Ảnh Và Chú Thích ảnh - Điều Hành Tác Nghiệp

Ảnh và chú thích ảnh

(11/10/2011 10:13:34)

Nhà thiết kế sử dụng tài nguyên thông tin và sự kể chuyện bằng hiệu ứng của thị giác thông qua hình ảnh tốt hơn rất nhiều lần so với phần chữ.

Tất cả chúng ta sống trong thế giới hình ảnh. Hình ảnh có ở mọi nơi và chúng ta thích ứng trong việc sử dụng hình ảnh như nguồn thông tin và như công cụ lựa chọn thông tin. Trong thời buổi báo in phải cạnh tranh mạnh mẽ với các loại hình báo chí khác thì hình ảnh tĩnh trên báo giấy sẽ rất có lợi thế trong trí nhớ độc giả. Do vậy, bạn không nên bỏ qua việc khai thác hết chức năng của một bức ảnh trên báo giấy.

Ảnh báo chí là một thành tố thông tin độc lập nên chúng ta phải lựa chọn cẩn thận, tùy vào chất lượng kỹ thuật cũng như giá trị thông tin của từng bức ảnh. Chúng phải đem thông tin bổ sung cho bài báo và độc giả phải biết thông tin từ chúng qua cái liếc mắt đầu tiên. Bức ảnh báo chí tốt là bức ảnh kể lại một câu chuyện chỉ với chú thích ảnh.

Đó là lý do tại sao hình ảnh là yếu tố quan trọng nhất trên trang báo của bạn.

Kích thước khi sử dụng

Việc lựa chọn hình ảnh có nội dung thích hợp với phần chữ, xác định kích cỡ cũng như vị trí phù hợp trên trang là những yếu tố quan trọng giúp cho trang báo của bạn có sức hút đối với độc giả.

Một ảnh lớn nằm nổi bật trên trang và đưa các ảnh cùng cấp độ thông tin vào cùng một vị trí phía cuối trang đã tạo được hiệu quả tốt giúp độc giả dễ theo dõi nội dung

Việc sử dụng nhiều kích cỡ ảnh khác nhau trên một trang báo không chỉ giúp tạo sự sinh động mà còn giúp độc giả phân biệt được phần thông tin nào là hấp dẫn và quan trọng trên trang báo đó. Những hình ảnh bổ trợ có thể chiếm phần diện tích nhỏ hơn hẳn so với hình ảnh chính, tùy thuộc vào chính sách của từng tờ báo.

Ví dụ: đa số báo trên thế giới hiện nay lựa chọn một ảnh lớn trên trang nhất. Một vài tờ lại lựa chọn đưa tít thật lớn trên trang nhất trong khi tờ báo nổi tiếng Le Monde lại lựa chọn ảnh nhỏ và dành ưu tiên cho phần nội dung. Quy định này phụ thuộc vào tính chất của mỗi tờ báo. Sự lựa chọn này luôn được giữ ổn định, tạo phong cách riêng để độc giả nhận ngay ra tờ báo của mình.

Tránh để ảnh xung đột nhau. Tránh đặt ảnh gần hình quảng cáo hoặc sát một ảnh chính khác của bài bên cạnh.

Ảnh và các hình ảnh trên một trang báo không chỉ để trang trí mà phải có thông tin. Mỗi một ảnh và các hình ảnh trên trang báo phải mang đến cho độc giả thông tin và hỗ trợ thông tin cho phần nội dung .

Nên dùng nhiều kích cỡ ảnh trong một trang báo. Những hình ảnh có cùng kích cỡ có nghĩa là không có cái nào trong số chúng thực sự có thể được nhìn thấy. Là nhà thiết kế bạn phải lựa chọn một trong những hình ảnh ấy đưa lên vị trí quan trọng của trang và chiếm một cỡ lớn nhất.

Chỉ dùng các ảnh có cùng kích thước khi chúng có cùng giá trị thông tin như nhau. Ví dụ ảnh chân dung của những người cùng trả lời một số câu hỏi khảo sát, ảnh của các nhân vật phỏng vấn bàn tròn...

