Anh Phải Sống/Véo Von Tiếng địch - Wikisource
Có thể bạn quan tâm
- Văn kiện
- Nguồn
- Thảo luận
- Đọc
- Sửa đổi
- Xem lịch sử
- Đọc
- Sửa đổi
- Xem lịch sử
- Các liên kết đến đây
- Thay đổi liên quan
- Tải lên tập tin
- Trang đặc biệt
- Liên kết thường trực
- Thông tin trang
- Trích dẫn văn kiện này
- Lấy URL ngắn gọn
- Tải mã QR
- Tải về bản in
- Tải về EPUB
- Tải về MOBI
- Tải về PDF
- Định dạng khác
Véo von tiếng địch
Một buổi chiều êm đềm ấm áp, thoáng điểm mấy hạt mưa xuân.
Công chúa Li-Nương, con Ðức Hùng-Vương thứ mười bốn, cùng mấy ả tì nữ theo hầu, dạo chơi ngắm cảnh trong vườn Thượng-uyển ở trên đồi cao. Đi lâu, chân đã thấy mỏi, công chúa ung dung bước lên lầu Na-nan ngồi nghỉ, đưa mắt nhìn khắp bốn phương.
Quanh lầu, lá liễu buông mành, gió chiều khẽ đưa tha thướt. Trông ra xa, các đồi liên tiếp, như đàn rùa phủ phục nằm chầu. Trên đồi, những cây gồi, thân thẳng mà cao, ngọn cây phất phơ chòm lá xòe ra như tàn quạt. Thỉnh thoảng điểm những cây thông gốc già dặn, lá xanh đen như mầy nét xẫm chấm phá trên nền màu non tươi. Dưới chân rặng đồi, con sông Bạch-hạc quanh co lượn khúc, ẩn, hiện bên những khóm cây rườm rà lả ngọn. Li-Nương tì lan can, mắt rời cảnh vật bao la, cúi nhìn xuống cái hồ bán nguyệt, mới thấp thoáng nhô lên mặt nước một vài nõn sen mềm mại.
Bỗng nàng hé cặp môi mỉm cười, vì nàng vừa trông thấy bóng xinh đẹp của mình in trên mặt hồ trong xanh, phẳng lặng và sáng như gương. Nàng giơ tay trắng nuột vịn cành liễu non, bẻ mấy chiếc lá, thong thả bỏ rơi xuống hồ. Mặt nước rung động, hình công chúa cũng rung động. Gợn nước vòng tròn, rộng tan mãi ra, rồi dần dần biến đi như chìm xuống đáy hồ mà trả lại hình công chúa.
Li-Nương vui sướng — cái vui sướng của tuổi trẻ hồn nhiên — cười khanh khách, giọng trong trẻo như tiếng con chim vàng anh đương hót ở trên cành.
— Này các ngươi! Các ngươi lại xem bóng ta vỡ rồi lại lành.
Bọn nữ tì, xúm xít quanh mình công chúa, đều cúi xuống nhìn, rồi cùng cười. Còn Li-Nương thì tựa cột lầu, tì tay lên lan can, hé cặp môi mỉm cười. Mấy giọt nước mưa đọng trên lá liễu từ từ rơi bám vào mái tóc búi lỏng, để chĩu xuống gáy, trông lấp lánh, như những ngôi sao ló trong đám mây đen.
Bỗng mọi người đều chú ý lắng tai nghe...
Trong bầu không khí yên lặng buổi chiều tà, tiếng địch véo von ở đâu đưa tới, khi bổng khi trầm, như đến làm hoạt động một cảnh xuân đầm ấm.
Cành liễu rung rinh trước gió như chịu âm hưởng của khúc nhạc thanh tao, mà Li-Nương vốn người đa cảm, cũng thấy toàn thân rung động, cặp má nóng bừng, trái tim hồi hộp...
