Làm Giàu Từ Cây Sâm Bố Chính - Huyện Hồng Ngự

Sâm bố chính là một loại dược liệu thiên nhiên có tác dụng tốt cho sức khỏe và được tiêu thụ trên thị trường các nước. Cây được trồng ở các địa phương phía Bắc Việt Nam. Thời gian gần đây, nông dân các tỉnh miền Tây đang phát triển cây trồng này. Và tại tỉnh Đồng Tháp, bà con không chỉ trồng để bán tươi mà có cơ sở chế biến sâm bố chính thành những loại thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.

Sâm bố chính

Ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cây sâm bố chính bắt đầu bén rễ ở vùng đất Cù Lao Long Phú Thuận. Trong đó người tiên phong là anh Vũ Công Định – một kỹ sư tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin nhưng lại đam mê sưu tầm và trồng các loại cây dược liệu. Trên 3.000m2 đất canh tác, anh Định trồng sâm bố chính. Sau gần 1 năm, anh thu hoạch được 4,5 tấn củ, bán với giá 300 ngàn đồng/1 kg, cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Sức hấp dẫn từ thị trường tiêu thụ và lợi nhuận cao, hiện anh Định đã mở rộng diện tích lên 1,5hecta, đồng thời thu mua nguyên liệu từ các hộ lận cận để cung cấp trong nước và xuất ra nước ngoài. Anh Vũ Công Định, xã Phú Thuận A huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết:

“Hiện tại mình cung cấp con giống đinh lăng và sâm bố chính cho các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước. Còn củ thì mình xuất qua Hàn Quốc và Mỹ. Tính theo thời điểm hiện tại nguồn nguyên liệu mình thu vẫn không đủ”.

Với lợi thế về thỗ nhưỡng, người dân huyện Hồng Ngự đã chủ động chuyển đổi từ cây hoa màu truyền thống sang trồng sâm bố chính với diện tích hàng chục hecta. Bên cạnh việc bán củ tươi, hiện tại bà con còn chế biến sâm bố chính thành sản phẩm rượu sâm được thị trường đón nhận. Điển hình như thương hiệu rượu sâm Hồng Ngự tửu của cơ sở Bảo Thanh xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự vừa được UBND tỉnh chứng nhận đạt chất lượng 3 sao. Bà Huỳnh Thị Thuẩn, chủ cơ sở rượu nhân sâm Bảo Thanh, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết:

“Mình suy nghĩ làm thế nào để nâng cao giá trị củ sâm nên làm ra sản phẩm rượu sâm để bán ra thị trường. Ngoài ra từ củ sâm bố chính mình có thể làm trà sâm, kem sâm, bột đắp mặt cũng từ bột nhân sâm này”.

Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết:

“Ở huyện Hồng Ngự có một cơ sở rượu sâm Bảo Thanh bởi vì nơi đây vừa có diện tích trồng, có lò rượu tại cơ sở sản xuất theo quy trình khép kín nên sản phẩm tiến xa, vừa đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và chứng nhận 3 sao sản phẩm OCOP tỉnh”.

Với cách làm sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo nhu cầu thị trường, bà con nông dân không chỉ phát triển diện tích sâm bố chính mà cùng đưa sản phẩm dược liệu này tiêu thụ trong và ngoài khu vực.

Minh Thi

Từ khóa » Trồng Sâm Bố Chính ở đồng Tháp