Bỏ hẳn những ảnh không có thông tin

Nếu bạn thấy một bức hình không có nội dung và sự hấp dẫn thì gần như chắc chắn rằng không có độc giả nào nhận được thông tin, nội dung và sự hấp dẫn của bức ảnh đó. Điều đó có nghĩa bức ảnh đó không nên dùng trong số báo bạn đang trình bày và bạn hãy dũng cảm loại bỏ ngay khi đang lựa chọn.

Đôi khi gặp phải hoàn cảnh trên, bạn nên làm như sau thay vì dùng những ảnh minh họa:

+ Nên vẽ minh họa cho bài này.

+ Nên dùng một đoạn nội dung và mi với co chữ lớn hơn, khác biệt tạo thành một box có độ cao khoảng 4-5 cm để tránh gây mệt mỏi, choáng ngợp cho độc giả khi phải đọc một bài khá dài, toàn chữ là chữ và thiếu ảnh. Cách làm này còn giúp cho độc giả dễ dàng tìm lại được vị trí đang đọc dở khi vừa đọc vừa nghe điện thoại gọi đến hoặc đang đọc lại bỏ đi làm việc khác.

+ Nên dùng những tít xen.

Chú thích ảnh

Đó là một trong những phần chữ được đọc nhiều nhất trong toàn bộ tờ báo. Chú thích nên được đặt dưới hình ảnh và bắt đầu từ lề trái của ảnh.

Chú thích ảnh trong kho lưu trữ vô cùng quan trọng. Bức ảnh có thể tăng giá trị lên gấp nhiều lần khi được chú thích rõ ràng và đầy đủ thông tin. Nội dung của chú thích ảnh thường được đề cập tới nơi chụp, thời gian chụp và tên nhân vật nếu có. Ví dụ như một câu chuyện rất thành công của một nhà nhân chủng học người Phần Lan. Năm 1925 bà đến Palextin vào một làng nhỏ ở đó ghi chép tỉ mỉ những chi tiết về cuộc sống của những con người ở đây. Bà đã dùng máy ảnh nhỏ của mình để chụp những con người và bà đã ghi chép đầy đủ tên tuổi, thời gian và nơi chụp. Sau đó 75 năm bà quay lại đó và gặp lại người đàn bà nay đã 81 tuổi và người đàn ông 76 tuổi mà bà đã chụp cách đây 75 năm. Và qua đó bà đã làm được phóng sự ảnh rất đẹp về con người Palextin qua hai nhân vật này.

Cách chọn và cắt cúp ảnh

Tiêu chí:

+ Ảnh có nội dung

+ Chân thực (có xảy ra)

+ Phù hợp với nội dung bài

+ Chất lượng kỹ thuật tốt

+ Chú ý khi sử dụng cắt cúp

+ Hài hòa giữa tít và ảnh (nhìn ảnh tưởng tượng ra ngay tít)

Khi dùng ảnh chân dung, cấm kỵ cắt ngang hàng cằm. Trong trường hợp đặc biệt muốn thu hút độc giả tập trung vào mắt thì cắt hẳn qua hàm của nhân vật trong ảnh.

Chọn ảnh: Một bức ảnh kèm chú thích có thể nói lên rất nhiều nội dung, có thể thay thế hàng ngàn từ. Khác với hình động trên TV độc giả sẽ bỏ qua rất nhanh, các bức ảnh tận dụng tối đa thế mạnh của báo viết để lưu giữ lại lâu hơn trong tâm trí độc giả.

Biên tập ảnh: Khi biên tập hình ảnh, việc quan trọng là nhìn tổng thể cả trang báo theo cách của bạn đọc. Tận dụng những chuyển động và hướng nhìn trong các bức ảnh để tạo sự tập trung trong trang. Sau khi lựa chọn được ảnh, ta nên cắt cúp để nâng cao hiệu quả của ảnh. (Cắt cúp ảnh giúp hướng người xem tập trung vào trọng tâm nội dung của bức ảnh chứ không phải sửa nội dung)

+ Mạnh dạn cắt bỏ phần thừa không có nội dung. Tập trung vào trọng tâm (đặc biệt quan trọng đối với báo điện tử).

+ Không để nhân vật trở thành tàn tật. Khi cắt cúp chú ý: Không cắt ngang hông, không cắt ngang cằm, không cắt ngang đầu gối, không cắt ngang khuỷu tay...

+ Nghĩ đến cái động trong ảnh (nên để lại không gian ở phần chuyển động của ảnh).

