Ánh Sáng Của Nghĩa - Tuổi Trẻ Online

Ánh sáng của Nghĩa - Ảnh 1.

Thầy Nghĩa chuyện trò với khách hàng - Ảnh: TỰ TRUNG

"Đúng chỗ đau đó, đúng rồi, nhẹ rồi...". "Chứng thoát vị đĩa đệm cần phải kiên nhẫn chút cô à"... Tiếng trò chuyện rì rầm hòa vào tiếng nhạc dìu dặt. Căn phòng hơi thiếu ánh sáng, phải căng mắt mới thấy nhờ nhờ gương mặt "thầy" Nguyễn Thái Phong Nghĩa, chuyên gia châm cứu, bấm huyệt trị liệu.

Bàn tay thành thục của Nghĩa lướt trên da, day, ấn. Cây kim châm cứu mỏng như sợi tóc rung rung trên đầu ngón tay. Từng đoạn ngải cứu được gắn gọn gàng vào một dụng cụ chuyên dụng, không một sợi khói, một tia nhiệt nào thoát lãng phí ra ngoài...

Khách tên Lan. Chị duỗi lưng trên giường bấm huyệt, sảng khoái trò chuyện: "Tôi bị chấn thương cột sống hơn hai năm rồi, không dám phẫu thuật nên phải ráng chịu đau tới lúc không đi nổi nữa. Nghe có người giới thiệu thầy Nghĩa đây học được phương pháp điều trị của người Nhật nên ngày nào tôi cũng đi xe ôm từ quận 1 xuống tận bến xe Miền Đông này. Nay đỡ lắm rồi".

"Thầy Nghĩa" nay ở tuổi 36, mỉm cười hiền lành: "Ngày bị đau ban dẫn đến mù cả hai mắt tôi mới chỉ 3 tuổi. Những gì nhìn thấy ba năm đầu đời đã quên hết rồi, kể cả gương mặt mình". Kể từ ngày đó, cuộc đời Nghĩa là những câu chuyện nghiến răng vượt qua số phận.

Tìm học bổng đi Nhật học xoa bóp bấm huyệt

Khi cậu bé Nghĩa lâm bệnh, gia đình đang sống trong làng kinh tế mới ở Bình Dương. Không tìm ra thuốc chữa, cuộc đời Nghĩa bao phủ một màu đen khi vừa biết chạy ra khỏi cửa nhà. Mẹ khóc cạn nước mắt cũng không thể lấy lại ánh sáng cho con.

Đến tuổi đi học, Nghĩa được đưa xuống Thuận An, vào hội người mù học chữ nổi, học đàn ghita phím lõm, học bó chổi. Nghĩa chăm chỉ học đủ rồi theo dõi những người lớn quanh mình: người mang đàn đi bán vé số, người lầm lũi ngồi bó chổi. Nghĩa thẫn thờ. Không, những việc ấy không hợp với tương lai của mình.

13 tuổi, được nghe nói về Trường mù Nguyễn Đình Chiểu ở TP.HCM, Nghĩa đòi mẹ đưa đến trường. Sáng đi học hòa nhập với các bạn sáng mắt, chiều về Trường Nguyễn Đình Chiểu, Nghĩa học định hướng di chuyển, sinh hoạt hằng ngày, nhận biết môi trường, học tiếng Anh, học vi tính, học cả nghề massage.

Tốt nghiệp phổ thông, Nghĩa làm nhân viên massage. Ngày lại ngày, vài lần bị khách cợt nhả, thiếu tôn trọng, Nghĩa lại cảm thấy không cam tâm. Tương lai của mình phải vững chắc hơn, phải được xây dựng và đánh giá bằng chuyên môn chứ không phải bằng cái mác "khiếm thị".

