Giữa cái nắng bỏng rát của tiết thời tháng 6, hoa sâm bố chính nở rực rỡ, phủ đầy mảnh đất cằn cỗi hơn 5.000m2 ở Núi Răm của vợ chồng anh Nguyễn Minh Khánh và chị Phạm Thị Tư (thôn Trung Vĩnh, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi).
Anh Nguyễn Minh Khánh bén duyên với sâm bố chính trong một lần đi công tác ở Đồng Tháp. Được bạn cho ít hạt giống, anh mang về trồng thử nghiệm tại một nhà xưởng ở TP Hồ Chí Minh - nơi anh làm việc.
Sau đó, vợ chồng anh Khánh, chị Tư mua lại mảnh đất của người thân tại quê nhà để cải tạo và trồng sâm.
Vườn sâm bố chính bắt đầu được xuống giống từ tháng 2/2021 và hiện sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng nơi đây.
Sâm bắt đầu nở hoa sau 2 tháng. Hoa được thu hoạch, phơi khô và bán ra thịt trường với giá 300.000 đồng/100g.
Củ sâm trồng trong năm đầu tiên có giá dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/kg tươi.
Củ sâm trồng càng lâu năm thì giá trị lại càng cao, sâm trồng 2 năm giá cao gấp đôi sâm 1 năm.
Nhẩm tính, số tiền đầu tư trên mảnh đất 5.000m2 này khoảng 200 triệu đồng, chủ yếu chi phí vào việc cải tạo đất, san ủi, đào giếng, lắp hệ thống tưới nước tự động. Từ năm thứ 2, mức đầu tư chỉ cần khoảng 60 triệu đồng, dùng mua giống, phân bón.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Minh Khánh, so với trồng keo thì trồng sâm bố chính thu lợi cao hơn gấp 5 - 7 lần.
Hoa sâm bố chính có thể phơi khô làm trà hoặc dùng trong ngành mỹ phẩm. Phần củ có thể ngâm rượu, làm thuốc hoặc dùng chế biến thức ăn.
''Diện tích này vẫn là đang trồng thử nghiệm. Hiện giờ là thấy có hiệu quả. Mong muốn sẽ mở rộng thêm và liên kết được với bà con trong vùng để cải tạo đất trồng keo, phát triển sâm bố chính'', anh Nguyễn Minh Khánh chia sẻ.
Theo các nhà khoa học, sâm bố chính có dược tính rất cao. Dược tính sâm bố chính được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc và chỉ thua dược tính sâm Ngọc Linh.