+ Nên giữ lại đường chân trời nếu là ảnh phong cảnh
Nên để phần rộng hơn ở phía hướng nhìn của nhân vật (ảnh trái). Không nên cắt sát ở phía hướng nhìn của nhân vật (ảnh phải)

+ Thay đổi đường chân trời của một ảnh tĩnh, hiệu quả sẽ có được một ảnh đang chuyển động. Chú ý chỉ trong một số trường hợp cụ thể (ảnh bên).

Một bức ảnh ô tô đang đỗ được thay đổi đường chân trời làm cho bức ảnh trở nên động hơn như ô tô đang chuyển động

+ Giữ các nhân vật trong vị trí tập trung.

+ Nếu dùng nhiều ảnh chân dung trong một bài viết về một vấn đề, nên dùng kích cỡ ảnh bằng nhau và diện tích của mặt nhân vật cũng phải bằng nhau. Và nếu để ngang nhau trên một trang báo, ta phải chú ý mắt của nhân vật trong ảnh phải nằm trên một đường thẳng. Nên chú ý đến màu sắc trong các ảnh chân dung đó có tông màu không quá khác nhau để độc giả có cảm giác các nhân vật được phỏng vấn trong cùng một không gian và thời gian. Nên chuyển các ảnh đó về đen trắng cho cùng tông màu và dễ in ấn.

+ Đôi khi cắt ảnh khác thường để thu hút tầm nhìn của độc giả. Gây sự chú ý, tạo không gian sâu.

Một bức ảnh ô tô đag đỗ được thay đổi đường chân trời làm cho bức ảnh trở nên động hơn như ô tô đang chuyển động

+ Có thể chia một ảnh thành ba ảnh để gây ấn tượng thành một series ảnh liên tục.

+ Một ảnh có thể tạo thành nhiều ảnh để sử dụng nhiều lần. Mỗi phần nhỏ trong một bức ảnh tốt có những sắc thái khác nhau thể hiện nhiều nội dung khác nhau.

+ Khi cắt cúp cố gắng đưa nội dung quan trọng của ảnh hoặc phần nào mình muốn độc giả quan tâm thì nên để trung tâm đó đặt vào những điểm vàng trong ảnh. Lưu ý có 4 điểm vàng, thứ tự vị trí quan trọng được đánh theo số thứ tự.

+ Không nên dùng hình phản chiếu (xoay ngược ảnh) như trong ảnh bên phải, sẽ có rất nhiều hậu quả không tốt xảy ra. Như trong trường hợp này, chữ trong hình ảnh bị lật ngược không đọc được.

Vị trí đặt ảnh

Ảnh cần được đặt vào đúng trong cột cơ sở của trang báo. Luôn luôn căn lề của ảnh đúng vào lề của phần chữ. Nếu lề của ảnh bị chèn vào giữa những cột chữ sẽ gây cho độc giả thấy các cột chữ bị chèn ép, rất lộn xộn và khó theo dõi phần chữ.

Sắp xếp các ảnh cùng cấp độ thông tin vào cùng một vị trí trên trang.

Các bức ảnh nên hướng cho mắt người đọc tập trung vào trang: Khi đặt ảnh các nhân vật vào trang báo, nên chú ý đặt ảnh sao cho gương mặt của nhân vật trong ảnh hướng vào trang báo chứ không được hướng ra ngoài. Hoặc đối với những ảnh có hướng chuyển động thì hướng chuyển động đó được hướng vào trong trang chứ không quay ra ngoài trang. Vì độc giả khi nhìn theo hướng nhìn của nhân vật trong ảnh sẽ nhìn trượt ra ngoài trang nội dung và nguy cơ mất độc giả của trang báo đó là rất cao.
Vị trí đặt ảnh đúng là đặt vào vạch cơ sở của trang báo (ảnh trái). Ảnh không đặt vào vạch cơ sở là sai (ảnh phải)

Ảnh phải nhìn vào nội dung trang báo (ảnh trái). Ảnh nhìn ra khỏi nội dung trang báo là sai (ảnh phải)

(Theo cuốn "Những trang báo đẹp")

Theo Nội san Thông tấn, số 9/2011

Từ khóa » đây Là Gì * Hình ảnh Không Có Chú Thích