Rồi Nghĩa nghe kể về một suất học bổng của một trường đào tạo trị liệu đông y Nhật Bản, mỗi năm chỉ có một suất dành cho người khiếm thị Việt Nam. "Mình phải thi" - Nghĩa hạ quyết tâm. Từ lúc đó đến kỳ phỏng vấn chỉ còn hơn ba tháng, mà một câu tiếng Nhật Nghĩa còn chưa biết.

Cha chở Nghĩa trên chiếc xe máy đến trung tâm Nhật ngữ, lần lượt đi từ Sakura sang Đông Du, rồi các trung tâm khác. Nơi nào cũng lắc đầu: "Chúng tôi chưa biết cách dạy cho người khiếm thị".

Quyết không bỏ cuộc, Nghĩa mua băng đĩa về tự học. Nghĩa tìm đến một chị vừa học từ Nhật về, xin học lóm vài câu. Cứ thế cho đến ngày phỏng vấn. Bước vào phòng phỏng vấn, Nghĩa nói thật: "Tôi học tiếng Nhật chưa được nhiều vì ở nước tôi chưa có cách dạy cho người mù như tôi. Những gì không đủ tiếng Nhật để nói, xin cho phép tôi trả lời bằng tiếng Anh".

Câu hỏi: "Tại sao bạn muốn học ngành này?". Nghĩa giải thích bằng tiếng Anh: "Tôi biết đây là một ngành thuộc về y học thật sự, nhưng ở nước tôi lại bị biến tướng, biến chất đi khá nhiều, đến cả xúc phạm nhân phẩm người làm việc. Tôi muốn học thật bài bản để trả lại ý nghĩa thật sự của xoa bóp bấm huyệt. Tôi chọn việc học nghề này làm tương lai vững chắc của mình, hơn là việc được ai đó cho một số tiền lớn. Cuối cùng, tôi muốn học ngành này để chữa bệnh cho mẹ tôi...".

Suất học bổng năm đó đã về tay Nghĩa.

Ánh sáng của Nghĩa - Ảnh 2.

Bị mù từ năm lên 3, đến gương mặt của mình còn không nhớ, Nghĩa đã vượt qua bao gian nan để học thành tài kỹ năng châm cứu, bấm huyệt trị liệu - Ảnh: TỰ TRUNG

Một câu nói -một bài học - một đời

Đến Nhật, một áp lực lớn: sau một năm phải đủ trình độ để thi vào trường học chuyên môn. Người lãnh học bổng năm trước Nghĩa sau khi học tiếng một năm đã không đủ điểm vào trường buộc phải quay về nước. Và cơ quan cấp học bổng khuyến cáo: nếu lặp lại một lần nữa sự lãng phí ấy, học bổng này sẽ không bao giờ được cấp cho Việt Nam! Áp lực đè lên Nghĩa càng nặng.

Bù vào sự nghiêm khắc là hệ thống hỗ trợ rất tuyệt vời của người Nhật: "Tôi được cung cấp giáo trình, băng đĩa, sách báo tham khảo miễn phí. Học trên trường chưa đủ, nhiều người bạn tình nguyện về tận ký túc xá dạy tôi học thêm. Họ nắm tay tôi đặt lên từng đồ vật mà gọi tên, sáng tạo ra các cách diễn đạt bằng vật dụng để tôi hình dung. Thi kiểm tra từng học phần, đề thi được thiết kế riêng bằng chữ nổi, thời gian thi được tăng gấp đôi...".

Nghĩa à, mày khiếm thị, một mình sang nước tao học tập. Tao có thể làm hết sức để giúp mày học nhưng kiến thức mày đạt được thì phải là của mày, không thể lấy của người khác. Người Nhật tạo điều kiện cho mày học, không thể cho không kiến thức.

Một bạn học người Nhật của Nghĩa

Nghĩa đã học bằng tất cả giác quan còn lại, bằng tất cả thời gian tận dụng được. Sau một năm đã lấy được bằng N2 tiếng Nhật để sẵn sàng vào các lớp chuyên môn sâu. Thế nhưng đó lại không phải là ấn tượng lớn nhất với Nghĩa. Bài học mà Nghĩa nói sẽ ghi nhớ suốt đời, sẽ truyền lại cho con mình là một bài học khác.