Tiếng địch im bặt... Một người buông thở, thấy lòng nhẹ nhàng, khoan khoái.
Từ đó, trong buổi chiều tà vẫn nghe véo von tiếng địch.
☆Suốt năm đêm công chúa Li-Nương không chợp mắt, lòng thổn thức vì tiếng địch véo von. Chiều chiều, tiếng địch bay lọt tới thâm cung, như kể lể, như kêu van, như thì thầm trong tâm trí kẻ đa tình! Lúc lanh lảnh như dịp cười khoái lạc, lúc thâm trầm như giọng than thở âu sầu.
Ðêm khuya thanh vắng, Li-Nương mơ mộng. Tiếng địch vẫn như rành mạch bên tai. Nàng mỉm cười một mình, vì trí tưởng tượng của nàng đương cố vẽ ra một chàng thanh niên tuấn-tú. Nàng lấy làm lạ, vì nhà âm nhạc nàng thấy hiện ra trước mắt giống hệt cái bóng người in trên mặt hồ bữa nọ.
Thấy công chúa kém tươi, vóc ngọc ngày một hao mòn. Vua cha lấy làm kinh hãi. Ngài cho rằng con đã đến tuổi cập kê, nên buồn về nỗi đêm xuân chiếc bóng. Liền bày ra hội hè, chèo hát, thiết yến tiệc linh đình, mời hết các lạc hầu, lạc tướng đến dự, để công chúa kén chọn phò mã.
Nhưng ngắm hàng mấy trăm yến khách, Li-Nương không thấy một ai tài mạo sánh kịp người trong mộng. Nàng nghĩ thầm:
« Người thổi địch ấy đối với ta có thiên duyên, nên ta chưa gặp mặt mà đã tưởng tượng ra được ».
Công chúa không chấm một ai. Các quan lạc tướng, các quan lạc hầu lại kéo nhau ai về nhà nấy. Làn không khí ở chốn đế đô lại tịch mịch như xưa.
Nhưng trong buổi chiều tà vẫn véo von tiếng địch...
★Công chúa Li-Nương ốm nặng.
Tiếng mõ rao khắp chốn đế đô cùng các vùng lân cận, để tìm kiếm các nhà lương y.
Song gần một năm thầy lang đã kế tiếp nhau ra khỏi bệnh phòng mà bệnh nhơn vẫn không thấy đỡ. Vì các thầy chẳng biết công chúa mắc phải bệnh gì.
Một hôm, về buổi chiều, một thầy lang già tới xin chữa. Thầy già, già lắm, già đến nỗi phải sờ soạng mới tìm thấy tay bệnh nhân để bắt mạch. Công chúa nghĩ thương tình, bèn khẽ bảo:
— Này cụ lang, cụ có muốn chữa tôi khỏi bệnh không? Nếu cụ muốn được Vua cha trọng thưởng thì có cách này khiến tôi khỏi ngay. Là ra tâu với Vua cha cho gọi người đương thổi địch kia vào thổi cho tôi nghe.
Thầy lang tuy mắt kém cỏi, nhưng tinh thần sáng suốt, hiểu ngay rằng công chúa mắc bệnh đau tim. Thầy liền đem lời công chúa tâu với Vua cha, nói khoác rằng mình mới tìm ra nguồn bệnh.
Tức thì Vua cha cho đi bắt chàng thổi địch giải tới cung điện.
Thuốc thần hiệu thực! Công chúa nhác trông thấy anh chàng, các bệnh khỏi ngay, vì cái bộ dạng xấu xí lạ thường của nhà âm nhạc khiến nàng tỉnh ngộ, mà lòng thương hão nhớ huyền cũng theo hình ảnh tưởng tượng mà biến vào cõi mộng...
Nhưng trong buổi chiều tà vẫn véo von tiếng địch...
