iraq? - YouTube
-
19 Năm Cuộc Chiến Iraq: Kế Hoạch Loại Bỏ Saddam Hussein ... - SOHA
-
Mỹ Tuyên Bố Kết Thúc Sứ Mệnh Chiến đấu ở Iraq
-
Cuộc Sống ở Iraq Sau Chiến Tranh - VnExpress
-
30 Năm Chấm Dứt Chiến Tranh Vùng Vịnh - Bão Táp Sa Mạc
-
Sự Khởi đầu Của Vai Trò Mới Của Quân đội Mỹ Tại Iraq | Trung Đông