"Đó là cả một sự xấu hổ" - Nghĩa nhắc lại. Hôm đó là một buổi thi, Nghĩa ngồi cạnh người bạn cùng phòng ký túc xá. Cắm cúi làm bài, đến một câu hỏi về vấn đề xã hội, Nghĩa bí nên quay sang khẽ hỏi. Bên kia im lặng. Nghĩa hơi bất ngờ và phật ý: "Sao bạn thân thiết như vậy lại không nhắc mình?".

Tối đến, người bạn rủ Nghĩa ra ngoài uống nước rầu rầu nói: "Nghĩa à, mày mù lòa, một mình sang nước tao học tập. Tao có thể làm hết sức để giúp mày được học, nhưng kiến thức mày đạt được thì phải là của mày, không thể lấy của người khác. Tao muốn được khâm phục chính cái đầu của mày. Người Nhật tạo điều kiện cho mày học, không thể cho không kiến thức".

"Tôi đã ngượng chín người" - Nghĩa nhắc lại. Đêm đó anh không ngủ, nhớ đến những lớp học, giờ thi ở Việt Nam. Hỏi bài là chuyện thường xuyên, Nghĩa nghe nói các bạn sáng mắt còn quay bài, còn làm phao, lại còn nhiều đối tượng được đương nhiên cộng điểm ưu tiên...

"Kiến thức không thể cho không. Kiến thức phải là của chính mình" - Nghĩa lặp đi lặp lại trong đầu, chợt hiểu ra vì sao mình được ưu đãi tất cả điều kiện để học tập, kể cả thời gian thi nhưng đề bài, điểm chuẩn phải hoàn toàn giống như mọi người. Nghĩa quyết lấy sự xấu hổ hôm nay làm bài học cho đời mình, cho con mình sau này.

Cứ thế mà qua năm năm, Nghĩa lấy được tấm bằng chuyên gia massage, xoa bóp, bấm huyệt do bộ trưởng y tế - lao động và phúc lợi Nhật Bản cấp, được cấp giấy phép điều trị đông y.

Vẫn chưa yên tâm, Nghĩa xin ở lại để làm việc tình nguyện trong các bệnh viện, phòng khám, học nghề cho thành thục thêm bốn năm nữa. Sau chín năm ròng rã, anh mới quyết định quay về Việt Nam lập nghiệp, thực hiện tâm nguyện của mình: trả lại ý nghĩa y học đích thực cho massage, bấm huyệt.

Câu chuyện Nhật Bản của Nghĩa không có tán hoa anh đào bồng bềnh như những đám mây hồng, không có núi Phú Sĩ kiêu hãnh toàn bích tuyết phủ như tranh, nhưng có bài học sắc như dao có thể làm thay đổi cả cuộc đời. Bài học không chỉ dành cho Nghĩa.

Phòng khám đông y Nhân Nghĩa trong con hẻm nhỏ gần bến xe Miền Đông ra đời khi Nghĩa từ Nhật về ngày càng đông khách. Phòng khám đó khiêm nhường, lặng lẽ giữa ồn ào náo nhiệt nhưng tự bên trong chứa đựng nội lực sống mạnh mẽ.

Nữ sinh khiếm thị được bạn thán phục là "người ngoài hành tinh" Nữ sinh khiếm thị được bạn thán phục là 'người ngoài hành tinh'

TTO - 12 năm đèn sách, Lê Thị Minh Tuyền chỉ học trường chuyên biệt cho trẻ khiếm thị đúng năm lớp 1. 11 năm học hòa nhập, Tuyền luôn là học sinh giỏi đứng hàng đầu các trường.

Từ khóa » Bấm Huyệt Trị Khiếm Thị