Nhà tài tử xấu xí từ khi ở điện nhà vua trở về nơi lều tranh vắng vẻ, mang theo hình ảnh Li-Nương, và vì ai ngày đêm tưởng nhớ. Tiếng địch nay càng réo rắt, càng âm thầm như có chịu ảnh hưởng cái đẹp của công chúa, như muốn bao bọc ôm ấp lấy tấm linh hồn công chúa.
Ở trong cung, công chúa nghe tiếng địch, gan vàng vẫn lại thổn thức như xưa, bệnh cũ ở đâu lại ầm ầm kéo đến. Nhưng khi Vua cha cho đi bắt anh chàng thổi địch tới cung thì bệnh nặng lại khỏi liền.
Ðã như thế đến bốn lần rồi. Vua cha nổi trận lôi đình, ra lệnh cấm hết dân gian, không cho ai thổi địch.
Từ nay trong buổi chiều tà không còn đâu là tiếng địch véo von!
★Hai tháng sau, công chúa Li-Nương lại ốm, ốm rất nặng.
Lần này công chúa mắc bệnh, là vì đêm nào cũng nghe văng vẳng có tiếng địch bên tai, tiếng địch ảo não, buồn rầu như giọng ai kể lể tình xưa. Hễ thức giấc dậy thì tiếng địch lại im.
Năm đêm liền như thế. Bệnh tình công chúa xem ra nguy ngập.
Vua cha lại truyền cho đi tìm anh chàng thổi địch. Nhưng khi đến nhà chàng thì được tin chàng đã chết đúng năm ngày, thi thể chôn trên một ngọn đồi cao, nhìn vào trong cung. Chàng thổi địch trước khi từ trần đã dặn lại người nhà chôn mình ở đó.
Ðược tin, đức Vua lo sợ. Mà bệnh công chúa thì một lúc một tăng.
Một quan thị vệ quì gối tâu rằng:
— Xin bệ hạ cho đào mả người kia lên để công chúa trông thấy mặt thì chắc bệnh lại khỏi ngay.
Trong khi nguy kịch, nhà vua cũng phải theo lời, chứ còn biết sao.
Nhưng khi quật mồ lên, thi hài kẻ kia chỉ còn lại một khối tim. Cất lấy coi thì đó là một khối tim ngọc thạch. Các quan tất tả đem về trình đức Vua cha.
Vua cha giơ lên xem: Trong có hình công chúa Li-Nương đương ngồi lắng tai nghe một người thổi địch.
Ngài liền đem truyện thuật cho con nghe và đưa luôn cho xem viên ngọc. Công chúa ngắm nghía trái tim thấy bóng mình trong đó, đem lòng thương kẻ chung tình. Từ từ giọt lệ rơi xuống viên ngọc... Trái tim người xưa bỗng tan ra, hòa với nước mắt của Li-Nương mà biến mất.
Li-Nương khỏi bệnh.
Mà từ đó, đêm đêm không bao giờ còn nghe thấy tiếng địch véo von.
Lấy từ “https://vi.wikisource.org/w/index.php?title=Anh_phải_sống/Véo_von_tiếng_địch&oldid=74236” Thể loại ẩn:- Trang con
- Trang có người đóng góp
Từ khóa » Giải Nghĩa Từ Véo Von
-
Véo Von - Wiktionary Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Véo Von - Từ điển Việt - Tra Từ
-
Từ điển Tiếng Việt "véo Von" - Là Gì?
-
Véo Von Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Véo Von Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Từ Điển - Từ Véo Von Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
'véo Von' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Giải Nghĩa Từ: Véo Von,rón Rén; Lăn Lốc - Ngữ Văn Lớp 6
-
Véo Von Là Gì? định Nghĩa
-
Véo Von Trong Tiếng Anh Là Gì? - English Sticky
-
Luyện Từ Và Câu: Luyện Tập Về Từ đồng Nghĩa - Lib24.Vn
-
Véo Là Gì, Nghĩa Của Từ Véo | Từ điển Việt